Trung Quốc nói Hong Kong đang trong ‘thời điểm nguy kịch’
Bắc Kinh cảnh báo tình trạng bạo lực leo thang của người biểu tình chống chính quyền và chống cảnh sát ở Hong Kong cho thấy những dấu hiệu khủng bố
Trung Quốc ngày 12/8 đưa ra cảnh báo về tình trạng biểu tình bạo lực ở Hong Kong và một lần nữa tuyên bố ủng hộ các lực lượng chống lại “bạo động”.
Yang Guang, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao (HKMAO), nói Hong Kong đang trong “thời điểm nguy kịch” và cam kết siết chặt tội phạm bạo lực bằng “nắm đấm sắt”. Người phát ngôn lên án các vụ đánh bom xăng liều lĩnh vào các đồn cảnh sát khiến một sĩ quan bị thương ngày 11/8.
Người phát ngôn của HKMAO Yang Guang cho biết thành phố đã đạt đến “thời điểm nguy kịch”. Ảnh: Weibo
“Trong những ngày gần đây, những người biểu tình cực đoan ở Hong Kong đã liên tục tấn công cảnh sát bằng các công cụ cực kỳ nguy hiểm, cấu thành tội phạm bạo lực nghiêm trọng và bắt đầu có dấu hiệu khủng bố. Loại hình hoạt động tội phạm bạo lực này phải được kiên quyết đấu tranh theo quy định của pháp luật, không do dự hay thương xót” – ông Yang nói.
Văn phòng đại diện trung ương tại Hong Kong cũng mô tả bạo lực leo thang là “hành vi khủng bố” trong một tuyên bố riêng. “Không nơi nào trên thế giới dung túng cho những tội ác tàn bạo và cực đoan này. Nếu chúng ta cho phép các loại hoạt động khủng bố này tiếp tục, thì Hong Kong sẽ trượt xuống vực thẳm không đáy.”
Phát biểu hôm 12/8 được đưa ra sau khi bạo lực gia tăng vào cuối tuần, với những cuộc đụng độ căng thẳng giữa người biểu tình và cảnh sát ở Tsim Sha Tsui, Sham Shui Po, Wan Chai và Kwai Chung. Cảnh sát sử dụng hơi cay, người biểu tình dùng gạch và bom xăng, đánh dấu tuần thứ mười của các cuộc biểu tình ở thành phố, được châm ngòi bởi dự luật dẫn độ, hiện đã bị hoãn, theo đó cho phép nghi phạm hình sự được đưa đến các khu vực bao gồm cả Trung Quốc đại lục xét xử.
Video: Người biểu tình lấp kín sân bay Hong Kong (CNN)
Hơn 5.000 người biểu tình mặc áo đen tràn vào sân bay quốc tế Hong Kong vào chiều 12/8 trong ngày thứ tư liên tiếp, khiến tất cả các chuyến bay ra khỏi thành phố từ tối bị hủy bỏ. Những người biểu tình tức giận vì thông tin một người trong số họ trúng đạn đậu dẫn đến có thể bị mù một mắt.
Cuộc họp báo ngắn của HKMAO là cuộc họp ngắn thứ ba về các cuộc biểu tình. Tuần trước, Zhang Xiaoming, giám đốc văn phòng, đã cảnh báo tại một hội thảo ở Thâm Quyến rằng thành phố đã rơi vào “tình hình nghiêm trọng nhất” kể từ khi chuyển giao cho Trung Quốc.
(Nguồn: SCMP)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Chưa từng có trong 22 năm, Trung Quốc họp báo về biểu tình ở Hong Kong
Chính phủ Trung Quốc phá vỡ sự im lặng sau nhiều tuần biểu tình ở Hong Kong với cuộc họp báo chính thức vào chiều 29/7.
Cách đây ít giờ, Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau (HKMAO) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo để đưa ra quan điểm và lập trường chính thức của Bắc Kinh về tình hình hiện nay ở Hong Kong.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Yang Guang, phát ngôn viên của HKMAO cho biết chính quyền trung ương Bắc Kinh hy vọng người dân Hong Kong ở mọi tầng lớp phản đối hành vi bạo lực kéo dài nhiều tuần qua.
Ông chỉ trích một số lượng nhỏ những người biểu tình cực đoan, khẳng định họ làm tổn hại nghiêm trọng tới danh tiếng, thách thức luật lệ Hong Kong.
