Trọng bằng cấp, người trẻ Hàn mắc kẹt trong ‘vòng xoáy’ thi cử
Kỳ thi đại học khốc liệt không phải là “cuộc chiến” duy nhất mà người trẻ Hàn cần “chiến thắng” để có tương lai rộng mở. Ngược lại, áp lực học hành, thi cử càng gay gắt hơn.
“Ngày nào tôi cũng học không ngừng, ngồi vào bàn lúc 9h sáng và chỉ dừng lại vào 1h sáng hôm sau” – Lee Jin-hyeong, người dành hầu hết thời gian mỗi ngày tại các phòng học và thư viện, cho hay.
Ở tuổi 35, với tấm bằng đại học chuyên ngành khoa học máy tính trong tay, Lee vẫn chưa chính thức có công việc đầu tiên đúng nghĩa. Nuôi mộng đặt chân vào ngành cảnh sát, Lee đang miệt mài ôn luyện, chuẩn bị cho bài kiểm tra đầu vào.
Giống như Lee, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, hàng triệu người trẻ ở xứ kim chi lại tiếp tục lao mình vào guồng quay học tập không dứt. Tất cả nhằm hướng đến tương lai rộng mở, nhiều cơ hội thăng tiến.
Zing.vn trích dịch bài viết trên tờ South China Morning Post, phản ánh câu chuyện về một xã hội Hàn Quốc trọng thành tích, danh hiệu khiến người trẻ nước này mắc kẹt trong “vòng xoáy” thi cử không hồi kết.
“Nhẵn mặt”với các bài kiểm tra từ cấp I
Kể từ khi bắt đầu đi học, Minji Kim cho biết cô đã thực hiện hơn 50 bài thi “quyết định cuộc đời” lớn nhỏ, từ thi đầu vào tại trường trung học cho đến kỳ thi đại học khốc liệt, cùng vô số lần thi lấy chứng chỉ, bằng cấp khác.
“Tôi đã nhẵn mặt với các bài kiểm tra từ khi mới học tiểu học. Với những bài thi quan trọng, tôi biết nó có khả năng định đoạt số phận mình. Vậy nên, tôi hiếm khi thảnh thơi vào cuối tuần, mọi tập trung đều dành cho việc học” – cô gái 29 tuổi bày tỏ.
Tính chất khốc liệt của kỳ thi đại học “Suneung” tại Hàn Quốc đã trở nên quá nổi tiếng. Việc các cô cậu học trò mới chỉ 13-14 tuổi nhốt mình đến 16 tiếng mỗi ngày tại các lò luyện thi trở thành cảnh tượng phổ biến và dễ hiểu với người dân xứ này.
Tốt nghiệp đại học, người trẻ Hàn lại tiếp tục lao đầu vào học hành, thi cử. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, sau cánh cổng đại học, áp lực học hành càng gia tăng. Hơn 70% số sinh viên nước này tiếp tục theo học các chương trình học cao hơn sau khi tốt nghiệp, theo báo cáo của BBC.
Theo quan niệm của người Hàn, bằng cấp nói lên nhiều điều về năng lực của một người.
Từ những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cho đến những vị trí cao cấp tại các tập đoàn “đầu tàu” đất nước, các tri thức “cổ cồn trắng” tại Hàn đều phải trải qua nhiều kỳ thi nâng cao khác nhau.
Tấm bằng đại học chưa bao giờ là đủ. Càng nhiều bằng cấp, chứng chỉ, ứng viên càng nâng tầm bản thân trong mắt nhà tuyển dụng.
Minji cho biết các vòng thi tuyển thường kéo dài nhiều ngày và buộc các thí sinh phải tạm hoãn các việc khác, tập trung cho cuộc thi.
“Một số bạn bè tôi không sống ở Seoul thường phải thuê chỗ ở mỗi cuối tuần để tiện đi thi. Họ không được biết bao giờ có kết quả, trong khi mọi chi phí đều phải tự bỏ ra”, Minji nói.
