Trở lại với lớp học tình thương
Thăm lớp học tình thương (khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) những ngày giáp Tết, mới thấy hết không khí rộn ràng, căng tràn sức sống ở một lớp học từng xập xệ, cũ kỹ với những đứa trẻ mặt mày nhem nhuốc, trang phục đến trường thiếu thốn trước kia.
Những tiếng “ê a” học bài vang lên làm lòng người ấm hơn, vì biết rằng trên hành trình tìm kiếm con chữ của những đứa trẻ nghèo luôn có những tấm lòng chở nặng yêu thương.
Các em nhỏ ở lớp học tình thương ngày càng chăm ngoan
Tình thương ấy khởi nguồn từ chú Nguyễn Hữu Thời (sinh năm 1951, cựu chiến binh phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên). Chú Thời là người “khai sinh” ra lớp học tình thương, với hơn 23 năm gắn bó cùng phấn trắng, bảng đen của lớp học, chú là người vui hơn ai hết khi chứng kiến lớp học ngày càng đổi thay theo hướng tích cực. “Những ngày mới về khóm Nguyễn Du này, thấy xóm nghèo, trẻ em lêu lỏng, ham chơi nhiều, tôi xin phép chính quyền địa phương mở lớp học tình thương, vừa dạy con chữ, vừa truyền đạt nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Những ngày đầu, việc vận động học sinh ra lớp rất khó khăn, bởi phụ huynh không chịu, họ sợ con em học rồi không còn thời gian phụ giúp việc nhà. Dần dần thấy được lợi ích và ý nghĩa của lớp học, con em chăm ngoan, siêng năng và nghe lời hơn, từ vài em theo học ban đầu, các bậc cha mẹ tự nguyện đưa con đến lớp học nhiều hơn. Dù không còn trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng mỗi bước đi của lớp học tôi đều dõi theo” – chú Thời chia sẻ.
Hiện, người thay chú Thời truyền đạt tri thức cho hơn chục trẻ nghèo khóm Nguyễn Du là cô Phan Thu Thủy (54 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên). Được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo phường Mỹ Bình, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ lớp học tình thương rất nhiều, từ vật chất đến tinh thần. Nhiều năm qua, cô giáo Thủy đã miệt mài uốn nắn cho các em từng con chữ, tập các em tính toán cộng, trừ, nhân, chia, dạy các em hát bài hát, kể các em nghe những mẫu chuyện cổ tích, ngụ ngôn… Chính tình yêu trẻ là động lực để cô giáo “vô danh” ấy bền tâm dìu dắt các em đến lớp, nắn nót từng con chữ, tranh thủ nguồn vận động cho các em từng cuốn tập, quyển sách, cây viết, cây thước, thậm chí là những bộ quần áo, đồng phục tinh tươm cho những buổi đến lớp. Ngoài cô Thủy, còn có những sinh viên trẻ của Trường Đại học An Giang đến lớp phụ dạy các bạn nhỏ. Bằng tình thương và tấm lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn đã tiếp thêm nghị lực, tinh thần cho các em nhỏ của xóm nghèo phấn đấu học tập từng ngày để thành người có ích.
Ở đó, mỗi em nhỏ là một hoàn cảnh khó khăn và cần được yêu thương như nhau. Có em cha mẹ “đường ai nấy đi”, sống nương nhờ ông bà, có em chỉ ở với cha hoặc mẹ nhưng hàng ngày phải phụ mưu sinh bằng nhiều việc như: bán vé số, lượm ve chai hay bán bánh trái… Nghe cô Thủy chia sẻ cụ thể về hoàn cảnh từng em mới thấy nhói lòng… Giữa guồng quay hối hả, các em vẫn cố gắng vươn lên để mong thay đổi cuộc đời nhờ vào lớp học tình thương. “Lúc trước, em không biết đọc, viết. Từ ngày được bà ngoại cho đi học ở đây, em đã biết đọc. Bà của em dù không có thời gian giúp em ôn bài nhưng vẫn nhắc nhở em đến lớp thường xuyên. Gần 2 năm nay được học trong lớp học khang trang với đầy đủ dụng cụ học tập, chúng em vui lắm. Em sẽ cố gắng chăm ngoan, học tốt để không phụ lòng những người đã yêu thương lớp học nhỏ của mình” – em Nguyễn Thị Mỹ Linh (12 tuổi, học sinh lớp học tình thương) phấn khởi cho biết.
