Trung Quốc đã chi hơn 800 triệu USD nhập rau quả Việt Nam
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong hơn nửa đầu năm ước đạt 1,16 tỷ USD, tăng 31,22% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả Việt Nam nhiều nhất, đạt 803,8 triệu USD, tăng gần 218% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm tới 69,5% tổng lượng rau quả xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng tăng 26% so cùng kỳ, đạt 44,6 triệu USD, chiếm 3,9% tổng lượng xuất khẩu, đứng thứ hai sau thị trường Trung Quốc. Tiếp đến Mỹ, với 42,4 triệu USD, tăng 25,7% và chiếm 3,7% tổng lượng xuất khẩu.
Nông dân Đồng Tháp trồng xoài xuất khẩu. Ảnh: H.X
Hà Lan mặc dù đứng thứ 5 về kim ngạch nhưng có tốc độ tăng khá mạnh 48,6%, đạt 28 triệu USD. Bên cạnh đó, thị trường Australia cũng khá tiềm năng khi xuất khẩu tăng gần 22% so cùng kỳ. Trong Top 10 thị trường lớn nhất tiêu thụ rau quả của Việt Nam, chỉ có Nhật Bản giảm nhẹ 4,7% về kim ngạch.
Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu rau quả năm 2016 có nhiều triển vọng hơn so với năm 2015, vì nhiều thị trường đã mở cửa với rau quả Việt Nam và nhiều thị trường đang tiếp tục được đàm phán và dự kiến sẽ mở cửa trong thời gian tới.
Trong tháng 6, lô hàng thanh long đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu trở lại vào thị trường Đài Loan sau 5 năm vắng bóng (năm 2008, Đài Loan dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam, với lý do có loài ruồi đục quả ổi ở Việt Nam có thể đi theo thanh long nhập khẩu vào nước bạn). Dự kiến xuất khẩu thanh long sang Đài Loan sẽ khó đạt được 14.000 – 16.000 tấn/năm như những năm trước, nhưng đây cũng là tín hiệu mừng đối với trái thanh long Việt.
Đối với thị trường Mỹ, sau thanh long, chôm chôm, vải và nhãn, thì trái vú sữa tươi là loại quả thứ 5 của Việt Nam sẽ chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường này dự kiến từ quý IV năm nay. Dự kiến, xuất khẩu trái cây năm 2016 sẽ vượt con số 1,8 tỷ USD năm 2015.
Theo nhận định, khi hội nhập sâu, đặc biệt là khi tham gia TPP, lộ trình thuế suất giảm dần cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm sẽ tăng lên. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất trong xuất khẩu trái cây nói riêng, xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung. Hồ sơ một loại trái cây để được một quốc gia chấp nhận nhanh thì mất 1 năm, còn trung bình khoảng 3-4 năm.
Nhiều nước nhập khẩu đang đưa ra yêu cầu với trái cây tươi của Việt Nam là phải đảm bảo không dịch bệnh, không có thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, yêu cầu trước khi xuất khẩu trái cây phải được xử lý bằng hơi nước hoặc chiếu xạ.
Theo Danviet