Trò chuyện với chuyên gia chứng khoán đầu năm Nhâm Dần 2022
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm 2021 với nhiều kỷ lục được thiết lập và ngày càng thể hiện là kênh dẫn vốn rẻ, dài hạn cho doanh nghiệp, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Gần 305 triệu cổ phiếu EVF chính thức được niêm yết giao dịch trên HOSE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 19.050 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động giá /-20%. Ảnh tư liệu: TTXVN phát
Năm 2022, dù còn nhiều “ẩn số” khi lãi suất có thể tăng khiến dòng tiền vào kênh chứng khoán chịu ảnh hưởng xấu, nhưng dư địa tăng của thị trường và cơ hội cho nhà đầu tư được nhận định vẫn còn, dù không phong phú như năm 2021.
Xung quanh câu chuyện tăng trưởng của thị trường, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam và ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Năm 2021 khép lại với sự thành công vượt bậc của chứng khoán Việt Nam, đem đến niềm vui cho các thành viên tham gia thị trường. Dưới góc độ chuyên gia chứng khoán, các ông có cảm xúc như thế nào về thị trường năm 2021?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Với cá nhân tôi, chứng kiến sự phát triển vượt bậc của thị trường năm 2021, có sự phấn khích lớn vì dường như chứng khoán Việt Nam đã có điều kiện quá thuận lợi để bước một bước dài trong sự phát triển chung, đặc biệt là về số lượng tài khoản mở mới và thanh khoản bình quân toàn thị trường.
Thực tế, ngoài việc chỉ số VN-INDEX đã tăng 35,75% trong năm 2021, thì số lượng tài khoản mở mới trong năm đạt gần 1,5 triệu tài khoản bằng tổng lượng tài khoản mở mới của 7 năm trước đó cộng lại. Thanh khoản bình quân 1 phiên đạt hơn 26.000 tỷ đồng gấp hơn 3,2 lần so với mức bình quân của năm 2020 và kỷ lục thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam cho tới thời điểm này là có phiên giao dịch đạt khoảng 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, huy động vốn của các công ty niêm yết năm 2021 cũng đạt hơn 100.000 tỷ đồng, là con số kỷ lục từ trước tới nay. Nếu để nhận định tổng quát thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 thì tôi sẽ dùng từ “bứt phá ngoạn mục”.
Ông Nguyễn Thế Minh: Nếu nói một câu nhận định về năm 2021, tôi cho rằng đó là “năm của những kỷ lục”. Rõ ràng, năm 2021 chúng ta thấy rất nhiều kỷ lục mới của thị trường như: điểm số, thanh khoản, tài khoản mở mới…
Thanh khoản thị trường liên tiếp lập kỷ lục, tính chung năm 2021, mức thanh khoản đạt hơn 1 tỷ USD. Với mức này, Việt Nam đang từng bước trở thành quốc gia có thị trường chứng khoán lớn trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản mở mới đạt mức kỷ lục trong năm nay.
Riêng giá trị vốn hóa thì Việt Nam đã vượt qua thị trường chứng khoán Philippines – quốc gia có thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh trong nhiều năm liên tiếp.
Năm 2021, chứng khoán đóng góp tới gần 11.000 tỷ đồng tiền thu ngân sách nhà nước. Các ông có suy nghĩ gì về con số này và nhận định như thế nào về vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế hiện nay?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Chính sự bứt phá về quy mô giao dịch và phát hành mới của thị trường chứng khoán đã giúp tổng thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực chứng khoán đạt mức kỷ lục gần 11.000 tỷ đồng.
Rõ ràng vai trò huy động vốn trung dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp niêm yết của thị trường chứng khoán Việt Nam đã được tận dụng triệt để trong năm 2021. Điều này là vô cùng ý nghĩa trong điều kiện dòng vốn tín dụng ngân hàng trong năm 2021 có nhiều hạn chế do việc giới hạn room tăng trưởng tín dụng và quy định kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, kênh đầu tư chứng khoán tăng nhanh, thanh khoản cũng tạo ra nhiều cơ hội đầu tư, giúp cho chức năng tạo thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng phát huy rõ hiệu quả, qua đó làm tăng thu ngân sách lớn trong năm.
