Trung Quốc ráo riết vận động hành lang vụ kiện ‘đường lưỡi bò’
Dù tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc và không tham gia vụ kiện của Philippines nhưng Trung Quốc vẫn đẩy mạnh “vận động hành lang” để giành giật lợi thế, chuyên gia nhận định.
Tàu Trung Quốc hồi tháng 4 hoạt động tại bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS
Từ ngày 7/7, Tòa trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) tại The Hague, Hà Lan, bắt đầu mở phiên tranh tụng đầu tiên về vấn đề thẩm quyền của tòa và xem xét vụ kiện của Philippines đối với yêu sách “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền với khoảng 90% diện tích Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn” nước này tự đưa ra, đi vào sát bờ của các nước như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Dù Trung Quốc liên tục tuyên bố không tham gia vụ kiện cũng như không chấp nhận phán quyết của PCA nhưng theo giới phân tích, Bắc Kinh vẫn tích cực “vận động hành lang” hòng giành về cho mình thật nhiều lợi thế. Đại sứ quán Trung Quốc tại The Hague còn thành lập hẳn một đường dây liên lạc chính thức với tòa án.
Sau khi kiểm tra lại các tuyên bố và quy định của PCA, hãng thông tấnReuters xác định Trung Quốc có thể liên lạc với tòa án thông qua đại sứ quán ở The Hague. Tòa án này cũng thường cập nhật cho phía Trung Quốc các diễn biến mới nhất của quá trình xét xử cũng như những cơ hội để nộp tờ trình.
Video đang HOT
Chuyên gia pháp lý quốc tế và học giả nghiên cứu về Biển Đông cho biết, từ tháng 1/2013, khi Philippines đệ đơn lên PCA, đến nay, Trung Quốc vẫn theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của vụ kiện, đồng thời triển khai một cách hiệu quả những động thái không chính thức để xử lý tình hình.
“Có những dấu hiệu cho thấy hội đồng xét xử đang nghiêng sang hướng cân nhắc các lợi ích của Trung Quốc và dường như sẽ đưa ra một phán quyết ngang ngửa” cho cả đôi bên, ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhận định.
Philippines cách đây hơn hai năm nộp đơn lên PCA đề nghị xác nhận “đường 9 đoạn” của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Nhưng Trung Quốc lại lập luận rằng bản chất của vụ kiện là về chủ quyền vì thế vấn đề trên không thuộc thẩm quyền của PCA. Do đó, phiên tranh tụng lần này trước hết nhằm giải quyết khúc mắc quanh việc PCA có quyền hạn xét xử đơn kiện của Manila hay không.
Theo ông Storey, quá trình tranh tụng về thẩm quyền của PCA nhiều khả năng sẽ khiến phán quyết cuối cùng của tòa án bị trì hoãn từ 6 tới 12 tháng, thậm chí là đến khi nhiệm kỳ của Tổng thống Phillipines Benigno Aquino kết thúc vào tháng 6 năm sau.
Điều này mang tới một bất lợi khác cho Philippines bởi ông Aquino là người ủng hộ mạnh mẽ và có vai trò rất quan trọng trong vụ kiện của Manila đối với Bắc Kinh. Ông từng khiến giới lãnh đạo Trung Quốc vô cùng tức giận khi so sánh hành vi bành trướng của nước này ở Biển Đông giống với hành động của phát xít Đức trong Thế chiến II. Tuy nhiên người được dự đoán sẽ kế nhiệm ông Aquino dường như có thái độ mềm mỏng hơn về ván đề này.
Trung Quốc được cho là sẽ bác bỏ đến tận cùng mọi phán quyết có lợi cho Philippines. Theo ông Zha Daojiong, nhà khoa học chính trị tại Đại học Bắc Kinh, chiến lược không theo vụ kiện sau đó phủ nhận mọi quyết định của tòa đã được Bắc Kinh lên kế hoạch từ trước. “Nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, mọi phán quyết cũng chỉ như một ý kiến mà thôi”, ông Zha bình luận.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc “vận động hành lang” của Trung Quốc không thể khiến các thẩm phán ủng hộ Bắc Kinh hoàn toàn. “Họ sẽ công bằng hết mức có thể. Có lẽ họ đều hiểu rằng Trung Quốc sẽ soi mói từng câu chữ trong bản phán quyết cuối cùng”, Reuters dẫn lời một chuyên gia pháp lý am hiểu vụ kiện, nhận xét.
Vũ Hoàng
Theo Reuters
Vụ Philippines kiện Trung Quốc: Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông
"Chúng tôi không lựa chọn đứng về phía nào trong các tuyên bố chủ quyền, chúng tôi lựa chọn đứng về cách họ giải quyết tranh chấp", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khi được hỏi về phiên điều trần vụ Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Một chiếc xuồng của ngư dân Philippines đi ngang tàu đổ bộ USS Green Bay của Hải quân Mỹ đang tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines gần bãi cạn Scarborough. Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp bãi cạn này - Ảnh: AFP
Tờ The Philippines Star (Philippines) hôm nay 9.7 trích dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Mỹ không tác động vào bất kỳ nước nào đang có tranh chấp ở Biển Đông.
"Chúng tôi sẽ không đưa ra mệnh lệnh, chỉ dẫn để dẫn tới một giải pháp pháp lý nào. Đó là quyền quyết định của chính phủ các nước liên quan", người phát ngôn John Kirby trả lời khi được hỏi nhận định của Washington đối với tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông đang được Tòa án trọng tài quốc tế xem xét.
Mỹ cho biết không đứng về phía nào trong vụ kiện tụng này ngay cả đối với đồng minh của mình. "Chúng tôi không lựa chọn đứng về phía nào trong các tuyên bố chủ quyền, chúng tôi lựa chọn đứng về cách họ giải quyết tranh chấp và chúng tôi mong muốn họ giải quyết theo đúng luật, hòa bình và bằng các phương thức ngoại giao", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói tiếp.
Giới quan sát cho rằng dù Washington tuyên bố không lựa chọn đứng về phe nào, nhưng Mỹ nhiều lần ra mặt chỉ trích Bắc Kinh gây hấn và xây dựng phi pháp trên Biển Đông.
Phiên điều trần tại Tòa trọng tài quốc tế bắt đầu từ hôm 7.7. Philippines tố cáo Trung Quốc gây hấn và xâm phạm chủ quyền của Philippines. Manila kêu gọi Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Theo báo The Strait Times (Singapore), cho dù Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, thắng lợi này chỉ mang tính biểu tượng, vì Trung Quốc từng tuyên bố không chấp nhận phán quyết đó. Tuy nhiên, thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, Antonio Carpio cho rằng một phán quyết có lợi cho Manila sẽ khiến Bắc Kinh bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế. Còn theo CNN, nếu Bắc Kinh bác bỏ một phán quyết có lợi cho Philippines, cộng đồng quốc tế có thể sẽ gây áp lực để buộc họ tuân theo.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Philippines 'tố' Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông Trong phiên tranh tụng trước Tòa trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan) ngày 8.7, Philippines cho biết những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông là phi pháp, đồng thời cảnh báo những hành động của Trung Quốc ngày càng "hung hăng". Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario cảnh...