“Trò diễn” của sự giả dối?
Những thầy, cô giáo trung thực không bao giờ muốn việc dự giờ thăm lớp bị biến tướng thành màn diễn cho sự giả dối vì bệnh thành tích trong giáo dục.
Bắt đầu bằng việc con con…
Biết tôi có những quan sát thực tế về ngành giáo dục, giờ lại là một “chuyên gia rỗi việc”, bạn tôi hỏi sao không viết đôi chút về biết bao vấn nạn trong ngành. Tôi vốn không thích cầm đao to búa lớn nên chỉ xin bắt đầu bằng những việc con con như chuyện dạy và học Sử hay chuyện bằng cấp và chất lượng đào tạo.
Dự giờ thăm lớp là hoạt động trong trường học có từ lâu nhằm tạo cho người dạy cơ hội thử nghiệm ý tưởng mới, cách dạy mới, và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, hoạt động này từ khi tôi còn là học sinh cho đến nay vẫn không có gì khác và dần dần bị biến tướng.
Cách tổ chức thăm lớp dự giờ thực hiện như hiện nay trong nhà trường Việt Nam có mang lại tác động như mong đợi hay không? Hay nó mang sắc thái của sự đóng kịch, hình thức và giả dối.
Mô phỏng được sử dụng trong khá nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Trong giờ dạy mô phỏng (Teaching Simulations ), người ta cố gắng sao cho giờ dạy hệt như giờ lên lớp thật với tất cả đặc điểm cơ bản. Người ta chọn một số học sinh thuộc cùng trình độ nhưng có mức năng lực khác nhau và tiến hành các hoạt động dạy-học đúng như một lớp học thật sự.
Tương tự như vậy, người ta cũng tiến hành dạy thử nghiệm (Microteaching). Trong giờ dạy thử, người ta thường thử nghiệm dạy một nội dung mới, một phương pháp hoặc một ý tưởng mới liên quan đến lý luận dạy học. Giờ lên lớp này có thể chỉ gồm giáo viên, thay nhau làm thầy và làm trò.
Sau giờ dạy, người ta rút kinh nghiệm và trao đổi giữa giáo viên dự giờ, thông qua các video ghi lại giờ dạy đó. Người ta tiến hành phân tích cái thành công, cái chưa thành công của giờ dạy.
Chu trình hoạt động dạy thử nghiệm.
Qua những hoạt động này, người ta đồng thời thu được thông tin phản hồi hữu ích cung cấp cho các nhà nghiên cứu giáo dục cũng như người xây dựng chương trình và sách giáo khoa. Hoạt động này là hoạt động thường xuyên trong năm học.
Nếu hoạt động thăm lớp dự giờ được tiến hành với mục đích và cách thức như vậy thì chẳng có gì phải phàn nàn.
Thế nhưng…
Bỗng nhiên thay đổi hẳn…bản chất
Có khá nhiều ý kiến của cả giáo viên và học sinh trên các diễn đàn thuộc nhiều trang mạng giáo dục nói đến “mặt trái của tấm huân chương”, phê phán sự vô bổ, tính hình thức của việc dự giờ và than rằng “dự giờ – giáo viên cũng chán”.
Thông thường, việc dự giờ được báo trước, hoặc do người dạy giờ đó đăng ký, hoặc theo kế hoạch của trường. Những giờ chỉ có giáo viên trong trường dự giờ với nhau thường có tính xây dựng và học hỏi, ít mang tính hình thức. Nhưng một khi giờ dạy đó là giờ được cấp trên về thăm-dự, nó bỗng nhiên thay đổi hẳn … bản chất.
Video đang HOT
Vì đây là giờ dạy thật với sự có mặt của đồng nghiệp, đặc biệt của người lạ, cả người dạy và người học đều chịu một áp lực tâm lý không đáng có. Đôi khi giờ dạy như thế được sử dụng cho việc nâng bậc, cất nhắc. Chính vì những lý do đó, cả người dạy và người học cần phải “diễn” và vô tình nó đã phục vụ cho bệnh thành tích. Rõ ràng, việc này là phản giáo dục đối với cả người lớn và trẻ con.
