Trung Quốc sẽ cho Triều Tiên “ra rìa”?
Khi đặt chân đến Seoul hôm 3/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phá vỡ truyền thống tới Triều Tiên trước sau khi nhậm chức.
“Đây rõ ràng là một sự khước từ với Kim Jong-un”, hãng tin CNN dẫn lời ông David Kang, giáo sư về kinh doanh và quan hệ quốc tế của trường Đại học Nam California (USC), nhắc tới người đứng đầu chính quyền Bình Nhưỡng.
Chuyến công du Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình sẽ khiến Bình Nhưỡng chú ý.
Ông Tập Cận Bình sẽ thăm Hàn Quốc trong 2 ngày để thảo luận về thương mại và các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có chủ đề Triều Tiên. Thương mại giữa hai nước đạt mức hơn 270 tỷ USD trong năm 2013. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chính của Hàn Quốc.
Video đang HOT
Kể từ khi ông Tập Cận Bình và bà Park Geun-hye nhậm chức, hai nước đã củng cố quan hệ song phương, với một số lợi ích chung về kinh tế và chính trị. Đặc biệt, hai nhà lãnh đạo đã cùng bày tỏ lo ngại giống nhau về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Cả Bắc Kinh và Seoul đều cam kết sẽ giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, khi nguyên thủ hai nước gặp nhau tại một hội nghị hạt nhân ở Hà Lan hồi tháng 3.
Nhưng mối quan hệ ngày càng thắt chặt đó có thể khiến Bình Nhưỡng lo ngại.
Theo các nguồn tin Hàn Quốc, sáng ngày 2/7, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa tầm ngắn từ bờ biển phía đông. Trước đó vài ngày, nước này cũng đã bắn thử “nhiều vật thể phóng”, làm dấy lên đồn đoán rằng, đó có thể là cách Bình Nhưỡng thể hiện sự không hài lòng với cuộc gặp sắp tới ông Tập và bà Park.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông không thấy có bất kỳ mối liên hệ nào giữa các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên với chuyến công du Hàn Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trước việc quan hệ Trung Hàn ngày càng gần gũi, “Triều Tiên đang lo ngại nước này có thể bị cô lập ở Đông Bắc Á”, Kim Hankwon – Giám đốc Trung tâm Các Nghiên cứu khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul – nhận định.
Triều Tiên đã bắt đầu các cuộc hội đàm với Nhật Bản và đạt được nhiều thỏa thuận kinh tế với Nga. Thực tế này, theo Kim Hankwon, cho thấy ông Kim Jong Un đang cố gắng “giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng đã nhiều lần thử thách sự kiên nhẫn của Bắc Kinh.
“Hầu hết các khiêu khích của Triều Tiên đều gây hại cho các lợi ích về quân sự và an ninh của Trung Quốc”, ông Hankwon nói thêm. “Mỹ đã tăng cường ảnh hưởng quân sự và an ninh ở Đông Bắc Á – mà lý do cơ bản của họ là mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.
Việc Mỹ gia tăng vai trò ở phía đông châu Á cũng khiến Trung Quốc bực bội.
Bất kể những điều Bắc Kinh không hài lòng với Triều Tiên, có thể sẽ không có nhiều thay đổi trong mối quan hệ đồng minh kéo dài đã nhiều năm giữa hai nước, theo ông Kim Hankwon. “Trung Quốc tức giận trước những khiêu khích quân sự của Triều Tiên nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc đã thay đổi chiến lược về Triều Tiên”.
Chuyên gia này bình luận thêm. “Bắc Kinh đã cố gắng đạt được một mối quan hệ cân bằng với cả hai miền Triều Tiên, bàn bạc với miền Nam về các vấn đề kinh tế và với miền Bắc về các chủ đề chính trị”.
Ngoài chuyện Triều Tiên, Trung Quốc và Hàn Quốc còn có điểm chung là không tin tưởng Tokyo. “Trung Quốc và Hàn Quốc có chung một số vấn đề liên quan đến Nhật Bản, trong đó có vấn đề nô lệ tình dục và việc Thủ tướng Shinzo Abe thông báo giải thích lại hiến pháp hòa bình”, giáo sư Kang của USC nói.
Hôm 1/7, Thủ tướng Abe xác nhận việc “diễn giải lại” hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản, cho phép quân đội nước này tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài. Cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều bày tỏ lo ngại.
Hai nước vốn đã bất bình với cách thức Nhật Bản giải quyết vấn đề lịch sử, đặc biệt là về việc những phụ nữ bị quân đội Nhật bắt làm nô lệ tình dục trước và trong thời kỳ Thế chiến II. Hai bên cũng dính đến tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản đối với các quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Dokdo/Takeshima.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet