Triết lý “khách hàng” của Bộ trưởng Y tế
“Phải coi bệnh nhân là khách hàng. Vì vậy phải làm sao cho khách hàng thấy hài lòng” – đó là phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị trực tuyến “Đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế” diễn ra ngày 22.4.
Hai chữ “khách hàng” rất thị trường, nhưng suy nghĩ kỹ sẽ thấy triết lý ẩn chứa bên trong.
Lâu nay, y-bác sĩ coi bệnh nhân là người xin chữa bệnh, mong đợi sự ban ơn của bác sĩ. Chính vì nhận thức đó nên mới xảy ra những điều chưa tốt. Sẽ còn nhiều sự bất bình đẳng, thậm chí bất công khi còn quan niệm bệnh nhân là người đi xin được chữa bệnh.
Nếu nhận thức bệnh nhân là khách hàng, thì thái độ ứng xử của bác sĩ phải thay đổi. Bởi vì theo quy luật của thị trường, bác sĩ phải làm hài lòng khách hàng như một điều kiện sống còn của cơ sở y tế. Ở các quốc gia phát triển, dịch vụ y tế cũng là một thị trường cạnh tranh. Bệnh nhân chỉ chọn lựa những cơ sở y tế có chất lượng cao, giá cả phù hợp, thái độ phục vụ tận tình.
Nhưng bên cạnh yếu tố thị trường, quan điểm “bệnh nhân là khách hàng” còn có ý nghĩa sâu sắc hơn. Bệnh nhân là một loại khách hàng đặc biệt và bệnh viện là nơi cung cấp dịch vụ đặc biệt, liên quan đến thứ quý giá nhất, đó là sức khỏe, mạng sống của con người. Cả hai đối tượng cần có sự chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng nhau. Bác sĩ tôn trọng khách hàng và ngược lại, khách hàng cũng phải tôn trọng bác sĩ, bởi vì họ không chỉ là người cung cấp dịch vụ, mà họ là người thầy: Thầy thuốc.
Nếu chỉ là thị trường, vậy thì đối với bệnh nhân nghèo, bác sĩ sẽ đối xử ra sao? Nếu chỉ là thị trường, chẳng lẽ ai có tiền cũng sai bảo bác sĩ như một anh bán hàng hay sao? Không! “Bệnh nhân là khách hàng” nhưng dịch vụ y tế không phải là món hàng vô tri, mà nó là kiến thức, là trí tuệ, là tình cảm và lương tâm của người thầy thuốc. Bệnh nhân là khách hàng đau thương, họ đi “ mua sắm” sức khỏe, sự sống.
Xem bệnh nhân là khách hàng và thành lập “Đơn vị chăm sóc khách hàng” tại tất cả các bệnh viện là một chủ trương mang tính cách mạng trong hoạt động khám-chữa bệnh của ngành y tế. Nhưng để bệnh nhân hài lòng không phải chỉ là sự nỗ lực của bệnh viện, mà cần có sự góp sức của toàn xã hội. Một trong những việc quan trọng là tham gia bảo hiểm y tế nhưng chưa được coi trọng. Bảo hiểm y tế là một cách để chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân yếu thế, cho mọi công dân.
Sức khỏe là thứ quý nhất. Bỏ tiền để bảo vệ cái quý nhất sao lại sợ tốn kém.
Video đang HOT
Lê Thanh Phong
(Theo báo Lao động)
Trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho Ngành Y tế Việt Nam
20h tối nay (27/2), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho ngành y tế vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong suốt 60 năm qua.
Mở đầu Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2015 - 60 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành y tế tối nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Suốt chặng đường 60 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, ngành y tế không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước, nhân dân tin cậy giao phó. Chúng tôi, những chiến sỹ áo trắng luôn tự hiểu rằng nghề y với nhiệm vụ chm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân là nghề cao quý, là niềm vinh hạnh to lớn nhưng cũng đầy trách nhiệm.
Trong những năm qua, ngành y tế không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cua người dân; nhiều bệnh dịch mới, nguy hiểm đã được phát hiện, khống chế và đẩy lùi, không có dịch lớn xẩy ra; Mạng lưới y tế cơ sở của nước ta được phát triển rộng khắp từ huyện xuống xã, đến đội ngũ y tế thôn bản và cộng tác viên y tế. Việt Nam là một trong những nước được Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế như giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong bà mẹ và tử vong trẻ sơ sinh... Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam xếp vào loại cao trong khu vực Đông Nam Á, thậm trí cao hơn hẳn so với các nước có cùng mức thu nhập.
Công tác chữa bệnh cũng có nhiều kết quả đáng tự hào. Nhiều chứng bệnh nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả; nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng không chỉ ở tuyến bệnh viện trung ương mà còn được phổ biến đến các bệnh viện tuyến dưới. Triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao lần đầu tiên ở Việt Nam như ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư, sử dụng rô-bốt trong mổ nội nhi khoa, phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ trong thay và sửa van tim, vá các dị tật trong tim... Nhiều bác sĩ của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao nhờ những kỹ thuật khó, trị bệnh hiểm nghèo. Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới có nền Y học cổ truyền phát triển và Đông Tây y được kết hợp và triển khai rộng khắp từ trung ương đến trạm y tế xã".