Khi được hỏi về chuyện dự giờ, tuyệt đại đa số giáo viên cho biết đều phải “lên gân”, dàn dựng và chịu áp lực về tâm lý. Sự có mặt của nhiều người không phải là đối tác của hoạt động dạy và mang cái nhìn “soi, xét nét” đôi khi làm giáo viên lúng túng hơn bình thường.
Vì mang tính hình thức, việc chuẩn bị công phu mất cả tuần trước, nhất là khi có khách dự giờ từ “trên” xuống.
Có những chuyện thật như đùa rằng để cho buổi “diễn” được thành công, học trò thao diễn cùng cô cả tuần trước. Cô chọn học sinh giơ tay phát biểu bằng quy ước và tín hiệu bí mật. Khi cô phát vấn, cả lớp đều giơ tay nhưng cô sẽ chọn học sinh giơ cả bàn tay, học sinh yếu hơn giơ ba ngón …, đại loại như thế. Số lượng cánh tay học sinh giơ lên chắc sẽ gây ấn tượng mạnh với khách đến dự giờ!?
Những chuyện như trên và ví dụ tôi dẫn dưới đây là hình ảnh không đẹp cho gương mặt giáo dục Việt Nam, nhưng chắc không làm nhiều người trong ngành giáo dục ngạc nhiên vì nó gần như phổ biến.
Đó là chuyện có thật xảy ra tại một trường tiểu học dân lập XX của Hà Nội.
Vào giờ tiếng Anh lớp 3, khi có khách dự giờ, nhà trường cho học sinh ít nói sang phòng khác ngồi… đọc báo chờ cho xong giờ thao diễn của cô mới được trở lại lớp.
Tôi thấy xót xa cho các cháu nên buộc phải viết vài dòng này.
Tôi biết một trong số các cháu đó. Cháu rất hiền và thật thà. Bố mẹ cháu đều giỏi tiếng Anh, họ đều tốt nghiệp Anh ngữ (trình độ đại học) và đang công tác tại các cơ quan LHQ, nhưng chung quan điểm không học lối nhồi nhét khi cháu mới học đầu cấp, nên không cho đi học thêm tiếng Anh ngoài giờ. Tôi thấy quan điểm đó của anh chị là khoa học và hợp lý.
Về tiếng Anh của cháu, tôi biết chút tiếng Anh đủ mức để đánh giá khả năng tiếng Anh lớp 3 của cháu là khá tốt.
Cho dù năng lực của các cháu thế nào, việc tách các cháu học sinh trong giờ khách thăm của trường tiểu học dân lập XX như trên là không thể chấp nhận được.
Việc làm trên của trường tiểu học dân lập này chắc chắn gây hiệu ứng tiêu cực về tâm lý cho con trẻ. Cách làm đó không những phản khoa học, phản giáo dục, mà còn là hành vi dối trá, biến hoạt động dạy-học thành trò phô diễn vì thành tích giả dối.
Tôi có đầy đủ cả tên cô giáo, tên trường. Tuy nhiên, để cảnh báo chung về việc làm tiêu cực này, tôi chỉ nêu như thế là đủ, và mong chuyện trên không tái diễn ở trường này hay đâu đó trong hệ thống trường học Việt Nam.
Mọi giáo viên đều là “giáo viên dạy giỏi”
Bản thân việc dự giờ thăm lớp nếu không được tiến hành nghiêm túc và khoa học, nó có tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực như đã bàn ở trên.
Ngày nay khi giờ thao giảng đã mất đi mục đích tích cực cần có của nó và chỉ mang tính trình diễn hình thức, nó chỉ còn làm được một việc duy nhất là che đậy chất lượng giáo dục vốn đã quá yếu kém.