Ông Nguyễn Thế Minh: Từ thời điểm thành lập thị trường chứng khoán đến nay, đây là năm thị trường mang lại nhiều giá trị, đặc biệt là có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, trong bối cảnh nhiều nguồn thu ngân sách đang bị hụt vì ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19.
Đây cũng là một trong những kênh huy động vốn được rất nhiều nhà đầu tư chú ý khi các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn. Như vậy, có nghĩa rằng chứng khoán cũng là một trong những nguồn thu lớn của quốc gia và trong giai đoạn tới. Điều này cũng thể hiện vai trò và ảnh hưởng quan trọng của chứng khoán trong nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán là một trong những kênh huy động vốn rẻ cho các doanh nghiệp. Trước năm 2015, chúng ta thấy rằng phần lớn các doanh nghiệp đa phần sử dụng nợ vay, ngay cả các ngân hàng cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn vay ngắn hạn. Nếu một thị trường chỉ phụ thuộc vào vốn vay, nợ vay thì tác động lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế của Việt Nam và các doanh nghiệp.
Video đang HOT
Kể từ năm 2016, quy mô của thị trường chứng khoán bắt đầu tăng lên và đến năm 2020-2021 thì bứt phá mạnh mẽ. Đây là bức tranh để các doanh nghiệp nhận thấy rằng, thị trường chứng khoán là một trong những thị trường huy động vốn rẻ, có nhiều dư địa để giúp cho gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giảm đi chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong giai đoạn tới.
Như vậy, với việc chứng khoán Việt Nam càng ngày tăng về quy mô vốn hóa, thanh khoản sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp có mục tiêu đẩy mạnh niêm yết, hoặc cổ phần hóa trong giai đoạn tới.
Hai ông có đánh giá như thế nào về thị trường chứng khoán năm 2022? Những nhóm ngành nào sẽ có cơ hội tăng trưởng trong năm nay?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Nối tiếp đà tích cực của năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ để tiếp tục phát triển.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát ở mức trung bình, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng với mặt bằng lãi suất thấp, chính sách tài khóa sẽ đẩy mạnh để kích thích hồi phục kinh tế sau khi đã kiểm soát thành công dịch COVID-19.
Dự báo kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng và sự hồi phục chung của hệ thống doanh nghiệp Việt sẽ thể hiện tích cực hơn trong năm 2022. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết có thể đạt mức từ 25 – 30%, là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Kênh đầu tư chứng khoán vẫn là thanh khoản cao thu hút được dòng tiền lớn trong nền kinh tế, nguồn lực margin (cho vay ký quỹ) của các công ty chứng khoán tăng mạnh nhờ sự tăng vốn lớn của nhiều công ty chứng khoán, sự trở lại của khối ngoại cũng có thể được kỳ vọng trong năm 2022 là các yếu tố hỗ trợ thêm.
Tôi cho rằng, trong năm 2022, ngành chứng khoán, bất động sản, xây dựng và vật liệu, ngân hàng, công nghệ, bán lẻ và hàng tiêu dùng… sẽ tăng trưởng tích cực.
Ông Nguyễn Thế Minh: Năm nay dự kiến lãi suất sẽ tăng trở lại, nhưng việc tăng trở lại của lãi suất có thể chưa đáng kể, như vậy thì có thể thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được hưởng lợi và dư địa đi lên là có.
Dù vậy, với việc lãi suất tăng trở lại thì chắc chắn phần nào đó thị trường chứng khoán sẽ không có quá nhiều sự lựa chọn và không thuận lợi như năm 2020 và 2021. Bởi, khi lãi suất tăng nhà đầu tư thường tìm đến các danh nghiệp có mức định giá rẻ và tập trung vào nền tảng cơ bản của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư quan tâm đến mức định giá của doanh nghiệp nhiều hơn thay vì năm 2021 và 2020 có rất nhiều cổ phiếu đã tăng trưởng rất mạnh và rất nóng, bất chấp định giá cổ phiếu đã không còn rẻ và không còn hấp dẫn.
