Trung Quốc hướng tới nền công nghệ không phụ thuộc Mỹ
Lãnh đạo Bắc Kinh xác định con đường tự lực, chẳng ngần ngại đầu tư nhằm bắt kịp và sẵn sàng cho tương lai không phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Trung Quốc dành 2% GDP cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ trong 5 năm tới
Hàng chục tỉ USD là số tiền mà chính quyền Trung Quốc sẵn sàng đổ vào ngành công nghiệp công nghệ để thực hiện chiến lược tránh phụ thuộc vào Mỹ. Bắc Kinh không giấu diếm tham vọng trở thành siêu cường trong lĩnh vực đổi mới, không thể bị kìm hãm bởi bất kỳ quốc gia, thế lực nào. Lãnh đạo quốc gia tỉ dân đang thúc đẩy kế hoạch tự lực tự cường công nghệ, tìm và xử lý những lỗ hổng trong nền kinh tế có thể gây cản trở tham vọng phát triển của hàng loạt ngành công nghiệp khác nhau, từ smartphone tới động cơ phản lực.
Trung Quốc từng đặt kế hoạch tham vọng như vậy vào năm 2015, nhưng không đạt được mục tiêu kỳ vọng. Từ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tới chính quyền ông Joe Biden hiện tại đều có động thái thách thức sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều quốc gia tỏ rõ lo ngại về lối hành xử cũng như quyền lực kinh tế đang lên của Trung Quốc. Thực tế này càng thôi thúc Bắc Kinh hành động tức thì nếu muốn đạt kế hoạch siêu cường đặt ra vào năm 2025.
Trong kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố cuối tuần trước, Bắc Kinh xem phát triển công nghệ là vấn đề an ninh quốc gia. Đây là sự thay đổi so với kế hoạch đặt ra trước đó chỉ tập trung vào phát triển kinh tế. Các lĩnh vực trọng tâm cần thúc đẩy phát triển gồm chất bán dẫn công nghệ cao, hệ thống điều hành, bộ xử lý vi tính, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
“Tôi cho rằng họ thực sự lo lắng. Trung Quốc hiểu nếu không tiếp cận được các công nghệ trên, họ không thể đạt mục tiêu đề ra”, chuyên gia phân tích công nghệ Rebecca Arcesati thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc (MERICS – viện chính sách lớn nhất châu Âu chuyên các vấn đề về Trung Quốc) nhận định.
Theo NYT , kế hoạch Trung Quốc đề ra mức chi cho nghiên cứu phát triển tăng 7% mỗi năm, dành cho cả lĩnh vực công và tư. Khoản đầu tư này còn cao hơn cả số tiền dành cho quân đội (dự chi 6,8%/năm). Đây được xem là kết quả của 4 năm phức tạp thuộc nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump khi quyền tiếp cận công nghệ Mỹ bị hạn chế đối với một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, trong đó có Huawei. Trải qua giai đoạn đó, Bắc Kinh hiểu ngay cả với chính quyền mới, Mỹ vẫn quyết tâm kìm hãm sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc và đất nước đông dân nhất thế giới giờ đây không thể dựa vào phương Tây để có nguồn cung công nghệ ổn định giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của họ.
“Sau khi leo tới đỉnh cao thì Mỹ giờ chỉ muốn đạp cái thang không cho ai trèo lên cùng”, nhà kinh tế học người Trung Quốc Zhang Xiaojing nhận định.
Video đang HOT
Hiện tại, một trong số các lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn chật vật khi thiếu công nghệ phương Tây là sản xuất microchip – mảng có nhiều sản phẩm điện tử của họ đang phải phụ thuộc. Quá trình sản xuất phức tạp ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khiến đa phần phải nhập khẩu hầu hết lượng chip bán dẫn cần thiết. Và dù có hàng chục tỉ USD được đổ vào, ngành sản xuất chip nội địa Trung Quốc vẫn chỉ đáp ứng được 15,9% nhu cầu trong năm 2020, chỉ cao hơn 0,8% so với giá trị đạt được vào năm 2014 (theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường chất bán dẫn IC Insights).
Chip xử lý vẫn là vấn đề nan giải với Trung Quốc khi đang phụ thuộc nhiều vào phương Tây
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc tuyên bố đã chuẩn bị 60 tỉ USD để hơn 1.000 doanh nghiệp then chốt trong chiến lược đổi mới có thể vay vốn, đồng thời giải ngân 30 tỉ USD cho quỹ đầu tư phát triển microchip do chính phủ đứng sau.
