Trung Quốc: Thanh toán bằng gương mặt sẽ sớm thay thế mã QR?
Mã QR, hệ thống mã vạch do người Nhật phát minh, vô cùng phổ biến tại Trung Quốc nhờ thanh toán di động. Tuy nhiên, nó có nguy cơ ‘ thất sủng’ trước công nghệ xác thực gương mặt.
Thanh toán bằng nhận diện gương mặt tại cửa hàng bánh.
Tại một số thành phố Trung Quốc, nhiều thương gia, từ siêu thị đến tiệm bánh, đã ứng dụng công nghệ thanh toán bằng gương mặt từ Ant Financial và WeChat Pay để công đoạn trả tiền diễn ra nhanh hơn.
Công nghệ nhận diện gương mặt đưa thanh toán tiến lên một bước về sự tiện dụng cho khách hàng và tiềm năng mang đến làn sóng người dùng mới, những người không sành công nghệ. Đó là người già hay người gặp khó khăn về đọc và viết. Đối với doanh nghiệp, thanh toán bằng gương mặt được dự đoán nâng cao tính hiệu quả.
Alipay triển khai hệ thống nhận diện gương mặt Dragonfly vào tháng 12/2018 và từ đó mở rộng ra hơn 300 thành phố. WeChat Pay ra mắt thiết bị của mình 3 tháng sau đó, có thể quét gương mặt lẫn mã QR để thanh toán.
Nếu bước vào siêu thị CP Lotus tại Bắc Kinh ngày nay, bạn sẽ thấy quầy tính tiền trang bị máy tính bảng mang thương hiệu Alipay. Thu ngân kiểm tra các món hàng và nếu khách hàng chọn trả tiền bằng gương mặt, họ chỉ cần nhìn vào camera của máy tính bảng.
Chỉ trong vài giây, máy tính nhận ra họ là ai và tiền được trừ từ tài khoản Alipay. Đã xa rồi thời phải rút điện thoại ra, mở ứng dụng rồi quét mã QR để trả tiền.
Thanh toán gương mặt giúp họ tiết kiệm thời gian và thao tác. Họ không cần mang theo điện thoại để hoàn thành giao dịch.
Cuộc chiến giành thế thượng phong trên thị trường thanh toán gương mặt đang đến hồi gay cấn khi WeChat Pay và Alipay đang là kình địch trên thị trường thanh toán sôi động. Là hai nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, cùng nhau, họ chiếm tới 90% thị trường thanh toán di động Trung Quốc năm 2018.
Tại đại lục, WeChat Pay hưởng lợi từ ứng dụng nhắn tin WeChat với hơn 1 tỷ người dùng toàn cầu. Theo hãng nghiên cứu thị trường Ipsos, tỉ lệ sử dụng WeChat Pay là 89,2%, hơn Alipay với 69,5%. Tuy nhiên, khi nói tới lượng giao dịch, Alipay và WeChat Pay lại gần như tương đồng: WeChat Pay chiếm 45% tổng lượng giao dịch còn Alipay là 46%.
Video đang HOT
Alipay đang ráo riết thúc đẩy người dùng mới đăng ký sử dụng công nghệ thanh toán bằng gương mặt để dẫn trước WeChat Pay. Các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống thanh toán gương mặt cũng được hưởng lợi nhờ tăng hiệu quả và giảm nhân lực.
Chẳng hạn, Alipay cung cấp giải pháp như máy tính tiền và bán hàng tự động, sử dụng công nghệ quét gương mặt để thanh toán. Từ đó, doanh nghiệp giảm được nhân viên thu ngân và giảm thời gian cần để hoàn thành giao dịch.
Thanh toán bằng gương mặt ngoài bản chất là xu hướng công nghệ mới nhất, nó còn phục vụ mục đích khác: đó là phục vụ đối tượng người dùng không am hiểu công nghệ. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới (1,4 tỷ người) nhưng chỉ có 829 triệu người dùng, tương đương 60% dân số, kết nối Internet.
Nói đến thanh toán di động, con số chỉ còn 40% dân số Trung Quốc – hay 583 triệu người dùng. Trong số 562 triệu người chưa được kết nối Internet vào cuối năm 2018, hơn 87 triệu người chỉ ra thiếu kỹ năng máy tính, không biết dùng phiên âm là lý do ngăn họ lên mạng, theo báo cáo của Trung tâm mạng lưới thông tin Internet Trung Quốc.
