Triều Tiên dọa phản ứng quyết liệt nếu Hàn Quốc tiếp tục giữ người
Triều Tiên cảnh báo sẽ có phản ứng quyết liệt nếu Hàn Quốc tiếp tục giữ 5 ngư dân Triều Tiên được giải cứu khi tàu cá của họ trôi dạt vào vùng biển Hàn Quốc; trong khi đó phía Hàn Quốc cho biết 3 trong số 5 người này không muốn về nước, theo Reuters ngày 8.7.
Tàu cá của ngư dân Triều Tiên – Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), 5 ngư dân nói trên được lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc giải cứu hôm 4.7 sau khi tàu của họ bị trôi dạt gần đảo Ulleung (Hàn Quốc). Bộ Thống nhất Hàn Quốc sau đó đã gửi thông báo đến phía Triều Tiên, cho biết 2 trong số 5 người trên muốn hồi hương và 3 người còn lại không muốn về nước.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng cho biết họ tôn trọng nguyện vọng của 3 người Triều Tiên và sẽ để họ tị nạn tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía Triều Tiên yêu cầu chính phủ Hàn Quốc phải để cả 5 người này về nước.
Ngày 8.7, lãnh đạo tổ chức Chữ thập đỏ Triều Tiên, ông Kang Su-rin cáo buộc giới chức Hàn Quốc đang cố ép 5 ngư dân Triều Tiên không về nước, coi đó là hành động hèn hạ. Ông Kang Su-rin tuyên bố: “Nếu tất cả công dân của chúng tôi không được đưa về ngay và tiếp tục bị giữ (ở Hàn Quốc), chúng tôi sẽ có biện pháp phản ứng quyết liệt”, theo Reuters.
Đây là lần thứ ba trong năm nay, phía Hàn Quốc giải cứu ngư dân Triều Tiên trên vùng biển nước này. Hồi giữa tháng 6, Hàn Quốc cũng đã cho hồi hương 5 ngư dân Triều Tiên được giải cứu trên con tàu trôi dạt gần đảo Ulleung.
Video đang HOT
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Nga lo ngại Trung Quốc xâm nhập Siberia
Kế hoạch cho Trung Quốc thuê đất nông nghiệp tại vùng Trans-Baikal thuộc miền đông Siberia đang gây ra những phản ứng quyết liệt từ chính giới Nga.
Vùng Trans-Baikal của Nga là khu vực núi non nằm ở phía đông hồ Baikal - Ảnh: Itar-Tass
Theo Itar-Tass, chính quyền vùng Trans-Baikal hồi giữa tháng này đã ký ý định thư cho Công ty Huae Sinban của Trung Quốc thuê 115.000 ha đất trong 49 năm và sẽ thuê tiếp 200.000 ha đất trong thời gian sau đó.
Theo ông Konstantin Ilkovsky, người đứng đầu vùng Trans-Baikal, quyết định cuối cùng về quy mô, thời gian và chi phí thuê đất sẽ được đưa ra "trong vòng 1 năm". Về phần mình, Huae Sinban đã cam kết sẽ đầu tư 24 tỉ rúp (khoảng 450 triệu USD) vào dự án. Dự kiến công ty Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi trên những vùng đất thuê của Nga và cung cấp sản phẩm cho thị trường của cả 2 nước.
Những nghi ngờ
Tuy nhiên, kế hoạch thuê đất của Trung Quốc đã nhanh chóng vấp phải phản ứng quyết liệt từ giới chuyên gia và các nhà lập pháp Nga.
BBC dẫn lời Giáo sư Natalya Zubarevich, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Moscow, nhận định hầu hết diện tích đất mà người Trung Quốc muốn thuê hầu như không phù hợp cho việc khai thác nông nghiệp.
Bà nhấn mạnh rằng sẽ là "phi thực tế" khi thuê một diện tích đất lớn như thế để canh tác trong khi điều kiện khí hậu tại đây không thuận lợi. "Người Trung Quốc rất có tài, nhưng họ có thể chịu nổi khí hậu như thế hay không?", bà nhận xét và cho biết chính điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về ý định thực sự của nhà đầu tư.
