Trở lại trường sau 3 tháng nghỉ vì dịch COVID-19: Vui như ngày hội khai trường
Hôm qua, học sinh 63 tỉnh thành trở lại trường sau 3 tháng nghỉ học vì dịch COVID-19. Với mỗi học sinh, mỗi thầy cô, ngày hôm qua là một ngày đặc biệt, không thể nào quên.
Học sinh tại TPHCM đo thân nhiệt khi vào trường
Hà Nội: Thầy trò náo nức
Dù thứ hai tuần này mới đến trường, nhưng trước đó mấy ngày Nguyễn Huy Hoàng, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú, Hà Nội đã háo hức, tất bật. chuẩn bị quần áo đồng phục, giày dép, sách vở. Ba tháng vừa rồi là kỳ nghỉ dài nhất trong suốt 12 năm học của Hoàng. Điều quan trọng hơn là nghỉ lâu như thế nhưng không được tụ tập cùng bạn bè, chỉ được trao đổi qua điện thoại.
Hoàng cũng biết, do dịch bệnh nên dù được đến trường, nhưng mọi hoạt động, sinh hoạt của em và các bạn chưa thể trở lại như ngày xưa. Lớp có 43 bạn, phải chia đôi lớp. Em chỉ được gặp mặt một nửa số bạn trong lớp cũ, lại không được nói chuyện, ngồi cách nhau 1,5m.
“Nhưng được đến lớp, đến trường là vui lắm. Nói chuyện với bạn dù cách xa nhưng nói to một chút, bạn vẫn nghe được”, Hoàng chia sẻ. Một điều đặc biệt nữa sáng thứ hai, lần đầu tiên trong đời học sinh, Hoàng chào cờ trong lớp học. Dù vậy nhưng ai cũng vui và đặc biệt trước khi vào lớp đã được thầy cô giáo hướng dẫn rất kỹ cách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn để đảm bảo sức khỏe cho mình, cho bạn bè và người thân trong gia đình.
47 năm gắn bó cùng học sinh, hôm qua là một ngày thật đặc biệt đối với thầy Nguyễn Hiền Bách, giáo viên môn Toán, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Hà Nội. Thầy Bách rưng rưng xúc động cho biết, giống như ngày đầu tiên đi học.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Marie Curie, Hà Nội tâm sự: “Đêm qua tôi hầu như không chợp mắt được vì xúc động và hồi hộp chờ đón học sinh. Phải đến sáng nay, nhìn từng học sinh đeo cặp sách, mặc đồng phục của trường bước xuống từ những chiếc xe bus của trường, tôi mới cảm nhận hết giá trị của điều tưởng như rất đỗi bình thường ấy”. Sau 48 năm gắn bó với giáo dục thì hôm qua với thầy Khang là một ngày không thể nào quên.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, hôm qua, khối THPT của quận đạt 99,7% học sinh ra lớp, khối THCS là 99,1%. Các trường đều thực hiện chia ca theo hướng dẫn của thành phố. Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy cũng thông tin, sĩ số học sinh THCS toàn quận đến trường đạt 99,3%.
TPHCM: Học sinh và sinh viên hào hứng
Sáng qua (4/5), hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên trên địa bàn TPHCM hào hứng quay trở lại trường học sau hơn 3 tháng tạm nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, đối với bậc phổ thông, theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TPHCM, khoảng 170.000 học sinh ở 2 khối 9 và 12 đang theo học tại các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn thành phố sẽ quay lại trường học vào ngày 4/5.
Video đang HOT
Trong ngày đầu tiên trở lại trường, các trường không tổ chức hoạt động học tập mà chỉ kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn, hướng dẫn học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và phòng chống dịch bệnh. Ngày 5/5, học sinh khối 9 và 12 đi học bình thường theo thời khóa biểu.
Cùng ngày, các trường đại học tại TPHCM cũng đón sinh viên năm 3, năm 4 và hệ sau đại học quay trở lại trường.
Thanh Hóa: Trẻ mầm non trở lại lớp
Sáng 4/5, hơn 537.000 trẻ mầm non và học sinh khối tiểu học trong toàn tỉnh Thanh Hóa đã đi học trở lại sau 3 tháng tạm nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19.
Trước khi các em quay trở lại trường học, các nhà trường đã làm tốt tổng dọn vệ sinh, khử khuẩn… và chuẩn bị phương án giãn cách bảo đảm an toàn cho học sinh.
Theo đó, các trường đều bố trí đo thân nhiệt, chuẩn bị nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch có xà phòng cho học sinh trước khi vào lớp học. Học sinh cũng được bố trí chỗ ngồi, giữ khoảng cách đảm bảo an toàn theo đúng hướng dẫn của ngành chức năng.
