Trọng dụng nhân tài – cơ chế chưa bắt nhịp thực tiễn: Kỳ 2 – Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng
“Khi đã chắt lọc, chọn được người xứng đáng rồi thì chúng ta phải có chính sách đãi ngộ cho tương xứng với năng lực, trình độ và sở trường của họ, chứ không thể như hiện nay, ra trường hưởng lương khởi điểm 2,34 rồi có thêm phụ cấp này kia. Như thế không bao giờ tuyển chọn được nhân tài phục vụ cho đất nước”.
Ông Phạm Văn Hòa cho rằng chính sách đãi ngộ với nhân tài phải tương xứng với năng lực, trình độ của họ
Đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp khi đề cập đến những rào cản và bất cập hiện nay trong công tác thu hút, trọng dụng nhân tài.
“Chảy máu chất xám”
Nhấn mạnh đến việc “phải có chính sách đãi ngộ hết sức xứng đáng”, ông Hòa cho rằng ngoài cơ chế tuyển thẳng thì chúng ta cần có các chế độ khác như nhà ở công vụ, hoặc lương hàng tháng không chỉ đảm bảo cho cuộc sống của họ mà phải đảm bảo với khoản lương này, họ có thể nuôi được vợ, con. “Chứ lương chỉ nuôi sống cho bản thân người ta thôi thì nhân tài không bao giờ chấp nhận. Họ có thể bỏ đi làm chỗ khác” – ông Hòa nói.
Để thu hút người tài, hiện nay ngoài các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương thì các dự án luật liên quan (như dự án Luật Thanh niên sửa đổi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức…) cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ.
Tuy nhiên, với những quy định về chính sách với thanh niên tài năng tại dự án Luật Thanh niên sửa đổi, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu không khỏi băn khoăn: Đất nước đang thiếu những hiền tài, những nhà khoa học, nhà quản trị giỏi ở nhiều lĩnh vực, nhưng có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp xong lại ở nước ngoài làm việc.
“Thanh niên rất giỏi lại làm việc ở nước ngoài nhiều, đó là điều chúng ta thấy xót xa… Rõ ràng chúng ta đang thiếu chính sách hoặc có chính sách nhưng chưa thỏa đáng. Vậy Luật này có góp phần thu hút được nhiều thanh niên về với đất nước đóng góp và tham gia nhiều hơn vào khu vực công hay không?” – ông Hiểu đặt vấn đề.
Là một trong những địa phương mạnh dạn đi đầu trong việc đề ra những chính sách nổi bật để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, Hà Nội đã chủ động xây dựng các văn bản pháp luật liên quan, như Quyết định số 91 (năm 2009) của UBND TP về việc ban hành quy định thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Hà Nội; Nghị quyết số 14 (năm 2013) của HĐND TP về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô…
Theo số liệu được Sở Nội vụ Hà Nội công bố năm 2017, thời gian qua đã có 186 thủ khoa xuất sắc được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan của thành phố, trong số này có 156 người hiện vẫn đang công tác, số còn lại đã thôi việc, chuyển việc vì nhiều lý do khác nhau.
Tại buổi gặp mặt, đối thoại với đoàn viên, thanh thiếu niên Thủ đô của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cũng thẳng thắn thông tin: Những năm qua, TP đã thực hiện chính sách tuyển dụng thẳng sinh viên đỗ tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học, cao đẳng vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc.
Nhiều bạn sau khi được tuyển dụng đã phát huy năng lực, hiệu quả trong công tác, được đề bạt, bổ nhiệm. Nhưng nhiều thủ khoa sau một thời gian công tác vì lý do thu nhập thấp đã xin thôi việc. “Đây là vấn đề chúng tôi rất quan tâm và đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với TP đổi mới cơ chế làm sao vừa thu hút hiệu quả, vừa giữ chân được người tài”, ông Bảo khẳng định.
Chính sách thu hút nhân tài cần đáp ứng tính toàn diện
Không chỉ mức lương quá thấp, điều đáng phàn nàn hơn là những tài năng trẻ này nhiều khi không được phân công công việc phù hợp với trình độ, kiến thức đã được học. Hoàn cảnh của những thạc sĩ tốt nghiệp ở Mỹ thuộc đề án đô thị thông minh của TP.Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình.