Ni Guangnan – quan chức thuộc Viện Kiến trúc Trung Quốc (CAE) cho rằng cần tạo ra một “Hệ thống Trung Quốc” có thể thay thế nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường điện toán như Intel, Microsoft, Oracle… Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc phải gia tăng sự phụ thuộc của thế giới đối với công nghệ hạ tầng viễn thông của nước này.
Đây cũng là một phần trong kế hoạch 5 năm đến năm 2025 của Trung Quốc. Nước này theo đuổi chiến lược trung hạn với 3 mũi nhọn: duy trì môi trường không thù địch bên ngoài để tập trung ưu tiên trong nước; giảm phụ thuộc Mỹ đồng thời tăng phụ thuộc vào Trung Quốc của các quốc gia khác; mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra quốc tế.
Ở bên kia Thái Bình Dương, viện nghiên cứu MacroPolo (thuộc Viện Paulson) của Mỹ ít nhất cũng tin rằng hệ sinh thái công nghệ của Trung Quốc có thể sánh ngang với Thung lũng Silicon về sự năng động, tính cạnh tranh và khả năng đổi mới vào năm 2025.
Tuy nhiên theo Cao Cong, Giáo sư tại Đại học Kinh doanh Nottingham, đầu tư nghiên cứu ứng dụng mới chỉ chiếm 17% khoản chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc trong năm 2019. Chính phủ chi tiền R&D chiếm khoảng 20%, thấp hơn nhiều so với một số quốc gia đã phát triển như Mỹ (60%) hay Đức (42%) dù cùng đạt mốc 2% GDP.
“Điều này sẽ khiến Trung Quốc khó tiếp cận được khoa học và công nghệ nước ngoài nếu xảy ra tình trạng ngừng trao đổi công nghệ toàn cầu. Khi đó, Trung Quốc phải phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà khoa học trong nước cũng như việc đã đầu tư bao nhiêu cho nghiên cứu”, Giáo sư Cao đánh giá.
Và dù xem Trung Quốc là một ứng viên trong vai trò hàng đầu thế giới về công nghệ năm 2025, báo cáo của viện MacroPolo vẫn xem Bắc Kinh là “siêu cường công nghệ mong manh”, bởi vẫn dễ tổn thất khi nguồn cung chip máy tính tiên tiến bị đứt đoạn.
Từ xe hơi tới di động đang đối mặt 'nạn đói' chip xử lý
Ford, GE, Toyota hay Sony, Microsoft, Qualcomm và hàng loạt nhà sản xuất đồ công nghệ khác có thể phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng thiếu chip gần đây.
Chip xử lý đang thiếu hụt trầm trọng trên toàn cầu
Chủ tịch Cristiano Amon của Qualcomm - đơn vị sản xuất chip di động lớn nhất thế giới từng lên tiếng về tình trạng thiếu chất bán dẫn dùng trong sản xuất chip trên toàn cầu. Và ông không phải người đầu tiên bày tỏ quan ngại khi ngành sản xuất chip sắp không thể đáp ứng được nhu cầu ứng dụng vào sản phẩm của các thương hiệu khác nhau trên thế giới, từ xe hơi cho tới thiết bị di động cá nhân.
Những tín hiệu đầu tiên về tình trạng này bắt đầu nhen nhóm từ mùa xuân 2020, thời điểm cả thế giới rúng động vì đại dịch Covid-19. Ban đầu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu ngưng trệ vì virus Corona chủng mới, nhưng ngay khi các nền kinh tế vượt qua giai đoạn "sốc" ban đầu, Covid-19 lại đẩy mạnh bất thường nhu cầu internet cũng như điện toán di động.
Chính điều này đã bắt đầu mầm mống của một cuộc "khủng hoảng thiếu" chất bán dẫn - thứ cốt lõi trong mọi sản phẩm công nghệ từ điện thoại di động tới TV, máy chơi game hay thậm chí xe hơi. Mọi người bắt đầu cần thiết bị để làm việc tại nhà, học tập từ xa... Apple không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ iPhone, máy tính, mọi nơi đều "cháy hàng" webcam, còn nhà trường thì không đủ thiết bị cần để dạy học từ xa...
