Trung Quốc ráo riết lập ‘con đường tơ lụa’ vaccine Covid-19
Trung Quốc đang hoàn tất những mảnh ghép cuối cùng cho kế hoạch cung cấp vaccine Covid-19 đến các nước đang phát triển nhằm củng cố vị thế quốc gia.
Chính phủ, các công ty quốc doanh cùng doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc suốt nhiều tháng qua đã chuẩn bị nền tảng cho chương trình tiêm vaccine Covid-19 từ châu Phi, Trung Đông cho đến Mỹ Latin. Họ xây dựng một chuỗi cung ứng đặc biệt, kiểm soát nhiệt độ cho các lô hàng vaccine từ nơi sản xuất, xuyên suốt qua mọi khâu vận chuyển đến điểm phân phối. Bắc Kinh còn ví von đây là “ Con đường Tơ lụa Y tế”.
Trong khi chính phủ Mỹ cùng các nước châu Âu còn trong cảnh “chuyện nhà chưa yên”, Bắc Kinh có thể đóng vai cứu tinh cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống đại dịch. “Trung Quốc có cơ hội ‘cùng thắng’ thật sự nếu họ chọn làm đúng”, Ray Yip, chuyên gia y tế cộng đồng và là cựu giám đốc khu vực Trung Quốc của Quỹ Bill và Melinda Gates, chia sẻ.
Máy bay vận tải của Ethiopian Airlines đưa trang thiết bị y tế từ Trung Quốc về nước vào tháng 3/2020. Ảnh: AP .
Chính phủ Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump đã tập trung thu vén nguồn cung vaccine cho nhu cầu trong nước. Washington cũng từ chối tham gia Covax, một chương trình đa quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ với mục tiêu cung cấp vaccine để 20% dân số các nước đang phát triển được tiêm ngừa trước cuối năm 2021. Phải đến nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden, Mỹ mới tuyên bố rót quỹ 4 tỷ USD cho Covax, trong đó 2 tỷ USD sẽ được giải ngân ngay lập tức.
Bắc Kinh đã đi trước Washington hơn nửa năm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ tháng 6/2020 đã tuyên bố sẽ đưa vaccine đến châu Phi. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 1 còn có chuyến công du 5 nước tại châu lục này. Khi gửi thông điệp mừng năm mới, ông tái khẳng định việc phân phối vaccine ở châu Phi là một trong những ưu tiên của Bắc Kinh trong 2021.
Video đang HOT
Tuần này, hơn một triệu liều vaccine Covid-19 sẽ được chuyển tới sân bay Ethiopia. Vaccine do công ty Trung Quốc chế tạo sẽ được đưa vào kho lạnh với kích thước như một sân bóng đá. Chúng được giám sát bởi kỹ thuật viên Trung Quốc cùng Ethiopia, với tuyến đường phân phối qua Uganda rồi tỏa đi khắp châu Phi.
Trung Quốc đang nắm giữ chìa khóa quan trọng cho bài toán cung cấp vaccine đến các nước đang phát triển ở châu Phi. Có ba loại vaccine được các công ty Trung Quốc phát triển (Sinopharm, Sinovac Biotech và CanSino Biologics) đều dựa trên những phương pháp điều chế truyền thống, khác với hai vaccine hàng đầu trên thị trường của các hãng dược phương Tây.
Thay vì cần cất trữ trong điều kiện siêu lạnh, vaccine Trung Quốc chỉ cần được bảo quản trong điều kiện lạnh thông thường. Đặc điểm này khiến chúng dễ vận chuyển hơn cho châu Phi và nhiều nước đang phát triển, vốn thiếu điều kiện về cơ sở hạ tầng.
Vaccine của Sinopharm được đưa đến sân bay quốc tế Cairo, Ai Cập hôm 23/2. Ảnh: Reuters.
Ngày 7/1, quần đảo Seychelles đã bắt đầu chương trình tiêm chủng với 50.000 liều vaccine Sinopharm, được hỗ trợ bởi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Số vaccine này đủ tiêm ngừa cho một nửa dân số đảo quốc chiến lược trên Ấn Độ Dương, vốn đang là mục tiêu tranh giành ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ngày 15/2, Zimbabwe cũng nhận khoảng 200.000 liều vaccine Sinopharm do Trung Quốc gửi tặng. Món quà tương tự từ Trung Quốc đã được gửi đến Senegal trong tháng này.
Chiến lược ngoại giao vaccine của Trung Quốc vẫn tiềm ẩn rủi ro. Các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Trung Quốc nhìn chung có tỷ lệ hiệu quả từ 50,4% đến 86%, cao hơn mức sàn 50% mà WHO đề nghị. Điều gây lo ngại là các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc không công bố chi tiết cách các nhà khoa học của họ tính toán mức hiệu quả cho sản phẩm.