Vì vậy, dù Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về Internet di động, việc nhiều người dân không thể kết nối lại là một vấn đề. Họ có ứng dụng cho mọi thứ – dù là mua hàng qua mạng, gọi taxi, đặt đồ ăn, trả hóa đơn. Trung Quốc hiện đại tới nỗi một số nhà hàng còn không dùng thực đơn truyền thống mà dán mã QR trên bàn để thực khách quét mã và gọi món.
Với những người già gặp khó khăn trong thanh toán mã QR, họ sẽ thấy nhận diện gương mặt là phương thức dễ hơn. Bổ sung phương thức này sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiếp cận phân khúc người dùng mới mà trước đây khó tiếp cận.
Trong thời điểm hiện tại, thanh toán bằng gương mặt vẫn chưa phải phương thức mặc định tại Trung Quốc và phổ biến hơn tại các siêu thị hơn là nhà hàng và cửa hàng tiện ích. Song, thanh toán sinh trắc học có thể sớm trở nên quen thuộc và là tương lai của thanh toán tại đây.
Từ tiền mặt, thẻ tín dụng tới mã QR, lịch sử đã chứng minh phương thức nào thuận tiện nhất sẽ trở thành xu thế.
Theo ICTNews
'Không nên lo lắng khi các Fintech nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam'
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phi tiền mặt không phải là một nguy cơ cho ngân hàng, ngược lại bổ sung tốt cho hệ thống ngân hàng hiện nay.
Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV)
Thị trường thanh toán còn nhiều tiềm năng của Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhòm ngó. Hàng trăm triệu USD đã được nhà đầu tư ngoại đổ vào Fintech [công nghệ tài chính-pv] Việt Nam thời gian qua. Hàng loạt các Fintech đình đám trên thế giới như Alipay, Wechat Pay, Grab và sắp tới có thể là Facebook, Google... đã và đang đặt chân vào Việt Nam.
"Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và có ý định mua lại một số Fintech tốt của Việt Nam bởi tiềm năng thị trường rất lớn," ông Varun Mital, lãnh đạo Khối Fintech khu vực ASEAN của Ernst&Young chia sẻ.
Không nên lo lắng
Từ tháng 11/2018, Grab bắt đầu triển khai dịch vụ ví điện tử GrabPay by Moca thông qua việc hợp tác với Moca (đơn vị có giấy phép ví điện tử) để "hợp thức hóa" dịch vụ trung gian thanh toán không có giấy phép của mình. Từ đây, Grab lộ rõ tham vọng nhảy vào lĩnh vực tài chính - mảng kinh doanh nhạy cảm và có ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ và xã hội của Việt Nam như cho vay trả góp, truyền thông số. GrabPay by Moca cho phép người dùng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ Grab, chuyển tiền ngang hàng, nạp tiền điện thoại, thanh toán tại cửa hàng, trả hóa đơn...
Trước đó, Grab đã đưa Grab Pay vào thanh toán nhưng đã bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt hơn 1 tỷ đồng cho hành vi "lách luật," trốn thuế, kinh doanh trái phép...
Trước làn sóng đổ bộ dồn dập của Fintech ngoại, không ít người lo ngại, kho dữ liệu thông tin khách hàng, tài khoản ngân hàng, dữ liệu giao dịch mà Grab, Google hay Facebook đang được lưu trữ trong máy chủ của các đơn vị này tại Việt Nam sẽ bị rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài mà không phải là các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng không nên lo sợ bị cạnh tranh vì khi nền kinh tế lành mạnh hơn thì phương thức thanh toán phi tiền mặt sẽ giảm nhiều chi phí không cần thiết, giảm thiểu rủi ro, từ đó các ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi trong nền kinh tế phi tiền mặt.
"Mặc dù có sự cạnh tranh và lấy đi phần nào thị phần thanh toán của ngân hàng nhưng các ngân hàng vẫn là bên được hưởng lợi từ nền kinh tế phi tiền mặt này," ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu phân tích thêm, việc người dân sẽ thanh toán nhiều hơn qua tất cả các phương tiện phi tiền mặt họ sẽ dần dần cải thiện được thói quen dùng tiền mặt. Điều này khiến các ngân hàng giảm chi phí hơn trong việc phải giữ một lượng tiền mặt lớn trong ngân hàng và tại các máy ATM, rồi việc bảo trì, bảo hiểm... Bên cạnh đó, người dân cũng sẽ không rút nhiều tiền mặt như hiện nay.