Trong khi đó, tờ Nezavisimaya Gazeta đưa tin trong quá trình thương thảo việc thuê đất, phía Trung Quốc đã yêu cầu phía Nga đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để một lượng lớn công dân Trung Quốc có thể sang Nga làm việc trong khuôn khổ dự án của Huae Sinban.
Cũng theo tờ báo trên, Trung Quốc đã xác định 9 vùng lãnh thổ tại Siberia và khu vực Viễn Đông mà nước này muốn thuê của Nga và sau đó đưa lao động Trung Quốc vào làm việc, nên theo nhận định của cây bút Mikhail Sergeyev, kinh tế không phải là vấn đề quan trọng nhất mà phía Trung Quốc xem xét.
Cũng theo ông này, động thái của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiêu khích những người có quan điểm dân tộc chủ nghĩa ở Moscow và cả Siberia khi sự hiện diện của số đông người Trung Quốc có thể làm thay đổi tình trạng cân bằng sắc tộc trong khu vực. Theo Itar-Tass, tin tức trên đã tạo nên làn sóng phản đối trong giới truyền thông và mạng xã hội Nga, với những lời bình luận như "Cuộc bành trướng từ từ của Trung Quốc ở Nga đã bắt đầu" hoặc "Tổ quốc đang bị bán từng mẩu đất".
"Nhà nước bên trong nhà nước"
Sự nghi ngờ và lo ngại đã lan đến diễn đàn Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga. Itar-Tass ngày 22.6 đưa tin đảng Dân chủ Tự do (LDPR) đã soạn thảo văn bản kiến nghị Thủ tướng Dmitry Medvedev đình chỉ dự án trên. "Chúng tôi sẽ yêu cầu thủ tướng ra lệnh dừng ngay lại việc giao đất cho phía Trung Quốc và các bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán để tiếp tục thương thảo, do những nguy cơ cho an ninh quốc gia, cũng như các hậu quả địa chính trị chưa được xem xét thấu đáo", ông Yaroslav Nilov, Phó trưởng đoàn nghị sĩ của LDPR tại Duma, cho biết.
Phó chủ tịch Duma quốc gia Igor Lebedev, cũng thuộc LDPR, khẳng định việc cho Trung Quốc thuê đất là tạo ra "một nhà nước bên trong nhà nước".
Lý do ông đưa ra là các vùng đất mà Nga dự định cho thuê có chung đường biên giới với Trung Quốc, và người Trung Quốc "sẽ tự do ngắm nghía lãnh thổ chúng ta". Ông cũng nhắc đến điều kiện tuyển dụng phần lớn công dân Trung Quốc cho dự án cùng yêu cầu nới lỏng thủ tục xuất nhập cảnh làm cơ sở cho mối quan ngại của ông. "Nó có thể dẫn đến một tình huống là sẽ có nhiều người Trung Quốc ở Trans-Baikal hơn người Nga, tiếp đó họ sẽ được bầu vào các chính quyền địa phương, và trong 20 - 30 năm tới, họ sẽ tuyên bố Trans-Baikal là một phần của Trung Quốc", Itar-Tass dẫn lời ông Lebedev nhấn mạnh.
Theo quan điểm của các nghị sĩ thuộc LDPR, các cơ quan như Hội đồng An ninh Nga, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ phụ trách phát triển Viễn Đông phải trình bày quan điểm của mình về dự án cho Trung Quốc thuê đất.
Theo kế hoạch, kiến nghị của LDPR sẽ được đưa ra xem xét tại Duma quốc gia trong tuần này. Tuần trước, các nghị sĩ thuộc Đảng Cộng sản Nga đã gửi thư kiến nghị Duma xem xét rủi ro của việc cho Trung Quốc thuê đất ở vùng Trans-Baikal, nhưng văn bản này đã bị bác bỏ, theo RIA-Novosti.
Trùng Quang
Theo Thanhnien