Trò chuyện với Phó Giáo sư trẻ nhất của lực lượng CAND năm 2012
Cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban đã giúp tôi hiểu thêm rằng, muốn thành công với nghề dù đó là nghề gì thì phải có tình yêu nghề tha thiết, thủy chung với nghề dù trong hoàn cảnh nào.
Thêm nữa, phải tự đặt cho mình một nếp lao động kỷ luật nghiêm túc, bài bản thì thế nào cũng đạt được thành quả.
Trong số các tân Phó Giáo sư vừa được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vinh danh trong ngày 24/12/2012 thì Trung tá Hoàng Đình Ban, Phó trưởng Khoa Cảnh sát giao thông (Học viện Cảnh sát nhân dân) là tân Phó Giáo sư trẻ nhất của lực lượng CAND năm 2012, năm nay anh 42 tuổi.
Với Trung tá Hoàng Đình Ban, để đạt được chức danh cao quý này khi tuổi đời còn trẻ cũng là một chặng đường dài phấn đấu không mệt mỏi, như lời tâm sự của vị tân Phó Giáo sư này thì lúc nào cũng cảm thấy như “mắc nợ thời gian”, “mắc nợ các công trình khoa học”. Đó là lý do Phó Giáo sư luôn phải “chạy đua” với chính bản thân mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học mà anh đảm trách.
Cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban đã giúp tôi hiểu thêm rằng, muốn thành công với nghề dù đó là nghề gì thì phải có tình yêu nghề tha thiết, thủy chung với nghề dù trong hoàn cảnh nào. Thêm nữa, phải tự đặt cho mình một nếp lao động kỷ luật nghiêm túc, bài bản thì thế nào cũng đạt được thành quả.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Cảnh sát điều tra Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện CSND), với kết quả học tập xuất sắc, Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban đã được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy tại Khoa CSGT cho đến nay. Xác định theo đuổi và dành trọn vẹn tâm huyết cho nghề nhà giáo cao quý, ngay từ khi ra trường, thầy giáo trẻ Hoàng Đình Ban đã tràn đầy hoài bão không ngừng phấn đấu, trau dồi và nâng cao kiến thức cho bản thân.
Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban tâm sự: “So các với các bậc tiền bối, thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học của tôi chưa phải là dài, tích lũy kinh nghiệm vẫn còn ở mức độ rất khiêm tốn, nhưng tôi cũng mạnh dạn chia sẻ rằng, tôi luôn tìm thấy niềm vui thực sự, niềm hạnh phúc lớn lao khi đứng trên bục giảng. Có lẽ đó là chất men thăng hoa giúp tôi ngày càng gắn bó với nghề làm thầy.
Những ngày đầu mới đứng trên bục giảng, lòng háo hức vô cùng, chỉ cần nhìn xuống dưới thấy hàng chục cặp mắt học trò đang chăm chú nghe thầy là trong lòng đã dâng lên niềm hạnh phúc bình dị. Từng được học tập, được đào tạo bài bản trong môi trường giáo dục CAND khắt khe, tôi cũng đã hiểu sinh viên họ cần gì ở mình. Do đó, đối với mỗi đối tượng giảng dạy tôi đều chuẩn bị hồ sơ bài giảng và phương pháp giảng dạy kỹ lưỡng và phù hợp. Tôi thấy rằng, việc chuẩn bị kỹ càng, cụ thể, tỷ mỉ hồ sơ bài giảng quyết định không nhỏ tới thành công của người thầy đứng lớp.
Video đang HOT
Tôi cũng không ngần ngại lắng nghe các ý kiến phản hồi thực tế từ các học viên, cán bộ của mình để cùng suy nghĩ, trăn trở, tìm ra những giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn ngày càng cao của cuộc sống, đồng thời tuân thủ pháp luật của Nhà nước và những nguyên tắc của lực lượng Công an. Đối với tôi, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học luôn bổ sung cho nhau”.
Cũng theo Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban, thế hệ học viên ngày nay rất giỏi, có khả năng tư duy và nắm bắt nhanh tiến bộ của khoa học công nghệ. Bởi vậy, nếu người giảng viên không nâng cao kiến thức chuyển môn nghiệp vụ thường xuyên thì sẽ bị thụt lùi bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chung của ngành. Hơn nữa, chuyên ngành CSGT mà Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban giảng dạy là chuyên ngành khá phức tạp và có tính nhạy cảm cao trong thực tiễn cuộc sống.
