Triều Tiên phóng tên lửa sau lệnh trừng phạt
CHDCND Triều Tiên hôm qua 3.3 đã phóng 6 tên lửa tầm ngắn chỉ vài giờ sau khi LHQ thông qua các biện pháp trừng phạt khắt khe nhất từ trước đến nay nhằm vào Bình Nhưỡng.
Một vụ thử tên lửa phòng không của TriềuTiên – Ảnh: AFP/KCNA
Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cho biết các tên lửa được phóng từ Wonsan, thành phố cảng nằm trên bờ biển phía đông Triều Tiên, vào khoảng 10 giờ ngày 3.3. Các tên lửa bay được khoảng 100 – 150 km trước khi rơi xuống vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Giới chức Hàn Quốc cho biết họ đang điều tra vụ việc nhằm thu thập thêm thông tin, bao gồm loại tên lửa được Bình Nhưỡng sử dụng.
AP đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đã nắm thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và đang theo dõi tình hình. Trong khi đó, Sputnik News dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không đe dọa an ninh của Nhật, nhưng nước này sẽ tăng cường giám sát, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và Mỹ nhằm đối phó các động thái tiếp theo của Triều Tiên.
Trước đó vài giờ, HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp mới sau 7 tuần thương thảo khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng minh quan trọng của Triều Tiên. Nghị quyết 2270 được xem là phản ứng của HĐBA với vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1 và vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo vào ngày 7.2, vốn bị Mỹ và các đồng minh cáo buộc là thử nghiệm tên lửa đạn đạo trá hình.
Theo AFP, các biện pháp được thông qua bao gồm kiểm tra hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên; cấm và hạn chế việc xuất khẩu than, sắt, quặng sắt và các khoáng sản khác từ nước này; cấm cung cấp xăng máy bay và nhiên liệu dùng cho tên lửa. Các quy định ngân hàng sẽ được siết chặt và các chính phủ bị buộc cấm các chuyến bay bị tình nghi chở hàng lậu đến Triều Tiên.
Tổng cộng 16 cá nhân và tổ chức đã được bổ sung vào danh sách đen trừng phạt của LHQ, bao gồm cơ quan không gian NADA và cơ quan tình báo của Bình Nhưỡng. Nghị quyết cũng yêu cầu các nước thành viên LHQ trục xuất những nhà ngoại giao Triều Tiên có tham gia “những hoạt động phi pháp”.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh việc thông qua Nghị quyết 2270, khẳng định cộng đồng quốc tế “có cùng tiếng nói” khi yêu cầu Triều Tiên “từ bỏ các chương trình nguy hiểm và chọn một lộ trình tốt hơn cho người dân”. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bày tỏ hy vọng các biện pháp trừng phạt “khắt khe chưa từng có” cuối cùng sẽ buộc miền Bắc thay đổi, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc giục Bình Nhưỡng tránh có thêm hành động khiêu khích mới.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất nhận định nghị quyết sẽ là “điểm khởi đầu mới” nhằm nối lại đàm phán về việc giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cùng chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói rằng Nghị quyết 2270 được thiết kế nhằm chặn nguồn tài chính cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng để buộc họ trở lại bàn đàm phán.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Hoạt động ngầm của Triều Tiên ở châu Phi
Dù bị Liên Hiệp Quốc (LHQ) cấm vận, CHDCND Triều Tiên vẫn xây nhà máy đạn dược, bán vũ khí, huấn luyện an ninh cho nhiều nước châu Phi.
Thứ trưởng An ninh nhân dân Triều Tiên Ri Song-chol (phải) trong chuyến thăm Uganda năm 2013 - Ảnh: Nknews.org
Những hoạt động trên vừa được Ban Chuyên gia (PoE) của LHQ tiết lộ trong một báo cáo công bố hồi đầu tuần. Theo đó, Triều Tiên được cho là hiện có 54 nhà máy sản xuất vũ khí và đã bắt đầu bán công nghệ chế tạo vũ khí từ năm 1996.
Theo trang tin IOL (Nam Phi), Triều Tiên có cả một danh mục để chào mời khách hàng châu Phi, từ hệ thống vũ khí hoàn chỉnh, phụ kiện cho các hệ thống và cơ sở hạ tầng, công nghệ vũ khí, dây chuyền chế tạo vũ khí cho đến dịch vụ bảo trì, sửa chữa, nâng cấp...
Dự án quân sự
Trong báo cáo mới, PoE cho hay giới chức Namibia thừa nhận với các nhà điều tra LHQ rằng nhiều công ty Triều Tiên tham gia không ít dự án ở Namibia, kể cả công trình xây dựng một nhà máy sản xuất đạn dược ở thủ đô Windhoek.
