Trở về sau 20 năm biệt tích
Sau 20 năm bị bán sang Trung Quốc, chị Nguyễn Thị Kim Thủy (SN 1973, tên thường gọi là Nận) trở về quê trong sự ngỡ ngàng của gia đình
Nhận được điện thoại thông qua nhà hàng xóm, đầu dây bên kia bảo: “Con là Nận đây má! Con đang ở Trung Quốc, nay mai con về thăm nhà”, bà Lê Thị Lan (69 tuổi, ngụ khu phố 5, phường 4, TP Tuy Hòa – Phú Yên) bủn rủn chân tay rồi ngất xỉu. Linh tính của người mẹ mách bảo đây đúng là “bé Nận” của bà nhưng bất ngờ quá. “Nó đang ngồi trên bàn thờ cùng ba nó kia mà, sao lại…” – bà Lan khóc khi kể về lần nghe giọng con sau 20 năm biệt tích.
Không tin đó là sự thật
Bà Lan nhớ lại ngày ấy, một người hàng xóm báo tin Nận đi làm ở TPHCM rồi bị mất tích. Bà như người vô hồn, chưa biết TPHCM xa hay gần, bà vẫn vay mượn tiền rồi lên tàu đi tìm con.
Chị Nguyễn Thị Kim Thủy hạnh phúc trong vòng tay mẹ sau 20 năm biệt tích
Bà đến tất cả các chợ, vào cả nhà hỏa táng tìm nhưng bặt vô âm tín. “Xem bói chỗ nào cũng bảo con Nận đã chết, tui chỉ còn biết lập bàn thờ cho nó” – bà Lan kể. 20 năm qua, bà sống thui thủi một mình trong căn nhà tình thương rộng 20 m2 ở khu phố 5, phường 4, TP Tuy Hòa. Người con út ở TPHCM có ý định đưa mẹ vào sống chung nhưng bà Lan không chịu vì còn phải hương khói cho chồng con.
Những ngày qua, bà Lan như trẻ hẳn ra, gặp ai cũng cười cười nói nói. Bà mang ảnh của Nận cất vào tủ. Đã hơn 10 ngày con về nhưng trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng, bà lại nắn nắn cánh tay con gái như thể còn chưa tin đó là sự thật.
Số vẫn còn may
Sau Tết Nguyên đán năm 1990, chị Nguyễn Thị Kim Thủy theo một vài người bạn vào TPHCM tìm việc mong đỡ đần cho mẹ. Ban đầu phụ bán trái cây ở Chợ Lớn, sau đó làm gia công cho một đại lý bán giày dép nhưng vẫn không đủ tiền gửi về quê. Đầu năm 1991, chị gặp người bạn tên Phương, được Phương rủsang Trung Quốc làm kiếm tiền.
Chị đề nghị Phương đi trước, nếu thuận lợi thì gửi thư về báo tin để sắp xếp đi sau. “Khoảng nửa tháng sau thì bà Lý, hàng xóm chỗ trọ, đưa tôi lá thư bảo là của Phương gửi. Qua những gì bà Lý đọc (chị Thủy không biết chữ – PV), tôi thấy công việc hái trà ở Trung Quốc rất nhẹ nhàng, chỉ 1 năm là kiếm được nhiều tiền. Bà Lý hỏi tôi có đi không, nếu đi thì bà sẽ cho tôi trước 3 chỉ vàng. Sau này, tôi mới biết đấy không phải là thư của Phương” – chị Thủy kể. Khi đồng ý, chị Thủy được bà Lý đưa đến ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm, ở đó đã có 6 cô gái khác. Sau đó, họ được bà Lý đưa lên một xe khách sang Trung Quốc và đến một làng quê hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Đông, bán cho một vài người đàn ông để làm vợ.
Video đang HOT
Hai tháng đầu về nhà “chồng”, chị Thủy nằm lì trong phòng khóc vì nghĩ mình không còn đường về Việt Nam. Đến cuối tháng thứ 2 thì chị phát hiện mình có thai. Hiện chị đã có 2 con, gái 17 tuổi và trai 16 tuổi. “Số tôi còn may vì được chồng thương, 6 người còn lại thì 5 bị bán cho những tên lưu manh, 1 bị bán vào động” – chị Thủy cho biết.