Trung tá, Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban (thứ ba, bên phải) cùng người thân trong ngày nhận chức danh cao quý tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban đã hai lần được công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Học viện (2002, 2003), Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ năm 2003. Trung tá Hoàng Đình Ban còn có 4 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và được tặng Bằng khen của Bộ Công an, Tổng cục XDLL CAND, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Học viện CSND. Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban đã hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng của Bộ GD-ĐT, của Bộ Công an.
Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban còn là tác giả của nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở. Hướng nghiên cứu chính của Phó Giáo sư là lý luận và thực tiễn về tội phạm và điều tra tội phạm; nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý nhà nước về ANTT, nhất là lĩnh vực quản lý TTATGT, trong đó có những công trình mà Phó Giáo sư rất tâm đắc như: Luận án Tiến sĩ, đã đưa ra đề xuất sửa đổi Điều 202 BLHS về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, góp phần làm giảm TNGT và các tội phạm xâm phạm TTATGT đường bộ ở Việt Nam. Hay đề tài khoa học cấp Bộ “Phòng ngừa TNGT đường bộ ở Việt Nam hiện nay”, trong đó Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban đã chủ động đề xuất các giải pháp khả thi góp phần làm giảm đến mức thấp nhất TNGT đường bộ ở Việt Nam…
Cũng theo tâm sự của Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban, hiện nay, Học viện CSND đang phấn đấu trở thành trường ĐH trọng điểm của ngành và của quốc gia, Phó Giáo sư cảm thấy trách nhiệm đặt lên vai mình nặng nề, lớn lao hơn. Trong đó, Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban cùng với các đồng nghiệp đã đặt “lộ trình” cải tiến nâng cao chất lượng dạy học, thực hiện nghiêm túc Đề án chuẩn đầu ra của Giám đốc Học viện, thực hiện giảng dạy cho các lớp học và hệ học theo hệ thống tín chỉ.
Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, từ năm 2013 thời gian đào tạo đại học rút xuống chỉ còn 4 năm, do đó, Phó Giáo sư cùng với cộng sự và đồng nghiệp đang phải gấp rút hoàn thành chương trình môn học và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động giảng dạy theo quy chuẩn mới, tiếp tục đòi hỏi một sự lao động miệt mài, không nản chí của những người thầy giàu hoài bão như Phó Giáo sư Hoàng Đình Ban…
Theo Thu Phương
CAND
Giáo sư Khoa học An ninh duy nhất của lực lượng CAND năm 2012
Mới đây, trong đợt xét bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2012, lực lượng CAND vinh dự có thêm 1 Giáo sư và 10 Phó Giáo sư. Giáo sư Khoa học An ninh duy nhất của lực lượng CAND trong năm nay là Thiếu tướng Lê Minh Hùng, Phó Giám đốc Học viện ANND.
Được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Khoa học An ninh duy nhất của lực lượng CAND trong năm nay, Thiếu tướng Lê Minh Hùng ( ảnh) - Phó Giám đốc Học viện ANND chia sẻ: "Đi theo con đường sư phạm có lẽ là cái "duyên" nghề chọn người và đó cũng là sự lựa chọn đúng đắn nhất. Đó cũng là một sự thử thách dài hơi, đòi hỏi sự lao động nghiêm túc và khắt khe, đòi hỏi sự kiên trì không ngừng nghỉ".
Cuộc trò chuyện với vị tân Giáo sư đã cho tôi nhiều thông điệp sâu sắc, những chặng đường đã đi qua, những chặng đường phía trước chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được "lập trình" bằng những mục tiêu phấn đấu rất cụ thể và điều quan trọng hơn là những mục tiêu đó phải được thực hiện đến cùng bằng một sự bền bỉ, nhẫn nại và một niềm đam mê yêu nghề đến cháy bỏng.
Thiếu tướng, GS.TS Lê Minh Hùng tâm sự, ông đi theo con đường sư phạm có lẽ là cái "duyên" nghề chọn người và đó cũng là sự lựa chọn đúng đắn nhất. Ông hạnh phúc với nghề làm thầy và điều làm ông cảm thấy tâm đắc nhất là với "năng khiếu làm thầy" đã giúp ông truyền tải được kiến thức của mình tới nhiều thế hệ sinh viên, nhiều cao học viên và nghiên cứu sinh. "Năng khiếu làm thầy" của GS Lê Minh Hùng chính là một phương pháp sư phạm khoa học, một trình độ nghiệp vụ chuyên sâu để truyền đạt kiến thức tới người học bằng con đường ngắn nhất.
"Đó cũng là một sự thử thách dài hơi, đòi hỏi sự lao động nghiêm túc và khắt khe, đòi hỏi sự kiên trì không ngừng nghỉ" - GS Lê Minh Hùng chia sẻ.