Ông Yang Guang, phát ngôn viên của HKMAO. (Ảnh: AP)
"Chúng tôi tin tưởng rằng với sự hỗ trợ đầy đủ của chính quyền trung ương đại lục, người dân Hong Kong của chúng tôi có thể phát triển và quản lý tốt Hong Kong. Hong Kong sẽ vượt qua những khó khăn và thách thức sắp tới", ông Yang nói.
Ông Yang nhấn mạnh chính quyền trung ương ủng hộ cảnh sát Hong Kong trong việc thực thi pháp luật để trấn áp những kẻ quá khích.
"Họ đã vượt qua lằn ranh đỏ của nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", đó là điều không thể dung thứ", ông này nói.
Một phát ngôn viên khác của HKMAO, ông Xu Luying cho rằng nhiều người ở Hong Kong đang lặng lẽ ủng hộ, hỗ trợ công việc của Trưởng đặc khu Carrie Lam.
Khi được hỏi liệu bà Lam có mất đi sự ủng hộ của người dân Hong Kong hay không, ông Yang nêu rõ: "Khi chúng ta nhìn vào tình hình ở Hong Kong, điều nguy hiểm nhất là thiếu các biện pháp đối phó với các yếu tố hình sự và bạo lực. Chính quyền trung ương tin tưởng chính quyền của bà Lam và tin tưởng cảnh sát Hong Kong sẽ nhanh chóng đưa mọi thứ trở lại bình thường".
Người biểu tình Hong Kong xuống đường ngày 28/7. (Ảnh: Reuters).
Về thông tin gần đây nói rằng Trung Quốc đang cân nhắc triển khai quân đội tới Hong Kong để duy trì trật tự xã hội theo yêu cầu của chính quyền đặc khu, ông Yang từ chối đưa ra bình luận mà chỉ nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách hiện nay là trừng phạt bạo lực.
Ông cũng khẳng định ưu tiên hàng đầu của Hong Kong hiện nay là tìm ra giải pháp hiệu quả hơn để cải thiện cuộc sống của người trẻ tuổi cũng như giải quyết vấn đề nhà ở, việc làm và rằng Bắc Kinh sẽ luôn đứng sau hậu thuẫn.
Về dự luật dẫn độ vốn là nguồn cơn dẫn tới các cuộc biểu tình, ông Yang cho rằng nhiều người Hong Kong bày tỏ lo ngại vì họ chưa thích nghi được với luật pháp Trung Quốc và chính quyền trung ương hiểu và tôn trọng nguyên nhân khiến người Hong Kong chưa đồng thuận với dự luật này.
Đây là lần đầu tiên HKMAO tổ chức một cuộc họp báo kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, cho thấy tính chất đặc biệt quan trọng của sự kiện này.
Làn sóng biểu tình ban đầu được châm ngòi bởi dự luật cho phép dẫn độ dẫn độ tội phạm từ vùng lãnh thổ này sang Trung Quốc đại lục xét xử. Người biểu tình bày tỏ bất mãn với chính quyền và kêu gọi Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức.
Trước sức ép từ dư luận, bà Lam hôm 9/7 tuyên bố khai tử dự luật và cho biết không có kế hoạch khởi động lại quá trình lập pháp đối với dự luật này. Tuyên bố này được coi là chiến thắng đối với những người phản đối dự luật, nhưng hiện chưa rõ dự luật này sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn hay không.
Kể từ khi Hong Kong rơi vào bất ổn, Trung Quốc nhiều lần cáo buộc các lực lượng nước ngoài đứng đằng sau hậu thuận cuộc biểu tình. Trong cuộc họp báo hôm 23/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy các lực lượng nước ngoài đang thao túng, âm mưu và thậm chí tổ chức và thực hiện các hành động liên quan.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc để ngỏ khả năng can thiệp để duy trì trật tự xã hội ở Hong Kong. Ước tính có khoảng 6.000 lính Trung Quốc đang đóng quân tại Hong Kong.
Khi cuộc khủng hoảng bước sang tuần thứ 9, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn sẽ thuyên giảm. Các công chức từ các phòng ban khác nhau ở Hong Kong dự kiến sẽ tập hợp vào ngày 2/8 để kêu gọi cuộc điều tra độc lập về cách cảnh sát xử lý các cuộc biểu tình.
(Nguồn: SMH)
SONG HY
Theo VTC
Người Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối bạo lực của cảnh sát Theo hãng tin Reuters, hàng chục nghìn người Hong Kong (Trung Quốc) đã xuống đường tuần hành nhằm yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra độc lập về các hành động vũ lực của cảnh sát nhằm vào người biểu tình. Cuộc tuần hành bắt đầu vào khoảng 15h30' ngày 21-7 (giờ địa phương) tại công viên Victoria và kết thúc...