Trở ngại mới khiến thương mại dầu mỏ của Nga với châu Á căng thẳng
Khó khăn đã nảy sinh trên một trong những tuyến đường mang lại nhiều lợi nhuận nhất để vận chuyển dầu của Nga tới Ấn Độ, khi hai nước từ bỏ thanh toán bằng đô la Mỹ.
Khó khăn nảy sinh khi Nga và Ấn Độ từ bỏ thanh toán giao dịch dầu bằng USD. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters ngày 27/11, thách thức đã nảy sinh đối với một trong những tuyến thương mại dầu mỏ sinh lợi nhất của Nga kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột ở Ukraine, do những hạn chế trong thanh toán bằng tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ (USD), nhưng không có giải pháp ngắn hạn trước mắt.
Trong nhiều thập kỷ, USD là đồng tiền chính được sử dụng trong giao dịch dầu mỏ quốc tế và những nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế đã bị cản trở bởi những khó khăn trong việc chuyển đổi cũng như những trở ngại chính trị.
Các vấn đề bùng lên khi Ấn Độ – quốc gia đã trở thành khách hàng mua dầu bằng đường biển lớn nhất của Nga kể từ khi khách hàng châu Âu rút lui – nhất quyết thanh toán bằng đồng rupee và hoạt động giao dịch gần như đổ vỡ, theo ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.
Các nguồn tin yêu cầu giấu tên cho biết các nhà cung cấp dầu của Nga – những người cũng không muốn nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề – không thể thực hiện các giao dịch bằng đồng rupee của Ấn Độ vì chỉ thị không chính thức từ ngân hàng trung ương Nga rằng họ sẽ không chấp nhận đồng tiền này.
Một nguồn tin gần gũi với ngân hàng trung ương Nga cho biết đồng tiền của Ấn Độ không thể chuyển đổi và ít có giá trị ở nước ngoài. Một nguồn tin khác cho biết, các nhà cung cấp Nga cũng không thể chi số tiền thu được vào thị trường Ấn Độ vì nhập khẩu từ nước này không đáng kể. Theo hai nguồn tin, vào tháng 11, khoảng chục tàu chở dầu lẽ ra đi đến Ấn Độ đã bị hai công ty dầu mỏ lớn của Nga chuyển hướng đến các điểm đến khác.
Như một giải pháp tạm thời cho tranh cãi liên quan đến các thỏa thuận với Ấn Độ, hàng hóa được thanh toán bằng sự kết hợp giữa đồng nhân dân tệ ( Trung Quốc), đồng đô la Hồng Kông như một loại tiền tệ chuyển đổi sang đồng nhân dân tệ và đồng dirham của UAE, được liên kết với đồng đô la Mỹ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết vấn đề vẫn là tìm ra một giải pháp thay thế khả thi cho USD và vấn đề này ảnh hưởng cả đến người mua ở châu Phi, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đã trở thành những khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất liên quan đến Ấn Độ, quốc gia đã mua hơn 60% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, theo dữ liệu của LSEG (tập đoàn giao dịch chứng khoán London) và tính toán của Reuters.
Các vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn khi sự giám sát về thương mại tăng lên. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các chủ tàu chở dầu của Nga bán giá cao hơn mức trần của phương Tây trong những tuần gần đây.
Kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga vào tháng 2 năm ngoái, Moskva đã chuyển khỏi giao dịch bằng USD và euro, những loại tiền tệ thống trị thế giới. Theo các thương nhân liên quan, chưa đến 10% sản lượng trong khoảng 9 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd) của Nga được bán bằng USD và euro.
Ngân hàng trung ương Nga không thể hoạt động bằng USD vì các lệnh trừng phạt và về mặt lý thuyết, các nhà xuất khẩu Nga có thể sử dụng đồng tiền này, nhưng việc tránh sử dụng đồng đô la Mỹ sẽ có lợi là khiến Washington và các đồng minh phương Tây khác khó giám sát hoạt động thương mại của Moskva hơn.
Tuy nhiên, các lựa chọn thay thế dẫn đến mức độ rủi ro cao cho cả hai bên trong thỏa thuận. Theo bốn nguồn tin thương mại và ngân hàng, Ấn Độ trong những tháng đầu năm nay đã nợ Nga khoảng 40 tỷ USD tiền dầu và các nguồn cung cấp khác. Trong khi đó, kinh doanh bằng đồng rupee đặc biệt khó khăn đối với Nga.
Theo hai nguồn tin của Nga, Ấn Độ khuyến khích chi tiêu bằng đồng rupee trên lãnh thổ của mình và đã áp dụng tỷ giá hối đoái khắt khe đối với việc chuyển đổi đồng rupee sang các loại tiền tệ khác, đôi khi lên tới hơn 10% số tiền được chuyển đổi.
Tình hình có thể dịu bớt nếu Nga nhập khẩu thêm hàng hóa từ Ấn Độ, có thể thanh toán bằng đồng rupee. Thay vào đó, Ấn Độ nhập khẩu nhiều hơn từ Nga, trong khi Nga là nước nhập khẩu lớn ô tô, thiết bị và các hàng hóa khác từ Trung Quốc.
Theo dữ liệu đăng trên trang web của Bộ thương mại Ấn Độ, nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đạt 30,4 tỷ USD trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, với thâm hụt thương mại với Moskva tăng lên hơn 28 tỷ USD so với khoảng 17 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Ivan Nosov, người đứng đầu chi nhánh Ấn Độ của ngân hàng nhà nước hàng đầu Nga Sberbank, cho biết các nhà xuất khẩu Nga sẽ phải giúp Ấn Độ tăng xuất khẩu.