Nhiều chuyên gia y tế công cộng đã khuyến cáo chính phủ các nước không vội vàng sử dụng vaccine Trung Quốc, đặc biệt lưu ý đến việc tiêm phòng cho người cao tuổi.
Giới phân tích chính sách cũng cho rằng Bắc Kinh đang hứa hẹn quá nhiều trong một lĩnh vực mà họ không có nhiều kinh nghiệm. Chỉ cần một sai lầm liên quan đến vaccine, uy tín của Trung Quốc có thể chịu tác động nghiêm trọng.
Theo hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics, các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc đã ký hợp đồng cung cấp hơn 500 triệu liều vaccine xuất khẩu. Indonesia là khách hàng lớn nhất, với khoảng 125 triệu liều Sinovac.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 20 quốc gia đang sử dụng vaccine của nước này. Bắc Kinh cũng đang thảo luận cung cấp vaccine cho thêm 60 quốc gia. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Trung Quốc khó lòng đáp ứng kịp thời nhu cầu trong lẫn ngoài nước, trong khi Trung Quốc mới tiêm chủng được 3% trên tổng dân số 1,4 tỷ dân.
Trung Quốc xây dựng 'Con đường Tơ lụa Số' trài dài từ Á sang Phi
Đoạn cuối cùng nằm trong tuyến cáp quang xuyên biên giới của Trung Quốc sẽ được đặt tại Pakistan nhằm tạo ra Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR).
Sáng kiến của Trung Quốc ít chú trọng hơn vào cơ sở hạ tầng nặng truyền thống mà tập trung nhiều vào hợp tác công nghệ cao. Ảnh minh họa: Pixabay.com
Theo tạp chí Nikkei Asia, DSR là một phần trong Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) của Trung Quốc.
Tuyến cáp quang này sẽ được nối với tuyến cáp quang ngầm "Pakistan Đông Phi Kết nối Châu Âu" (PEACE) tại Biển Arab, nhằm phụ vụ các quốc gia tham gia BRI và châu Âu. Hiện tuyến cáp quang này nằm giữa thành phố Rawalpindi và các thành phố cảng Karachi cùng Gwadar của Pakistan. Dự án với tổng chi phí đầu tư là 240 triệu USD, có đối tác là Tập đoàn Công nghệ Huawei, đã nhận được phê duyệt từ Chính phủ Pakistan vào tuần trước.
Tiến trình đặt cáp quang tại vùng biển Pakistan sẽ bắt đầu từ tháng 3 tới, sau khi chính phủ nước này cấp phép cho Cybernet - một nhà cung cấp mạng địa phương - chịu trách nhiệm xây dựng trạm đầu mối cáp Biển Arab tại Karachi.
Trước đó, tuyến cáp Địa Trung Hải đã được xây dựng, kéo dài từ Ai Cập tới Pháp. Tuyến cáp dài 15.000 km dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Tuyến cáp PEACE sẽ cung cấp đường truyền Internet trực tiếp ngắn nhất giữa các quốc gia tham gia BRI và sẽ giảm đáng kể tốc độ truyền dữ liệu Internet. Nó được kỳ vọng sẽ giúp Pakistan giảm thiểu nguy cơ mất mạng do cáp ngầm bị hỏng bằng cách cung cấp thêm một tuyến đường kết nối Internet.
Theo Eyck Freymann - tác giả cuốn sách "Vành đai, Con đường: Sức mạnh Trung Quốc đáp ứng nhu cầu thế giới", BRI đang phát triển để ít chú trọng hơn vào cơ sở hạ tầng nặng truyền thống mà tập trung nhiều hơn vào hợp tác công nghệ cao và dịch vụ kỹ thuật số.
Ông nhận định "Bắc Kinh muốn thống trị cơ sở hạ tầng vật lý nền tảng cho truyền thông toàn cầu, đặc biệt là Internet. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho họ trong việc quốc tế hóa lĩnh vực công nghệ và theo đuổi các thỏa thuận liên quan đến công nghệ trong tương lai với các nước đối tác".
Sáng kiến BRI đầy tham vọng trị giá hàng nghìn tỷ USD được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm 2013, nhằm mục đích thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa Đông Á, Châu Âu và Đông Phi. Theo tính toán của các chuyên gia, sáng kiến này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đáng kể thương mại toàn cầu, cắt giảm một nửa chi phí giao dịch cho các quốc gia liên quan.
Chàng trai đạp xe 15.000 km từ Trung Quốc trở về Anh Đối với anh Josh Reid thì đạp xe không chỉ là môn thể thao giải trí hay rèn luyện sức khỏe. Anh đã đạp xe theo cách mà ít ai dám thử. Anh đến Trung Quốc mua chiếc xe đạp và đạp 15.000 km trở về Anh. Anh Josh Reid đạp xe 15.000 km từ Trung Quốc trở về Anh trong 4 tháng...