Trung Quốc càng lấn tới, lòng yêu nước của người Việt Nam càng trỗi dậy
Hôm qua, 2-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế- xã hội. Gần như 100% ĐBQH đề cập tới Biển Đông trong phát biểu của mình. Thống nhất cao với các giải pháp mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện, các vị ĐBQH đề nghị, cần tập trung đầu tư cho quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi cùng các đại biểu bên lề Quốc hội ngày 2-6
Hàng xóm rộng vai, hẹp bụng
Cảnh báo “phải nhận thức sâu sắc là sự xâm lấn truyền kiếp của nước láng giềng thật khó thay đổi”, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) hùng hồn: “Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì lòng yêu nước nồng nàn lại kết dân ta thành làn sóng. Trung Quốc càng hung hăng lấn tới, lòng yêu nước càng trỗi dậy mạnh mẽ”. ĐB Đỗ Văn Đương tỉnh táo: “Chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt nâng cao cảnh giác, cảnh giác sâu sắc mang tầm chiến lược từ trong suy nghĩ đến hành động trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Không mắc bẫy chủ nghĩa bá quyền để chúng dễ bề gặm nhấm biển đảo, tiến tới độc chiếm Biển Đông”.
ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bức xúc: “Chúng ta phải sống cạnh người hàng xóm rộng vai nhưng hẹp bụng, vì thế luôn cần phải có những bước chuẩn bị thật chu đáo và thận trọng để sống chung với lũ. Nhưng đáng sợ là lũ lên rồi rút nhưng người láng giềng xấu bụng lại không thể biết họ sẽ làm gì và làm khi nào?”.
Từ những căng thẳng trên Biển Đông, ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm phát hiện nội lực, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nền quốc phòng vững mạnh. Nhắc lại vụ việc công nhân một số khu công nghiệp bị kích động, gây mất an ninh trật tự, ĐB Vũ Chí Thực cho rằng, bên cạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cần tập trung đảm bảo an ninh – quốc phòng, tăng cường cảnh giác, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, buộc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. “Chúng ta cần chuẩn bị mọi phương án, kể cả kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Dù họ có mạnh tới đâu song nếu chúng ta đoàn kết, nhân dân tin tưởng, ta sẽ vượt qua” – ĐB Vũ Chí Thực nói.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) mạnh mẽ: “Dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước mà cha ông để lại. Dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, song cũng không đẩy nhân dân vào chốn hòn tên mũi đạn…”.
Giảm dần sự phụ thuộc về kinh tế
Nhìn vấn đề Biển Đông dưới lăng kính kinh tế, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải nhanh chóng hạn chế và thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu này, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ song song với tìm kiếm các thị trường mới. “Giá xuất khẩu sang Trung Quốc là rẻ mạt, nhiều rủi ro nhưng ta chưa đủ lực xuất sang Âu – Mỹ nên chúng ta vẫn phải xuất sang Trung Quốc. Yêu cầu sống còn hiện nay là phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu các thị trường khó tính Âu – Mỹ…”.
Cũng lo ngại tình hình Biển Đông ảnh hưởng tới thương mại – mậu dịch, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, “cần tiếp tục mở rộng phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh
hiện nay”.
ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) tiếp lời: “Nhờ có giải pháp hợp lý, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của quốc tế và giữ được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Các chỉ số kinh tế ổn định từ cuối tháng 4-2014 tới nay đã chứng tỏ điều đó”. ĐB tỉnh Khánh Hòa nói thêm: “Chính nghĩa không bao giờ đơn độc nên Việt Nam đã và sẽ không bao giờ đơn độc. Chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, tăng cường đoàn kết để vượt qua khó khăn, chiến thắng trên mặt trận bảo vệ chủ quyền, đưa đất nước tiến lên…”.