Còn với Lee Jin-hyeong, anh đã tham gia kỳ thi đầu vào của ngành cảnh sát tới 4 lần trong nhiều năm nhưng vẫn chưa đạt đủ điều kiện tiêu chuẩn để tiến tới vòng kiểm tra cao hơn.
“Hầu hết người trẻ trong giai đoạn 20-30 tuổi như tôi đều chăm chỉ ngồi học tại thư viện mỗi ngày vì giấc mộng thi đỗ vào cơ quan nhà nước. Phải có đến 80% số người trẻ đều trong tình trạng này” – Lee đánh giá.
Phần lớn những kỳ thi đầu vào chỉ diễn ra nhiều nhất 2 lần một năm. Những người có kết quả thi kém thường phải đợi 1 năm mới có cơ hội làm lại.
Bằng cấp đi đôi với địa vị
Ngay cả khi kiếm được một công việc, điều đó không đồng nghĩa với việc thi cử kết thúc.
“Nếu muốn thăng tiến tại chỗ làm, bạn buộc phải chứng minh khả năng bằng cách vượt qua những bài kiểm tra ở ngưỡng cao hơn” – Kim cho hay.
“Hàn Quốc có truyền thống lấy các kỳ thi tiêu chuẩn làm thước đo đánh giá năng lực”, Shin Gi-wook – giáo sư ngành Xã hội học tại Đại học Stanford (Mỹ), phát biểu.
Những bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên đã trở nên quen thuộc với người Hàn ngay từ bậc tiểu học. Ảnh: Getty.
Video đang HOT
Theo ông Shin, người Hàn coi trọng sự đoàn kết và cảm thấy công bằng hơn nếu đánh giá thí sinh dựa trên các tiêu chí, số điểm có sẵn. Chức năng của các kỳ thi chuẩn hóa được coi là cách dễ và đơn giản nhất để phản ánh năng lực của từng người.
Mặt khác, xã hội Hàn Quốc cũng rất nhạy cảm về mặt tuổi tác. Các công ty đều quy định giới hạn số tuổi cho các vị trí công việc khác nhau.
“Những người không chứng minh được giá trị của mình trong khoảng thời gian dưới 30 tuổi sẽ càng gặp nhiều khó khăn nếu muốn phát triển công việc sau này” – giáo sư Shin đánh giá.
Giống như Lee, nhiều người trẻ tại xứ củ sâm không dám nghĩ đến chuyện hẹn hò, hôn nhân hay nuông chiều bản thân cho đến khi họ có công việc đầu tiên. Giai đoạn tìm việc ban đầu này có thể kéo dài đến 10 năm.
“Áp lực ngày một đè nặng sau mỗi lần thi cử không thành công. Càng dành nhiều thời gian để chuẩn bị, tôi càng cảm thấy hoang mang, lo lắng” – Lee thổ lộ.
“Chúng tôi không muốn bị xếp hạng như một miếng thịt bò”
Câu chuyện học tập và thi cử trở thành nỗi ám ảnh với người Hàn có nguyên do một phần từ tư tưởng Nho giáo vốn bén rễ sâu sắc vào văn hóa nước này, một phần do tác động của bối cảnh xã hội hiện đại.
“Người Hàn Quốc tin rằng nếu không đẩy mạnh sức mạnh của giáo dục lên mức cao nhất, đất nước không thể có vị thế vững mạnh. Giáo dục được coi là “vũ khí” quan trọng và là cốt lõi cho mọi động lực phấn đấu của người Hàn” – giáo sư Shin phân tích.
Để thuận lợi phát triển công việc, người Hàn bắt buộc phải trải qua các kỳ thi đánh giá để chứng minh năng lực.Ảnh: SCMP.
