Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng cho hoạt động ở Biển Đông
Trung Quốc sẽ gia tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng cho hoạt động của quân đội nước này tại Biển Đông như một phần của nỗ lực mà Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát khu vực này.
Hải quân Trung Quốc sẽ được phần nhiều của ngân sách quốc phòng cho các hoạt động ở Biển Đông – Ảnh minh họa: Bloomberg
Chính phủ Trung Quốc lên kế hoạch gia tăng cho chi tiêu ngân sách quốc phòng, đặc biệt cho hoạt động quân sự của nước này ở Biển Đông. Kế hoạch này sẽ được Bắc Kinh công bố vào tháng 3.2016 trong cuộc họp thường niên của quốc hội, theo Reuters ngày 16.2.
Việc gia tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng dự kiến của Bắc Kinh còn nhằm mục tiêu đối phó với Đài Loan trước chính sách cứng rắn của đảng đối lập vừa mới giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 1.2016 và để trấn an giới quân sự Trung Quốc sau khi cắt giảm đáng kể lực lượng quân đội nước này.
Một nguồn tin có quan hệ với quân đội Trung Quốc nói với Reuters rằng kế hoạch tăng 30% chi tiêu quốc phòng trong năm 2016 đã được đưa ra bàn thảo trong giới quân sự dù mức tăng này là khó khả thi. Năm 2015, chi tiêu ngân sách của Trung Quốc đã tăng hơn 10%, cao hơn tăng trưởng GDP của nước này.
Video đang HOT
Theo Reuters, Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã “kích động” khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông bằng những hành động gây căng thẳng cho cả vùng, đang thực hiện kế hoạch hiện đại hóa và tái cấu trúc các lực lượng quân đội, sau khi đã cắt giảm 300.000 quân.
Việc cải tổ gây tranh cãi và bất bình trong binh lính và cả tướng lĩnh trước nguy cơ bị sa thải. “Ông Tập đang cố giữ họ ở bên phe của ông khi có nhiều bất đồng, bất mãn ở các tầng lớp của quân đội”, nguồn tin của Reuters giải thích.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối đưa ra bình luận về kế hoạch gia tăng ngân sách quốc phòng khi được hỏi.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2015 là khoảng 886,9 tỉ nhân dân tệ – tương đương 136,4 tỉ USD, bằng 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ, nhưng tốc độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc diễn ra rất nhanh, gia tăng 2 con số mỗi năm.
Trong cuộc đua tranh giành quyền kiểm soát ở Biển Đông, nhất là khi có sự can thiệp ngày càng gia tăng của Mỹ, Bắc Kinh đứng trước áp lực bảo vệ việc đòi hỏi chủ quyền vô lý của mình ở vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên này. Việc tăng ngân sách quốc phòng cho các hoạt động quân sự ở Biển Đông là không thể tránh khỏi trong chiến lược của Bắc Kinh.
Jia Qingguo, giáo sư quan hệ quốc tế của trường Đại học Bắc Kinh, người có nhiều đóng góp, tư vấn cho chính phủ Trung Quốc, nhận định gia tăng ngân sách quốc phòng là ưu tiên của quân đội nước này.
“Các cuộc tập trận, cải cách quân đội và tăng cường công tác quốc phòng đòi hỏi rất nhiều chi tiêu. Hải quân được xem quan trọng hơn cả và hoạt động ở Biển Đông chắc chắn có ảnh hưởng đáng kể vào chi tiêu của quân đội”, ông Jia nói.
Bên cạnh đó, Đài Loan, đang được điều hành bởi đảng Tiến bộ dân chủ của bà Thái Anh Văn, luôn tìm kiếm cơ hội độc lập cho lãnh thổ này khiến Bắc Kinh không thể làm ngơ và cần tăng cường răn đe bằng sức mạnh quân sự. Để làm điều này, quân đội Trung Quốc cần thêm tiền.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Australia sẽ chất vấn Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop muốn yêu cầu một "lời giải thích thấu đáo" từ phía Trung Quốc về những dự án xây đảo nhân tạo phi pháp của nước này trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop. Ảnh: SMH
Bà Bishop hôm qua bắt đầu lên máy bay thực hiện chuyến thăm hai nước Nhật Bản và Trung Quốc. Ngoại trưởng Australia cho biết bà dự định thúc giục Trung Quốc mạnh tay hơn nữa nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên sau khi nước này hơn một tuần trước tiến hành phóng tên lửa tầm xa, bất chấp cảnh báo của quốc tế, theo Sydney Morning Herald.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Australia nhấn mạnh, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, bà sẽ yêu cầu đối phương đưa ra lời giải thích về mục đích sử dụng những công trình trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trong vùng biển tranh chấp.
"Tôi sẽ tập trung vào các vấn đề như Trung Quốc có kế hoạch làm gì với những công trình ở đấy, chúng ta sẽ được thấy gì từ những ngọn hải đăng cùng các cơ sở trên đó", bà Bishop cho hay. "Tôi muốn đẩy những câu hỏi này đi xa hơn nếu có thể".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ hồi năm ngoái khẳng định nước này không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ông Vương Nghị cũng từng nói đường băng và các công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông chủ yếu chỉ nhằm phục vụ các sứ mệnh "nhân đạo". Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá khả năng Trung Quốc quân sự hóa chúng là rất lớn.
Trung Quốc có thể sẽ triển khai những phương tiện tình báo, giám sát, và trinh sát (ISR) tới các các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông hay bố trí ở đây các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) và tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), đe dọa máy bay, tàu hải quân Mỹ và đồng minh trong khu vực cũng như các bên có tranh chấp chủ quyền khác. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có thể sử dụng các đường băng và những cảng nước sâu tại những đảo nhân tạo phi pháp này để hỗ trợ các hoạt động của hải quân và không quân vươn ra ngoài Biển Đông.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Đối phó Nga, Lầu Năm Góc tăng gấp 4 lần ngân sách tại châu Âu Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đề xuất quốc hội thông qua khoản ngân sách quốc phòng 582 tỉ USD cho năm tài chính 2017. Đây là một phần của chiến lược nhằm chống lại sự cạnh tranh quân sự của Nga và Trung Quốc, cũng như bao gồm việc tăng chi tiêu quân sự...