“Trung Quốc không thể thực hiện mưu đồ trên biển Đông”
Trao đổi với PV Lao Động, ông Gregory Poling – chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) – đưa ra lập luận bác bỏ mưu đồ của Trung Quốc (TQ) muốn củng cố chứng cứ pháp lý về chủ quyền của nước này với biển Đông, thông qua lệnh cấm tàu thuyền nước ngoài đánh bắt cá trên vùng biển.
“Không có bất cứ điều gì” TQ đưa ra hiện nay “có ý nghĩa”
Tỉnh Hải Nam mới đây đã ban hành quy định, yêu cầu tàu cá nước ngoài phải “xin phép” chính quyền TQ, nếu muốn đánh bắt trong “vùng quản lý” của tỉnh Hải Nam, có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014.
Video đang HOT
Chuyên gia Gregory nói rằng, đây mới chỉ là tuyên bố của chính quyền đảo Hải Nam, nhằm thực thi Luật Ngư nghiệp TQ năm 2004 và hầu như chỉ đơn thuần “lặp lại từng từ” trong mục 2, Điều 8 của luật này, liên quan đến việc các tàu đánh cá nước ngoài phải đăng ký với chính quyền TQ. Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng tuyên bố sẽ thực thi luật này theo quyền tài phán của họ – tức bao gồm toàn bộ “vùng 9 đoạn” trên biển Đông – vốn đã bị thế giới lên án mạnh mẽ.
Giới phân tích đánh giá vùng cấm đánh bắt trên 2/3 biển Đông mà chính quyền đảo Hải Nam đưa ra là một mưu đồ khác của TQ, nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này đối với vùng biển. Nhưng ông Gregory đưa ra 2 lập luận bác bỏ khả năng TQ có thể thực hiện được điều này. Đó là:
“Thứ nhất, những quy tắc mà chính quyền đảo Hải Nam đưa ra không phải là mới. Thứ hai, theo luật quốc tế, “không có bất cứ điều gì” mà một bên yêu sách tại vùng lãnh thổ đang tranh chấp, đưa ra sau “thời điểm tới hạn” mà tranh chấp nổi lên “có ý nghĩa”. Vì vậy, không có bất cứ quy định nào của TQ liên quan đến biển Đông hiện tại có thể mang lại sức mạnh pháp lý cho những yêu sách của nước này ở vùng biển”.
Các phân tích đã cho rằng, các quy định về cấm đánh bắt cá trên biển Đông của chính quyền Hải Nam cho thấy TQ “coi thường” Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). TQ từng nhiều lần ngang nhiên thể hiện thái độ coi thường luật pháp quốc tế, kể từ khi nước này công bố “đường chín đoạn” trên biển Đông lên LHQ vào năm 2009.
Tiến sĩ Sam Bateman – thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) – dự đoán động thái trên sẽ bị phản đối mạnh mẽ. Và nếu nó được phê chuẩn bởi chính quyền trung ương, TQ có thể sẽ đối mặt với hành động pháp lý, nhiều khả năng là tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển. “Do những quy định đó không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, TQ không thể tránh khỏi một phiên tòa bắt buộc” – ông Bateman nói.
Lệnh cấm đe dọa hòa bình khu vực
Ngày 10.1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) ra thông cáo nêu rõ: Việc TQ ra thông báo về thời gian nghỉ đánh bắt cá bằng lưới tại một số khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của VN ở biển Đông là hành động bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm phức tạp thêm tình hình biển Đông. VN yêu cầu TQ hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.
Mỹ cũng nói rằng, đòi hỏi nói trên của TQ là “khiêu khích và nguy hiểm”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay: TQ chưa đưa ra giải thích nào hay cơ sở nào theo luật quốc tế để minh chứng cho các tuyên bố chủ quyền rộng lớn này. Hôm 10.1, Philippines yêu cầu TQ ngay lập tức phải giải thích lệnh cấm đánh bắt ở biển Đông của chính quyền tỉnh Hải Nam, nói rằng lệnh cấm này nhằm đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền phi lý của TQ.
Theo tờ Freebeacon, động thái của chính quyền Hải Nam chắc chắn sẽ tạo ra những đối đầu mới giữa TQ và các nước láng giềng có chủ quyền trên biển Đông. Giới phân tích cho rằng, quy định đánh bắt mới của TQ chắc chắn sẽ kích động những tranh chấp lớn hơn giữa TQ và các nước Đông Nam Á khác. Giống như chuyên gia Gregory đã nêu, TQ có thể sẽ phản pháo với những chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với vùng cấm đánh bắt mới, với lý giải rằng đây là động thái của chính quyền cấp tỉnh, chứ không phải là chính sách quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán chắc chắn TQ sẽ không bãi bỏ những quy định trên và thậm chí còn có thể đưa ra những giới hạn đánh bắt tương tự ở Hoa Đông.
Theo Phương Thủy
Lao động