Trực thăng tấn công Nga thua thầu ở Ấn Độ
Nga đã thất bại trong thương vụ nhằm cung cấp 22 trực thăng tấn công Mi-28N “Thợ săn đêm” cho không quân Ấn Độ.
Trực thăng Mi-28N của Nga.
Thay vào đó, Ấn Độ dự kiến sẽ mua các trực thăng tấn công AH-64D Apache do hãng Boeing chế tạo.
“Chúng tôi quyết định không chọn Mi-28 vì các lý do kỹ thuật. Các chuyên gia của chúng tôi tin rằng Mi-28 không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ dự thầu ở 20 điểm, trong khi đó Apache cho thấy hiệu suất tốt hơn”, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, tiết lộ.
Giới chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ tại New Delhi từ chối xác nhận hay bác bỏ thông tin trên, nói rằng cần thêm thời gian để để đi đến quyết định cuối cùng.
Video đang HOT
Trước đó, hãng tin Interfax Nga cũng cho biết rằng Ấn Độ quyết định mua các trực thăng AH-64D Apache hay vì Mi-28N trong khuôn khổ một chương trình trị giá 2,5 tỷ USD nhằm nâng cấp phi đội trực thăng quân sự của Ấn Độ.
Quân đội Ấn Độ sẽ cần ít nhất 22 trực thăng tấn công của Mỹ với giá trị của hợp đồng lên tới ít nhất 600 triệu USD và rất có thể sẽ cần thêm 44 chiếc khác.
Hãng Boeing cũng từ chối bình luận về thông tin trên vì chưa nhận được lời xác nhận chính thức nào về thoả thuận từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Ngoài ra, Nga hiện cũng đang bỏ thầu 2 dự án trực thăng khác của Ấn Độ là 12 trực thăng vận tải hạng nặng và 197 trực thăng hạng nhẹ.
Hồ sơ thầu đầu tiên là cuộc cạnh tranh giữa trực thăng Mi-26T2 của Nga và CH-47F Chinook của Mỹ. 2 ứng viên nặng ký lọt vào hồ sơ thầu 197 trực thặng hạng nhẹ là Ka-226T của Nga và trực thăng AS550 Fennec của Eurocopter (châu Âu).
Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục chuyển giao các trực thăng vận tải Mi-17-B5 cho Ấn Độ theo một thoả thuận hồi năm 2008 nhằm cung cấp 80 trực thăng trị giá 1,4 tỷ USD.
Thị trường trực thăng quân đội Ấn Độ, với nhu cầu tiềm năng lên tới 700 chiếc trong thập niên tới, đang tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng chế tạo nước ngoài.
Theo Dân Trí
NATO dùng trực thăng tấn công tại Libya
NATO hôm nay thông báo lần đầu tiên sử dụng các máy bay trực thăng tấn công trong chiến dịch không kích tại Libya.
BBC dẫn thông báo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cho hay các mục tiêu được nhắm tới là xe quân sự, khí tài quân sự và các lực lượng trên bộ của đại tá Gadhafi. Cụ thể, các trực thăng Apache của Anh đã tấn công và phá hủy hai cơ sở quân sự, một trạm radar và một trạm kiểm soát vũ trang gần thành phố Brega.
Trong khi đó, các trực thăng Gazelle của Pháp cũng liên tục tấn công nhiều mục tiêu khác nhau tại Libya. "Việc sử dụng các trực thăng tấn công giúp chiến dịch của NATO có thêm sự linh hoạt, để tìm kiếm và đối phó với lực lượng trung thành của Gadhafi, vốn luôn ẩn náu trong các khu vực dân cư", bản thông báo có đoạn.
Trực thăng Tigre của Pháp bay từ tàu sân bay Tonnerre. Ảnh: Defpro
Trong khi đó, AFP dẫn lời Trung tướng Charles Bouchard, Tổng tư lệnh chiến dịch tại Lybia của NATO, cho hay những chiếc trực thăng tấn công mang lại khả năng chiến đấu hiệu quả. "Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các máy bay này tại những thời điểm và địa điểm cần thiết", ông Bouchard nói.
Theo vị tướng người Canada, các trực thăng tấn công có thể xác định chính xác các xe quân sự của đối phương, một việc không hề dễ dàng đối với các máy bay chiến đấu luôn phải bay rất cao.
Một quan chức quân sự của NATO cho biết Pháp đã điều động thêm 4 trực thăng chiến đấu Tigre hiện đỗ tại tàu sân bay Tonnerre. Trong khi đó, Anh đưa 4 chiếc trực thăng Apache tới tham chiến tại Libya bằng tàu sân bay HSM Ocean. Một nguồn tin quân sự khác cho hay Pháp còn có hàng chục trực thăng Gazelle đời cũ hơn so với Tigre trên tàu Tonnerre.
Bản thông báo hôm nay của NATO cũng nhắc lại rằng chiến dịch tại Libya được diễn ra theo Nghị quyết 1973 của Liên Hợp Quốc, với nội dung không cho phép đưa bộ binh vào Libya, nhưng kêu gọi chấm dứt ngay các hành động tấn công nhằm vào thường dân và cho phép mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân của quốc gia Bắc Phi.
Theo VNExpress