Trung-Nhật-Hàn sẽ sớm tổ chức thượng đỉnh 3 bên
Ba cường quốc Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ sớm tổ chức cuộc họp thượng đỉnh ba bên trên tinh thần “đối diện lịch sử, hướng tới tương lai” để giải quyết rốt ráo các vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa ba nước.
Cuộc họp ngoại trưởng ba bên được coi là tiền đề cho việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trong thời gian tới (Ảnh: AFP)
Đây là kết quả đạt được sau cuộc họp ngoại trưởng ba bên Nhật – Trung – Hàn lần đầu tiên kể từ năm 2012. Hội nghị kết thúc chiều 21/3 ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc sau một ngày họp.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, Ngoại trưởng nước chủ nhà Yun Byung-se cùng hai người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và Nhật Bản Fumio Kishida thống nhất sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên vào thời điểm thuận lợi nhất.
“Dựa trên những hiểu biết đạt được trong cuộc gặp này, ba ngoại trưởng quyết định sẽ tiếp tục các nỗ lực để có thể tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh ba bên trong thời gian phù hợp nhất và sớm nhất”, tuyên bố nêu rõ.
Tuyên bố cũng nêu rõ ba nước sẽ thực thi tinh thần “đối diện lịch sử, hướng tới tương lai” để giải quyết rốt ráo các vấn đề liên quan và tăng cường hợp tác ba bên, đồng thời “kiên quyết phản đối” phát triển vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
“Bản tuyên bố chung có tầm quan trọng đặc biệt và là kết quả của các cuộc thảo luận sâu rộng trong nhiều vấn đề hợp tác”, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho biết trong cuộc họp báo chung ngay sau đó.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã “dội ngay gáo nước lạnh” vào hy vọng vừa được nhen nhóm khi khẳng định mọi việc còn tùy thuộc vào thái độ của Nhật Bản đối với quá khứ chiến tranh.
Video đang HOT
“Cuộc chiến đã chấm dứt được 70 năm nhưng vấn đề lịch sử vẫn tồn tại đến ngày nay và nó không phải là câu chuyện của quá khứ”, ông Vương Nghị nói. “Vẫn chưa có kế hoạch cụ thể (về cuộc gặp thượng đỉnh ba bên) và chúng tôi phải xây dựng những điều kiện phù hợp cho chuyện đó”.
Trước khi tham dự cuộc gặp ba bên với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ chờ đợi bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzon Abe trong lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II vào mùa hè tới.
Trước thềm cuộc hội đàm ba bên ngày 21/3, ngoại trưởng ba nước cũng đã có các cuộc thảo luận riêng rẽ về nhiều vấn đề, trong đó có việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu vào cuối năm 2015. Seoul cho biết đang cân nhắc tham gia thể chế tài chính khu vực này, trong khi Nhật Bản vẫn giữ im lặng.
Quan hệ giữa ba cường quốc Đông Bắc Á rơi vào căng thẳng trong nhiều năm qua liên quan đến những tranh cãi về lịch sử và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Hoa Đông. Căng thẳng khiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chưa tiến hành bất kỳ cuộc đối thoại chính thức nào với Thủ tướng Nhật Bản Abe kể từ khi bà lên nắm quyền năm 2013. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuy đã có cuộc gặp với Thủ tướng Abe tại thủ đô Bắc Kinh tháng 11 năm ngoái, song đây cũng chỉ là cuộc gặp chớp nhoáng với thái độ gượng gạo và miễn cưỡng của cả hai bên.
Vũ Anh
Theo Dantri/AFP
Dự án ngân hàng Trung Quốc khiến Âu - Mỹ bất hòa
Một loạt nước châu Âu tham gia vào dự án Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) trị giá 50 tỷ USD do Trung Quốc khởi xướng...