2/3 người dân Hàn trong độ tuổi từ 25-34 có bằng cấp đại học, tỷ lệ đứng đầu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Trong khi hầu hết người trẻ Hàn Quốc chấp nhận đi theo guồng quay thi cử đã trở thành truyền thống tại đất nước này, một số người lại dũng cảm chống lại. Tháng 11 năm ngoái, một nhóm học sinh trung học đã lên tiếng phản đối tính chất thiếu công bằng của kỳ thi đại học.
“Chúng tôi từ chối việc thi cử”, “Đại học không phải thứ duy nhất có giá trị”, “Chúng tôi không muốn bị chấm điểm và xếp hạng chất lượng như những miếng thịt bò” – nhóm học sinh hô vang bên ngoài tòa thị chính ở thủ đô Seoul.
“Những người trẻ này dành 25 đến 30 năm đầu đời chỉ để học và thi, cuối cùng lại chấp chới khi bước ra thế giới thực. Đó là khi họ nhận ra cuộc sống không phải bài kiểm tra trắc nghiệm có đáp án cho họ khoanh sẵn và cơn khủng hoảng sẽ bùng nổ” – giáo sư Shin cho hay.
John Lie – giáo sư xã hội học tại Đại học California (Mỹ) phân tích việc học cả ngày lẫn đêm như người trẻ tại Hàn Quốc gây hệ quả tồi tệ lên tinh thần, bất chấp việc chính phủ nước này tìm cách cải thiện mức độ hạnh phúc của thanh thiếu niên.
Một số trường đại học tại Hàn Quốc cũng đang tìm cách đổi mới phương pháp tuyển sinh bằng cách kết hợp nhiều tiêu chí khác ngoài kết quả học tập song các thay đổi vẫn ở mức độ hời hợt.
Minji Kim, hiện làm việc cho một công ty của Anh, cho biết mặc dù hiện tại không phải đạt thêm bằng cấp, chứng chỉ nào, song cô vẫn trông đợi tiếp tục thi cử sau này.
“Tôi không muốn phải làm thêm bất cứ bài kiểm tra nào. Nhưng đấy là nhiệm vụ bắt buộc nếu tôi vẫn muốn thăng tiến công việc” – Minji kết luận.
Theo Zing
'Vũng lầy' thi cử khiến người trẻ Trung Quốc ám ảnh đến đổ bệnh
Kỳ thi đại học khốc liệt khiến nhiều học sinh Trung Quốc bị rút cạn sức khỏe, phải đi điều trị tâm lý. Tuy nhiên, tất cả chỉ nhằm giúp họ quay lại "đường đua" thi cử dễ thở hơn.
Tháng 11 năm ngoái, nỗ lực học hành của Yishu (Trùng Khánh, Trung Quốc) dành cho gaokao - kỳ thi đại học khốc liệt nhất cả nước - bỗng chốc đổ bể.
Khuôn mặt chàng trai 19 tuổi lúc nào cũng trong trạng thái đỏ ửng, ngực quặn thắt vì đau. Dù cố gắng, Yishu buộc phải tạm ngưng việc học.
Từ một học sinh ưu tú với khát vọng ghi danh vào các ngôi trường đại học danh tiếng hàng đầu đất nước, Yishu trở thành kẻ bỏ học giữa chừng.
Nam sinh không rõ tại sao sức khỏe mình xuống dốc không phanh, song cho rằng nhiều năm học tập căng thẳng không ngừng là lý do chính.
Với người Trung Quốc, gaokao không đơn thuần là tấm vé vào đại học, kết quả kỳ thi quyết định phần lớn cơ hội của mỗi người trong tương lai. Ảnh: Getty.
Trên thực tế, khủng hoảng tinh thần vì áp lực thi cử, học hành không được nhìn nhận là vấn đề tâm lý nghiêm trọng trong xã hội Trung Quốc.