16.000 tỷ đồng cho lực lượng xung kích trên Biển Đông
Video đang HOT
Từ thực tế những gì đang diễn ra trên Biển Đông, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) kiến nghị: “Cần tăng cường đầu tư cho lực lượng chấp pháp trên biển và cho hệ thống phòng thủ trên các đảo, tạo thế liên hoàn để kịp thời ứng phó với các tình huống. Cùng với đó, nên cho vay lãi suất ưu đãi bằng 0 đối với ngư dân để đóng tàu lớn, vừa đánh cá, sản xuất, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo…”.
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói ngay: “Chúng ta đang có chủ trương dành 16.000 tỷ đồng từ cân đối ngân sách năm 2013 để đầu tư cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay. Đây là vấn đề rất lớn. Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua tại kỳ họp này…”.
Các ĐBQH đều thống nhất, ưu đãi cho ngư dân là quyết sách quan trọng. 16.000 tỷ đồng tăng cường sức chiến đấu của Cảnh sát biển, Kiểm ngư, ngư dân là hết sức cần thiết. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội ra nghị quyết thể hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để dành nguồn lực cho quốc phòng – an ninh. “Tôi ủng hộ chi 16.000 tỷ đồng cho Biển Đông nhưng từng ấy còn chưa đủ. Tôi đề nghị Quốc hội cắt tối đa các khoản chi thường xuyên kiểu như tiếp khách, mua sắm, đi lại… để đầu tư cho Biển Đông” – ĐB Trần Du Lịch nói.
Ngoài lực lượng chấp pháp trên biển, nhiều ĐBQH cũng đề nghị dành thêm đầu tư cho lực lượng công an. ĐB Vũ Chí Thực nói: “Cần tăng cường tiềm lực, trang bị cho lực lượng công an, quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Cần thêm thời gian để thoát phụ thuộc kinh tế
“Trung Quốc là một đối tác quan trọng, chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 10 tỷ USD. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, ta luôn nhập siêu và đây là mối quan tâm của các cấp, ngành. Từ nhiều năm trước, Chính phủ cũng đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Chúng ta đã chủ động chứ không phải đến bây giờ mới làm. Song do quy mô tương đối lớn nên cần có thời gian để tiếp tục triển khai tích cực hơn.
Hiện nay, chúng ta đang có cơ hội lớn trong thương mại quốc tế. Nhiều đối tác lớn quan tâm tới ta. Việt Nam đã ký kết 8 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán ký 6 hiệp định nữa với những đối tác quan trọng, tạo thuận lợi cho hàng hóa của ta thâm nhập các thị trường mới. Chính phủ đã giao các bộ, ngành, tái cơ cấu, sắp xếp, thay đổi thị trường. Sự kiện xảy ra yêu cầu chúng ta thúc đẩy nhanh hơn”.
“Mô hình Đồn công an ở Hà Nội rất tốt”
Phân tích 2 nhóm nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình quá khích ở Bình Dương, Hà Tĩnh, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói: “Ở nơi có đến hàng chục nghìn công nhân, mô hình quản lý dân cư, quản lý an ninh trật tự theo đơn vị hành chính xã, phường là không phù hợp. Đề nghị Chính phủ thành lập thêm các đồn công an đủ mạnh ở những khu vực này và và tăng cường đầu tư cho lực lượng cảnh sát cơ động để đảm bảo nhiệm vụ, bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới. Chúng tôi biết kinh nghiệm của TP Hà Nội và một số địa phương khác đã rất chú trọng củng cố đồn công an ở khu công nghiệp đã đem lại hiệu quả rất tốt”.
Tiếng gọi thiêng liêng của non sông
Trong trạng thái xúc động trào dâng, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thiết tha đề nghị Quốc hội ra lời kêu gọi toàn dân ra sức thi đua lao động sản xuất, toàn dân tộc đoàn kết một lòng sát cánh cùng Đảng, Chính phủ và Quốc hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. “Đây sẽ là tiếng gọi thiêng liêng của non sông đất nước. Hưởng ứng lời kêu gọi này, toàn thể dân tộc ta sẽ đoàn kết một lòng, tạo thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ để lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc” – ĐB Nguyễn Thái Học nói.