Lĩnh vực chuyên môn mà GS Lê Minh Hùng giảng dạy là nghiệp vụ An ninh điều tra, một môn nghiệp vụ chuyên ngành rất quan trọng trong chương trình đào tạo được Bộ Công an giao cho Học viện ANND. Ông đã tham gia trực tiếp đào tạo ra hàng ngàn cử nhân, hàng trăm thạc sỹ và hàng chục tiến sỹ, rất nhiều người trong số đó đang là lực lượng nòng cốt của lực lượng CAND, Quân đội trong sự nghiệp bảo vệ ANQG.
GS Lê Minh Hùng tâm sự: "Trong giảng dạy, tôi luôn coi trọng chất lượng đào tạo, vì vậy tôi đã tập trung nghiên cứu nội dung, chú trọng cải tiến phương pháp giảng dạy của bản thân, từ khi trở thành Phó Trưởng khoa, Trưởng khoa Nghiệp vụ chuyên ngành, rồi trở thành Phó Giám đốc Học viện, tôi đã nỗ lực chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác đào tạo, công tác dạy giỏi, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học, các phương pháp giảng dạy mới có hiệu quả".
GS Lê Minh Hùng đã trực tiếp bồi dưỡng 21 giáo viên trở thành trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính; 17 giáo viên đã được công nhận là Giáo viên giỏi cấp cơ sở, 7 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Bộ. Ông cũng đã hướng dẫn nhiều sinh viên làm nghiên cứu khoa học; đồng thời hướng dẫn 67 sinh viên làm khoá luận tốt nghiệp đại học, hướng dẫn 32 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ luật học và hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh trong đó có 3 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ...
Ông đã chủ nhiệm hoặc tham gia 11 đề tài khoa học cấp Bộ, trong đó chủ nhiệm 2 đề tài cấp Bộ đều nghiệm thu xuất sắc. Ông đã chủ biên viết nhiều cuốn sách chuyên khảo, được in và đưa vào sử dụng trong các trường CAND và các đơn vị thực tiễn của lực lượng CAND.
Năm 2011, GS Lê Minh Hùng đã chủ biên và tham gia viết 8 chương giáo trình "Khoa học điều tra hình sự" được đưa vào sử dụng chung cho các trường đại học, cao đẳng Luật, An ninh, Cảnh sát và Học viện Tư pháp. Ông còn là tác giả của hàng trăm trang tài liệu tham khảo và hàng chục bài tập tình huống đưa vào bài giảng ở Học viện ANND.
Nhiều thạc sỹ là học trò của thầy giáo Lê Minh Hùng từng chia sẻ với chúng tôi rằng, làm việc với thầy Hùng, họ ảnh hưởng từ thầy phương pháp làm việc rất khoa học, khắt khe, ngay từ những số liệu thống kê trong công trình, thầy cũng đòi hỏi sự nghiêm túc khoa học cao nhất. Thầy đòi hỏi học trò của mình đã nghiên cứu thì phải chuyên sâu, không thể hời hợt, dễ dãi. Thầy còn quan niệm, "sản phẩm" của người thầy chính là "sản phẩm đặc biệt", đào tạo ra những đội ngũ tri thức có trình độ cao, do đó chính sự khắt khe nghiêm túc bài bản sẽ cho ra lò những "mẻ thép chất lượng". Sâu xa hơn, đó còn là vì danh dự và "thương hiệu" của một nhà trường có bề dày truyền thống như Học viện ANND.
GS Lê Minh Hùng còn tâm sự với tôi rằng, có người hỏi vui ông rằng, đạt chức danh Giáo sư rồi thì có tâm lý nghỉ ngơi không, thì ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Nhận chức danh cao quý này sẽ là một "cú hích" để mình tiếp tục chặng đường phấn đấu mới, không có sự thoả hiệp xả hơi; với ông, một ngày trôi qua có chất lượng chính là một ngày mình được làm việc hết mình, thêm nữa, mục tiêu lớn lao phía trước Học viện ANND đang phấn đấu trở thành trường trọng điểm của ngành vào năm 2015 thì trách nhiệm của ông càng lớn lao hơn.
Theo Thu Phương
CAND
Nỗi niềm của giáo sư trẻ nhất Việt Nam "Điểm mới của công tác xét duyệt năm nay có tác dụng động viên cao đối với các nhà khoa học, giảng viên trẻ tuổi có nguyện vọng được cống hiến cho đất nước"- giáo sư Phùng Hồ Hải tâm sự. Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS cho Phó tổng thư...