Triệt tiêu chi phí không chính thức cho doanh nghiệp
Thủ tục hành chính cần phải được giảm thiểu tối đa hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Sáng 17/3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ( Hội đồng tư vấn cải cách TTHC) tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).
Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020). Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Mai Tiến Dũng thừa nhận rằng, báo cáo APCI cho thấy vẫn còn các khoản chi phí không chính thức. Chi phí không chính thức không những làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
“Nếu để chi phí này tồn tại, bao trùm trên diện rộng là cản trở cho xã hội, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Phải triệt để tiêu diệt chi phí không chính thức” – ông Dũng nhận xét.
Báo cáo tại cuộc họp báo, ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng cho biết, nỗ lực cải cách TTHC, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo dõi sự tiến bộ về thực thi công tác hành chính của nhà nước là để giảm chi phí thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp trong các thủ tục họ cần phải làm.
Báo cáo APCI tập trung vào 9 thủ tục quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, là cơ sở cho các bộ, ban ngành, địa phương thấy được những cơ hội để tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Video đang HOT
Điểm APCI 2020 của các nhóm TTHC so với APCI 2019. Nguồn: Khảo sát APCI 2019 và 2020
Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), được kỳ vọng sẽ giúp cho Chính phủ có được kênh thông tin tham khảo hiệu quả nhằm tiếp tục đưa ra các quyết sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đây là xu hướng rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.
Bài học lớn từ xu hướng cải cách thủ tục hành chính
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nêu ra 4 bài học cải cách từ APCI 2020:
Thứ nhất, thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên, mà đã làm một nhiệm vụ cấp bách được đặt lên hàng đầu.
Mức độ cải thiện theo từng chỉ số thành phần của các nhóm TTHC.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bộ máy công cụ liêm chính, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm thủ tục như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường chuyển sang phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh triệt tiêu chi phí không chính thức của doanh nghiệp. Ảnh: VGP
Cuối cùng, chỉ số APCI 2020 phản ánh việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Công tác cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính phụ thuộc không chỉ vào các yếu tố về thể chế và hạ tầng, mà còn vào chính những người thực hiện.
“Vấn đề quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy và cách tiếp cận của cán bộ thi hành công vụ, đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu làm không tốt, không thay đổi được tư duy thì dù có ứng dụng công nghệ giỏi thế nào cũng không cải cách được”, Bộ trưởng kết luận.
Doanh nghiệp cần bao nhiêu chi phí cho các thủ tục hành chính?
Kết quả chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong 3 năm qua cho thấy năm 2020 tốt hơn 2 năm trước đó, cho thấy quyết tâm cải cách của Chính phủ.
Phát biểu tại họp báo công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) năm 2020 (APCI 2020) sáng 17/3 do Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng tổ chức, ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME (Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ), đánh giá cao các biện pháp và sáng kiến chủ động, tích cực của Hội đồng trong việc thúc đẩy cải cách TTHC của Việt Nam.
Chỉ số tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) có kết quả năm 2020 cải thiện đáng kể so với kết quả APCI 2018, 2019. Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Daniel Fitzpatrick nhận định chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên APCI 2020 cho thấy vẫn còn dư dịa để tiếp tục công cuộc cải cách TTHC, điều này đòi hỏi nỗ lực của tập thể Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Tại cuộc họp báo, chuyên gia nghiên cứu APCI, Dự án USAID LinkSME giới thiệu kết quả Chỉ số APCI 2020. Đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC trên cả nước theo quy định hiện hành. Chỉ số APCI gồm 2 chỉ số thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp phản ánh các loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp sẽ phải chi trả khi thực hiện TTHC.
Theo kết quả khảo sát APCI 2020, chi phí thành phần trung bình của các nhóm TTHC được xếp thứ tự từ thấp đến cao và không nhằm mục đích so sánh giữa các ngành, các nhóm thủ tục với nhau bởi sự khác nhau về mục tiêu quản lý và các yêu cầu kỹ thuật với từng nhóm TTHC.
Như vậy, theo kết quả này, đứng đầu về chi phí tuân thủ TTHC (APCI) 2020 của nhóm TTHC là lĩnh vực môi trường với trên 63.317.000 đồng; thứ 2 là lĩnh vực xây dựng với 25.276.000 đồng; thứ 3 là lĩnh vực đầu tư với 9.146.000 đồng, APCI thấp nhất trong 9 nhóm TTHC được khảo sát là lĩnh vực thuế với 267.000 đồng.
Lý giải của chuyên gia cho thấy với nhóm TTHC môi trường, năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tuân thủ và thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Sự thay đổi lớn nhất chính là thay đổi trong phương pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, và quản lý đúng đối tượng.
Để thực hiện TTHC trong nhóm môi trường, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ; chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng. Theo khảo sát APCI 2020, cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các TTHC liên quan đến môi trường, đặc biệt là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo công bố báo cáo APCI 2020. Ảnh: VGP.
Đối với nhóm TTHC Thuế, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11/2019, có 99,9% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,6% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 93,6% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử trên toàn quốc. Ngành thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.
Khảo sát APCI 2020 cho thấy để thực hiện các TTHC trong nhóm Thuế, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 3,8 giờ và 11.600 đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/TTHC.
So sánh kết quả APCI 3 năm (2018, 2019 và 2020) cho thấy kết quả APCI 2020 nhìn chung tốt hơn hai năm trước, phần lớn các nhóm TTHC đều có điểm số tốt hơn. Trong số chín nhóm TTHC được đánh giá, nhóm TTHC về Thuế vẫn tiếp tục là nhóm TTHC dẫn đầu với điểm số cao, và mức phí tuân thủ thấp.
Năm khuyến nghị cải cách được đưa ra từ APCI 2020. Đó là đẩy mạnh áp dụng Chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới phương thức, công bố, công khai TTHC; nghiên cứu cải cách đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính; nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách.
Phía sau cuộc chuyển đổi số 'ích nước, lợi dân' của tỉnh Cà Mau Cà Mau được xem là điểm sáng trong việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử, nhằm tạo ra thay đổi trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Thông tin UBND tỉnh Cà Mau ban hành văn bản số 834 lấy ý kiến đánh giá của người dân, doanh nghiệp về việc giải quyết...