Trung Quốc đồng loạt báo động trước biến thể Delta
Trung Quốc từng được coi là một hình mẫu thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi liên tiếp đẩy lùi một loạt làn sóng dịch rải rác trong hơn một năm rưỡi qua.
Tuy nhiên, hơn một tuần trở lại đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đợt bùng phát dịch mới xuất phát từ thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô ở miền Đông. Gần như toàn bộ các ca bệnh ở đây đều được xác nhận nhiễm biến thể Delta với khả năng lây nhiễm siêu nhanh và siêu mạnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 28/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Làn sóng dịch lần này xuất phát từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu ở Nam Kinh, một thành phố lớn với dân số hơn 9,3 triệu người. Ngày 20/7, trong một cuộc kiểm tra định kỳ, 9 nhân viên dọn vệ sinh tại sân bay này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chỉ trong 11 ngày tính đến hết ngày 30/7, Nam Kinh đã ghi nhận ít nhất 210 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và 5 ca nhiễm không triệu chứng. Ổ dịch này hiện đã lây lan sang 6 tỉnh và thủ đô Bắc Kinh, ít nhất 15 thành phố ghi nhận các ca bệnh và ít nhất 26 thành phố có người liên quan các ca nhiễm ở Nam Kinh. Đến nay, ít nhất 240 ca bệnh đã được ghi nhận trên toàn Trung Quốc có liên quan ổ dịch Nam Kinh.
Bên cạnh đó, từ ngày 26/7, có ít nhất 15 ca nhiễm trong cộng đồng có tiền sử du lịch đến Trương Gia Giới, một thành phố du lịch nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, và một số người trong đó được cho là có liên quan đến các trường hợp đã đến sân bay Lộc Khẩu ở Nam Kinh. Thủ đô Bắc Kinh cũng đã báo cáo ít nhất 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, là cặp đôi từng đến Trương Gia Giới.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh thành phố Nam Kinh (CDC Nam Kinh) ngày 30/7 thông báo, việc giải trình tự gen của 52 ca bệnh trong đợt bùng phát dịch này cho thấy các trường hợp trên đều có tính tương đồng cao, cho thấy cùng một chuỗi lây truyền và tất cả các chủng đều được xác định là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Cũng theo CDC Nam Kinh, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, chuyến bay số hiệu CA910 từ Nga ngày 10/7 đã được xác định là nguồn gốc dẫn đến đợt lây nhiễm này. 9 nhân viên vệ sinh sân bay Lộc Khẩu bị nhiễm bệnh ban đầu nhiều khả năng do khinh suất không thực hiện đầy đủ quy trình bảo vệ bản thân khi làm vệ sinh khoang máy bay, trước khi làm lây nhiễm cho một loạt nhân viên khác ở sân bay này, nơi có hơn 60 nhân viên vệ sinh.
Theo truyền thông Trung Quốc, kể từ tháng 6 năm ngoái, khi nước này áp dụng biện pháp “ngắt mạch” đối với những chuyến bay đến bị phát hiện có ca mắc COVID-19, chuyến bay CA910 đã bị đình chỉ 10 lần vì chở các hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính. Riêng trong tháng 7, chuyến bay này đã bị đình chỉ 3 lần. Trong 10 chuyến bay bị áp dụng biện pháp “ngắt mạch”, CA910 đã vận chuyển tổng cộng 69 bệnh nhân COVID-19 từ Moskva đến các thành phố của Trung Quốc bao gồm Nam Kinh, Thiên Tân và Trịnh Châu.
Nhà chức trách Trung Quốc đã quy trách nhiệm cho các quan chức sân bay Nam Kinh “năng lực giám sát yếu kém và quản lý thiếu chuyên nghiệp” vì không tách các nhân viên vệ sinh trên các chuyến bay quốc tế với những người làm việc trên các chuyến bay nội địa, khiến virus xâm nhập và lây lan. Chỉ 3 ngày sau khi bùng phát làn sóng dịch mới, ngày 23/7, lãnh đạo Tập đoàn Hàng không Phương Đông, đơn vị quản lý sân bay tại Nam Kinh, đã bị đình chỉ công tác do để xảy ra đợt bùng phát dịch lần này.
Đối mặt với biến thể Delta nguy hiểm, nhà chức trách nhiều địa phương ở Trung Quốc đã đồng loạt nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn và kiểm soát làn sóng COVID-19 mới nhất. Tại tâm dịch Nam Kinh và tỉnh Giang Tô, ngoài các biện pháp phòng chống dịch thường thấy lâu nay, hàng trăm nghìn người dân đang phải thực thi lệnh phong tỏa của chính quyền. Nhà chức trách Nam Kinh đã tiến hành 3 đợt xét nghiệm axit nucleic toàn diện, với hàng trăm điểm xét nghiệm cố định và di động, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm cho người dân. Chính quyền Nam Kinh cũng kêu gọi người dân không rời khỏi thành phố trừ khi thực sự cần thiết. Để tăng cường khả năng xét nghiệm axit nucleic, Nam Kinh cũng đã xây dựng 6 phòng xét nghiệm bơm hơi tiên tiến, có thể sàng lọc lên đến 1,8 triệu người mỗi ngày bằng cách sử dụng phương pháp xét nghiệm hỗn hợp.