Điều đó đồng nghĩa với việc những học sinh như Yishu thường phải tự vật lộn với rắc rối của bản thân. Họ chỉ nhận được sự giúp đỡ từ gia đình hay cộng đồng khi tình hình trở nên tiêu cực hơn.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên Sixth Tone, phản ánh câu chuyện về quan niệm "thi đại học quyết định tất cả" khiến nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc rơi vào "vũng lầy" mang tên áp lực thi cử. Từ đó, họ trở nên trầm cảm, phải tìm đến các biện pháp y tế để cân bằng lại cuộc sống.
Nỗi ám ảnh mang tên thi cử đỗ đạt
Cảm giác chán nản với bài vở, trường lớp tìm đến Yishu khi cậu học năm cuối cấp hai. Theo từng năm, ác cảm với việc học của Yishu ngày càng tăng, dù cậu là học sinh có năng lực.
Sự bất lực lên đến đỉnh điểm khi ở năm cuối trung học, chàng trai tham gia lớp học chuyên dành cho học sinh mong muốn đỗ đạt vào các trường top đầu đất nước.
Trung bình, Yishu dành 10 tiếng/ngày ngồi vào bàn học. Cậu phải từ bỏ nhiều sở thích cá nhân như chơi thể thao, đánh đàn guitar để dành toàn sức cho học hành.
Trong những cuộc trò chuyện giữa bạn bè trên lớp, mọi người cũng chỉ nói về điểm số. Các chủ đề khác nằm ngoài phạm vi học hành chẳng mấy khi được bàn tới, bởi chẳng ai muốn lãng phí thời gian học vào những câu chuyện phiếm.
"Trường học giống như một nhà máy sản xuất linh kiện máy móc. Nếu học sinh nào không theo kịp, họ bỗng chốc trở thành sản phẩm bỏ đi. Nhà trường đâu có quan tâm đến những gì những con người mới trong độ tuổi thiếu niên phải đối mặt. Dây chuyền sản xuất vẫn cứ tiếp tục hoạt động, chẳng dừng lại chờ đợi ai bao giờ", Yishu chua chát nói.
Những học sinh như Yishu không chỉ coi trọng việc học là ưu tiên hàng đầu, nó dường như trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí họ.
"Ngoài việc học và làm bài kiểm tra, em cảm thấy mình chẳng có mục đích gì cả. Em chẳng biết làm gì khác", Yishu bày tỏ.
Số thuốc Yishu phải sử dụng mỗi ngày để điều trị chứng rối loạn lưỡng cực, phần lớn chúng đều có tác dụng phụ đi kèm. Ảnh: Sixth Tone.
Ban đầu, Yishu giấu cảm xúc tiêu cực cho riêng mình. Thực chất, cậu bạn cảm thấy khó chia sẻ với những người ruột thịt.
Cha Yishu là một doanh nhân, người mà Yishu đánh giá là có công việc bận rộn đến mức khó có cơ hội nói chuyện với con cái mỗi ngày. Còn người mẹ tên Li lại dành phần lớn thời gian cuối tuần ít ỏi để nấu những món ăn mà cậu con trai yêu thích.
Nhưng với người đang chấp chới như Yishu, thứ cậu cần hơn hết là được cha mẹ thấu hiểu.
Theo lời chàng trai 19 tuổi, thầy cô ở trường luôn đòi hỏi học sinh phải hy sinh nhiều thứ cho việc học và hiếm khi đem lại lời khuyên hữu ích cho những người gặp rắc rối tâm lý.
Một tháng trước khi gục ngã, Yishu tìm kiếm sự giúp đỡ từ người cố vấn học tập của nhà trường. Hai tuần chờ đợi đến buổi gặp mặt không đem lại kết quả tốt như cậu kỳ vọng.
"Em đã coi đó là hy vọng mong manh để cứu vớt mình, nhưng rốt cuộc những gì nhận lại là thái độ không lắng nghe và lời khuyên sáo rỗng, bảo em tốt nhất nên tập trung vào việc học", Yishu nói, trong lòng vẫn còn chút tức giận khi nhớ lại.