“Gắn bó với các em khoảng 5 năm, tôi cảm thấy rất vui và may mắn. Có em hơn 10 tuổi nhưng không biết đọc, viết, có em rất bướng bỉnh nhưng giờ đã chăm ngoan hơn rất nhiều. Có em tuy lớn tuổi hơn các bạn trong lớp nhưng lại không lanh lẹ bằng, được cái là rất chăm ngoan nên ai cũng thương. Thời gian gần đây, nhiều nhà hảo tâm quan tâm hơn, nhất là dịp lễ, Tết, các em cũng có tinh thần học tập hơn rất nhiều. Trong khả năng của mình, tôi giúp các em học tập, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội” – cô Thủy bộc bạch.
PHƯƠNG LAN
Theo baoangiang
Lớp học 0 đồng giữa đêm vắng Sài Gòn: Nơi gieo con chữ, chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo
Nắn nót viết từng con chữ, tập trung làm những phép cộng, trừ đơn giản - đó là cả bầu trời mơ ước của những đứa trẻ đường phố không có tiền đi học...
Nằm trong một con hẻm nhỏ ở Quận 12, cách xa trung tâm thành phố, lớp học tình thương Ngọc Việt là nơi xóa mù chữ cho cho biết bao trẻ em nghèo xóm trọ nơi đây.
Lớp học được anh Huỳnh Quang Khải (28 tuổi) thành lập và duy trì gần 10 năm qua dù gặp nhiều khó khăn, thử thách khiến anh như muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, vì thương 'tụi nhỏ' nên anh tìm mọi cách duy trì lớp học cho đến tận bây giờ.
Clip: Lớp học 0 đồng - nơi xóa mù chữ cho các trẻ em đường phố
Thầy giáo đứng lớp là trẻ mồ côi
Dạy học không phải là chuyên ngành chính của anh Khải vì anh là một hướng dẫn viên du lịch. Để trở thành một người thầy như bây giờ không chỉ là vì sự thương cảm giữa người với người mà còn là do cái duyên nữa.
Anh Khải cũng từng là trẻ mồ côi nên anh thấu hiểu được những nỗi niềm của đa số trẻ con sống ở đây.
Những ngày còn là đoàn viên ở phường Hiệp Thành (năm 2010) anh cùng các bạn của mình quyết định mở lớp học miễn phí để dạy cho con của những người công nhân, cán bộ xung quanh nơi anh sống.
Anh Khải đứng lớp dạy chữ cho các em học sinh.
Năm 2013, khi chuyên ngành du lịch quá tải, anh đã quyết định dừng việc dạy học lại. Năm 2015, anh gặp lại những học trò cũ bán vé số, nhặt ve chai, bọn trẻ năn nỉ anh đi dạy trở lại để cho chúng biết thêm con chữ, biết cộng trừ. Vì 'cầm lòng không được' anh Khải lại tiếp tục mở lớp dạy miễn phí. Đồng hành cùng anh lúc này là người vợ hiền.
Thời gian đầu, anh Khải vận động tiền để mở lớp cho các em từ những người quen biết nhưng không đủ. Hai vợ chồng anh phải bán vàng cưới để gom góp tiền mua bàn ghế, tập sách, sửa sang chỗ học...
Không có địa điểm để mở lớp, hai vợ chồng quyết định dùng sân nhà mình làm nơi cho các em đến hằng ngày để học tập. Hai vợ chồng anh Khải đều có công việc ổn định nhưng vẫn tranh thủ thời gian rảnh để dạy học cho tụi nhỏ. Những ngày anh Khải đi tour thì vợ anh sẽ đứng lớp dạy chứ không để các em nghỉ học buổi nào.
Lớp đông học sinh nên anh Khải nhờ thêm sự hỗ trợ của cô Nho.
Ngôi nhà đông con và tình thương vô bờ của 'người cha trẻ'
Hiện tại, lớp học tình thương Ngọc Việt đang nhận dạy khoảng 50 học sinh, độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi, với đủ các trình độ từ lớp 1 đến lớp 5, chưa tính những em lần lượt nghỉ học để mưu sinh phụ giúp gia đình. Lớp bắt đầu vào lúc 6h45 và kết thúc lúc 8 h45 tối, vì ban ngày tụi nhỏ phải đi làm thêm hoặc ở nhà phụ ba mẹ.
Cùng một câu hỏi 'tại sao ban ngày con không đi học mà con phải đi học buổi tối' mà câu trả lời thì mỗi em một kiểu.
Có em 'nhà con nghèo nên con không có tiền đi học', có em thì trả lời 'con phải ở nhà phụ cha mẹ', xót xa hơn có em chậm phát triển nên hơn 10 tuổi chỉ mới học lớp 1 vỡ lòng.