Video đang HOT
Là một trong 6 người được lựa chọn đi học thạc sĩ tại Mỹ theo đề án đô thị thông minh của TP HCM, sau khi tốt nghiệp loại giỏi trở về nước, tháng 11/2018, anh Phạm Quốc Thái được phân công về Ban Quản lý An toàn thực phẩm của TP với mức lương cơ bản gần 2,8 triệu đồng mỗi tháng.
Cần có chính sách đãi ngộ cho tương xứng với năng lực, trình độ của nhân tài
Điều khiến anh Thái bức xúc đó là việc anh được đào tạo về chuyên ngành kỹ thuật xây dựng nhưng lại bị phân về làm quản lý thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Nhận thấy công việc không phù hợp, anh Thái nhiều lần đề nghị được thay đổi nhưng không mang lại kết quả như mong muốn.
Một trường hợp khác là anh Đào Đoàn Duy (từng tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), sau khi hoàn thành chương trình học bổng thạc sĩ ở Mỹ, anh Duy được phân công về Sở Tài nguyên – Môi trường TP Hồ Chí Minh chỉ để nhận nhiệm vụ “đo môi trường, không khí” với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng.
Mới đây, tại hội thảo khoa học chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công do Bộ Nội vụ tổ chức, GS.TS Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Tôi nói thật, phụ cấp cả tháng của một thứ trưởng không bằng tôi đi dạy thêm 1 buổi”.
Còn PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nêu “một thực tế cần nói thẳng”, đó là để có thể làm giảng viên trường Đảng thì gia đình phải có điều kiện mới có thể chu cấp cho ước mơ, tài năng phát triển, bởi trông chờ vào lương khởi đầu 2,34 thì rất khó khả thi. Cũng chính vì cơ chế bất cập, thu nhập không tương xứng với tài năng mà thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành đã có không ít giám đốc Sở xin ra khỏi khu vực công.
Và còn rất nhiều trường hợp tương tự như anh Thái, anh Duy… nhưng vì sự ràng buộc với những hợp đồng đã ký kết với chính quyền địa phương mà nhiều nhân tài đành bấm bụng ở lại “làm việc như trả nợ” cho hết thời gian quy định; một số khác chấp nhận đền bù cho TP một khoản tiền để được tự do làm việc bên ngoài với mức thu nhập hấp dẫn hơn.
Điều đáng nói, tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến, đến mức lãnh đạo của các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… đã phải tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các tài năng trẻ để tìm ra hướng tháo gỡ, nhưng chưa biết hồi kết sẽ ra sao.
“Tại kỳ họp cuối năm nay, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó có chính sách tuyển chọn nhân tài. Tôi cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng để sau khi luật có hiệu lực từ 1/1/2021, Trung ương và các ngành, các địa phương sẽ tuyển chọn được những con người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở để phục vụ nhân dân và phát triển đất nước…” – ông Phạm Văn Hòa cho biết.
Nhiều chuyên gia nhận định, đã là chính sách thu hút nhân tài thì nên mang tính đáp ứng toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần, tránh trường hợp Nhà nước “lãng phí” chất xám, còn các nhân tài thì chật vật xoay sở với “cơm áo, gạo tiền”, khó có điều kiện phát triển.
Khánh Chi – Minh Ngọc
Theo baophapluat
Đừng để tiểu nhân trà trộn, hãm hại người tài
Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang đã nói đến 4 điểm mấu chốt để thu hút và trọng dụng nhân tài vào làm việc trong khu vực công.
Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án "Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài" và Hội thảo khoa học "Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công".
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách "trải thảm đỏ" nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Vậy đâu là điểm nghẽn khiến cho vấn đề thu hút nhân tài, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được một số ý kiến góp ý từ Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Tiến sỹ khoa học Phan Hồng Giang. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết
Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang nhấn mạnh: "Theo cá nhân tôi, điểm nghẽn chính trong việc thu hút, sử dụng nhân tài là trong công tác đánh giá cán bộ vẫn có chuyện chủ quan, thiếu dân chủ. Quyền đánh giá cán bộ vẫn nằm trong tay một nhóm người.
Đã là người tài, biểu hiện của họ là khác thường. Ví dụ một đứa trẻ 10 tuổi hát opera hay đâu cần phải đợi đến già mới là hay.
Nếu chúng ta không chấp nhận sự nhảy vọt như thế, nếu sự đánh giá người tài chỉ bằng ý kiến của một nhóm người thì rất dễ nảy sinh ra chạy chức chạy quyền.
Có người ban phát chức quyền thì mới có chạy chức chạy quyền. Đó là điều nguy hại nếu trọng dụng không đúng người tài trong bộ máy tổ chức Nhà nước, đặc biệt là các vị trí quan trọng".