Như vậy năm 2022, với việc tăng lãi suất thì nhà đầu tư sẽ có sự lựa chọn lại thay vì chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu cơ và độ nóng của dòng tiền.
Khả năng VN-Index hướng sẽ tiến lên 1.700-1.800 điểm trong năm 2022. Nguyên nhân là hồi phục của nền kinh tế quay trở lại vào quý IV năm 2021 và kỳ vọng các doanh nghiệp có mức tăng trưởng mạnh có thể kéo dài đến quý I và quý II, cũng có thể là cả năm 2022 sẽ hỗ trợ cho thị trường. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng sẽ là một trong những cú hích để kích thích, kích cầu tiêu dùng quay trở lại trong năm 2022. Theo tôi năm 2022, nhóm ngân hàng, bán lẻ, sản xuất thực phẩm, bất động sản sẽ có mức tăng trưởng mạnh.
Từ vụ bán “chui” cổ phiếu mới đây, chuyên gia có thể đưa ra những nhận định về hệ lụy cổ đông lớn các doanh nghiệp bán cổ phiếu nhưng không báo cáo với thị trường và mức phạt đối với những vi phạm dạng này liệu đã hợp lý?
Ông Nguyễn Thế Minh: Việc giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin gây ra nhiều rủi ro liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Về phía doanh nghiệp, uy tín doanh nghiệp giảm xuống. Bên cạnh đó, thị trường sẽ trở nên thiếu minh bạch và khó được xem xét để nâng hạng.
Về phía nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào doanh nghiệp, bởi minh bạch là yếu tố tối thiểu để nhà đầu tư quyết định có nên mua một cổ phiếu hay không.
Dù cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm công bố thông tin trên thị trường trong nhiều năm qua, nhưng mới chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính. Hơn nữa, các vi phạm hành chính vẫn áp dụng chế tài xử phạt còn nhẹ nên nhiều cổ đông lớn sẵn sàng đánh đổi chi phí phạt và lợi nhuận thu về.
Do vậy cần phải nâng mức phạt cho hành vi không công bố thông tin dự kiến giao dịch và không nên giới hạn mức tiền phạt là 1,5 tỷ đồng. Đây là mức rất nhỏ so với những phiên giao dịch thu về hàng nghìn tỷ đồng, gây ảnh hưởng rất xấu đến thị trường chứng khoán./.
Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia!
Tương lai sáng cho ngành quản lý quỹ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến làn sóng lớn thứ hai sau 15 năm, kể từ giai đoạn 2006 - 2007.
Nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức đầu tư đã sớm nhận ra xu hướng lớn này và đang có những thay đổi về chiến lược để thích nghi và tận dụng cơ hội mới.
Chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư được nhiều người Việt quan tâm.
Làn sóng lớn thứ hai
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến làn sóng lớn thứ hai sau 15 năm, kể từ giai đoạn 2006 - 2007. Ở làn sóng thứ nhất, nhà đầu tư trong nước còn hoàn toàn lạ lẫm với thị trường và được sự dẫn dắt bởi dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài (thông qua các công ty quản lý quỹ ngoại) chảy mạnh vào đón đầu quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Lần này, chúng ta đang chứng kiến sự chủ động gia nhập của nhà đầu tư trong nước, tự tin mua lại lượng bán ròng kỷ lục của nhà đầu tư ngoại lên tới hơn 4 tỷ USD trong 2 năm qua. Gần đây, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân liên tục tăng lên và đang chiếm tỷ trọng 90 - 95% tổng giao dịch, một kỷ lục mới.
Nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức đầu tư đã sớm nhận ra xu hướng lớn này và đang có những thay đổi về chiến lược để thích nghi và tận dụng cơ hội mới, trong đó hướng sự ưu tiên phục vụ nhiều hơn tới nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital
Trong xu hướng chuyển động ấy, SGI Capital cũng vừa IPO thành công Quỹ mở Ballad Việt Nam, với 99% nhà đầu tư tham gia là các cá nhân trong nước.