Khi niềm hy vọng của cả gia đình gục ngã
Yishu buộc phải nói sự thật với mẹ khi tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi.
Người mẹ vẫn còn nhớ rõ những gì diễn ra hôm đó: "Thằng bé căm ghét trường học và mô hình giáo dục nó phải chịu đựng. Nó về nhà trong trạng thái bực tức và nói muốn đánh sập ngôi trường".
Hai mẹ con tìm đến một số bệnh viện nhưng mỗi bác sĩ lại đưa ra các chẩn đoán khác nhau. Vị bác sĩ đầu tiên kết luận bệnh lý sai khiến cơ thể cậu bé phản ứng tiêu cực khi uống thuốc, thậm chí phải nhập viện tâm thần để kiểm soát các triệu chứng.
Phải mất một thời gian, Yishu mới được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Các hóa đơn thuốc thang, viện phí ngày càng chồng chất.
Kể từ khi nghỉ học, Yishu hiếm khi dám ra ngoài. Gia đình cậu cũng giấu kín câu chuyện khỏi bạn bè và người thân.
Tuy nhiên, tâm lý đề cao việc học quá mức đủ để mọi người phát hiện và thắc mắc "Sao giờ này thằng bé không có mặt hay trường?", còn không cũng sẽ hỏi thăm về việc chuẩn bị thi đại học.
Bên trong một trung tâm chuyên điều trị cho những học sinh gặp rắc rối về sức khỏe và tâm lý do gánh nặng học hành. Ảnh: Sixth Tone.
Gia đình Yishu phải nhờ cậy đến phương án cuối cùng: Chuyển con trai vào một trung tâm chuyên dành cho học sinh gặp vấn đề về sức khỏe và tâm lý.
Hai mẹ con bay đến Trường Xuân - nơi cách quê nhà 2.700 km - thuê ở dài hạn tại khách sạn và chi 18.000 nhân dân tệ mỗi tháng cho phí điều trị.
Các trung tâm có chức năng tương tự dần xuất hiện nhiều ở Trung Quốc, một phần vì số lượng học sinh gặp khó khăn khi xoay xở việc học ngày thêm đông, một phần đến từ việc chính quyền địa phương không có chính sách hỗ trợ đầy đủ những em gặp khó khăn phải nghỉ học giữa chừng.
Mặc dù đứa trẻ không hoàn toàn được giải phóng khỏi áp lực thi cử, các trung tâm này sẽ tìm cách làm nhẹ bớt gánh nặng tâm lý thông qua kết nối giữa học sinh và giáo viên, cố vấn.
"Mẹ có thể có đứa con khác"
Tại nơi dưỡng bệnh, Yishu làm quen với 6 bạn đồng trang lứa, hầu hết đều là học sinh khá, giỏi. Tất cả có mặt tại cùng một chỗ vì lý do duy nhất: chứng trầm cảm vì "ác mộng" học hành.
Yishu bầu bạn với Jiaren, nữ sinh trung học 16 tuổi. Jiaren từng nuôi hy vọng trở thành tân sinh viên của trường đại học y khoa hàng đầu đất nước, song mọi thứ nhỡ nhàng khi tình trạng sức khỏe của cô bé đi xuống. Nguyên nhân vẫn là chứng rối loạn lưỡng cực.
Người mẹ tên Wang phải gác lại mọi công việc, theo chân con gái đến trung tâm điều trị để tiện chăm sóc.
Từ hai người xa lạ, Li và Wang tìm thấy sự đồng cảm khi con cái của họ đều đang phải đấu tranh chống lại chứng lo lắng, bất an. Hai bà mẹ thường cùng nhau đi mua sắm, xem phim.