Đắk Lắk: Dừng học bán trú, chia nhỏ lớp học
Sau thời gian dài nghỉ học phòng chống dịch COVID-19, ngày 4/5, hàng nghìn học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đi học trở lại. Khoảng 10% khối mầm non và khối giáo dục thường xuyên vắng mặt trong ngày đầu đi học. Nhiều trường tạm dừng học bán trú, chia nhỏ lớp học…phòng chống dịch bệnh.
Theo Báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, trong ngày đi học đầu tiên hầu hết học sinh đi học đầy đủ, riêng khối mầm non có khoảng 10% học sinh khối tiểu học và khối giáo dục thường xuyên vắng học. Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, cho biết, tất cả học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh đã quay lại trường.
Đồng Nai: Dạy cả 3 ca cũng không đủ lớp
Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác, sáng 4/5, học sinh bậc THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đi học trở lại sau gần 3 tháng nghỉ Tết và nghỉ phòng, chống dịch COVID-19. Các trường đều thực hiện nghiêm túc phương án phòng chống dịch.
Tuy nhiên, đối với TP Biên Hòa thì đa số các trường đều quá tải học sinh và đã khai thác hết công năng phòng học nên chỉ có số ít trường bố trí học sinh học lệch giờ. Cô Đỗ Thị Cao Sang- Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Biên Hòa) cho biết ngoài các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của y tế như kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, nhà trường cố gắng giãn cách bàn ghế trong diện tích có thể của phòng học. Cô Sang cũng chia sẻ, không thể nào thực hiện giãn cách mỗi học sinh 1,5 đến 2m theo quy định được.
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai Võ Ngọc Thạch, nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì gần như 100% trường tại Đồng Nai không thể thực hiện được vì thiếu phòng học, thiếu giáo viên và cả kinh phí để chi cho hàng chục ngàn giáo viên phải dạy thêm giờ. Ông Thạch cho biết nhiều trường ở TP.Biên Hòa sĩ số trung bình lên đến 50-55 em/lớp, vì vậy, giãn cách sĩ số 20 em/lớp thì bố trí dạy cả ca 3 cũng không đủ lớp học.
121 trường ĐH cho sinh viên nhập học
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hôm qua, 4/5, trên cả nước có 121 trường ĐH cho sinh viên nhập học trở lại sau thời gian nghỉ phòng chống dịch COVID-19. Trong khi đó, có 45 trường ĐH vẫn đang triển khai cho sinh viên học tập trung, 59 trường chưa có báo cáo về Bộ GD&ĐT, 15 trường ĐH có quyết định cho sinh viên nhập học từ ngày 11/5. Để chuẩn bị cho sinh viên học tập trung, các trường ĐH đã vệ sinh khu ký túc xá, học đường cũng như chuẩn bị các điều kiện vệ sinh cơ bản theo quy định về phòng dịch của Bộ Y tế.
Việc tổ chức học tập trung đảm bảo giãn cách theo đúng quy định (1,5m). Để đảm bảo tiến độ học tập, giảng dạy, các trường ĐH bố trí sinh viên học tập đan xen giữa học trực tuyến và học tập trung. Riêng đối với sinh viên năm cuối, được ưu tiên bố trí học tập trung, đồng thời tổ chức đánh giá kết quả học tập sớm và chuẩn bị tổ chức cho sinh viên tốt nghiệp. – NGHIÊM HUÊ
Thi tuyển sinh vào đại học tại Việt Nam: Hành trình 45 năm đổi mới
Sau những năm chỉ tổ chức duy nhất một kỳ thi chung trên cả nước, kỳ thi THPT quốc gia ở nước ta đã có những thay đổi. Và từ 1975 đến nay, sau 45 năm thống nhất đất nước, kỳ thi được coi là quan trọng nhất với học sinh cả nước đã trải qua nhiều lần đổi mới.
Việc đổi mới thi cử luôn được xem là một trong những khâu đột phá của đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
Thí sinh trong một kỳ thi đại học trước năm 2015. Ảnh: Nam Nguyễn
6 năm đất nước không có kỳ thi đại học
Chứng kiến học trò của mình, những học sinh lớp 12 đang trải qua những ngày tháng khó khăn khi vừa đảm bảo việc học tập, ôn thi, vừa phòng dịch COVID-19, vừa chuẩn bị tâm thế cho những đổi mới thi cử, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) nhớ lại thời của mình. Đó là những năm 1960-1970, vì chiến tranh khốc liệt, nên học sinh vừa học, vừa phải tránh bom đạn. Thời đó, thầy và bạn bè học bài vào ban đêm, nhờ ánh sáng của chiếc đèn dầu nhỏ đặt trong hộp gỗ khoét một lỗ vừa đủ cho ánh sáng hắt vào trang sách.