Sự chuyển mình này của thị trường chứng khoán là điều các công ty quản lý mong đợi nhiều năm qua. Giờ đây, bên cạnh việc phục vụ nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài, chúng tôi có cơ hội được đưa những sản phẩm và dịch vụ đầu tư tới nhà đầu tư cá nhân Việt Nam.
Thuận lợi nằm ở xu hướng chung ngày càng nhiều người Việt coi đầu tư chứng khoán là một kênh tài sản. Khi tích lũy và thu nhập vượt qua mức chi tiêu cơ bản, người ta sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư sinh lời bên cạnh việc có một tài khoản gửi ngân hàng với lãi suất ngày càng thấp.
Ở các nước có nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển đi trước Việt Nam, cùng với bất động sản thì kênh tài sản sinh lời tốt và được lựa chọn nhiều nhất luôn là chứng khoán.
Cùng với sự tham gia ngày càng đông đảo của nhà đầu tư trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng rất nhiều điều kiện quan trọng và rất có thể được nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên mới nổi (Emerging) trong vòng 2 - 3 năm tới. Khi đó, dòng vốn ngoại quy mô rất lớn sẽ chảy vào Việt Nam một lần nữa. Sau 15 năm, chúng ta có thể sẽ được chứng kiến làn sóng lớn thứ 2 của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy vậy, khuôn khổ pháp lý của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và ngành quản lý quỹ nói riêng hiện còn những khoảng cách so với các thị trường phát triển nên vẫn đang hạn chế sự phát triển của ngành.
Chẳng hạn, pháp luật hiện hành chưa cho phép thành lập quỹ phòng hộ với tính chủ động cao trong chiến lược đầu tư, hay thiếu những ưu đãi về thuế để khuyến khích nhà đầu tư phân bổ tiền nhàn rỗi vào các quỹ, thay vì tự đầu tư hoặc ủy thác đầu tư cá nhân như hiện nay; quỹ mở hiện vẫn không được tính phí thưởng theo hiệu quả đầu tư thực...
Việt Nam chỉ cần áp dụng các chính sách tương tự như các thị trường phát triển hơn đang làm với thị trường chứng khoán và ngành quản lý quỹ, triển vọng phát triển của ngành sẽ rất sáng trong 10 năm tới.
Đầu tư qua quỹ, xu hướng tất yếu
So với thế hệ đầu tham gia thị trường chứng khoán giai đoạn 2006 - 2007 như chúng tôi, nhà đầu tư mới (F0) hiện đã có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều để tiếp cận thông tin, học hỏi bài bản từ lý thuyết cũng như từ chia sẻ của những người đã thành công.
Điều này là cần thiết với những ai xác định lấy chứng khoán làm nghề, hay quyết định phân bổ một phần tài sản của mình vào kênh đầu tư này. Bản thân tôi khi mới tham gia thị trường cũng phải tự mình mày mò học hỏi từ những nhà đầu tư thành công nhất trên thế giới và trao đổi thường xuyên với những đồng nghiệp giỏi mình quen biết.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán ở bất kỳ đâu vẫn luôn tồn tại phần mang nặng tính cờ bạc. Nhiều nhà đầu tư, cả F0 lẫn lâu năm, với mong muốn làm giàu nhanh cuốn vào cuộc chơi mỗi phiên lãi/lỗ 7%, xa rời bản chất đầu tư là đồng hành cùng sự gia tăng giá trị của doanh nghiệp theo thời gian.
Những hội nhóm này có những giai đoạn thu hút hàng ngàn, hàng chục ngàn người, nhưng sau vài năm hầu đều biến mất. Muốn làm giàu bền vững và hiệu quả từ thị trường chứng khoán, con đường đầu tư dài hạn vào những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh vẫn là lựa chọn tốt cho số đông nhà đầu tư.