Trong khi đó, các quan chức Nga và các nhà điều hành dầu mỏ đã đề nghị người mua Ấn Độ thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, vì đối với Nga đây là loại tiền tệ hữu ích hơn. Nhưng các nguồn tin lưu ý, đối với Ấn Độ, việc sử dụng đồng tiền của Trung Quốc là rất nhạy cảm, mặc dù các nhà máy lọc dầu tư nhân Ấn Độ đã quay trở lại sử dụng đồng nhân dân tệ do thiếu các lựa chọn khác.
Bên cạnh đó, các nhà máy lọc dầu nhà nước Ấn Độ cũng chuyển sang sử dụng đồng dirham của UAE, nhưng điều đó trở nên phức tạp do các yêu cầu thanh toán bổ sung do đường lối cứng rắn hơn của Washington khiến các chính phủ khác cảnh giác.
Từ tháng 10, một số ngân hàng UAE đã thắt chặt kiểm soát đối với các khách hàng tập trung vào Nga để đảm bảo tuân thủ giới hạn giá. Đến nay, ít nhất hai ngân hàng UAE đã đưa ra các tuyên bố tuân thủ giới hạn giá cho các khách hàng liên quan đến giao dịch dầu thô, sản phẩm dầu và hàng hóa của Nga.
Đan Mạch được giao kiểm tra và chặn tàu chở dầu Nga, Moskva phản ứng
Đan Mạch có thể bắt đầu kiểm tra các tàu chở dầu của Nga trong vùng biển của mình và chặn chúng nếu cần thiết theo kế hoạch mới của EU.
Nhiều chuyến tàu vận chuyển dầu Nga đi qua lãnh hải Đan Mạch. Ảnh: Reuters
Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 15/11, Đan Mạch sẽ được giao nhiệm vụ kiểm tra và có khả năng ngăn chặn các tàu chở dầu của Nga đi qua vùng biển của nước này theo kế hoạch mới của EU.
Nhiệm vụ của Đan Mạch được đưa ra khi phương Tây đang tìm kiếm nhiều cách hơn để đảm bảo đáp ứng mức giới hạn 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga. Gói trừng phạt thứ 12 của EU nhằm vào Nga "sẽ bao gồm các hành động thắt chặt trần giá dầu, giảm doanh thu mà nước này nhận được từ việc bán dầu - không phải cho chúng tôi [EU] mà cho các nước khác - và đấu tranh chống gian lận", người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết.
Việc Đan Mạch kiểm tra các tàu chở dầu của Nga có thể là một trong những biện pháp trong gói trừng phạt mới của EU. Đan Mạch được chọn chủ yếu vì vị trí địa lý của nước này. Tất cả dầu của Nga được vận chuyển qua Biển Baltic - chiếm khoảng 60% tổng lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Moskva - đều đi qua eo biển Đan Mạch trên đường đến thị trường quốc tế.
Ước tính của tờ Financial Times (Anh) cho biết, khoảng 2 triệu thùng dầu của Nga đi qua eo biển Đan Mạch mỗi ngày, tương đương với ba tàu chở dầu lớp Aframax.
Theo nguồn tin trên, mục tiêu chính của Đan Mạch sẽ là các tàu chở dầu không có bảo hiểm của phương Tây. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế cho phép các nước kiểm tra tàu nếu có lo ngại rằng chúng có thể gây hại cho môi trường.
Các điều kiện về "giá trần" đối với nhiên liệu của Nga quy định rằng các công ty bảo hiểm phương Tây chỉ có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho việc vận chuyển dầu từ Nga nếu dầu được bán với giá thấp hơn 60 USD/thùng.
Trong khi đó, EU nghi ngờ rằng nhiều tàu chở dầu của Nga không có bảo hiểm như vậy, đặc biệt là bảo hiểm bồi thường tổn thất do rò rỉ và tràn dầu. Một trong những nguồn tin nắm rõ về vấn đề trên nói: "Nhiệm vụ chính là đảm bảo tuân thủ các quy tắc bảo hiểm".
Tuy nhiên, một số quan chức EU lưu ý rằng sự thành công của sáng kiến trên phần lớn phụ thuộc vào khả năng Hải quân Đan Mạch ngăn chặn và kiểm tra tàu chở dầu. Ngoài ra còn có câu hỏi phải làm gì nếu con tàu không chịu dừng lại.
Cùng ngày (15/11), Nga tuyên bố tất cả các tàu, bao gồm cả tàu của Nga, được tự do đi qua Biển Baltic và nói rằng bất kỳ nỗ lực nào vi phạm luật pháp quốc tế về tự do di chuyển hàng hải đều nguy hiểm.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên: "Tôi nhắc lại rằng tất cả các tàu, kể cả tàu của Nga, đều có quyền tự do đi qua eo biển Baltic. Bất kỳ hành động nào đi ngược lại điều này đều vi phạm luật pháp quốc tế và hậu quả sẽ rất nguy hiểm".
Trước đó người phát ngôn của Bộ chỉ huy liên quân Đan Mạch thông báo rằng quân đội Đan Mạch "không kiểm tra hành chính hoặc tàu thuyền đi qua eo biển, ngoại trừ các trường hợp liên quan đến an ninh hàng hải".
Ba Lan thuê tàu từng chở dầu Nga để nhập khẩu dầu thô Arab Hai thương nhân và nhà cung cấp dữ liệu LSEG tiết lộ trong những tháng gần đây, Nhà máy lọc dầu Orlen của Ba Lan đã thuê ít nhất 10 tàu chở dầu, trước đó đã chuyển dầu Nga tới châu Á, để vận chuyển dầu thô Arab đến các nhà máy lọc dầu ở Litva và Ba Lan trên hành trình trở...