Trung Quốc “lôi kéo” Canada đối đầu thương mại với Mỹ
Trung Quốc đã kêu gọi Canada đàm phán hiệp định thương mại tự do, động thái nhằm vào thỏa thuận thương mại Mỹ và Canada mới đạt được với điều khoản có thể cô lập Trung Quốc trên trường quốc tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: Canada Press)
CMP đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc điện đàm ngày 11/10 với người đồng cấp Canada Chrystia Freeland đã kêu gọi Ottawa hợp tác với Bắc Kinh nhằm đi tới thỏa thuận thương mại tự do Trung Quốc-Canada.
Động thái của Bắc Kinh được đưa ra vài ngày sau khi Mỹ, Canada và Mexico đã đàm phán thông qua những vướng mắc chính trong thỏa thuận USMCA, vốn được coi phiên bản sửa đổi và thay thế cho hiệp định NAFTA trước đó. Một điều khoản trong USMCA quy định rằng Mỹ có quyền phủ quyết thỏa thuận, nếu Canada và Mexico ký thỏa thuận thương mại tự do với một “nền kinh tế phi thị trường”, thuật ngữ đường như ám chỉ Trung Quốc.
Video đang HOT
“Trung Quốc hy vọng rằng Canada sẽ có những động thái cứng rắn để bảo vệ cơ chế thương mại tự do với Trung Quốc, và thúc đẩy việc thành lập khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – Canada”, ông Vương nói.
“Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ và những động thái cho thấy tiêu chuẩn kép. Những nỗ lực nhằm ngăn chặn quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc đều sẽ không thành công”, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Freeland đã phản hồi rằng thỏa thuận USMCA không nên làm ảnh hưởng tới “lợi ích chính đáng” của các quốc gia và Canada sẽ tiếp tục theo đuổi việc đàm phán thương mại tự do với các nền kinh tế khác.
Năm ngoái, nỗ lực đàm phán hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc của Canada đã thất bại sau khi phía Bắc Kinh được cho là đã khước từ một số yêu cầu trong chương trình nghị sự của Ottawa, liên quan tới vấn đề giới tính và quyền lao động.
Tuần trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa đã lên án điều khoản về quyền phủ quyết, cho rằng điều này có thể ngăn cản Canada và Mexico ký các thỏa thuận thương mại với các quốc gia “có nền kinh tế phi thị trường”.
“Chúng tôi lên án các hành động bá quyền của các quốc gia bằng việc công khai can thiệp vào chủ quyền của các quốc gia khác, và chúng tôi cảm thấy đáng tiếc cho những quốc gia có liên quan tới hành động trên vì chủ quyền kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng”, thông báo của cơ quan trên cho hay.
Mặt khác, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Washington cũng sẽ thêm điều khoản phủ quyết vào trong các hiệp định thương mại tự do trong tương lai giữa Mỹ và các đối tác, bao gồm cả những đồng minh thân thiết như EU hay Nhật Bản.
Mặc dù, điều khoản phủ quyết đặc biệt không nhằm trực tiếp vào Trung Quốc, nhưng nó có thể ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc với Canada hay Mexico vì Mỹ từ lâu đã không coi Trung Quốc là “nước có nền kinh tế thị trường”, giới quan sát nhận định.
Chuyên gia Kotaro Tamura thuộc viện Milken (Mỹ) cho biết Washington đã có những tính toán nhất định khi muốn đưa điều khoản phủ quyết vào các hiệp định thương mại tự do trong tương lai.
“Mỹ sẽ thực hiện các phép thử lòng trung thành của các đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc về vấn đề thương mại, vì các chính sách về sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh có thể coi là lý do hợp lý để các đồng minh EU và Nhật Bản đứng về phía Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc”, ông Tamura cho hay.
ĐỨC HOÀNG
Theo dantri.com.vn
Saudi Arabia cam kết không chặn nguồn dầu xuất khẩu sang Canada
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih ngày 9/8 khẳng định những rạn nứt ngoại giao hiện nay với Canada sẽ không làm gián đoạn dòng dầu mỏ xuất khẩu của nước này sang Canada.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn lời ông Khalid al-Falih cho biết Ryiadh không có ý định chính trị hóa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.
Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia cũng khẳng định nguồn cung xăng dầu của nước này ra thị trường thế giới sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, và cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Saudi Arabia với Canada sẽ không tác động đến các hợp đồng xuất khẩu của công ty dầu mỏ Saudi Aramco với khách hàng Canada.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, trong 6 tháng đầu năm nay, Canada nhập khẩu trung bình 121.415 thùng dầu/ngày từ Saudi Arabia, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng dầu nhập khẩu của Canada.
Phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Saudi Arabia được vận chuyển đến nhà máy lọc dầu Irving Oil ở vùng Saint John.
Tuyên bố của Bộ trưởng Khalid al-Falih và thông điệp của hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia cho thấy nước này có những giới hạn trả đũa nhất định trong cuộc đối đầu ngoại giao với Canada hiện nay.
Trước đó, Ryiadh đã trục xuất Đại sứ Canada, "đóng băng" các giao dịch đầu tư và thương mại mới, ngừng mua lúa mì và lúa mạch của Canada, rút khoảng 16.000 du học sinh đi theo học bổng chính phủ về nước, đồng thời ngừng các chương trình hợp tác đào tạo y khoa với Canada và các chuyến bay đi, đến thành phố Toronto.
Không chỉ vậy, Ryiadh cũng đã chỉ thị Ngân hàng trung ương và các quỹ lương hưu nhà nước bán tháo đồng đôla Canada (CAD).
Căng thẳng nảy sinh sau khi Bộ Ngoại giao Canada chỉ trích Saudi Arabia bắt giữ các nhà hoạt động xã hội dân sự và đấu tranh nhân quyền.
Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ ông không muốn chứng kiến quan hệ xấu đi với Saudi Arabia, song Ottawa sẽ không nhượng bộ trong vấn đề nhân quyền.
Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau cho biết đến thời điểm này, Ottawa chưa có kế hoạch trả đũa Ryiadh vì chưa đánh giá được toàn diện tác động cũng như thiệt hại từ những hành động gần đây của Saudi Arabia.
Theo vietnamplus
Saudi Arabia trục xuất Đại sứ Canada, đóng băng mọi giao dịch với Ottawa Ngày 6/8, Hãng thông tấn Nhà nước SPA của Saudi Arabia đưa tin, chính quyền Riyadh đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Canada, đồng thời cũng tuyên bố trục xuất Đại sứ Canada tại Saudi Arabia. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết, Đại sứ Canada tại Riyadh có 24 giờ để rời khỏi quốc gia Trung Đông...