Các nhà sản xuất xe hơi thậm chí đã phải kêu gọi chính phủ Mỹ và Đức viện trợ. General Motors (GE) - hãng sản xuất xe hàng đầu thế giới đã đóng cửa 3 nhà máy tại Bắc Mỹ. Trong khi Ford Motor xác định sản lượng trong tương lai gần giảm 20%. Theo Bloomberg, việc thiếu chip sẽ khiến các nhà sản xuất xe hơi thiệt hại 61 tỉ USD doanh thu năm 2021, nhưng ảnh hưởng tới ngành công nghiệp điện tử sẽ còn to lớn hơn vậy.
"Nếu giờ mọi người hỏi 'Điều gì khiến tôi mất ăn mất ngủ?' thì rõ ràng đó là cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng mà chúng ta đang đối mặt trong ngành công nghiệp chất bán dẫn", Amon chia sẻ. Nhu cầu sử dụng chất bán dẫn cho sản phẩm công nghệ tăng cao là tín hiệu tốt, nhưng điều này đồng thời gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng bởi chưa hề được chuẩn bị để đối phó với tăng trưởng đột biến này. Lãnh đạo Qualcomm tin rằng tình trạng khan hiếm còn kéo dài tới cuối năm 2021.
Với Amon, thế giới vừa trải qua "biểu đồ phục hồi hình chữ V" với nhu cầu mua sắm tụt thê thảm nhưng lập tức tăng vọt nhanh chóng. Chuyên gia phân tích Bob O'Donnel của công ty nghiên cứu Technalysis Research nhận định: "Ngày càng nhiều thiết bị được số hóa vài năm qua, nhu cầu chất bán dẫn giờ đây tăng tới mức người ta sẵn sàng đánh nhau để có được sản lượng cần".
Tình trạng thiếu hụt có thể kéo dài tới cuối năm 2021 và các đơn hàng sẽ giao muộn nhiều tháng trời
Cùng lúc đó, sự đi xuống của Huawei trên thị trường điện thoại cũng gây ảnh hưởng tới toàn ngành công nghệ. Mùa hè năm ngoái, nhà sản xuất Trung Quốc này là hãng điện thoại lớn nhất thế giới, vị trí mà Samsung và Apple thay nhau chiếm giữ trong gần một thập kỷ qua. Nhưng lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ đã gây xáo trộn, mở đường cho các nhà sản xuất smartphone khác thu hút thêm người dùng. Điều này lại đẩy cao nhu cầu chip xử lý do Qualcomm hay các hãng khác sản xuất (vì Huawei tự sản xuất chip). Tất nhiên, chuỗi cung ứng không hề được chuẩn bị trước cho tình huống này, góp phần vào tình trạng thiếu hụt hiện nay.
"Với các lý do trên, hậu quả là nguồn cung gặp khủng hoảng thiếu", ông Amon bình luận.
Neil Mawston - chuyên gia phân tích tại Strategy Analytics ước tính giá các thành phần chính trong smartphone, kể cả chipset và màn hình đã tăng khoảng 15% trong 2 quý vừa qua.
Theo Nhật báo Kinh tế Hàn Quốc ( KEDGlobal ), từ ngày 8.3.2021, một số nhà sản xuất smartphone như Samsung, Xiaomi đã tạm dừng các mẫu điện thoại tầm trung và giá rẻ ở một số thị trường vì thiếu chip Qualcomm. Đại diện một đơn vị tại Hàn Quốc còn tiết lộ: "Các nhà sản xuất smartphone có thể đối mặt với quyết định đóng cửa nhà máy, như ngành xe hơi vừa làm. Một số đã loại bỏ sản phẩm giá rẻ khỏi thị trường để tận dụng lượng chip còn lại cho các model mới nhất".
Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit ước tính khủng khoảng thiếu chip sẽ khiến hãng sản xuất điện thoại nhận đơn hàng từ Qualcomm trễ hơn 7, 8 tháng.
Jack Ma biến mất 3 tháng, Alibaba vẫn sống tốt Việc nhà sáng lập của Alibaba gặp rắc rối với chính quyền Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều tới kết quả kinh doanh của công ty này. Trong 3 tháng cuối năm, Alibaba Group đã đạt mức tăng doanh thu 37% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo tài chính tập đoàn này vừa công bố tối 2/2. Việc nhà sáng...