Video đang HOT
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, tại nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc, giới chức các địa phương này cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như truy vết và phong tỏa để ngăn dịch bệnh lây lan. Hai thành phố Chu Hải và Trung Sơn ở miền Nam tỉnh Quảng Đông đang triển khai những đợt xét nghiệm nhanh trên diện rộng ngay sau khi phát hiện các ca bệnh liên quan tới Nam Kinh. Tại tỉnh Hồ Nam, thành phố Trương Gia Giới đã đóng cửa tất cả các địa điểm du lịch bắt đầu từ sáng 30/7 sau khi phát hiện những ca nhiễm mới nhất. Tính đến 6 giờ chiều 29/7, hơn 226.000 người trong thành phố đã được lấy mẫu xét nghiệm, và hơn 120.200 xét nghiệm đã được hoàn thành, với một kết quả dương tính là người phụ nữ làm việc cho một công ty du lịch địa phương.
Trước đó, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn về COVID-19 cho các chuyến bay và sân bay, trong đó cấm nhân viên phục vụ các chuyến bay quốc tế sử dụng các phương tiện công cộng mà hành khách có thể tiếp cận. Họ cũng được yêu cầu không tiếp xúc với nhân viên phục vụ các chuyến bay nội địa, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Ông Trương Văn Hồng, một chuyên gia y tế nổi tiếng ở Trung Quốc, nhấn mạnh rằng các ca bệnh được xác nhận tại những khu vực khác nhau ở nước này về cơ bản được phát hiện trong nhóm nguy cơ cao, vẫn có liên quan đến chuỗi lây truyền ở sân bay Lộc Khẩu và không có trường hợp lây nhiễm cộng đồng nào được tìm thấy ngoài chuỗi lây truyền đó. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Mùa Hè thường là mùa du lịch của người Trung Quốc, với lượng khách du lịch đi lại cực kỳ đông đúc, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Giới chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nước này cũng cần phải học cách cùng tồn tại với COVID-19. Ông Ngô An Hoa, chuyên gia y tế của Bệnh viện Tương Nhã ở thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, cho rằng để phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, “điều quan trọng là phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa tại các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những sân bay lớn và nhà ga.”
Theo ông Khâu Hải Ba, một chuyên gia chăm sóc đặc biệt ở Giang Tô, biến thể Delta là một dạng virus có khả năng lây nhiễm cao vì những bệnh nhân bị nhiễm chủng Delta có tải lượng axit nucleic cao hơn. Những người bị nhiễm chủng virus này thường không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ như đau nhức cơ và rối loạn khứu giác. Hầu hết các bệnh nhân nặng đều có một số bệnh nền như các bệnh về đường hô hấp, tiểu đường, cao huyết áp hoặc béo phì. Điều quan trọng là phải có những biện pháp vệ sinh tốt như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì khoảng cách xã hội.
Các chuyên gia cũng khẳng định rằng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn có hiệu quả để bảo vệ con người khỏi các biến thể của virus SARS-CoV-2. Ông Bào Xương Tuấn, một chuyên gia về phòng ngừa và điều trị COVID-19 của Ủy ban Y tế tỉnh Giang Tô nói rằng, “theo các nghiên cứu trước đây, những ca nhiễm chưa được tiêm phòng có khả năng trở thành bệnh nhân nặng cao hơn nhiều so với những người đã được tiêm phòng”.
Chuyên gia Trương Văn Hồng nhấn mạnh rằng mọi người vẫn có thể bị nhiễm bệnh sau khi được tiêm chủng, nhưng số ca nhiễm có thể cao hơn nhiều nếu người dân không tiêm phòng. Chuyên gia này cho rằng “việc tiêm phòng được kỳ vọng sẽ làm giảm tác hại của virus SARS-CoV-2 xuống mức cúm mùa bằng cách thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng trong một thời gian ngắn”.
Theo chuyên gia này, nếu không có vaccine, con người có thể phải mất hàng thập niên để chung sống với virus này trong khi phải trả một cái giá rất đắt. Hầu hết các nhà virus học trên thế giới đều đồng ý rằng đây là một loại virus mà chúng ta phải học cách chung sống và dịch bệnh ở Nam Kinh càng củng cố thêm nhận định rằng sẽ luôn có những nguy cơ lây nhiễm trong tương lai. Do vậy, cần nâng cao nhận thức của mọi người về phòng ngừa và kiểm soát cùng với sức mạnh của hệ thống y tế công cộng để có thể “sống chung” với virus.
Có thể xuất hiện biến thể COVID-19 siêu đột biến, khiến 1/3 số người mắc tử vong
Nhóm Cố vấn Khoa học Khẩn cấp (SAGE) của Chính phủ Anh vừa cảnh báo về một loại biến thể mới của SARS-CoV-2 trong tương lai, có thể giết chết 1/3 số người mắc.
