Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6K ra Trường Sa?
Truyền hình nhà nước Trung Quốc đã phát sóng cảnh máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K bay qua đá Chữ Thập – nơi Bắc Kinh xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K của Trung Quốc. QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC
Loạt phóng sự trong chương trình Đời sống Quân đội của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng vào tuần đầu tiên của tháng 5.2016 hé lộ thông tin Trung Quốc triển khai H-6K đến đá Chữ Thập, theo trang tin quốc phòng Anh IHS Jane’s ngày 12.5.
Việc triển khai máy bay ném bom H-6K đến đá Chữ Thập không nằm trong nội dung chính của chương trình phóng sự vốn chỉ nhấn mạnh vào cuộc đời và sự nghiệp của phi công tên Liu Rui. Tuy nhiên, phóng sự có chiếu hình ảnh đá Chữ Thập được nhìn thấy thông qua ô cửa của chiếc H-6K, theo phân tích của IHS Jane’s.
Chương trình không nói rõ quân đội Trung Quốc triển khai bao nhiêu chiếc H-6K đến đá Chữ Thập và vào thời gian nào. Hiện vẫn chưa rõ những chiếc H-6K có thật sự hạ cánh xuống đường băng phi pháp Bắc Kinh xây trên bãi đá này hay không.
Trong khi đó, theo nhận định của IHS Jane’s, “động thái này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng triển khai vũ khí chiến lược đến những đảo nhân tạo xây phi pháp ở Trường Sa”, mà theo Mỹ là nhằm quân sự hóa Biển Đông.
H-6K là phiên bản Trung Quốc của máy bay ném bom chiến lược hai động cơ Tupolev Tu-16 do Liên Xô phát triển từ những năm 1960, theo chuyên san The Diplomat.
Video đang HOT
Máy bay ném bom H-6K lần đầu tiên bay vào năm 2007 và từ đó trải qua nhiều lần nâng cấp. H-6K có tầm bay tối đa 3.000 km; và có thể tăng lên gần 5.000 km nếu được tiếp nhiên liệu trên không hai lần. Hiện Không quân Trung Quốc có 36 máy bay loại này.
Máy bay tuần tra biển Y-8 của Trung Quốc hạ cánh phi pháp trên đá Chữ Thập. SINA
Hồi tháng 10.2015, tờ China Daily (Trung Quốc) từng dẫn lời chuyên gia không quân Trung Quốc Fu Qianshao “khoe” rằng: “Máy bay ném bom H-6K của chúng ta đã tham gia những cuộc tập trận tầm xa ở Thái Bình Dương; phi đội H-6K có khả năng tiến hành nhiều chiến dịch khác nhau, bao gồm những cuộc không kích chính xác ở tầm xa”.
Hôm 17.4 vừa qua, Trung Quốc điều một máy bay tuần tra biển Y-8 hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập; Mỹ đã lên tiếng phản đối hành động ngang ngược này. Trước đó, vào tháng 1.2016, Trung Quốc cũng đã tiến hành hai chuyến bay hàng không dân dụng thử nghiệm đáp xuống đường băng phi pháp mà Bắc Kinh xây trên đá Chữ Thập.
Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000 m và là một trong số ba đường băng Bắc Kinh xây trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa trong hơn một năm qua. Các đường băng này đủ dài để những máy bay ném bom tầm xa, chiến đấu cơ và máy bay vận tải hạ cánh, theo Reuters.
Mới đây, Trung Quốc ngày 10.5 đã tung nhiều máy bay và tàu chiến đến “xua đuổi” tàu khu trục USS William P Lawrence của Mỹ khi tàu này tuần tra vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Úc kêu gọi Trung Quốc không ngăn cản Mỹ tuần tra Biển Đông
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop trên đài ABC cho biết ủng hộ chuyến tuần tra đá Chữ Thập của Mỹ, nói rằng Washington đang thực hiện quyền tự do đi lại trên biển và trên không bất chấp phản đối của Trung Quốc.
Hải quân Úc sẵn sàng cho tuần tra Biển ĐôngREUTERS
"Mọi quốc gia đều có quyền theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải và hàng không ở vùng Biển Đông hay bất kỳ nơi đâu trên thế giới, và đó là quan điểm của Úc", bà Bishop phát biểu, theo ABC ngày 12.5.
"Tôi hiểu rằng Mỹ chỉ đơn giản thực thi quyền của mình, điều mà Washington vẫn thường làm, đó là thực hiện cuộc tuần tra thường kỳ", Ngoại trưởng Úc nói tiếp.
Quan điểm ủng hộ Mỹ thông qua tuyên bố tự do hàng hải của Canberra được bà Ngoại trưởng Bishop nhiều lần tuyên bố ngay cả khi bà ở tại Trung Quốc nhân một chuyến công du vừa qua.
Trung Quốc đã tỏ ra tức tối, điều máy bay và tàu chiến "xua đuổi" tàu chiến Mỹ USS William P Lawrence khi tàu này hôm 9.5 có chuyến tuần tra áp sát khu vực 12 hải lý (22 km) xung quanh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Phản ứng của Trung Quốc không được xem là "sự tự vệ", ngược lại còn bị coi là khiêu khích, ngăn cản quyền tự do của nước khác. Ngoại trưởng Bishop trong buổi phỏng vấn trên đài ABC đã kêu gọi Trung Quốc "kiềm chế hành vi hung hăng đối với tàu của nước khác đang thực thi quyền của họ".
Ngoại trưởng Úc ủng hộ tuần tra của Mỹ. REUTERS
"Chúng tôi không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ và biên giới, nhưng chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và đảm bảo rằng họ tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Và giờ đây, tòa trọng tài đang thực hiện nhiệm vụ của mình", bà Bishop nói với hàm ý nhắc đến Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc ở The Hague (Hà Lan) đang xem xét vụ Philippines kiện Trung Quốc.
"Chúng ta đang chờ đợi phán quyết của tòa liên quan đến vấn đề Biển Đông, và trong thời gian chờ đợi, tất cả cần phải kiềm chế", bà Ngoại trưởng nhấn mạnh.
Cùng với những tuyên bố ủng hộ Mỹ, Úc thực hiện tuần tra Biển Đông hồi năm 2015 khi Canberra cho máy bay bay trên vùng biển này. Canberra còn lên kế hoạch tuần tra trên biển và cả tuần tra chung với Washington nhằm thực hiện quyền tự do theo luật pháp quốc tế..
Chuyến tuần tra Biển Đông lần thứ 3 của Hải quân Mỹ được thực hiện trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama sắp thực hiện chuyến công du châu Á vào cuối tháng 5.2016.
Chuyến đi của ông Obama là tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật. Một trong những chủ đề chính của cuộc họp thượng đỉnh là Biển Đông, và vấn đề này cũng sẽ được nhắc lại khi người đứng đầu Nhà Trắng đến Việt Nam.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Australia ủng hộ Mỹ tuần tra Biển Đông Australia ủng hộ Mỹ trong chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc nói đây là mối đe dọa an ninh. Hình ảnh cắt từ video của hải quân Mỹ cho thấy tàu nạo vét của Trung Quốc ở quanh đá Chữ Thập. Ảnh: Reuters Hôm 10/5, Mỹ điều tàu khu trục tên lửa...