Trung Quốc nổi giận vì phát ngôn của nghị sĩ Pháp về Đài Loan
Một phát ngôn của thượng nghị sĩ Pháp Alain Richard về Đài Loan khi ông đang thăm hòn đảo khiến Trung Quốc liên tiếng chỉ trích gay gắt.
Thượng nghị sĩ Pháp Alain Richard (Ảnh: Wikimedia).
Trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 7/10, thượng nghị sĩ Alain Richard, cựu bộ trưởng Quốc phòng Pháp, cho rằng văn phòng đại diện của hòn đảo ở Paris đang “làm rất tốt nhiệm vụ đại diện cho đất nước các bạn”.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng chỉ trích phát ngôn của ông Richard, cáo buộc rằng nó là hành động “vi phạm trắng trợn sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Pháp”.
Ông Triệu nói: “Những người như ông Richard hoặc là thiếu sự tôn trọng và hiểu biết cơ bản nhất về các chuẩn mực quan hệ quốc tế, hoặc họ gây ảnh hưởng các mối quan hệ giữa các nước với nhau dựa trên sự ích kỷ cá nhân. Trung Quốc cực lực lên án và kiên quyết phản đối việc này”.
Tới ngày 8/10, ông Richard, trưởng Nhóm hữu nghị Đài Loan của Thượng viện Pháp, cho rằng sử dụng cách gọi là “đất nước” không có gì to tát vì tại quốc gia châu Âu, từ “đất nước” trong tiếng Pháp trước hết có ý chỉ một không gian địa lý, không phải một không gian chính trị. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận với báo chí rằng việc gọi tên các văn phòng đại diện của Đài Loan là một vấn đề phức tạp.
Video đang HOT
Phát ngôn của ông Richard diễn ra trong bối cảnh căng thẳng xuyên eo biển Đài Loan đang leo thang trong những ngày qua. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, phải thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực. Trong nhiều ngày, Bắc Kinh đã điều số lượng lớn máy bay đi vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo.
Pháp, giống phần lớn các quốc gia khác, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng vẫn duy trì các mối quan hệ ở nhiều lĩnh vực khác với hòn đảo.
Trước đó, chuyến thăm của ông Richard cùng 3 nhà làm luật khác tới Đài Loan kéo dài từ ngày 6-10/10 đã khiến Trung Quốc nổi giận.
Hồi tháng 3, khi ông Richard tiết lộ về kế hoạch thăm Đài Loan, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye đã gửi thư cho ông Richard bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về chuyến thăm và yêu cầu nhà làm luật không thiết lập các giao tiếp chính thức với Đài Loan.
Ông Lu nói rằng chuyến thăm sẽ dẫn đến “sự can thiệp không cần thiết” vào quan hệ xuyên eo biển Đài Loan, và ông Richard nên tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Ông Richard được cho là “rất không hài lòng” với giọng điệu của bức thư.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc khiêu khích khi đưa máy bay dồn dập áp sát Đài Loan
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi những hoạt động quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan là "khiêu khích", đồng thời cam kết thắt chặt quan hệ với hòn đảo.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp ở Paris, Pháp ngày 6/10 (Ảnh: Reuters).
"Chúng tôi rất lo ngại về hoạt động quân sự khiêu khích của Trung Quốc gần Đài Loan. Hoạt động này đang gây mất ổn định, có nguy cơ tính toán sai lầm, có khả năng phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực", Ngoại trưởng Antony Blinken nói khi kết thúc cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ở Paris, Pháp hôm 6/10.
"Vì vậy, chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hành vi gây áp lực và cưỡng ép về quân sự, ngoại giao và kinh tế nhằm vào Đài Loan", ông Blinken nói thêm.
Ngoại trưởng Blinken cũng khẳng định lại cam kết của Washington trong việc hợp tác với các đồng minh để tăng cường quan hệ với Đài Loan.
"Mỹ có cam kết vững chắc đối với Đài Loan và trong nhiều năm đã đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định xuyên eo biển Đài Loan và trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các bạn bè và đồng minh để thúc đẩy thịnh vượng chung, an ninh chung và giá trị chung, cũng như tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng tôi với Đài Loan", nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Đài Loan.
"Chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi sẽ tuân thủ thỏa thuận Đài Loan. Chúng tôi cũng làm rõ suy nghĩ của tôi rằng, ông Tập Cận Bình không nên làm bất cứ điều gì ngoài việc tuân thủ thỏa thuận", ông Biden nói.
Tổng thống Biden dường như đề cập tới nguyên tắc "Một Trung Quốc" được Washington và Bắc Kinh cam kết duy trì trong nhiều năm qua và Đạo luật Quan hệ Đài Loan.
Tại cuộc họp cấp cao ở Zurich, Thụy Sĩ hôm 6/10, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng nêu vấn đề Đài Loan và các vấn đề khác với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết họ đã yêu cầu Mỹ làm rõ phát ngôn của Tổng thống Biden và đã được đảm bảo rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi, cam kết của Mỹ với hòn đảo là "vững chắc" và Washington sẽ tiếp tục giúp Đài Loan duy trì khả năng phòng vệ của mình.
"Đối mặt với các mối đe dọa quân sự, ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Mỹ luôn duy trì các kênh liên lạc chặt chẽ và thông suốt", cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết.
Trước đó, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc ngừng các hoạt động quân sự gần Đài Loan.
"Mỹ rất lo ngại về hoạt động quân sự khiêu khích của Trung Quốc gần Đài Loan, gây mất ổn định, có nguy cơ tính toán sai lầm, phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói hôm 3/10.
Các cam kết của Mỹ với Đài Loan được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở hai bờ eo biển Đài Loan. Từ ngày 1-4/10, Trung Quốc đưa gần 150 máy bay quân sự áp sát hòn đảo, mức kỷ lục từ trước đến nay.
Nghị sĩ Pháp thăm Đài Loan bất chấp Trung Quốc phản đối Phái đoàn do cựu bộ trưởng quốc phòng Pháp dẫn đầu thăm Đài Loan và hội đàm với lãnh đạo Thái Anh Văn, dù Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo. Phái đoàn thượng nghị sĩ Pháp do cựu bộ trưởng quốc phòng Alain Richard dẫn đầu đáp xuống Đài Loan hôm 5/10, dự kiến gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào...