Trực thăng nhanh nhất thế giới khoe tốc độ
Nguyên mẫu trực thăng S-97 Raider trình diễn khả năng bay với tốc độ hơn 400 km/h và độ cơ động linh hoạt trên thao trường lục quân Mỹ.
Nguyên mẫu trực thăng S-97 Raider của tập đoàn Sikorsky thực hiện hai chuyến bay thử nghiệm tại thao trường Redstone ở Huntsville, bang Alabama, vào ngày 13/4 và 15/4. Mẫu trực thăng này là ứng viên trong chương trình Máy bay Tấn công Trinh sát Tương lai thuộc sáng kiến Máy bay Cất cánh thẳng đứng Tương lai của lục quân Mỹ.
S-97 sử dụng hệ thống cánh quạt đồng trục có thể quay độc lập và quạt đẩy phía sau để tăng tốc và cơ động chuyển hướng, được trang bị hệ thống điều khiển điện tử và bộ truyền động chống rung giúp giảm rung lắc khi bay.
Nguyên mẫu trự thăng S-97 bay thử nghiệm tại thao trường Redstone Huntsville, bang Alabama, Mỹ, ngày 15/4. Video: Sikorsky .
Tổ bay S-97 gồm hai người, trực thăng có thể chở thêm 6 người trong khoang hành khách. S-97 sử dụng động cơ General Electric YT706 có công suất 2.600 mã lực, giúp trực thăng đạt tốc độ tối đa 410 km/h, phá vỡ kỷ lục tốc độ nhanh nhất thế giới 315 km/h của trực thăng vận tải CH-47F Chinook.
S-97 có tầm bay 570 km, được trang bị đại liên dùng đạn 12,7 mm cùng cụm ống phóng 7 rocket. Mẫu trực thăng mới có thể cung cấp dữ liệu bảo trì và tự chẩn đoán sự cố để chỉ huy đơn vị có thể nắm được có bao nhiêu máy bay sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào.
“Thật tuyệt khi được bay trên trực thăng S-97″, Christiaan Corry, cựu binh thủy quân lục chiến và phi công thử nghiệm của Sikorsky, cho biết. “Sự kết hợp giữa cánh quạt đồng trục và quạt đẩy tạo nên công nghệ mang tính đột phá. Khi bay tốc độ thấp, S-97 hoạt động như trực thăng thông thường, nhưng khi tăng tốc, chúng tôi vận hành nó tương tự lái máy bay cánh bằng”.
Sikorsky phát triển S-97 từ nguyên mẫu X2 và dự kiến lấy trực thăng mới làm cơ sở phát triển mẫu Raider X. S-97 cất cánh lần đầu tháng 5/2015 và bay trong một tiếng thay vì 30 phút theo kế hoạch ban đầu.
Nguyên mẫu S-97 gặp sự cố hồi tháng 8/2017 khiến hai phi công bị thương nhẹ. Sikorsky tiếp tục thử nghiệm S-97 vào tháng 6/2019, sau gần hai năm đình chỉ các chuyến bay.
Mỹ cho thiết giáp đọ pháo laser
Lục quân Mỹ lắp hệ thống pháo laser lên hai xe thiết giáp Stryker để đọ khả năng phòng thủ tầm ngắn vào đầu năm 2021.
"Một nhóm chuyên gia công nghiệp lục quân đang tích hợp hai hệ thống vũ khí laser 50 kW và thiết bị hỗ trợ lên hai xe chiến đấu bộ binh Stryker tại bang Alabama. Chúng sẽ tham gia cuộc đấu tại căn cứ Sill, bang Oklahoma, vào mùa xuân năm sau với nhiều kịch bản nhằm kiểm tra tính năng, cũng như xây dựng quy chuẩn với loại vũ khí laser này", lục quân Mỹ ra thông cáo cho biết hồi tuần trước.
Lục quân Mỹ cho biết hai hệ thống laser này được phát triển riêng rẽ bởi Northrop Grumman và Raytheon. Các loại vũ khí laser này có sức mạnh gấp 10 lần những hệ thống được lính pháo binh Mỹ thử nghiệm tại Đức từ đầu năm 2018.
Mô phỏng hoạt động của hệ thống ED-MSHORAD trên xe Stryker. Ảnh: Northrop Grumman .
Trong đợt thi đấu, mỗi thiết giáp mang pháo laser sẽ phải trải qua 12 kịch bản tác chiến với độ khó tăng dần, buộc chúng đối phó với hàng loạt mục tiêu phức tạp có thể xuất hiện trên chiến trường. Kết quả đợt bắn thử sẽ được xem xét trong quá trình lựa chọn đầu tư phát triển vũ khí laser trong tương lai, đồng thời cho thấy công nghệ vũ khí laser đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật.
Hai hệ thống vũ khí laser được phát triển để cải thiện khả năng đối phó rocket, đạn pháo và cối, cũng như máy bay không người lái của các đơn vị thiết giáp lục quân Mỹ. Lực lượng này đặt mục tiêu triển khai một trung đội 4 xe Phòng không tầm ngắn dùng Vũ khí Năng lượng Định hướng (DE-MSHORAD) cho thử nghiệm thực tế vào năm 2022.
Ngoài hệ thống DE-MSHORAD, lục quân Mỹ cũng đang phát triển hệ thống Laser năng lượng cao - Bảo vệ trước Hỏa lực gián tiếp (IFPC-HEL) với công suất 300 kW đặt trên khung gầm xe tải, được kỳ vọng sẽ đủ sức đối phó với tên lửa hành trình của đối phương.
Bộ Quốc phòng Mỹ coi phát triển vũ khí năng lượng cao là ưu tiên quan trọng, cho rằng chúng sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho quân đội. Với nguồn năng lượng thích hợp, vũ khí laser sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng hết đạn như các vũ khí thông thường. Chúng có thể làm mù hệ thống cảm biến trên vũ khí dẫn đường, hoặc tạo ra nhiệt lượng cao để đốt cháy khí tài đang bay tới.
'Tướng vô hình' có thể trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Suốt 41 năm trong lục quân Mỹ, tướng Lloyd Austin đóng vai "người thầm lặng", điều có thể phù hợp để Biden đề cử ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ba nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề hôm 7/12 cho biết Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ đề cử tướng về hưu Lloyd Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ,...