Trộm cắp 6 nắp cống trong đêm
Khi tên trộm quay lại điểm cất giấu, định vận chuyển số nắp cống mang đi tiêu thụ thì các chiến sỹ Công an ập tới bắt giữ….
Đêm 17 rạng ngày 18-6, tổ tuần tra CAP Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: gồm 2 chiến sỹ CSKV Đào Xuân Trung và CSHS Đinh Công Cường khi tới khu vực đường đê 401 thuộc địa bàn quản lý, phát hiện một “gò nổi” bên rìa đường (đoạn gần cửa khẩu dốc Bác Cổ). Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện “gò nổi” trên là một số nắp cống được bao tải dứa phủ lên trên. Nghi vấn là tang vật trộm cắp, các chiến sỹ Công an đã tiến hành mật phục.
Số nắp cống bị thu giữ
Khoảng 15 phút sau, một người đàn ông đi xe máy chở phía sau 2 thùng xốp cồng kềnh dừng lại sát đống nắp cống trên, định khuân lên xe máy thì 2 chiến sỹ Công an ập tới, thấy trên thùng xốp phía sau xe có 1 chiếc nắp cống khác cùng các dụng cụ để trộm cắp như kìm cộng lực, mỏ lết, thanh sắt (loại phi 18), 1 móc sắt, 2 vam chuyên dùng mở nắp ga cống.
“Đồ nghề” trộm cắp nắp cống
Biết không thể chối cãi, Lưu Văn Mai (SN 1968) trú ở khu 11, xóm 11, thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội thú nhận vừa trộm cắp 6 chiếc nắp cống tại các tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Thợ Nhuộm và ngã ba phố Hỏa Lò thuộc quận Hoàn Kiếm rồi chở về cất giấu ở “điểm” tập kết bên đường đê 401 phường Chương Dương để vận chuyển về huyện Mê Linh tiêu thụ thì bị phát hiện.
Video đang HOT
Lưu Văn Mai và chiếc Dream “cõng” đồ trộm cắp
Để phòng xa xe máy bị xì hơi trên đường, tên trộm này còn mang theo chiếc bơm xe cất trong đống bao tải để trên khung xe. Theo Xí nghiệp thoát nước số 5, số nắp cống bị trộm cắp trị giá trên 10 triệu đồng. Được biết, trong năm 2005, Lưu Văn Mai đã bị CAQ Hoàn Kiếm bắt giữ về hành vi trộm cắp nắp cống. Với lần tái phạm này, chắc chắn Lưu Văn Mai sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm.
Theo ANTD
"Dịch" trộm nắp cống
Chuyện mất nắp cống không còn xạ lạ với người dân tại TP.HCM, nhưng dư luận bạn đọc thắc mắc tại sao việc này xảy ra lâu nay và đang lây lan như bệnh dịch nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để đối phó.
Người dân phải dùng các vật dụng che chắn miệng cống trước số nhà 99/8 quốc lộ 1A, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM trong khi chờ cơ quan chức năng xử lý - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Rạng sáng 12-7, camera của một người dân trên đường An Dương Vương, P.3, Q.5 đã ghi hình toàn bộ cảnh hai kẻ gian cạy hai nắp hố cáp ngầm và mang đi. Tất cả diễn ra một cách bài bản và chuyên nghiệp như đã được thống nhất từ trước.
Tràn lan
0g53, một chiếc xe đẩy giống xe của những người lượm ve chai đậu ngay trước số nhà 347 An Dương Vương. Trên xe lúc này chất cao những túi nilông nhẹ hẫng để giấu "đồ nghề" gồm dao bản to, xà beng. Ít phút sau, một đồng bọn chạy xe máy tới chắn một bên hông hố cáp để che khuất tầm nhìn của người đi đường.
Lúc này, chiếc xe đẩy cũng được dùng để làm tấm chắn phía trước hố cáp. Sau khi che chắn cẩn thận, một người ngồi trên xe máy cảnh giới, người còn lại cạy nắp hố cáp lên. Chọn thời điểm không có người qua lại, hai thanh niên nhanh chóng bê từng nắp kim loại nặng trịch bỏ lên xe đẩy và dùng những túi nilông chồng lên để "ngụy trang".
Xong việc, cả hai nhanh chóng rời khỏi hiện trường, để lại hố cáp ngầm lộ thiên nguy hiểm.
Chỉ tính riêng tháng 5 và tháng 6, đường dây nóng báo Tuổi Trẻ liên tục nhận được cả trăm cuộc điện thoại, tin nhắn của bạn đọc báo tin hố ga mất nắp. Ngay trước nhà trẻ Rạng Đông 9, số 955 Hồng Bàng, P.9, Q.6 có hai hố ga bị mất nắp khiến nhiều phụ huynh đi đón con lo lắng.
Anh Năm, một bạn đọc, ái ngại: "Hằng ngày đọc tin trên báo chí thấy nhiều trường hợp lọt xuống cống chết ngạt khiến tôi sợ tình cảnh này lặp lại với con em mình. Thế nhưng không hiểu vì sao mãi vẫn không thấy cơ quan chủ quản cho đậy nắp hai hố ga này lại...".
Tại ngã tư Điện Biên Phủ - Trương Định, Q.3 có tới ba hố ga mất nắp gần nửa tháng nay khiến tai nạn xảy ra liên tục. Một người làm nghề xe ôm tại đây cho biết vào giờ cao điểm xe cộ chạy lên vỉa hè bị trượt bánh xuống hố rất nhiều. Thậm chí nhiều trường hợp đi bộ cũng bị "dính bẫy" hố ga mất nắp này.
Dưới miệng hố hơn 1m2 và sâu hơn 2m này chứa đầy nước nhưng chỉ được che chắn bằng những tấm vật liệu mỏng và cảnh báo bằng những cành cây sơ sài.
Ngoài ra hàng chục địa điểm khác cũng từng bị mất nắp hố ga như trước số nhà 93 Phan Sào Nam, P.11, Q.Tân Bình; trước số nhà 23 Nguyễn Văn Khương, P.13, Q.5... Có những con đường mất nắp cống hàng loạt như trêu ngươi cơ quan chức năng dù đường được làm mới rất đẹp như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi (Q.3, Phú Nhuận), đại lộ Võ Văn Kiệt...
Hiểm nguy rình rập
Một buổi chiều cuối tháng 5, khi đang đi dạo cùng chị trên vỉa hè, bé Vũ Quang Huy (6 tuổi) bị lọt xuống hố ga mất nắp trước số nhà 612 Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình. Chị gái đi cùng cuống cuồng không biết xử lý như thế nào trước tình huống quá bất ngờ này, trong khi bé Huy đang kiệt sức dần vì phải bấu víu vào hai bên thành hố ga để giành giật sự sống. May mắn có người bán trái cây gần đó phát hiện và cứu kịp thời.
Trước đó trên quốc lộ 1A (đoạn đi qua P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) xảy ra một vụ lọt cống mà nạn nhân là ông Trần Phương Nam, ở Đồng Nai. Ông Nam cho biết khi đang lưu thông trên quốc lộ 1A (hướng từ cầu vượt Linh Xuân về trạm 2, quận Thủ Đức) thì bị xe du lịch chạy lấn tuyến buộc ông phải tấp vào sát lề đường để tránh.
Bất ngờ trước mặt xuất hiện một hố ga "hoác miệng" nuốt trọn cả chiếc xe máy và chủ nhân của nó. Tuy được người đi đường kéo lên kịp thời nhưng vụ tai nạn làm ông Nam bị thương nặng ở chân phải.
Bất trị!
Theo một cán bộ tuần tra đường thuộc Công ty Công trình giao thông Sài Gòn, trước đây tình trạng nắp cống bị mất chủ yếu xảy ra tại vùng ven thành phố và những tuyến đường vắng người qua lại, nhưng thời gian gần đây nhiều tuyến đường tại các quận trung tâm liên tục mất nắp cống. Trong đó loại nắp cống của Viễn thông TP.HCM (VNPT) bị mất nhiều nhất.
Đại diện VNPT xác nhận điều này và cho biết thêm hầu hết nắp cống của họ thường nằm bên lề đường nên dễ bị mất hơn các đơn vị khác.
Nói về việc bảo vệ nắp cống bằng kim loại, ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng quản lý thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết: "Để thu nước tốt hơn, chúng tôi thường phải thay thế nhiều nắp cống bêtông bằng nắp sắt. Do đó công tác bảo vệ nắp cống sẽ khó khăn hơn. Trước hết, những nắp bằng sắt chúng tôi đều phải hàn cứng lại bốn góc khi lắp đặt. Muốn mở ra để nạo vét hay tu sửa phải khò mối hàn cũ. Tuy mất thời gian và thêm một ít chi phí nhưng chúng tôi phải chọn giải pháp này chứ không còn cách nào khác. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thuê một đơn vị khác tuần tra thường xuyên trên những tuyến đường có nắp cống để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và khắc phục nhanh nhất tình trạng mất nắp cống".
Như vậy, cho đến thời điểm này phương pháp bảo vệ nắp cống của các đơn vị có công trình ngầm chỉ mang tính đối phó, mất tới đâu khắc phục tới đó, chứ chưa có giải pháp đặc trị trước căn bệnh mất nắp cống trầm kha này.
Theo Tuổi Trẻ