Trọng Trinh: ‘10 năm nữa phim Việt sẽ đuổi kịp phim Hàn’
Đạo diễn “ Mưa bóng mây” cho rằng chúng ta đang thua nước bạn về kinh nghiệm diễn xuất, kỹ thuật… Anh tin khoảng 10 năm nữa, phim truyền hình Việt sẽ đuổi kịp các thị trường khác.
Những ngày cuối năm, NSƯT Trọng Trinh bận rộn với công việc ở Đài truyền hình và các phim Zippo, Mù tạt và Em. Qua nhiều lần điện thoại, tin nhắn…, anh mới thu xếp cho tôi một cuộc trò chuyện lúc nghỉ trưa.
Khi hỏi về việc ôm đồm quá nhiều công việc, thời gian nào dành cho gia đình, đạo diễn Mưa bóng mây cười xòa: “Không nói chuyện đi công tác mà đang ở ngay trong Hà Nội, có khi cả ngày tôi chẳng gặp vợ. Tôi thường đi từ khi cô ấy chưa thức dậy và về nhà vào lúc đêm muộn. Chúng tôi chỉ gặp nhau qua điện thoại thôi”.
Trọng Trinh trong phim Mưa bóng mây. Ảnh: Đoàn làm phim
Ngoại tình là câu chuyện muôn thuở
- Cách đây vài năm, sóng truyền hình tràn ngập những bộ phim nói về đề tài nông thôn, người nông dân trong thời hội nhập… nhưng 2015 có vẻ lại là năm thăng hoa của chủ đề ngoại tình. Theo anh, nguyên nhân vì đâu, những bộ phim mang chủ đề này lại lên ngôi?
- Tôi nghĩ gọi là thời không chính xác lắm. Lấy ví dụ như những phim do VFC sản xuất, có giai đoạn chỉ tập trung sản xuất dòng chính luận, về đề tài xã hội. Nguyên nhân là giai đoạn đó đang có những bức xúc, những câu chuyện đáng nói nên phim chính luận liên tục ra mắt khán giả. Vấn đề với những người làm phim là hôm nay tôi đưa đề tài này ra và khán giả xem có thể thốt lên rằng: “À, ngay cả phim ảnh, đặc biệt là phim truyền hình, đều bám sát cuộc sống hiện tại, của ngày hôm nay”.
Chủ đề ngoại tình, ly hôn ở Hôn nhân trong ngõ hẹp hay Mưa bóng mây là câu chuyện gia đình muôn thuở. Ở giai đoạn nào cũng có câu chuyện tương tự trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Việc đề cập tới một đề tài nào đó không phải chuyện khó, cái quan trọng là khai thác đề tài đó như thế nào để có thể “mở nút”, khiến công chúng thích thú, ấn tượng.
Một đạo diễn nổi tiếng trong lĩnh vực sân khấu từng nói với tôi rằng: “Thà anh nói một điều người ta hiểu còn hơn ôm đồm 10 điều chẳng ai hiểu gì”. Tôi rất tâm đắc câu nói này. Tôi nghĩ nó cũng là kim chỉ nam quan trọng với những người làm phim. Câu chuyện, đề tài không hề thiếu nhưng quan trọng là làm sao để có được tác phẩm giản dị và gần gũi, khiến người xem cảm nhận được mình từng ở trường hợp như thế.
- Đề tài ngoại tình từng nhiều lần xuất hiện trên màn ảnh Việt qua các tác phẩm của điện ảnh Hàn hoặc Trung. Khi theo đuổi đề tài này, anh và ê-kíp gặp những khó khăn, áp lực gì?
- Tôi không hề áp lực với những bộ phim của điện ảnh nước ngoài đang chiếu trên màn ảnh. Tôi chỉ áp lực làm thế nào để phim của mình lôi cuốn khán giả, khiến họ phải xem, phải bàn tán về nó.
Còn chuyện khó khăn chúng tôi gặp ngay từ khâu làm kịch bản. Tới khi ra hiện trường lại có khó khăn khác vì tôi muốn quay thoại trực tiếp chứ không thích lồng tiếng, để đảm bảo tâm lý và cảm xúc nhân vật được thể hiện rõ trong từng lời thoại. Điều này đòi hỏi diễn viên phải thuộc lời, thuộc tuyến cảm xúc và phải có đài từ tốt chứ không chỉ giỏi diễn xuất. Người quay phim, ê-kíp hậu đài cũng phải làm việc với cường độ cao hơn, để đảm bảo mọi thứ đều “chuẩn không cần chỉnh”. Bạn phải biết, cũng chỉ một câu thoại đấy nhưng để lồng cảm xúc vào và cảm xúc ở mức độ nào lại là chuyện không hề đơn giản.