Ngành quản lý quỹ của Việt Nam còn non trẻ, với số lượng quỹ có thời gian hoạt động dài và hiệu quả vượt trội chưa nhiều để nhà đầu tư đánh giá và tin tưởng gửi gắm tài sản. Một trong những lý do của việc này, như tôi đã đề cập ở trên, là hành lang pháp lý vẫn còn những bó buộc, hạn chế các quyết định đầu tư để tạo khác biệt, cũng như cơ chế khuyến khích về phí thưởng vẫn chưa có đối với sản phẩm quỹ mở hiện nay.
Tuy vậy, tôi tin rằng, đội ngũ những người làm nghề quản lý quỹ chuyên nghiệp đã trải qua nhiều năm tích lũy và chứng minh được năng lực sẽ giúp ngành quản lý quỹ phát triển nhanh trong thời gian tới. Nhà đầu tư sẽ có thêm những lựa chọn tốt để phân bổ tài sản của mình vào kênh chứng khoán, thay vì tự đầu tư và phải đối mặt với nhiều rủi ro và cám dỗ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm trong hơn 20 năm qua, nhưng vẫn duy trì xu hướng đi lên cùng với sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, mà cụ thể là nhờ sự phát triển đi lên của mỗi doanh nghiệp. Tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam 10 năm tới, đặc biệt là triển vọng của nhiều doanh nghiệp đang niêm yết. Qua nhiều chu kỳ khủng hoảng và khó khăn, đội ngũ doanh nghiệp này đã xuất sắc vượt qua, liên tục vươn lên mạnh mẽ, chứng minh họ xứng đáng là nơi để nhà đầu tư tiếp tục gửi gắm niềm tin.
Các công ty quản lý quỹ của Việt Nam hiện mới quản lý lượng tài sản khoảng 20 tỷ USD, cả cổ phiếu và trái phiếu, còn rất nhỏ so với tổng quy mô vốn hóa thị trường và so với tỷ lệ này ở các thị trường chứng khoán phát triển.
Tuy vậy, điều đáng khích lệ là tốc độ tăng trưởng tài sản quản lý đạt trung bình trên 60%/năm trong 5 năm qua. Điều này chứng minh xu hướng tất yếu là tăng quy mô ủy thác đầu tư qua các tổ chức chuyên nghiệp cũng đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.
Nấc thang phát triển của thị trường chứng khoán luôn phải đi qua giai đoạn ban đầu khi ai cũng muốn tự mình đầu tư chứng khoán, với nhiều kỳ vọng rất cao, kiếm lời trong thời gian ngắn và niềm tin sẽ luôn chiến thắng được thị trường.
Tuy vậy, thống kê chung là trên 50% nhà đầu tư cá nhân mới tham gia tự đầu tư và giao dịch sẽ không có lãi sau 5 năm, 80% sẽ có hiệu quả kém hơn thị trường chung.
Sau đó là quá trình thay đổi về tư duy và phương thức đầu tư, hướng tới hiệu quả lâu dài và con đường đầu tư bền vững. Sự vận động tự nhiên này sẽ dần hướng tới điểm mà ở đó, khả năng đáp ứng của các công ty quản lý quỹ sẽ gặp được với kỳ vọng hợp lý của nhà đầu tư.
Để đẩy nhanh quá trình này, các nước phát triển đưa ra nhiều loại hình sản phẩm, từ phái sinh tới các loại hình quỹ đa dạng và các ưu đãi thuế, qua đó khuyến khích cả nhà đầu tư cá nhân đầu tư dài hạn vào các sản phẩm quản lý tài sản chuyên nghiệp. Từ đó, phát triển thị trường chứng khoán thực sự đúng bản chất là kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Xuân về bên khu định cư mới của đồng bào người Mày nơi Cổng Trời Một mùa Xuân mới lại về, bản Cha Lo nơi Cổng Trời khoác lên mình "bộ áo mới" với sắc màu tươi sáng giữa núi rừng trùng điệp. Không khí ngày Xuân nơi đây đang lan tỏa, ấm áp trong mỗi nếp nhà. Trong không khí chào đón mùa Xuân mới Nhâm Dần 2022, chúng tôi đã có dịp về với khu tái...