Cũng vì khó khăn, vất vả, đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, nên từ năm 1965-1970, ở miền Bắc chỉ có một kỳ thi nhẹ nhàng để tốt nghiệp. Thầy Khang tham gia kỳ thi tốt nghiệp diễn ra giữa lúc đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng khốc liệt. Thế hệ của thầy, học sinh đỗ tốt nghiệp được tuyển vào đại học, cao đẳng bằng hình thức xét tuyển hồ sơ mà không phải thi.
Sau 6 năm đất nước không có kỳ thi đại học, đến năm 1971, hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng lại được tổ chức. Sau này, khi đất nước thống nhất, thí sinh muốn vào đại học đều phải trải 2 kỳ thi: Thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Trong đó, kỳ thi đại học được tổ chức tại địa phương để thí sinh đỡ vất vả, giảng viên các trường đại học, cao đẳng và sinh viên về các tỉnh coi thi. Bộ Giáo dục (khi đó) ra đề. Thí sinh trúng tuyển sẽ được phân vào các trường. Ai đạt kết quả cao sẽ được gửi sang nước ngoài để học tập.
Cuộc cải cách giáo dục bắt đầu từ năm 1981, khi hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), kéo theo sự đổi mới chương trình sách giáo khoa. Lúc này, mỗi thí sinh đăng ký 1 trường đại học, cao đẳng phù hợp với nguyện vọng và năng lực của mình.
Từ những năm 1990 đến 2001, học sinh cả nước bước sang thời có 1 kỳ thi tốt nghiệp và 2 kỳ thi đại học, 1 kỳ thi cao đẳng. Lúc đó, trường đại học tự ra đề thi dựa vào bộ đề của Bộ GDĐT. Với thế hệ những người sinh năm 1970 tới năm 1979, việc thi đại học là cả một hành trình, lặn lội cả trăm km, cơm đùm cơm nắm, lều chõng lên thành phố dự thi. Bởi lúc đó, thí sinh đăng ký vào trường nào thì về trường đó dự thi, đăng ký thi bao nhiêu trường thì phải trải qua bấy nhiêu kỳ thi để giành suất vào đại học.
Thời thi "3 chung" của sĩ tử
Từ năm 2002, Bộ GDĐT đã tiến hành đổi mới tuyển sinh đại học bằng kỳ thi có tên "3 chung" - chung đề, chung đợt và chung kết quả xét tuyển. Thí sinh sau khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp, nếu được công nhận tốt nghiệp THPT thì được tham dự kỳ thi đại học (chia làm 2 đợt) diễn ra đầu tháng 7 hằng năm.
Kỳ thi này được nhiều chuyên gia đánh giá là khá nghiêm túc do được tổ chức ở các trường đại học, nhưng đổi lại là sự vất vả và tốn kém của thí sinh. Ngày đó, lò luyện thi mọc lên ở khắp nơi. Khu vực Đại học Bách khoa, ĐH Sư phạm Hà Nội những ngày tháng 5, tháng 6 luôn tấp nập, các lò luyện thi hoạt động hết công suất.
Và đến những ngày tháng 7 nắng oi ả, sĩ tử khắp nơi đổ dồn về các thành phố lớn để dự thi đại học. Hình ảnh phụ huynh và học sinh rời chuyến xe khách đông đúc từ quê lên thành phố, khệ nệ bê đồ, hỏi han địa chỉ thuê nhà trọ... đã trở thành hình ảnh quen thuộc và ký ức khó quên của nhiều người. Ngày ấy, có gia đình bán thóc, bán bò để có tiền cho con "lai kinh ứng thí". Với nhiều sĩ tử khi đó, đây có thể là hành trình xa nhà đầu tiên. Cảm giác xa lạ trước phố phường tấp nập, ước mơ vào đại học để thay đổi cuộc đời, hay đơn giản chỉ vì dành ánh mắt đầy ngưỡng mộ với những anh chị mặc màu áo xanh tình nguyện tiếp sức mùa thi... mà càng quyết tâm vào đại học để được như họ.
Và có một thực tế là suốt hơn 10 năm tổ chức kỳ thi "3 chung" (2002-2014), tình trạng luyện thi đại học, học tủ, học lệch là một vấn đề nhức nhối và nhận được sự quan tâm của dư luận. Ý định tổ chức một kỳ thi quốc gia chung tại Việt Nam đã từng được ấp ủ và lấy ý kiến từ năm 2009, nhưng do chưa chuẩn bị đầy đủ nên các nhà làm giáo dục Việt Nam đành phải hoãn lại.