“Ban đầu, Mưa bóng mây có tên là Ngoại tình nhưng anh em trong ê-kíp thấy cái tựa đó sốc quá nên đổi thành Phía sau khung cửa. Một thời gian sau, lại thấy cái tên này chưa thực sự phù hợp vì sau khung cửa của mỗi gia đình là rất nhiều câu chuyện khác nhau. Tôi và Đỗ Thanh Hải đã cùng bàn bạc để chọn cái tên Mưa bóng mây vì những câu chuyện này vốn chỉ như cơn mưa nhẹ nhàng ngang qua, chưa đủ sức để thấm ướt áo nhưng nếu để ướt thì tức là đã có vấn đề rồi”.
Video đang HOT
- Trọng Trinh -
- Chuyện lựa chọn diễn viên thì sao, thưa anh?
- Đây cũng là giai đoạn tốn rất nhiều thời gian bởi có người mình muốn mời nhưng lại kẹt lịch làm việc khác hoặc có người diễn được mà đài từ chưa chuẩn. Có những diễn viên rất ổn nhưng họ lại sợ đây là chủ đề nhạy cảm. Họ sống không chỉ cho riêng mình mà còn có gia đình, người thân, nên mình không thể áp đặt họ được.
Trung Hiếu ban đầu cũng kẹt lịch nhưng tôi cứ đưa kịch bản và bảo đọc thử rồi hãy quyết định. Tôi bảo cậu ấy “chọn lựa kịch bản là việc phải làm, nhưng em hãy chọn lựa kịch bản nào tốt nhất” vì tôi rất tự tin với kịch bản của Mưa bóng mây.
Thúy Hằng cũng là một trường hợp rất thú vị. Cô ấy không có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, đài từ cũng chưa chuẩn xác nhưng rất cầu tiến và chịu khó học hỏi. Ban đầu, tôi thấy lo nên quyết định quay thử vài hôm và đẩy dần cấp độ cảm xúc lên xem cô ấy có bắt nhịp được không. Hằng làm rất tốt nhưng có lẽ do lâu không diễn, kỹ năng của cô ấy đang “ngủ quên”, phải tìm ra cách “đánh thức” nó. Thế nên tôi chọn Hằng ngay lập tức.
Không để dành vai cho mình khi làm đạo diễn
- Chủ đề ngoại tình, ly hôn dễ thu hút sự chú ý của khán giả hơn nhưng cũng dễ bị “ném đá” nếu kết cấu kịch bản không chặt chẽ, diễn viên diễn xuất thiếu tự nhiên… Anh làm như thế nào để tránh những lỗi này trong phim của mình?
- Ban đầu, từ một câu chuyện có thật, chị Kim Ngân viết được khoảng 100 trang truyện viết tay. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đọc xong thích quá và bảo tôi: “Anh rất hợp chất này, anh đọc thử xem thế nào”. Tôi đọc một lèo không nghỉ và thấy câu chuyện rất hay. Nhưng từ câu chuyện tới khi thành kịch bản lại là chuyện khác.
Chúng tôi từng mời vài biên kịch viết thử nhưng cuối cùng vẫn phải bỏ. Có người đi được một nửa chặng đường thấy không hợp nên rút lui. Người khác viết xong rồi nhưng mình đọc lại thấy không đúng ý tưởng nên đành hủy. Đây không phải là sự kiện mà do tâm lý – tâm lý đẩy tâm lý rồi mới tạo ra sự kiện. Nhưng người viết lại dựa vào sự kiện, áp đặt tâm lý lại không đúng bản chất vấn đề. Khi đó, tôi và Đỗ Thanh Hải lại phải ngồi lại với nhau và quyết định để chính Kim Ngân viết kịch bản này.
Sau thành công ở vai trò diễn viên, NSƯT Trọng Trinh đã thử sức ở lĩnh vực đạo diễn hơn 10 năm. Anh hiện làm việc tại VFC.
- Câu chuyện kịch bản cũng tương tự, diễn xuất của diễn viên không thua kém. Anh nghĩ vì đâu khán giả vẫn chưa yêu phim Việt như phim Hàn – Trung và mất bao lâu chúng ta mới đuổi kịp họ?