Những danh hiệu như: “Giáo viên dạy giỏi”, “Chiến sỹ thi đua”, “Nhà giáo …”, … đã mặc nhiên vạch ra ranh giới giữa thiểu số nhỏ nhoi, vì một lý do nào đó được coi là dạy giỏi, và đa số còn lại những giáo viên là “dạy không giỏi”. Đáng tiếc, các danh hiệu đó không phản ánh thực tế và đã vô tình gạt đại đa số giáo viên khỏi dòng chảy chung.
Liệu một nhúm “Chiến sỹ thi đua”, “Nhà giáo Nhân dân” … có vực dậy được cả ngành giáo dục hay không?
Đã đứng trên bục giảng, tất cả thầy cô đều phải là giáo viên dạy tốt, nếu không, họ đang làm thầy bất đắc dĩ. Thầy cô bất đắc dĩ thì làm sao có chất lượng giờ dạy tốt!
Nếu dựa vào kết quả những buổi trình diễn như thế để đánh giá giáo viên thì lại càng là một sai lầm nghiêm trọng.
Tôn trọng sự sáng tạo cá nhân người dạy
Để truyền đạt kiến thức có hiệu quả và biến hoạt động dạy- học là một sự hợp tác sinh động giữa người dạy và người học, người dạy cần sự sáng tạo, độc lập. Do vậy, không thể mọi giáo viên đều có cùng một phong cách lên lớp như nhau.
Dự giờ thăm lớp là hoạt động trong trường học có từ lâu nhằm tạo cho người dạy cơ hội thử nghiệm ý tưởng mới, cách dạy mới… (Ảnh minh họa)
Không có một giáo án nào được coi là “hay nhất” cho mọi giáo viên. Người dạy được quyền sáng tạo cách lên lớp truyền đạt kiến thức của riêng mình, sao cho người học thấy giờ học có hiệu quả và thú vị. Những giáo án cứng nhắc không khéo lại là những sợi dây trói buộc kìm hãm tính sáng tạo và làm nghèo nàn phong cách lên lớp của người dạy.
Giáo án có thể là chiếc gậy cho người mới tập đi, nhưng khi đã biết đi mà cứ khư khư cầm cái gậy thì không thể đi bình thường được.
Không có cách lên lớp nào là duy nhất tốt hay tốt nhất cho mọi giáo viên và mọi đối tượng học sinh.
Chính vì vậy, việc dự giờ thăm lớp, góp ý …, đều chỉ có giá trị tham khảo đối với một giáo viên biết mình cần chủ động làm gì và làm thế nào trên bục giảng.
Rũ bỏ chiếc áo sờn
Để việc dự giờ đảm bảo được tính xây dựng, trao đổi kinh nghiệm, và để hoạt động này được thực hiện thường xuyên, mỗi trường nên có phòng riêng cho hoạt động dự giờ/ giảng thử. Có đủ phương tiện ghi lại các hoạt động để giáo viên phân tích, trao đổi.
Các phòng phục vụ hoạt động này được coi như “phòng thí nghiệm” của giáo viên. Không nên kéo cả một đoàn người lạ vào lớp học làm đảo lộn hoạt động bình thường vốn có của nó. Phương tiện thời công nghệ hoàn toàn có thể giúp hoạt động này một cách hiệu quả.
Hệ thống giáo dục được cấu thành từ rất nhiều cái nhỏ và cụ thể, từ cái bảng đen đến việc dự giờ. Một khi các thành tố đều lành mạnh thì cả cơ thể giáo dục mới khỏe mạnh được để tiếp thu những triết lý giáo dục lành mạnh.
Những thầy, cô giáo trung thực không bao giờ muốn việc dự giờ thăm lớp bị biến tướng thành màn diễn cho sự giả dối vì bệnh thành tích trong giáo dục.
Theo DT
"Ngán" như... dự giờ
Cô giáo phải soạn giáo án từ trước cả tuần lễ, học sinh về chuẩn bị bài kỹ đến khi thuộc lòng và tất cả nín thở... chờ tới khi các cô, thầy cùng xách cặp vào lớp. Dự giờ, bấy lâu nay là nỗi chán ngán của học trò.