ĐB Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách: Cần ngay lộ trình hỗ trợ ngư dân
“Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cân nhắc, tính toán để đảm bảo hài hoà phát triển kinh tế với bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Hiện nay, nguồn ngân sách đầu tư cho đóng tàu phục vụ lực lượng Kiểm ngư đã được giao cụ thể trong dự toán. Từ việc điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013 cộng với số tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương thì tổng nguồn là hơn 44.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng để xử lý những vấn đề trên. Đặc biệt, gói 16.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng để hỗ trợ ngư dân cũng như đóng các tàu mới phục vụ cho lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển. Tuy nhiên, việc thực hiện phải có lộ trình, ngay cả khi ngân sách Nhà nước cấp ngay nhưng quy trình đóng tàu phải có kế hoạch, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều”.
Theo ANTD
Báo Mỹ sửng sốt trước vụ tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc đâm chìm
Phóng viên kênh CNN của Mỹ mới đây đã có cuộc phỏng vấn các thủy thủ tàu cá DNA 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và họ đã không khỏi sửng sốt trước những hiểm nguy mà ngư dân phải đối mặt.
Các ngư dân Việt Nam trên tàu cá DNA 90152 TS.
"Khi đánh bắt cá trên những vùng biển bị tranh chấp chủ quyền dữ dội, sẽ có những rủi ro nhất định mà ngư dân phải chấp nhận. Với thủy thủ trên tàu cá DNA 90152 TS của Việt Nam, tình huống tồi tệ nhất đã xảy ra hồi tuần trước, khi tàu của họ bị đâm chìm bởi một tàu được khẳng định của quân đội Trung Quốc", tác giả Euan McKirdy viết.
Thuyền trưởng con tàu, ông Đặng Văn Nhân, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN ngày 26/5 cho biết, ông và các thủy thủ của mình đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách giàn khoan Trung Quốc hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa khoảng 17 hải lý. Hòn đảo trên Biển Đông này đã trở thành tâm điểm trong cuộc tranh cãi về chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Khoảng 16 giờ, thủy thủ đoàn khi đó đang làm việc trên con tàu gỗ thì họ nhìn thấy một tàu khác lao về phía mình.
"Sau đó chúng tôi bỏ chạy. Họ đâm vào phía phải rồi sau đó vào phía trái chúng tôi. Sau đó tàu của chúng tôi bị lật. Toàn bộ 10 thành viên trên tàu đều phải bơi. Chúng tôi được cứu bởi DNA 90508 (một tàu cùng đoàn). Chúng tôi đã bơi khoảng 10 phút".
Lời kể của các ngư dân hoàn toàn khác so với thông tin từ phía Trung Quốc về vụ việc. Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã của chính quyền Trung Quốc, tàu Việt Nam đã "quấy rối" một tàu Trung Quốc đang đánh bắt trong vùng nước gần đảo Hoàng Sa, một khu đảo hầu như không có người ở được Trung Quốc gọi là đảo Tây Sa. Bài báo của Tân Hoa Xã khẳng định tàu Việt Nam bị lật sau khi "chen lấn" với một tàu cá Trung Quốc.
Ông Đặng Văn Nhân cho rằng mình còn may mắn bởi một tàu cá Việt Nam khác đánh bắt gần đó, và kịp thời giải cứu ông và các thủy thủ khác.
"Chúng tôi rất may mắn vì vụ va chạm diễn ra vào ban ngày. Chúng tôi may mắn vì một số bạn bè đã nhìn thấy chúng tôi".
Theo ông Nhân, diễn biến vụ việc, từ cú va chạm đầu tiên tới lúc họ bỏ tàu, chỉ diễn ra trong 4 phút. Các thủy thủ thậm chí không có thời gian mặc áo phao. Hai người đã bị thương nhẹ, với những vết trầy xước ở chân, vai và ngực, cùng một vết rách ở mắt phải.