- Tôi chỉ lấy một ví dụ như thế này: Bạn không hiểu người bên cạnh đang kể chuyện gì vì họ nói tiếng nước ngoài. Thế nên chắc chắn bạn phải chăm chú theo dõi từng cử chỉ, hành động, lời nói để đoán ra câu chuyện của họ. Đấy là câu chuyện của phim Hàn, phim Trung khi tới Việt Nam. Dù có thuyết minh, phiên dịch, nhưng sự khác biệt trong ngôn ngữ vẫn lôi cuốn khán giả, khiến họ tò mò muốn xem các diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
Về diễn xuất, chưa biết ai hơn ai nhưng chúng ta đang thua họ rất nhiều về kinh nghiệm rồi thiết bị kỹ thuật… nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng rất nhiều. Ban đầu là phim hợp tác 50-50 như Tuổi thanh xuân rồi tới Khúc hát mặt trời, chúng ta đã tự làm hoàn toàn. Tôi hy vọng chỉ 10 năm nữa, phim truyền hình Việt sẽ đuổi kịp các thị trường khác.
- Có một chi tiết nhiều người chú ý ở “Mưa bóng mây”, anh làm đạo diễn và đóng cả vai ông Tài. Anh có ưu ái bản thân thay vì mời một diễn viên khác?
- (Cười) Hoàn toàn không phải vậy đâu. Chuyện này nhiều người cũng hỏi tôi vậy. Nhưng thật ra khi Kim Ngân viết kịch bản, cô ấy đã chọn tôi. Đây không phải chuyện lạ. Chúng tôi làm phim, làm kịch bản đôi khi cũng vậy thôi, cứ nhìn diễn viên trước đã.
Hơn nữa không phải chỉ mình tôi có quyền quyết định diễn viên của Mưa bóng mây. Ngoài Đỗ Thanh Hải, ban giám đốc của VFC cũng phải xem và thảo luận chán chê mới đi tới quyết định cuối cùng là chọn ai cho nhân vật nào. Đôi khi chính đạo diễn không thể có quyết định chính xác mà vẫn cần sự tư vấn, hỗ trợ của cả một hội đồng thẩm định. Tôi cho đây là cách làm rất hay. Còn nếu để một mình anh đạo diễn quyết định thì phim tôi đã ra từ cách đây 2 năm rồi.
Theo Zing
Những người đàn bà bị ghét cay ghét đắng trong phim Việt ngoại tình
Không hẳn là những vai diễn phản diện nhưng những người phụ nữ lầm đường lạc lối trong các bộ phim "Hôn nhân trong ngõ hẹp", "Khép mắt chờ ngày mai"... lại khiến khán giả ghét cay ghét đắng.
Những năm gần đây, các phim truyền hình khai thác đề tài ngoại tình, người thứ ba xuất hiện dày đặc trên màn ảnh nhỏ. Đa số khán giả theo dõi phim đều thấy "vừa giận, vừa thương" khi chứng kiến hành động trượt dài đầy tội lỗi của người phụ nữ.
Nga trong phim Mưa bóng mây
Ở những tập đầu trong bộ phim Mưa bóng mây, Nga (Thúy Hằng) là người phụ nữ đức hạnh, hi sinh vì chồng con. Phát hiện chồng mình là Lân (NSƯT Trung Hiếu thủ vai) có quan hệ yêu đương với cô gái làng chơi, Nga đã quyết định thay đổi bản thân. Không còn lo lắng quan tâm tới gia đình, Nga chăm chút cho diện mạo trở nên xinh đẹp hơn rồi lao vào những cuộc tình chóng vánh. Cô thậm chí còn sẵn sàng dựng chuyện công tác dài ngày trước sự chứng kiến của bố mẹ và em trai để có thời gian bên nhân tình.
Nga thay đổi trở thành con người khác kể từ khi ngoại tình
"Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ", thời gian Nga vui vẻ bên những cuộc tình ngoài luồng chẳng được bao lâu. Nga lâm vào hoàn cảnh trớ trêu nhục nhã khi bị chồng bắt gặp tại khách sạn và vợ của nhân tình đánh ghen trước sự chứng kiến của nhiều người.