Học thuộc lòng câu trả lời
Dự giờ là một trong những hoạt động thường xuyên của các lớp học mọi cấp học, để kiểm tra, đánh giá trình độ của giáo viên, học sinh. Hoặc đôi khi tiết dự giờ của nhiều trường chỉ là để các giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Thế nhưng, thực tế, trừ những tiết ban giám hiệu cùng các giáo viên tới đột xuất dự giờ bất thường, thì các tiết dự giờ, cả cô và trò đều biết trước và đều có sự chuẩn bị. Bình thường có thể học chay nhưng cứ có giờ dự giờ là phải bảng biểu, máy chiếu đàng hoàng.
Nhìn ánh mắt cô tha thiết động viên "đây là giờ học rất quan trọng của chúng ta, nên các em phải chú ý" học sinh nào cũng sợ và nhủ cố gắng đừng để cô giáo buồn. Học trò nói lưu loát, học giỏi là được giao các nhiệm vụ trả lời bài cũ, phát biểu ý kiến. Nguyễn L. (cựu học sinh chuyên văn- THPT H L.) cho biết để có một giờ thao giảng cho cô giáo chủ nhiệm trọn vẹn, L. và các bạn phải kì công sửa đi sửa lại cái tranh minh họa một cảnh trong vở kịch Romeo- Juliet của W. Shakespear.
Phạm Hương L. (học sinh chuyên văn) cũng kêu trước giờ dự giờ cả mấy ngày là đã được cô giáo đọc cho chép cả hệ thống các câu hỏi, cả đáp án từ tác giả, tác phẩm đến mở rộng, để về nhẩm sẵn trả lời cho tốt. Nếu là buổi thao giảng thì còn "chán" hơn nữa, cô giáo có khi còn sắp xếp cả một buổi để dạy thử cho học sinh.
Đa phần các tiết dự giờ đều lên khuôn, khiến giờ học chỉ như một vở kịch mà cả thầy và trò đều căng thẳng nhập vai cho một kịch bản đã chuẩn bị từ trước. (Ảnh minh họa).
Chỉ là đối phó
Phan Anh Đ. (cựu học sinh trường THCS H.K- Hà Nội) cho biết, em ấn tượng nhất với những buổi dự giờ. Lớp im phăng phắc, cô giáo giảng những điều các em đã thuộc lòng, và học sinh phát biểu cũng là những câu đã được "mớm" lời từ trước. Cả tiết đó, lớp học ai cũng đúng, chẳng có sự tranh luận nào.
Vũ Phương N. thì cho biết, bạn rụt rè nên những giờ dự giờ chỉ việc ngồi chép bài chăm chỉ, nhiều khi giơ tay cao cho lớp có tinh thần học, nhưng N. biết chắc rằng cô chẳng bao giờ gọi.
Bạn nào được cử lên làm bài tập, hoặc phát biểu mà hôm đó trục trặc gì thì cả giờ hôm đấy, và cả tuần đó cứ gọi là căng thẳng khi gặp cô giáo - Một học sinh trường P. Đ. P cho biết.
Ngay cả những sinh viên các Trường ĐH cũng cho biết, họ không thích những giờ dự giờ, thao giảng khi còn học phổ thông. Bình thường lớp học rất thoải mái, ngẫu hứng, ai cũng có thể phát biểu, giờ học bùng nổ, sáng tạo. Nhưng đa phần các tiết dự giờ đều lên khuôn, khiến giờ học chỉ như một vở kịch mà cả thầy và trò đều căng thẳng nhập vai cho một kịch bản đã chuẩn bị từ trước.
Theo lao động
Nếu giáo dục tốt, thi cử chỉ mang tính thủ tục Trắc nghiệm khách quan (TNKQ) hay tự luận (TL), đều một phần đánh giá đúng năng lực của học sinh. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng trong mỗi hình thức vẫn còn những hạn chế nhất định và chúng ta hãy nhìn ra các vấn đề mang tính vĩ mô. Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích...