Trò chuyện với thủ khoa điểm cao nhất nước
Với số điểm 29,5, Phạm Thái Sơn hiện đang là thủ khoa có số điểm cao nhất trong kỳ thi Đại học 2011.
Chân dung tân thủ khoa ĐH Y – Dược Huế.
- Chào Sơn! Bạn có thể chia sẻ một chút cảm giác của tân thủ khoa Đại Học Y – Dược Huế?
- Mình thực sự bất ngờ và rất hạnh phúc, đến nỗi phải hét toáng lên (cười). Mình xác định chỉ khoảng 28 điểm thôi nhưng không ngờ lại đạt kết quả cao như vậy. Bây giờ vẫn còn cảm thấy lâng lâng, cả ngày hôm nay tâm trạng mình cứ như đang bay.
- Sơn có thể chia sẻ khoảnh khắc lúc vừa biết mình đỗ thủ khoa không? Lúc đó Sơn muốn chia sẻ cảm xúc với ai nhất?
- Lúc đó ba mình nhận được điện thoại thông báo mình là thủ khoa Đại Học Y – Dược Huế rồi gọi ngay về cho mình biết. Nghe điện thoại xong mình đã hét và chạy khắp nhà vì không tin vào tai mình nữa. Rồi mình báo ngay cho mẹ và ông bà, gọi điện cho cả thầy cô ở trường nữa. Mình muốn dành kết quả này như một món quà tặng người thân và bạn bè vì đã kỳ vọng ở mình rất nhiều!
Sơn bên cạnh bạn bè.
- Trước khi đi thi Đại Học, Sơn dự đoán mình khoảng bao nhiêu điểm? Và bạn có bị áp lực thi cử đè nặng không?
Video đang HOT
- Trước khi thi thì mình dự đoán khoảng 24 – 25 điểm khối A, nhưng không ngờ lại 27 điểm. Còn khối B thì khoảng 28 – 29 điểm, mình tự tin nhất ở khối B mà. Cả 3 môn Toán – Hóa – Sinh là điểm mạnh của mình từ hồi còn học lớp 9 (cười). Với mình thì thi Đại Học không có áp lực nào cả bởi mình nghĩ tâm lý ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả cho nên cứ đi thi vui vẻ, bình thường. Chỉ có điều là cô thầy ở trường đặt nhiều hy vọng quá nên càng quyết tâm hơn.
- Bạn sắp xếp thời gian cho việc học như thế nào?
- Mình học cũng thoải mái lắm, cũng không phải mọt sách gì đâu. Sáng học ở trường, chiều về mình dành ra một tiếng rưỡi để học, học xong thì đi đá bóng với bạn bè. Gần ngày thi Đại Học mà mình vẫn không bỏ trận nào (cười). Tối ôn lại bài khoảng hai tiếng thôi.
Thực ra thời gian học của mình không nhiều, mình không ôm đồm quá nhiều thứ cùng lúc nên cảm thấy việc học rất nhẹ nhàng. Có lẽ cũng một phần nhờ gen di truyền của ông ngoại và ba mẹ.
- Học giỏi nhưng lại không vào học trường chuyên và cũng không có điều kiện học thêm, học ôn nhiều, bạn có cảm thấy thiệt thòi không?
- Không đâu! Lúc đầu mình cũng chọn trường chuyên Quảng Bình để theo học nhưng nghĩ lại ba mẹ còn vất vả nên thôi học trường huyện cũng được. Chỉ cần mình cố gắng học thì học ở đâu cũng được mà.
Sơn rất giản dị và dễ gần.
- Bí quyết học của Sơn là gì?
- Ngoài nghe giảng trên lớp ra thì mình còn cố gắng tìm thêm tài liệu trên mạng và đọc sách để trau dồi kiến thức. Mình còn thích tranh luận với bạn bè về bài vở nữa, vì như thế sẽ nhớ bài lâu hơn. Khi học thì tự nhủ phải cố đạt được kết quả cao nhất.
- Không chỉ là thủ khoa ĐH Y – Dược Huế mà Sơn còn đỗ cả ĐH Bách Khoa Hà Nội. Sơn sẽ chọn trường nào để theo học và vì sao?
- Mình chọn ĐH Y – Dược Huế vì mình thích ngành Y từ lâu lắm rồi. Khối A thi dự bị thôi, không ngờ lại đỗ. Mình muốn làm bác sỹ và tự tay mình chữa bệnh cho ba mẹ, người thân. Đây là ước mơ của mình từ hồi còn bé.