Anh Khải nhớ rõ hoàn cảnh của từng em một, 'thằng cu Trung ban ngày phải bán hủ tiếu phụ mẹ, bé Duyên từng bị nuôi não bên ngoài vì gặp tai nạn té cầu thang, đứa mất cha, đứa mất mẹ, đứa thì sống với bà nội... Khó khăn là vậy nhưng có nhiều em không bỏ học ngày nào, trừ khi gia đình không cho các em đến lớp', anh Khải chia sẻ.
Không gian lớp học giản dị đơn sơ nhưng ấm áp...
Khu vực bỏ cặp sách của các bạn học sinh...
Sách giáo khoa, sách truyện và đồ dùng học tập được đặt ngăn nắp.
Ngoài cái chữ, con số, các em còn được học trồng cây bảo vệ môi trường, học cách đối nhân xử thế... Nhờ sự dạy dỗ của thầy cô ở lớp học các em cũng trở nên ngoan hơn, biết cách ứng xử hơn và đặc biệt là biết yêu thương lẫn nhau. Thương là thương ở chỗ đấy...
Anh Khải kể lại: 'Những ngày rảnh rỗi là anh dẫn tụi nhỏ đi chụp hình để lưu giữ làm kỷ niệm nếu sau này xa nhau có cái để xem lại, hoặc lâu lâu nấu cho tụi nhỏ một nồi bún riêu, bún bò. Rồi đến ngày Tết Trung Thu thầy trò cũng tưng bừng chuẩn bị rước đèn. Nhìn tụi trẻ vui cười, mình cũng thấy nhẹ lòng...'
Một cậu bé nắn nót viết chữ...
'Cái tâm' đôi khi còn hơn cả 'cái tầm'
Lớp học nhỏ ấy đã rèn luyện biết bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ đi qua. Nhiều người đã thành đạt, có cuộc sống ổn định và thường xuyên quay về thăm anh Khải nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Có người trở thành chủ tiệm sửa xe ô tô, người thì làm chủ cửa hàng điện thoại lớn... mà anh chính là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho cuộc đời của họ.
Dù không qua trường lớp, không có bằng cấp sư phạm nào nhưng nghề dạy chữ đã gắn bó với anh cũng từng ấy năm trời. Ngày 20 tháng 11 hàng năm, học trò anh đều đến tri ân thăm hỏi rất nhiều. Điều đó cũng làm ấm lòng phần nào thầy giáo trẻ. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều học sinh bỏ học giữa chừng, anh buồn nhưng không trách móc một lời.
Anh Khải và ước mong có thể duy trì lớp học lâu dài hơn nữa.
Trong đời ai cũng có ước mơ, dù lớn hay nhỏ, dù ít hay nhiều cũng đều hướng đến một tương lai tươi sáng. Trong lớp học của trẻ em nghèo, có em ước làm bác sĩ, em ước làm kỹ sư lắp ráp, có em ước được làm giáo viên dạy chữ như 'thầy Khải'.
Còn anh Khải, anh chỉ mơ ước các con sau khi học ở lớp sẽ được công nhận đã hoàn thành chương trình tiểu học, có thêm chút tri thức ít ỏi để bước ra đời.
Anh tâm sự: 'Nếu như trời thương cho vợ chồng anh làm ăn được thì anh sẽ mua một cái tivi cho tụi nhỏ xem phim hoạt hình giải trí, đồng thời cũng kết nối mạng để dạy tụi nó thêm môn Tiếng Anh nữa'.
Âm thầm, lặng lẽ, lớp học ít ai biết đến đã tồn tại nhiều năm qua. Anh Huỳnh Quang Khải cứ thầm lặng như thế đưa biết bao nhiêu chuyến đò cập bến. Và cũng còn rất nhiều chuyến đò, biết bao lớp học trò nữa cần được bàn tay anh dìu dắt. Chỉ mong mọi người có đủ lòng tin và 'sóng gió' đừng kéo đến lớp học bình yên này.
Ngọc Yến
Theo baodatviet
Không chỉ dạy học bằng con chữ Không học qua chuyên ngành sư phạm nhưng thực hiện lời dạy của Bác "Hoc đê lam viêc - Hoc đê lam ngươi - Hoc đê phung sư Tô quôc", hơn 12 năm qua, CCB Nguyễn Viết Học (Tân Kỳ, Nghệ An) đã và đang mở lớp học tình thương cho học sinh nghèo ở các xã miền núi. Ông Học cùng các...