Theo tờ Dailymail, cảnh báo trên được SAGE đưa ra trong một tài liệu đăng ngày 30/7. Các nhà khoa học SAGE cho rằng biến thể tương lai có thể gây chết người như MERS - hội chứng hô hấp Trung Đông có tỷ lệ tử vong lên tới 35%.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
SAGE cho rằng khả năng virus SARS-CoV-2 biến đổi cao nhất khi virus này hoành hành mạnh nhất, giống như ở Anh hiện nay.
Theo các nhà khoa học, để ngăn chặn virus đột biến, cần tiêm liều vaccine tăng cường vào mùa đông, giảm thiểu biến thể mới xâm nhập từ nước ngoài và cân nhắc tiêu hủy một số loài động vật có thể mang virus.
Cảnh báo về biến thể siêu đột biến được đưa ra khi các nhà khoa học xem xét các kịch bản tiềm tàng có thể xảy ra trong tương lai không xa.
Biến thể tương lai này có thể kháng vaccine nếu nó kết hợp các đặc điểm kháng vaccine của biến thể Beta (nguồn gốc Nam Phi) và đặc điểm lây nhanh của biến thể Alpha hay Delta.
Quá trình tái kết hợp này có thể làm xuất hiện một chủng virus mới hoành hành dữ dội hơn, gây chết người nhiều hơn.
SAGE cho rằng các vaccine có thể hiệu quả, trừ khi có đột biến bất thường khiến các mũi tiêm kém hiệu quả hẳn trong ngăn chặn ca bệnh nặng. Khả năng này ít xảy ra.
Dù vậy, giới khoa học cho rằng biến thể mới có thể nguy hiểm hơn ngay cả khi đã tiêm chủng, vì vaccine không giúp người tiêm có miễn dịch hoàn toàn.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. WHO cho biết số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng 8% và số ca tử vong tăng 21% chỉ trong 1 tuần. Trong tuần qua, số ca mắc biến thể Delta đã tăng trung bình lên 540.000 ca/ngày và gần 70.000 ca tử vong/tuần trên toàn cầu. Sự gia tăng này xảy ra trong các điều kiện tương tự như tại đỉnh dịch vào năm ngoái - thời điểm xuất hiện 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bali, Indonesia ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Giáo sư Nick Loman tại Đại học Birmingham (Anh) cho biết virus SARS-CoV-2 đã tiến hóa đáng kinh ngạc với khả năng xâm nhập vào tế bào người và thích ứng trên các vật chủ mới. Ông cho rằng không ai có thể tự tin dự đoán sẽ xảy ra chuyện gì trong tương lai.
Các nhà virus học cho biết virus SARS-CoV-2 có thể đã phát triển thành nhiều biến thể nguy hiểm hơn, song cho đến nay chưa được phát hiện do mức độ lây nhiễm trong cộng đồng chưa đủ lớn.
Một nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Áo công bố ngày 30/7 cho thấy, ngoài việc lây lan tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chủng kháng vaccine có nguy cơ xuất hiện cao hơn khi hơn 60% dân số của một cộng đồng được tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Nghiên cứu cho biết việc hình thành một biến thể kháng vaccine vào thời điểm đó có thể dẫn đến các vòng tiến hóa của biến chủng đó.
"Những biến thể đáng quan ngại" theo phân loại của WHO, được đặt tên theo các chữ cái Hy Lạp Alpha, Beta, Gamma và Delta, đều xuất hiện vào nửa cuối năm 2020, mặc dù phải mất một thời gian để chúng lây lan rộng hơn. Danh sách "những biến thể cần quan tâm" tiếp theo, được cho là có khả năng lây lan hoặc kháng vaccine cao hơn, gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda.
Trong số các biến thể hiện nay, Delta có khả năng lây truyền cao gấp đôi so với Alpha được phát hiện lần đầu tiên ở Anh - biến thể có khả năng lây lan cao hơn 40% so với chủng virus lần đầu được phát hiện ở Trung Quốc. Trong khi đó, Beta, xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi, dường như có khả năng tái nhiễm bệnh cao nhất.
Các nhà khoa học cho rằng hiện chưa rõ virus SARS-CoV-2 có thể phát triển tới mức độ nào khi thích nghi với cộng đồng đã miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh, và cảnh báo một số chủng virus corona, vốn đang chỉ gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh nhẹ, đã bắt đầu gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn.
Nhà dịch tễ học Kerkhove của WHO cảnh báo khi virus lây lan càng nhiều thì sẽ càng biến đổi. Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng, và bảng chữ cái có thể không đủ để đặt tên cho các biến thể mới.
Ổ dịch Nam Kinh vừa bùng, Trung Quốc lại có ca mắc COVID-19 ở Bắc Kinh sau 179 ngày Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vừa ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên sau gần 6 tháng qua khi giới chức nước này đang khẩn trương ngăn chặn biến thể Delta lây lan ở thành phố Nam Kinh. Một khu vực xét nghiệm COVID-19 ở trung tâm triển lãm Nam Kinh ngày 28/7. Ảnh: Getty Images Theo kênh CNN, chiều 29/7,...