Ông nhấn mạnh lại, điểm nghẽn ở đây chính là sự đánh giá khó có được sự khách quan khi quyền đánh giá thuộc đặc quyền ở trong một nhóm nhỏ.
Trong lĩnh vực này cần nhất phải có sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, dân chủ giữa những người có tiềm năng.
Nếu không, nó là cái nôi sinh ra tệ con cháu các cụ, tiền tệ, hậu duệ, trí tuệ đứng sau cùng. Tất cả hệ lụy này cũng từ cái gốc là đặc quyền đánh giá người tài, cán bộ mà sinh ra.
Tiến sĩ Phan Hồng Giang phân tích, điểm nghẽn thứ hai là khi tìm ra được người tài nhưng không trọng dụng trước hết về mặt tinh thần khiến cái tài bị mai một đi.
Tiến sĩ chia sẻ câu chuyện mà ông mới đọc được trên báo chí gần đây, đó là trường hợp của anh Phạm Quốc Thái - một trong 6 người được chọn đưa đi Mỹ học thạc sĩ theo đề án đô thị thông minh, sau khi tốt nghiệp loại giỏi trở về nước, anh Phạm Quốc Thái được phân công làm... rà soát hồ sơ, nhập liệu về an toàn thực phẩm.
Anh Thái có chia sẻ với báo chí là anh học về kỹ thuật xây dựng công trình nhưng lại phân về quản lý thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thịt heo - một lĩnh vực mà anh không hề có kiến thức gì cả.
Anh này phải chạy grab buổi tối kiếm thêm tiền vì lương có 2,8 triệu đồng/tháng không đủ sống.
Người tài giỏi chỉ phát tiết ở hoàn cảnh môi trường thuận lợi thôi."Không được trọng dụng, được đối xử xứng đáng, dùng không đúng chỗ thì tài mấy cũng bị mai một.
Ví dụ như Giáo sư Ngô Bảo Châu hay là Giáo sư Vũ Hà Văn phát tiết ở Pháp, Mỹ. Nhiều người nói nếu ở lại Việt Nam rồi cứ chen lấn, xô đẩy nhau, cãi cọ mất đoàn kết vì tiền lương, vì tranh giành đề tài nghiên cứu có khi tài mấy cũng mai một mất", Tiến sĩ Giang chia sẻ.
Ông dẫn lại ghi chép trong Đông Chu Liệt Quốc về câu chuyện vua Tề Hoàn Công có trò chuyện hỏi Tể tướng Quản Trọng - một người được lịch sử ghi chép là túc trí, đa mưu, là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu..
Tề Hoàn Công có nói với Quản Trọng: "Trẫm có hai cái tật. Một là ham săn bắn. Hai là mê sắc. Vậy có hại gì đến nghiệp bá của trẫm không?".
Quản Trọng có trả lời là không có hại gì. Tề Hoàn Công có hỏi cái gì sẽ hại đến nghiệp bá?
Tể tướng Quản Trọng nói có 4 điều gây hại đến nghiệp bá.
Một là không biết đến người hiền tài thì có hại cho nghiệp bá.
Hai là biết người hiền tài mà không dùng là hại đến nghiệp bá.
Ba là dùng người hiền tài mà không tin thì có hại đến nghiệp bá.
Cuối cùng là tin người tài rồi mà để lẫn kẻ tiểu nhân vào thì có hại đến nghiệp bá.
"Từ xa xưa, người ta đã đúc kết 4 điểm mấu chốt trong việc sử dụng người tài. Đến giờ, những chuẩn đó vẫn luôn thời sự. Đó là "Phải biết, phải dùng, phải tin và không để trà trộn kẻ tiểu nhân bên cạnh người tài".
Người Nga cũng có câu ngạn ngữ, đại ý một vại mật ong có thể hỏng chỉ vì một giọt mật đắng. Một người ngu có thể cân bằng 10 người thông minh, ý nói về mức độ phá hoại của người ngu dốt.
Những đúc rút đó vẫn còn nguyên giá trị trong thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay", Tiến sĩ Giang nhận định.
Đỗ Thơm
Theo giaoduc.net
Sợ nhất, hôm nay giao ai xác định người tài, hôm sau con, cháu họ thành nhân tài Tiến sĩ Lê Hồng Sơn chia sẻ lo ngại trên khi nó về việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công. Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án "Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài" và Hội thảo khoa học...