Dương trong phim Máy bay ký sự
Dù chỉ là tuyến nhân vật phụ nhưng vai diễn của Dương (Thùy Dương) trong Máy bay kí sựvẫn được nhiều người chú ý tới. Là một người phụ nữ khéo léo nên Dương rất được lòng chồng. Không những thế, Dương còn giả vờ yếu đuối, đáng thương trước mặt "phi công trẻ" Thành (Thành Sơn) để anh chàng này say mê cô hết mực.
Chỉ muốn bên chàng đồng nghiệp phút chốc yêu đương nhưng Dương không ngờ sự việc đi quá xa
Chỉ có ý định phút chốc yêu đương mới mẻ khi qua lại với chàng trai đồng nghiệp kém tuổi, nhưng thật không may, Thành ngày càng chìm đắm trong tình yêu với người phụ nữ đã có gia đình. Phát hiện vợ ngoại tình, chồng Dương không sao chấp nhận nổi sai lầm của vợ bởi anh không thể ngờ rằng người vợ mà anh luôn tin tưởng đã đeo chiếc mặt nạ giả dối sau chừng ấy năm chung sống.
Hằng trong phim Hôn nhân trong ngõ hẹp
Một trong những vai diễn khiến khán giả nóng gáy khi theo dõi phim truyền hình Hôn nhân trong ngõ hẹp là Hằng (Diễm Hương) - bạn thân của Trinh (Minh Hà). Trong phim, Hằng là người bạn tri kỷ của Trinh, song cô cũng chính là người thứ ba phá hoại cuộc hôn nhân mà Trinh bấy lâu xây dựng. Dù thân thiết với Trinh nhưng Hằng là nguyên nhân khiến chồng Trinh - Khang (Chí Nhân) ngoại tình. Thậm chí, Hằng liên tục gợi ý Trinh về ý định thử yêu đương với người đàn ông khác.
Hằng (Diễm Hương) lả kẻ thứ ba xen vào hạnh phúc của cô bạn thân - Trinh (diễn viên Minh Hà)
Khi Trinh phát hiện ra mối quan hệ giữa họ, Hằng không những không hối lỗi mà còn liên tục tới làm phiền Khang. Vai diễn của Hằng đáng trách hơn đáng thương khi bất chấp tất cả chỉ để thỏa mãn dục vọng, ham muốn ích kỉ của bản thân.
Mai (trong phim Khép mắt chờ ngày mai)
Nghe theo lời ngon ngọt từ chàng nhân tình, Mai không ngại trao cho hắn toàn bộ tài sản mà chồng tiết kiệm suốt bao năm
Mọi bi kịch thăng trầm trong phim Khép mắt chờ ngày mai bắt ngồn từ cái chết của mẹ Thụy Miên - bà Mai. Bà Mai dù ở tuổi trung niên nhưng sắc đẹp vẫn mặn mà, đằm thắm. Có chồng là bác sĩ của bệnh viện danh tiếng cùng hai người con ngoan ngoãn nhưng bà Mai luôn cảm thấy thiếu vắng tình yêu. Chồng mải lo công việc bên ngoài khiến bà Mai thêm tủi thân lao theo mối tình với chàng trai trẻ độ tuổi chỉ chạc bằng con gái.
Thực chất, gã trai kia đến với bà Mai vì mục đích lợi dụng. Để có nguồn vốn cho người tình làm ăn lớn, bà Mai không hề do dự rút hết tiền tiết kiệm và thế chấp nhà để vay lãi suất cao. Xong xuôi mọi việc thì cũng là lúc bà Mai phát hiện ra người tình cùng số tiền đã cao chạy xa bay. Hụt hẫng, hối hận... bà Mai chỉ nghĩ đến cái chết để có thể giải thoát cho chính mình. Người phụ nữ có thể hi sinh cả cuộc đời cho chồng con, nhưng một khi mắc phải lỗi lầm, không phải ai cũng đủ dũng cảm ngẩng cao đầu để bắt đầu tiếp tục một cuộc sống mới.
Theo Thùy Linh / Trí Thức Trẻ
Những bộ phim Việt về ngoại tình khiến khán giả căm phẫn Cùng điểm mặt một số bộ phim Việt tiêu biểu về những mối tình vụng trộm khiến khán giả nóng mắt. Heo may qua phố Bi kịch của bộ phim Việt Heo may qua phố bắt nguồn từ cuộc hôn nhân sắp đặt không có tình yêu của cặp vợ chồng Loan - Bành (Chiều Xuân - Tiến Đạt). Loan luôn được nhiều...