"Tàu Trung Quốc không hề tìm cách cứu các thủy thủ của chúng tôi", vị thuyền trưởng nói. "Chúng tôi thấy rất nhiều tàu Trung Quốc - chỉ một tàu được điều tới đâm chúng tôi, nhưng có nhiều tàu xung quanh. Dù thấy tàu chìm, không có tàu Trung Quốc nào có động thái (giải cứu thủy thủ đoàn)".
Con tàu trị giá khoảng 5 tỷ đồng (237.000 USD). Và do mê tín, khó có khả năng nó sẽ được sửa chữa và sử dụng lại, bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ sở hữu tàu cho biết.
Tàu cá DNA 90152 TS sau khi bị phía Trung Quốc đâm.
Tàu này đã đánh bắt tại vùng biển nêu trên nhiều năm trước khi những tranh cãi gần đây nổ ra, thủy thủ Nguyễn Huỳnh Bá Biên, người bị thương cho biết. Ông khẳng định các vụ việc riêng lẻ đã xảy ra với tàu của cả hai bên từ nhiều năm nay, nhưng sau khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc được hạ đặt trái phép, số vụ tấn công đã leo thang mạnh.
Thông tin từ giới chức Trung Quốc cho rằng tàu bị chìm hòan toàn do lỗi của thủy thủ Việt Nam.
"Một tàu cá Việt Nam đã cố tình xâm nhập vào vùng cảnh báo của giàn khoan 981 của Trung Quốc, và lao vào mạn trái một tàu cá của Trung Quốc tại hiện trường, và sau đó lật úp", người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố trong một cuộc họp báo một ngày sau vụ việc. "Tôi muốn nhấn mạnh rằng nguyên nhân trực tiếp của vụ việc này là... do phía Việt Nam".
Ông Nhân và thủy thủ đoàn đã phủ nhận thông tin này.
"Thông báo của Trung Quốc hoàn toàn sai", ông Nhân nói. "Tàu Trung Quốc lớn hơn tàu chúng tôi tới 6 lần. Tàu của họ bằng sắt còn tàu chúng tôi bằng gỗ. Thật vô lý khi tàu của chúng tôi lại tiếp cận và tìm cách đâm một con tàu to cỡ đó".
Ông Nhân cho biết ông ngờ rằng con tàu kia thuộc lực lượng tuần tra bờ biển Trung Quốc, và được ngụy trang để trông như một tàu cá, bởi tàu mang vỏ sắt, thay vì vỏ gỗ như truyền thống.
Thủy thủ Biên thì cho biết: "Chúng tôi chỉ thấy một người trên tàu Trung Quốc. Ông ta ném một chai thủy tinh về phía tàu chúng tôi. Ngoài ông ta ra chúng tôi không còn thấy ai khác.
Chính phủ Trung Quốc không hề đề xuất bồi thường, bà Hoa nói. Thậm chí họ không nhận được liên lạc nào từ phía Trung Quốc. Họ không thể mua được chiếc tàu mới, bà Hoa cho biết.
Chính quyền địa phương đã đề xuất hỗ trợ khoảng 800 triệu đồng, một quan chức địa phương nói với CNN, và cho biết chính quyền cũng chi trả tiền bảo hiểm cho đội tàu, với số tiền được thanh toán vào khoảng một nửa giá đóng một tàu mới.
Bất chấp mối đe dọa có thực và đang diễn ra với các tàu cá tại vùng biển này, chủ tàu Việt Nam cũng như các thủy thủ khẳng định không để mất một tấc chủ quyền lãnh thổ.
"Tất nhiên chúng tôi phải trở lại Hoàng Sa", bà Hoa nói. "Đó là ngư trường truyền thống của Việt Nam. Đó là vùng đánh bắt tốt duy nhất của chúng tôi".
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Tướng Trung Quốc ấp úng về "đường 9 đoạn" phi pháp Trước sức ép tại Đối thoại Shangri-La nhằm làm rõ "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc vin vào đó để tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, một quan chức quân đội cấp cao Trung Quốc đã tỏ ra ấp úng, giải thích không thỏa đáng khi nói về vấn đề này trước các đại biểu quốc tế. Trung tướng Vương Quán...