"Có lẽ việc có nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phi tiền mặt không phải là một nguy cơ cho ngân hàng, ngược lại bổ sung tốt cho hệ thống ngân hàng hiện nay," vị chuyên gia này bày tỏ quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng đưa ra lập luận, thực ra doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cũng như nhau. Hiện nay, ngành ngân hàng rõ ràng đang phải tính đến các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các món nhỏ. Nhìn chung sẽ có những đối thủ cạnh tranh rất mạnh, họ nắm nhiều dữ liệu thông tin về khách hàng rất đông đảo. Ví dụ VNPT cũng đã cho ra đời VPNT Pay, Viettel cho ra đời Viettel Pay... Các tập đoàn này không những có dữ liệu khách hàng mà họ còn có các kênh đang giao dịch sẵn với khách hàng.
Thanh toán bằng QR Code đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. (Ảnh: CTV)
'Bắt tay' để phát triển
Cũng theo ông Tùng, Grab cũng như vậy. Doanh nghiệp này đã có một nền tảng, thực ra số lượng khách hàng của Grab không thể so với VNPT, MobiFone hay Viettel được, đây là những công ty sở hữu số lượng khách hàng đông đảo và nắm bắt được thị hiếu người dùng Việt. Sau này, thị trường có thể có thêm những công ty khác như EVN... cũng có thể khai thác dịch vụ tương tự với khách hàng của mình.
"Nếu các ngân hàng không tính đến câu chuyện này thì sẽ là sai lầm khi thị phần được chia sẻ từ các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán. Trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước cũng thông qua chủ trương cho một số công ty công nghệ được mở trung gian thanh toán. Còn đối với Grab, đơn vị này có thế mạnh năng lực về quản trị, kinh nghiệm về thị trường, khả năng sáng tạo được những sản phẩm mới... Tất cả những cái đó tạo thành sức cạnh tranh mạnh lớn mạnh trên thị trường," ông Tùng nhận định.
Một lãnh đạo ngân hàng khác cũng chia sẻ, mỗi nhà băng sẽ có chiến lược riêng, cũng có thể có những ngân hàng ít quan tâm khi đã có những phân khúc khách hàng riêng. Lãnh đạo này lập luận, Fintech có mạnh gì thì mạnh cũng không bao giờ cho được doanh nghiệp vay và đây là vùng đất riêng của ngân hàng.
Riêng với OCB, ông Tùng cho hay ngân hàng này sẽ hợp tác với các công ty Fintech vì rõ ràng đây là xu hướng để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Đây là cơ sở để ngân hàng và các công ty Fintech tìm đến nhau.
Ông Tùng nhấn mạnh: "Quan điểm của chúng tôi là bình thường vì coi đó là thách thức trong cạnh tranh của mình cũng là động lực để ngân hàng luôn sáng tạo, phát triển cái mới và cũng phải nhìn nhận rằng sự thay đổi đó sẽ tạo ra nhu cầu của người dùng. Nếu như muốn phục vụ khách hàng tốt hơn thì phải có những sản phẩm tốt hơn. Đơn giản như dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking đã ra đời hàng chục năm rồi nhưng khi có sự ra đời của các công ty Fintech buộc các ngân hàng phải nâng cấp, nâng cao trải nghiệm của người dùng và làm cho người dùng cảm thấy thỏa mãn hơn."
Bên cạnh đó, CEO của OCB cũng kiến nghị, để khách hàng hài lòng với dịch vụ thì các ngân hàng phải tích cực đổi mới công nghệ như đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào để phục vụ khách hàng kịp thời hơn, song phải đảm bảo chi phí của ngân hàng không bị gia tăng một cách không cần thiết.../.
Theo viet nam plus
Vietcombank triển khai dịch vụ thanh toán QRCODE liên ngân hàng Với mong muốn nâng cao hơn nữa sự tiện lợi của khách hàng, từ ngày 04/5/2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục nâng cấp, mở rộng dịch vụ thanh toán QRCode liên ngân hàng. Trong thời đại công nghệ 4.0, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được sử dụng rộng rãi bởi sự tiện...