"Vài hoạt động giải trí giúp chúng tôi tạm thời gác lại đi sự căng thẳng khi chăm lo cho con cái. Trước kia, thật khó có thể hình dung ai đó ngoài kia cũng đang phải chịu đựng nỗi đau giống như con mình", bà Wang nói với Sixth Tone.
Kỳ thi gaokao được coi là không thể tránh khỏi, nhiều học sinh tìm đến các trung tâm chữa trị cốt để đối diện với việc thi đại học một cách dễ thở hơn. Ảnh: Sixth Tone.
Như nhiều phụ huynh Trung Quốc, bà Wang từng khó chấp nhận sự thật cô con gái "dễ thương, học giỏi, được mọi người yêu quý" lại gặp những vấn đề nghiêm trọng và buộc phải tạm hoãn kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời.
May mắn hơn, cha mẹ Jiaren sớm phát hiện ra tình trạng của con. Họ đã thử đủ mọi cách, từ chuyển con gái sang lớp học ít cạnh tranh hơn, đưa cô bé đến bệnh viện tâm thần chữa trị. Tuy nhiên, chẳng cách nào giúp Jiaren trở lại con người vui vẻ, hoạt bát như trước.
Giống như mẹ của Yishu, bà Wang coi trung tâm điều trị sức khỏe là phương án cứu giúp cuối cùng. Nhưng đối với nhiều gia đình, đối mặt với sự thật con cái của mình đang trong tình trạng bất ổn không phải là điều dễ dàng. Ngược lại, cha mẹ có thể bị tổn thương cảm xúc rất lớn.
Gương mặt bà Wang tràn đầy nước mắt khi nhớ lại những gì cô con gái từng buồn bã nói: "Xin lỗi mẹ, con đã làm mẹ mất mặt. Mẹ có thể có đứa con khác, đừng lo lắng cho con nữa".
Kết quả một kỳ thi quyết định cả số phận
Tại Trung Quốc, lỡ dở việc thi đại học chưa bao giờ là một lựa chọn dễ dàng. Trong suy nghĩ của đại đa số người dân nước này, gaokao là kỳ thi duy nhất "có khả năng quyết định ngã rẽ cuộc đời".
Học hành mang đầy tính cạnh tranh khốc liệt và điểm số của kỳ thi này tác động sâu sắc không chỉ đến việc học trường nào, mà cả sự nghiệp, tương lai của người trẻ ở đất nước tỷ dân.
Thực tế đó khiến thi đại học trở thành nhiệm vụ bắt buộc cần thực hiện nếu muốn tiến lên trong xã hội Trung Quốc.
Một thời gian sau khi trở về quê nhà, Yishu và Jiaren đủ khả năng tham dự gaokao. Hai người đều vượt qua bài kiểm tra khá suôn sẻ, nhưng vài tháng tạm ngưng việc học buộc họ không cho phép mình đặt kỳ vọng quá nhiều vào việc đỗ đạt trường điểm cao.
Mặc dù chưa bình phục hoàn toàn, tình trạng của cả hai đã cải thiện nhiều lên sau khi điều trị tâm lý.
Yishu cảm thấy bản thân tốt lên nhiều so với lúc cậu ở quê nhà Trùng Khánh.
"Em đã làm quen được với vài người bạn ở trung tâm. Em nghĩ mình đã cởi mở, nói chuyện nhiều hơn với mọi người trong 2 tuần ở chỗ mới nhiều hơn cả những gì em đã giao tiếp trong 3 năm qua", Yishu nở nụ cười hạnh phúc.
Theo Zing
Hai quan chức giáo dục bị cách chức sau khi dân phản đối kết quả thi Hai quan chức giáo dục Trung Quốc vừa bị cách chức giữa lúc có cáo buộc điểm thi bị thao túng trong kỳ thi đại học ở nước này. Kỳ thi đại học ở Trung Quốc gây áp lực rất lớn đối với thí sinh - CHỤP MÀN HÌNH SCMP Giới chức tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc vừa tiến hành cuộc điều...