Trong nhiều năm, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn khác như Ấn Độ đã đòi có tiếng nói lớn hơn trong các định chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB (Ảnh:Bloomberg/CNBC)
Việc châu Âu ủng hộ một dự án ngân hàng quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu là một tín hiệu cho thấy niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ đang dần suy giảm, đồng thời công nhận sự cần thiết phải thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh đang ngày càng mạnh - giới phân tích đánh giá.
Báo chí quốc tế tuần này đưa tin, Đức, Pháp, Italy và Anh đã tham gia vào dự án Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) trị giá 50 tỷ USD.
Đây là dự án do Trung Quốc khởi xướng vào năm ngoái và được coi là một đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở ở Washington.
"Điều này nói lên nhiều về sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đề chính trị và kinh tế quốc tế, cũng như ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc", ông Nicholas Spiro, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Spiro Sovereign Strategy ở London, phát biểu với hãng tin CNBC.
"Châu Âu đang có lúc mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ và việc họ sẵn sàng trở thành thành viên sáng lập của AIIB một phần phản ánh điều này", ông Spiro nói thêm.
Các nhà phân tích cho rằng, bối cảnh hiện nay đóng vai trò quan trọng giúp hiểu được sự căng thẳng xung quanh dự án AIIB.
Trong nhiều năm, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn khác như Ấn Độ đã đòi có tiếng nói lớn hơn trong các định chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB để phản ánh sức mạnh kinh tế gia tăng của mình.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế thậm chí dự báo Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sau vài năm nữa.
Trong lúc cải cách diễn ra chậm chạp ở WB và IMF, Trung Quốc tự lập ra định chế tài chính quốc tế của riêng mình. Các nhà phân tích cho rằng, đối với châu Âu, việc tham gia luôn và giữ vai trò định hình các định chế do Trung Quốc dẫn đầu là việc cần làm.
"Thực tế là quyền bỏ phiếu trong IMF và WB không phải ánh tương quan sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ", nhà phân tích cấp cao Alistair Newton thuộc ngân hàng Nomura phát biểu.
Trong khi đó, Mỹ lập luận rằng các nước phương Tây lẽ ra có thể có được ảnh hưởng lớn hơn đối với AIIB nếu hợp tác cùng nhau ở bên ngoài và thúc đẩy các tiêu chuẩn cho vay cao hơn.
Ngoài ra, giới phân tích cũng nói, châu Âu có thể đã ít nhiều bất bình vì Washington tỏ ra "lề mề" trong vấn đề cải cách WB và IMF.
"Nếu không trở thành một thành viên của định chế mới này, các nước châu Âu có nguy cơ bỏ qua một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng địa chính trị mạnh nhất thế giới", chuyên gia kinh tế Rajiv Biswas thuộc hãng tư vấn IHS nhận định sau khi có tin Anh sẽ tham gia AIIB hôm thứ Sáu tuần trước.
"Trở thành một thành viên sáng lập, Anh có thể tham gia thiết lập các quy định của ngân hàng mới này", ông Biswas nói.
Một số chuyên gia cũng nói rằng, thay vì "đối đầu" với WB, AIIB có thể bổ sung cho định chế lâu năm này, bởi AIIB sẽ có nhiều thành viên cũng là thành viên của WB.
"Tôi cho rằng IMF và WB sẽ vẫn là những định chế giữ vai trò lớn nhất", chuyên gia Neil Shearing thuộc Capital Economics đánh giá. "Câu chuyện về vai trò của Trung Quốc trong các định chế tài chính toàn cầu đã được nói đến suốt 5 năm nay, cho thấy phải mất rất nhiều thời gian mới có được chuyển biến".
Theo Diệp Vũ
VNEconomy
Ngoại trưởng Nhật-Trung-Hàn lần đầu hội đàm sau 3 năm Ngoại trưởng 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hôm nay 21/3 sẽ có cuộc gặp đầu tiên sau 3 năm nhằm mục đích xoa dịu những căng thẳng xoay quanh các tranh chấp lãnh thổ và ngoại giao tại khu vực. Bộ trưởng ngoại giao ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. (Ảnh: SCMP) Yonhap dẫn thông báo...