Trump gọi điện cảm ơn người đề cử giải Nobel Hòa bình
Trump gọi điện cho hai nghị sĩ Thụy Điển và Na Uy để cảm ơn họ vì đã đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình 2021.
“Tôi đang đi cùng con gái thì Tổng thống Donald Trump gọi điện và cảm ơn tôi”, nghị sĩ Thụy Điển Magnus Jacobsson viết trên Twitter hôm nay. “Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện tốt đẹp về hòa bình ở Trung Đông và vùng Balkan. Tôi chúc Tổng thống may mắn với các tiến trình hòa bình”.
Jacobsson hôm 11/9 đề cử Trump, cùng chính quyền Kosovo và Serbia, cho giải Nobel Hòa bình vì những hoạt động chung giữa họ đối với nền hòa bình và phát triển kinh tế, thông qua thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa hai kẻ thù “không đội trời chung” ở vùng Balkan được ký kết tại Nhà Trắng gần đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Quốc gia đảng Cộng hòa ở Charlotte, Bắc Carolina, hôm 24/8. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde, người hôm 9/9 cũng đề cử Trump cho giải thưởng cao quý, nhận được cuộc gọi từ Tổng thống Mỹ hôm 21/9.
“Cuộc gọi chỉ nhằm cảm ơn tôi vì đã đề cử. Tôi rất ngạc nhiên. Ông ấy thật sự tốt khi làm điều đó. Tôi nghĩ không phải ai cũng làm như thế”, Tybring-Gjedde cho biết, nhưng không tiết lộ chi tiết cuộc trò chuyện.
Trong thư đề cử gửi Ủy ban Nobel, Tybring-Gjedde, chủ tịch phái đoàn Na Uy tại Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đánh giá chính quyền Trump đóng vai trò trung gian quan trọng giúp thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Israel.
Những người được quyền đề cử ứng viên giải Nobel Hòa bình phải là thành viên quốc hội hoặc nội các của các quốc gia, thành viên của một số tòa quốc tế, giáo sư các ngành lịch sử, khoa học xã hội, luật, triết học, thần học và tôn giáo, cá nhân hoặc tổ chức từng giành giải, hoặc thành viên, cựu thành viên và cựu cố vấn của Ủy ban Nobel Na Uy.
Hầu hết chuyên gia đánh giá Trump không có nhiều cơ hội nhận được giải Nobel Hòa bình, dựa trên những tranh cãi toàn cầu xung quanh ông, cùng việc Ủy ban Nobel thường ưu tiên các lãnh đạo theo quan điểm tự do. Tuy nhiên, các đề cử dành cho Trump dường như làm nổi bật chính sách đối ngoại chủ chốt gần đây của Washington là kiến tạo hòa bình, ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.
4 người tham gia hội nghị đảng Cộng hòa nhiễm nCoV
Các quan chức Mỹ cho biết 4 người tham gia Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa ở Bắc Carolina dương tính với nCoV và "lập tức được cách ly".
Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC) bắt đầu với các sự kiện diễn ra trong ngày 24/8 tại thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina, và kết thúc hôm 27/8. Các đảng viên Cộng hòa phần lớn không nhắc tới cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, đại dịch khiến gần 186.000 người Mỹ chết, thay vào đó họ nhắc nhở các cử tri về nền kinh tế vững mạnh tồn tại trước đó.
Trang Twitter của hạt Mecklenburg, nơi Charlotte tọa lạc, ngày 28/8 thông báo hai đại biểu và hai nhân viên hỗ trợ sự kiện dương tính với nCoV và tất cả đều "lập tức được cách ly". Phát ngôn viên RNC Michael Ahrens xác nhận 4 người dương tính với virus trong số khoảng 1.000 người được xét nghiệm.
"RNC có biện pháp an toàn chặt chẽ, bao gồm xét nghiệm tất cả người tham dự trước khi họ tới Charlotte và thêm một lần nữa lúc họ tới nơi", Ahrens cho biết trong một thông cáo.
Đại biểu tham dự Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa tại Charlotte, Bắc Carolina, ngày 24/8. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/8 phát biểu trước hơn 1.000 người tại Nhà Trắng. Những người tham dự ngồi cách nhau vài chục cm và hầu như không đeo khẩu trang, bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia y tế.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 27/8 bắt tay với ít nhất một người khi chào đón người ủng hộ trong các hoạt động của RNC, khung cảnh trái ngược hoàn toàn với Hội nghị Toàn quốc đảng Dân chủ được tổ chức gần như trực tuyến vài tuần trước.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden cùng nữ "phó tướng" Kamala Harris hủy chuyến đi tới Wisconsin vì Covid-19. Thay vào đó, Biden và Harris phát biểu trong một trung tâm sự kiện hầu như không có người tham dự.
Harris và Biden chỉ trích Trump vì khả năng lãnh đạo kém, cho rằng Tổng thống Mỹ không có kế hoạch giải quyết khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Biden đang dẫn trước Trump trong các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra ngày 3/11.
Đảng viên Dân chủ tại Bắc Carolina lên án đảng Cộng hòa vì tổ chức phần lớn các sự kiện trong hội nghị toàn quốc ở bang này. "Tổng thống cho thấy rằng ngay khi khủng hoảng y tế cộng đồng đang diễn ra, không có gì quan trọng hơn đối với ông ấy ngoài một đám đông, dù điều đó có nghĩa là mạo hiểm tính mạng", Austin Cook, phát ngôn viên đảng Dân chủ tại bang Bắc Carolina cho biết trong một thông cáo.
Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 25 triệu ca nhiễm, hơn 840.000 ca tử vong và gần 17,3 triệu người đã bình phục. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 6,1 triệu ca nhiễm và gần 186.000 ca tử vong.
Trump cam kết tạo 10 triệu việc làm nếu tái đắc cử Trump lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, cam kết tạo thêm 10 triệu việc làm trong 10 tháng trong bài phát biểu trước đảng Cộng hòa. "Cách duy nhất để họ có thể giành cuộc bầu cử này khỏi chúng ta là gian lận. Chúng ta sẽ giành chiến thắng", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi khai...