Trung Quốc bị “tố” cài máy nghe lén khi xây trụ sở Liên minh châu Phi
Báo Le Monde của Pháp dẫn một số nguồn tin cho biết Trung Quốc có thể đã cài thiết bị nghe lén tại trụ sở của Liên minh châu Phi ở Ethiopia – công trình từng do Bắc Kinh xây dựng và đầu tư kinh phí.
Trụ sở Liên minh châu Phi do Trung Quốc đầu tư kinh phí và xây dựng (Ảnh: Reuters)
Theo Guardian, báo Le Monde của Pháp tuần trước dẫn các nguồn tin giấu tên từ Liên minh châu Phi (AU) cho biết các dữ liệu từ hệ thống máy tính đặt tại trụ sở của khối này ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đã được chuyển hàng đêm tới các máy chủ của Trung Quốc trong suốt 5 năm.
Theo Le Monde, sau khi vụ tuồn thông tin qua máy tính từ trụ sở AU về Trung Quốc bị phát giác cách đây một năm, toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin bên trong tòa nhà này, bao gồm cả các máy chủ, đã được thay mới đồng loạt. Trong quá trình tìm kiếm thiết bị nghe lén, các tai nghe sau đó đã được tìm thấy bên dưới các bàn và trong các bức tường.
Bắc Kinh từng góp 200 triệu USD để xây trụ sở của AU ở Addis Ababa, trong khi một công ty quốc doanh của Trung Quốc đã xây dựng công trình này và khánh thành năm 2012. Tòa nhà trụ sở AU được cho là biểu tượng cho tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi cũng như cách Bắc Kinh tiếp cận “lục địa đen”.
Video đang HOT
Đại sứ Trung Quốc tại AU Kuang Weilin đã ngay lập tức phủ nhận những thông tin do Le Monde đăng tải, đồng thời gọi bài viết trên báo Pháp là “lố bịch và phi lý”. Theo ông Kuang, đây là động thái nhằm gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi.
“Mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đã mang lại nhiều lợi ích cũng như các cơ hội. Người dân châu Phi hạnh phúc vì điều đó. Nhưng có những người khác không thích như vậy”, ông Kuang nói. Khi được hỏi “người khác” cụ thể là ai, đại sứ Trung Quốc cho biết: “Đó là những người ở phương Tây. Họ không quen với điều đó và không thoải mái với điều đó”.
Tổng thống Rwanda Paul Kagame, người vừa tiếp quản chức chủ tịch AU năm nay, nói rằng ông không biết thông tin về vụ việc này. Theo người đứng đầu AU, mối quan tâm duy nhất của ông đó là lẽ ra liên minh châu Phi nên là bên chịu trách nhiệm xây dựng chính trụ sở của mình, thay vì Trung Quốc.
“Tôi không nghĩ chỉ Trung Quốc mới có gián điệp. Chúng ta có gián điệp ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng tôi không cảm thấy lo lắng về việc bị do thám bên trong tòa nhà này”, ông Paul cho biết.
Thành Đạt
Theo Dantri
Ông Trump nói tôn trọng châu Phi sau phát ngôn gây tranh cãi
Tổng thống Donald Trump cho biết ông thực sự tôn trọng người dân châu Phi sau khi xuất hiện một loạt cáo buộc cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ từng miệt thị các quốc gia ở khu vực này.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
Theo NBC, một bức thư đề ngày gửi là 25/1 đã được chuyển tới các lãnh đạo khu vực châu Phi trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi (AU) gồm 55 quốc gia thành viên vào cuối tuần này ở Ethiopia.
Trong thư, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ "rất tôn trọng" các quan hệ đối tác cũng như những giá trị chung giữa Mỹ và người dân châu Phi. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh cam kết duy trì "mối quan hệ bền chặt và tôn trọng lẫn nhau" giữa Washington và các quốc gia châu Phi.
Tổng thống Trump gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi, khẳng định quân đội Mỹ và các nước châu Phi sẽ "chiến đấu sát cánh bên nhau để tiêu diệt khủng bố và xây dựng các cộng đồng an ninh". Theo ông Trump, Mỹ đang nỗ lực để tăng cường các hoạt động thương mại "tự do, bình đẳng và có đi có lại" với các nước châu Phi, đồng thời cùng nhau hợp tác để bảo đảm vấn đề nhập cư hợp pháp.
Bức thư của Tổng thống Trump được đưa ra sau vụ lùm xùm liên quan tới phát ngôn được cho là gây tranh cãi của ông chủ Nhà Trắng. Các nguồn tin tiết lộ ông Trump đã sử dụng từ "quốc gia dơ bẩn" để ám chỉ một loạt nước như El Salvador, Haiti và các nước châu Phi khác, đồng thời đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại muốn có người nhập cư từ các quốc gia này trong cuộc họp với các nghị sĩ hôm 11/1. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng sau đó đã ngay lập tức phản bác tất cả các cáo buộc này trên Twitter.
Nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận lập trường cứng rắn của ông trong vấn đề nhập cư, nhưng ông khẳng định không dùng những từ ngữ miệt thị như truyền thông đưa tin. Ông Trump tuyên bố chưa bao giờ nói bất kỳ điều gì xúc phạm người Haiti, thậm chí còn có mối quan hệ tuyệt vời với người dân của quốc gia này.
Mặc dù vậy, chính phủ Haiti, El Salvador và Liên minh châu Phi đều đồng loạt công kích Tổng thống Trump, đồng thời kêu gọi ông đưa ra lời xin lỗi chính thức. Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo tuyên bố ông "không thể chấp nhận những lời xúc phạm, thậm chí từ lãnh đạo của một quốc gia hữu hảo đi chăng nữa, dù quốc gia đó mạnh cỡ nào".
Thành Đạt
Theo Dantri
Mỹ-Trung lên tiếng về lời kêu gọi thống nhất của Triều Tiên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington có thể ủng hộ lời kêu gọi thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, nhưng phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng là ưu tiên hàng đầu. Hãng thông tấn KCNA hôm 25.1 đăng lời kêu gọi "tất cả người dân Triều Tiên trong và ngoài nước hướng tới quan hệ tốt hơn với Hàn Quốc...