Thi "2 chung" và vụ gian lận thi cử rúng động
Cho đến năm 2015, sau gần 5 năm chuẩn bị, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học chính thức ghép vào làm một, việc ra đề thi vẫn do Bộ GDĐT chủ trì. Kỳ thi này thường được gọi với cái tên "2 chung" - vừa đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, vừa là căn cứ để tuyển sinh đại học. Nó có tên gọi là kỳ thi THPT quốc gia.
Khác hẳn với các mùa thi trước, những năm thực hiện thi "2 chung" không còn cảnh tắc đường, "khăn gói quả mướp" đổ dồn về thành phố dự thi. Những cảnh phụ huynh vật vờ, nằm ngủ tạm tại ghế đá công viên vì phải dậy từ 3h sáng, vượt vài trăm cây số đưa con lên các thành phố lớn để dự thi... đã là hình ảnh trong quá khứ. Lý do là kỳ thi được đổi mới theo hướng giao dần về cho các Sở GDĐT địa phương chủ trì. Thí sinh được chủ động chọn điểm thi ở gần nhà, không phải vất vả đi lại như trước.
Tuy nhiên, vào năm 2018, việc giao địa phương tổ chức kỳ thi, mà kết quả được sử dụng cho việc xét tuyển đại học đã xảy ra vụ gian lận rúng động nhất trong lịch sử thi cử Việt Nam. Hàng loạt sai phạm, nâng khống điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình khiến dư luận cả nước bất bình. Những đường dây chạy "suất" vào các trường công an, quân đội, y dược được hình thành; thí sinh bị điểm liệt được nâng thành thủ khoa. Và kết quả, hàng chục giáo viên "nhúng chàm" đã vướng vòng lao lý.
Đối với nhiều phóng viên, những ngày tác nghiệp tại các "điểm nóng" gian lận thi cử thực sự là trải nghiệm khó quên. Đó là những ngày ngủ chập chờn, dự những cuộc họp báo hy hữu vào lúc 1h đêm; những giọt nước mắt khi biết được sự thật. Với những người làm công tác giáo dục, khi nhắc lại vụ gian lận thi cử, thấy đau như tự cứa vào da thịt mình. Bởi những hậu quả mà vụ gian lận thi cử gây ra đến bây giờ vẫn chưa thể khắc phục hết, khi thí sinh gian lận đã cướp mất cơ hội vào đại học của những thí sinh khác.
Năm 2020 - tiếp tục chặng đường đổi mới
Sau 4 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, khi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi quan trọng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kỳ thi đã có những thay đổi vào phút chót. Và năm 2020 chính thức đánh dấu khép lại chặng đường 5 năm của kỳ thi "2 chung".
Bắt đầu từ năm nay, học sinh cả nước sẽ tham gia kỳ thi THPT với mục đích để xét tốt nghiệp. Trường đại học được tự chủ tuyển sinh, thí sinh đăng ký vào trường nào thì tham dự kỳ thi của trường đó. Kỳ thi lúc này gần giống với những năm 1990 đến 2001, nhưng chỉ khác là trường đại học được tuyển sinh làm nhiều đợt trong năm.
Trước quá trình đổi mới thi cử, sĩ tử năm nay đang tập thích nghi dần với những thay đổi, dù có chút hoang mang, lo lắng. Để động viên và hỗ trợ thí sinh, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc quan trọng nhất của học sinh lúc này là yên tâm ôn thi, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được tổ chức an toàn, chặt chẽ, minh bạch. Do đó, đa phần các cơ sở giáo dục đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển. Năm nay sẽ không có quá nhiều trường tổ chức thi riêng nên không thể lặp lại tình trạng tập trung quá đông thí sinh về một điểm, trong một thời gian nên sẽ không tạo áp lực về luyện thi, thi quá nhiều hay đổ dồn về các thành phố lớn. Sau năm 2020, học sinh chuẩn bị tâm thế cho những đổi mới, bởi sẽ có nhiều trường đại học tổ chức thi kỳ thi riêng, gắn với việc mở rộng quyền tự chủ đại học.
Hiệu trưởng Marie Curie nói gì về đề xuất chia nhỏ nghỉ hè của Chủ tịch Chung? Để học sinh nghỉ 1 kỳ nghỉ hè dài như hiện nay là một sự bất hợp lý vì sẽ tạo lên sức ì lớn cho học sinh khi bước vào năm học mới. Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie, Hà Nội Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 hồi tháng 2, Chủ tịch...