Full name: Phạm Thái SơnSinh ngày: 20/01/1993Cựu học sinh lớp 12A1, trường THPT số 2 Quảng Trạch – Quảng BìnhĐiểm thi khối B: Toán: 10; Sinh: 9,75; Hóa: 9,75 – tổng điểm 29,5 (Cộng cả điểm khu vực thì tổng điểm của Sơn là 30,5).Thành tích:- 12 năm liền học sinh giỏi- Giải nhì tỉnh môn Sinh năm lớp 9- Giải nhì 2 môn Toán – Hóa cấp tỉnh năm 11- Giải nhì 2 môn Toán – Hóa cấp tỉnh năm 12
Theo PLXH
Cậu bé bán bún nghèo đỗ thủ khoa đại học
Đỗ thủ khoa Đại học ngân hàng TP HCM và là á khoa Đại học Y dược, cậu học trò nghèo Nguyễn Đình Huy có người mẹ tảo tần bán bún đã trở thành niềm tự hào của người dân chợ huyện Bắc Trà My, Quảng Nam.
Phải đi thuê góc học tập là ki-ốt nhỏ xíu trong chợ huyện, song Huy "bún" lại dẫn đầu số điểm thi vào trường Đại học Ngân hàng TP HCM (28 điểm) trong kỳ tuyển sinh vừa qua.
Cậu học trò nghèo bên góc học tập ọp ẹp. Ảnh: Mỹ Trâm.
Chập chững bước vào lớp một cũng là lúc người cha từ bỏ hai mẹ con. Tuổi thơ Huy bắt đầu nhọc nhằn từ đó, lẽo đẽo theo bước chân mưu sinh của mẹ từ huyện Thăng Bình lên Bắc Trà My, bắt đầu cuộc sống ở chợ. Cái tên Huy "chợ", Huy "bún" cũng từ đó mà ra.
Một ngày của Huy bắt đầu từ 4h sáng. Người mẹ - bà Hòa giao cho con phần chọn, lóc thịt, cạo lông gần chục ký chân giò, xách nước rửa hàng bún. Trời hừng sáng, Huy lại tất tả chạy như con thoi để phục vụ bữa điểm tâm cho khách.
Xong đâu đó, Huy mới ôm cặp đến trường. "Mỗi ngày em phụ mẹ bán khoảng 6 ký bún. Thu nhập cũng đủ xoay sở qua ngày. Thương đời mẹ nghèo khổ, thiếu thốn, lúc nào em cũng tự nhủ mình nỗ lực vươn lên, giúp mẹ bớt đi lo toan nhọc nhằn", Huy chia sẻ.
Phụ mẹ dọn hàng từ mờ sáng. Ảnh: Mỹ Trâm.
Chỉ tay về góc học tập tự chế trong ki-ốt chợ, Huy dí dỏm ví đấy là "giang sơn đầy lãng mạn", giúp em đạt kết quả cao như hôm nay. Đó là lò bánh mì như thiêu như đốt vào ngày hè. Còn mùa mưa thì phải dùng thau hứng cho đỡ ướt sách, vở. Huy tâm sự: "Phải mất một quãng thời gian khá dài, em mới thích nghi được âm thanh ồn ào của khu chợ để tập trung cho bài vở". Ki-ốt nhỏ dùng để chứa hàng ở chợ, hai mẹ con em thuê lại và phải trả mức phí 200.000 đồng một tháng cho Ban quản lý.
Trong con hẻm, căn nhà chật hẹp của Huy khuất lấp sau dãy ki-ốt tối om. Từ bếp ăn, giường tủ, bàn ghế, phòng ngủ đến góc học tập... của cậu học trò nghèo chỉ vỏn vẹn trong không gian chưa đầy 8 m2. Song, hai mẹ con Huy đã sống, sinh hoạt ở chợ huyện này suốt hơn 10 năm qua.
Giúp mẹ nhặt rau hành. Ảnh: Mỹ Trâm.
Bà Hòa rưng rưng nước mắt: "Khổ cực bao nhiêu tôi cũng chịu được, mong sao con học hành đàng hoàng để có tương lai tươi sáng hơn".
Ngồi giữa gian ki-ốt thấp lè tè, Huy thổ lộ: "Miễn sao hai mẹ con xoay sở có tiền nhập học, vào TP HCM sẽ không khó tìm chỗ dạy thêm, làm thêm, khó khăn rồi cũng vượt qua thôi", Huy tin tưởng.
Trí Tín - Mỹ Trâm
Theo VnExpress