Người không quốc tịch
Chiều 15-8, thượng tá Phạm Tấn Hạnh, Trưởng Công an TP Tuy Hòa, xác nhận chị Nguyễn Thị Kim Thủy đã trở về sau hơn 20 năm vắng mặt ở địa phương. Theo ông Hạnh, Công an TP Tuy Hòa đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh và làm một số thủ tục liên quan đến việc trở về của chị Thủy. Trong khi đó, chị Thủy cho biết mình hiện không có quốc tịch. “Ở quê thì tôi bị gạch tên ra khỏi hộ khẩu, còn ở Trung Quốc thì không thể nhập tịch” – chị Thủy nói.
Theo Người Lao Động
Những người đàn bà bỗng dưng biến mất
Những người đàn bà đã có chồng con đề huề, thậm chí có tới 6-7 đứa con, bỗng dưng biến mất khỏi bản làng. Họ nỡ dứt tình chồng, nghĩa vợ, bỏ xứ khi đã có tuổi, để đi tìm một "thiên đường" trong tưởng tượng.
Người đàn ông uống rượu chờ vợ bên sông Hồng
Ngày nào ông Giàng A Máo (55 tuổi, ở bản Tân Giang, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát) cũng dậy từ khá sớm. Đồng bào Mông nơi đây thường dậy từ khi con gà chưa cất tiếng gáy để lên nương, bởi vì ruộng nương thường cách nơi ở vài tiếng đi bộ. Tuy nhiên, ông Máo dậy sớm không phải để lên nương, mà để ngóng về phía con đường mòn như sợi chão vắt chùng chình lưng chừng núi nơi đầu nguồn sông Hồng.
Nằm trong giường không ngủ được, ê ẩm cả lưng, nên ông mò dậy. Vừa ngóng vợ, vừa uống rượu. Ông ngóng vợ đã gần một năm nay và uống hết vài trăm lít rượu, mà vẫn chẳng thấy người vợ đầu ấp tay gối mấy chục năm trở về.
Từ ngày vợ bỏ ông và đàn con đi biệt, ông chẳng còn thiết làm gì nữa. Chỉ có bát măng ngâm ớt, vài quả sung, mà ngày nào ông cũng say lử đử. Con cái ông đã lớn, chủ động lên nương làm rẫy. Đám con biết bố buồn, bố nhớ mẹ, như con chim nhớ tổ, nên không làm phiền bố, cứ mặc bố say, bởi chúng biết rằng, chỉ có rượu mới giúp bố quên đi nỗi buồn.
Vợ ông, bà Vừ A Say (48 tuổi), đã bỏ nhà ra đi đúng ngày mùng 9 Tết (ông Máo vẫn nhớ rõ đó là ngày 22/2/2010), khi mà bản làng vẫn còn say sưa với những lời chúc tụng, những chén rượu đầu xuân.
Sự vất vả đã khiến những người đàn bà bỏ chồng, con đi tìm cuộc sống khác?
Sau khi đi nhậu hàng xóm về, ông lăn ra ngủ một mạch đến sớm hôm sau. Tỉnh dậy, không thấy người vợ tảo tần vẫn dậy sớm nấu ăn đâu cả. Ông vào buồng, thấy hòm quần áo của vợ trống trơn, trên móc, ngoài dây phơi cũng chẳng còn chiếc váy nào. Ông lờ mờ nhận ra vấn đề, ông bần thần như người mất hồn. Chẳng lẽ vợ mình, người đàn bà đã có tới 7 đứa con, da dẻ đã nhăn nhúm, cũng như vợ mấy em, mấy cháu hàng xóm, đã bỏ chồng, bỏ con đi tìm cuộc sống mới ở xứ người?
Ông Máo không muốn tin điều đó. Ông và vợ thuộc lớp thế hệ trước, coi chuyện yêu đương, hôn nhân rất hệ trọng, đâu thể vì chút nghèo đói mà dứt tình, dứt nghĩa được. Nhưng sự thực là như vậy. Bởi đã gần 1 năm trôi qua, vợ ông vẫn bặt bóng chim tăm cá.
Nhiều đứa trẻ ở Cốc Mỳ bỗng dưng mất mẹ
Bỏ chồng, dẫn con đi biệt tích
Rời bản Tân Giang với người đàn ông say ngất ngưởng bên sông Hồng, tôi cùng Trưởng Công an xã Vũ Hồng Sơn tìm đến nhà anh Tráng A Giấy ở bản Sơn Hà. Cái bản nằm chênh vênh bên sườn núi này cũng phủ đầy nỗi đau chia ly của loài hoa dín tơ trong kẽ đá. Trong tôi vang lên mấy câu hát trong bài kèn lá của đôi trai gái Mông tán tỉnh nhau: "Em ơi, hoa dín tơ nở hồng trên vách đá/ Ta yêu em ta chẳng có lòng gần/ Em ơi, hoa dín tơ nở hồng trên núi cao/ Ta yêu em ta chẳng có lòng xa". Loài dín tơ, biểu tượng cho tình yêu đẹp của đồng bào Mông, dường như mang nỗi buồn chia ly nơi góc núi này.
Mất vợ, anh Giấy một mình nuôi con
Trước mặt tôi, trong ngôi nhà tồi tàn, nền đất ẩm ướt, bốc mùi hôi mốc, là người đàn ông gầy còm, đôi mắt trũng sâu, lờ đờ của người say rượu. Nhắc đến người vợ, đôi mắt anh Giấy ngấn lệ.
Anh bảo, tính đến nay, vợ anh, chị Già Thị Giấy (trùng tên với chồng), đã bỏ nhà đi được tròn một tháng. Một tháng ấy, anh Giấy uống rượu thay cơm. Càng nhớ vợ, càng buồn, càng tủi, càng say.
Giấy có một tình yêu rất đẹp với vợ. Để chiếm được trái tim của vợ, đêm nào Giấy cũng cuốc bộ nửa ngày trời tìm đến bản xa, rồi đứng bên trái nhà thổi kèn lá tỏ tình đến quá nửa đêm. Thổi kèn đến mềm môi, Giấy lại cuốc bộ về nhà vừa lúc trời sáng. Tỏ tình bằng những chiếc lá suốt một năm trời, trái tim cô Giấy mới tan chảy. Buổi "cướp vợ" chỉ còn là thủ tục của đôi lứa yêu nhau.
Người đàn bà này đã "mất" 3 người con gái
Nhưng không ngờ, mối tình đẹp, đậm sâu như vậy, mà bỗng một ngày tan nhanh nhanh như gió núi. Người vợ tảo tần đã mang theo đứa con gái lớn 14 tuổi đi biệt tăm. Giờ, trong căn nhà trống hoác, chỉ còn lại mình Giấy với cậu con trai Tráng A Xé 10 tuổi đầu. Cả tháng nay, đêm nào thằng Xé cũng giật mình thon thót, rồi khóc lóc đòi mẹ.
Hàng ngày, anh Giấy vùi nỗi nhớ vợ trong chén rượu, nhưng cơn say không thể nào lấp được nỗi lo. Anh lo cho cô con gái nhỏ bé của mình. Mẹ nó lấy được người tử tế, thì con được nhờ, chứ lạc vào hang hùm miệng sói, thì số phận con bé cũng không thể nào biết trước được.
Bản Sơn Hà, nơi hàng loạt phụ nữ mất tích
Ngay cạnh nhà Giấy, là nhà Lầu A Páo. Căn nhà này cũng cô đơn, trống trải, vì người vợ của Páo là Sùng Thị Mẩy (44 tuổi), đã dẫn con gái bỏ nhà gần 2 tháng nay. Một mình anh Páo nuôi 2 đứa con nhỏ, lo việc nương rẫy, lại say sưa liên miên cùng mấy ông mất vợ trong bản, đã khiến anh suy sụp, mang khuôn mặt già gấp rưỡi tuổi 47 của mình.
Trưởng Công an xã Vũ Hồng Sơn đứng trên mỏm núi, chỉ: "Nhà này, nhà kia, nhà đó... đều mất vợ rồi". Cứ theo chỉ tay của anh Sơn, có lẽ, bản Sơn Hà đã mất tích phân nửa đàn bà.
Cốc Mỳ và Trịnh Tường là hai xã có nhiều phụ nữ bỏ nhà đi biệt tích nhất tỉnh Lào Cai. Theo phán đoán, họ đều bỏ sang Trung Quốc lấy chồng. Ông Đặng Đức Cần, Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho biết: Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng từ đầu năm đến nay, xã có trên dưới 30 trường hợp phụ nữ bỏ nhà đi mất. Năm 2009, Cốc Mỳ cũng có gần 30 trường hợp phụ nữ bỏ nhà, mà theo đồn đại, tất cả đều trốn sang Trung Quốc lấy chồng. Tình trạng này ở xã Trịnh Tường ít hơn, song từ năm 2008 đến nay, cũng có 40 phụ nữ mất tích.
Theo VTC