Giới chức Namibia còn xác nhận công ty Triều Tiên Mansudae Overseas Project Group đã tham gia nhiều dự án quân sự, trong đó có một học viện quân sự và công trình xây dựng trụ sở của Bộ Quốc phòng Namibia.
Cũng theo PoE, hồi tháng 8.2105, lao động Triều Tiên có mặt trong các hoạt động xây dựng tại một căn cứ quân sự ở TP.Suider Hof gần Windhoek. PoE nhấn mạnh việc xây dựng bất kỳ nhà máy đạn dược hoặc cơ sở quân sự đều bị cấm theo những nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, theo trang tin VICE News (Mỹ).
Ngoài Namibia, Triều Tiên còn tham gia khâu xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất đạn dược ở TP.Likasi của CHDC Congo, theo cổng thông tin IOL.
Chưa hết, Ethiopia hiện nay vẫn đang mong được Triều Tiên hỗ trợ kéo dài thời gian hoạt động của các hệ thống vũ khí cũ và cung cấp các bộ phận xe tăng và đạn dược. Còn Tanzania cũng từng nhờ kỹ thuật viên quân sự Triều Tiên nâng cấp chiến đấu cơ, nhưng giờ đây đã kết thúc quan hệ này do bị chỉ trích nặng nề và được cho là đã trục xuất những kỹ thuật viên Triều Tiên, theo IOL.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng từng bán các bộ phận tên lửa cho Ai Cập. Báo cáo của PoE chỉ ra rằng sau khi kiểm tra lô hàng gửi từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đến thủ đô Cairo của Ai Cập hồi năm 2013, họ phát hiện có những bộ phận hoặc linh kiện được dùng trong hệ thống tên lửa Scub-B, vốn do Liên Xô phát triển trong thời Chiến tranh lạnh. Các bộ phận này được sản xuất tại Triều Tiên và được chuyển từ Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh theo đường hàng không.
Huấn luyện an ninh
Ngoài các dịch vụ trên, Triều Tiên còn cung cấp dịch vụ huấn luyện cho cảnh sát, quân đội của nhiều quốc gia châu Phi.
Hồi năm 2014, Triều Tiên đã huấn luyện 700 cảnh sát Uganda. Trong báo cáo năm 2015, PoE khẳng định việc huấn luyện này của Triều Tiên là bất hợp pháp, nhưng nó vẫn diễn ra ở Uganda, theo IOL. Còn trong báo cáo năm 2016, PoE cũng chỉ ra rằng giới chức Uganda đã xác nhận 45 công dân Triều Tiên đến nước này tham gia huấn luyện lực lượng bán quân sự hồi tháng 12.2015.
Đáp lại chất vấn của PoE, giới chức Uganda khẳng định việc huấn luyện không vi phạm những nghị quyết nhằm vào Triều Tiên. Trong một bức thư gửi cho PoE, Uganda nói rõ người Triều Tiên tham gia huấn luyện võ thuật, cứu hộ trên biển, hỗ trợ y tế và kỹ thuật xây dựng, theo VICE News.
Không chỉ có Uganda, Zimbabwe cũng nhờ Triều Tiêu huấn luyện cho Bộ Nội vụ, các đơn vị tình báo, do thám. Hồi đầu thập niên 1980, chính Triều Tiên đã huấn luyện đơn vị tác chiến tinh nhuệ của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Trong khi đó, Nigeria vẫn trả tiền cho quân nhân tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng bảo vệ lãnh đạo ở Triều Tiên, còn các lực lượng vũ trang CHDC Congo từ lâu cũng đã nhận huấn luyện từ Triều Tiên.
Từ những hoạt động nói trên, một số chuyên gia nhận định Triều Tiên trên thực tế đang cung cấp cho các nước châu Phi năng lực thiết lập những khả năng về công nghiệp quốc phòng nội địa. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là yếu tố khiến Triều Tiên không còn nhiều khách hàng sau này vì một khi tự lo được về khả năng quốc phòng thì những nước châu Phi như Namibia hay Uganda sẽ không còn cần tới Bình Nhưỡng nữa.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Cận vệ Kim Jong-il hé lộ 'cuộc sống trong lồng vàng' Võ thuật chỉ là một phần nhỏ trong chương trình huấn luyện dành cho đội cận vệ của các lãnh đạo Triều Tiên. Từng là vệ sĩ của ông Kim Jong-il, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên và là thân phụ của đương kim lãnh đạo nước này Kim Jong-un, nhưng hiện nay ông Lee Young-guk sống ở Hàn Quốc và là một nhà...