Nữ Bộ trưởng cũng cho rằng, với những người thầy thuốc, một khi đã xác định và tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện y huấn, lời răn dạy của các thế hệ tiền bối và lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, đồng thời phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng phấn đấu học tập để nâng cao trình độ y lý, y thuật và y đức. Hành trang của mỗi người thầy thuốc là chuyên môn giỏi, là lương tâm, là trách nhiệm và hết lòng vì người bệnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh hiện nay do tác động của nền kinh tế thị trường, mặt trái tiêu cực của xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức nghề nghiệp của một số thầy thuốc, cán bộ y tế. Đôi khi chỉ vì một vài cá nhân có những cử chỉ, hành vi không tốt, sách nhiễu bệnh nhân, hay chỉ vì lợi ích nho nhỏ, làm mất đi nghĩa cử cao thượng của người thầy thuốc mà bao thế hệ đi trước đã dày công xây dựng và vun đắp. Dù ít hay nhiều, dù chỉ là hiện tượng hay phổ biến đều có thể ảnh hưởng đến sự trân trọng của xã hội đối hình ảnh của người thầy thuốc trong nhân dân, làm cho người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm và hoài nghi về lương tâm, đạo đức nghề y, về tay nghề chuyên môn, đồng thời làm tổn hại đến danh dự của hầu hết những người thầy thuốc chân chính đầy trách nhiệm, những người đã hy sinh thầm lặng, cống hiến trọn đời vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
"Tuy rằng ở đâu đó vẫn còn có những thầy thuốc, những cán bộ y tế chưa thực hiện được lời dạy của Bác Hồ, nhưng tôi tin rằng bằng tấm lòng, bằng trách nhiệm và bằng vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, đứng trước sinh mệnh của người bệnh, chúng ta mỗi thầy thuốc, mỗi cán bộ y tế sẽ vượt qua chính mình, xứng đáng với niềm tin cậy mà nhân dân gửi gắm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Cả ngành y tế đang quyết tâm xây dựng nền y học Việt Nam như lời Bác dạy khoa học-dân tộc-đại chúng và phấn đấu xây dựng nền y tế công bằng-hiệu quả-phát triển", Nữ Bộ trưởng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ
Tiếp đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao Huân chương độc lập hạng Nhất cho ngành y tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ trân trọng biểu dương những nỗ lực, cống hiến to lớn của ngành y tế và gửi tới những người thầy thuốc của nhân dân lời chúc mừng tốt đẹp nhất, cùng tình cảm thân thiết quý trọng và lòng biết ơn sâu sắc chân thành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, suốt chặng đường phấn đấu trưởng thành cùng Đất nước, ngành y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về y tế của Liên hợp quốc, với nhiều chỉ số về hệ thống y tế, về sức khỏe cao hơn so với các nước phát triển tương đương. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm, hệ thống chính sách tài chính, bảo hiểm y tế, năng lực chuyên môn, trình độ khoa học và đội ngũ y bác sỹ, cán bộ nghiên cứu về sức khỏe đều có bước phát triển vững mạnh. Ngành y tế không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, mà còn có đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học thế giới; góp phần ngày càng quan trọng, chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu về sức khỏe con người.
Những đóng góp to lớn của ngành y tế đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói riêng, sự nghiệp bảo vệ và kiến thiết đất nước nói chung đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhất mà ngành vừa đón nhận. Hàng ngàn Thầy thuốc được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú. Nhưng ý nghĩa hơn hết là trong lòng mỗi người dân đều ghi ơn những người thầy thuốc không quản khó khăn gian khổ, không màng danh lợi đã giúp bản thân mình, người thân của mình phòng tránh vượt qua bệnh tật, gìn giữ tài sản đặc biệt của con người là sức khỏe.
"Mỗi cán bộ y tế hãy luôn là những tấm gương sáng về nỗ lực phấn đấu rèn luyện vươn lên hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Để không chỉ giúp người dân gìn giữ, nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật, mà còn để lại trong lòng những tình cảm ấm áp, những kỷ niệm không quên, những suy nghĩ tốt đẹp về tình người về đạo lý nhân sinh. Để mọi nơi, mọi lúc khi nghe danh bác sỹ, dược sỹ, y sỹ, khi thấy bóng áo blues trắng là thấy hiện thân của tri thức, của danh dự, của nhân cách như tinh thần lời thề của Hippocrates, như lời Hải Thượng Lãn Ông: Nghề thuốc là thanh cao, người thầy thuốc phải tự tu dưỡng với 8 chữ răn mình: Nhân, Minh, Đức,Trí, Lượng,Thành, Khiêm, Cần" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội, tôn giáo và toàn thể nhân dân hãy ủng hộ, chung tay để ngành y tế hoàn thành sứ mạng rất đỗi vinh quang và cũng hết sức nặng nề của mình. Hãy tiếp tục chăm lo củng cố nâng cao năng lực mạng lưới y tế các tuyến nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hãy đẩy nhanh thực hiện BHYT toàn dân và hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính để huy động mạnh mẽ nguồn lực từ các thành phần kinh tế từ xã hội tham gia phát triển y tế.
Thi đua thực hiện thật tốt các qui định về phòng bệnh, về sinh sản, về dân số. Tự giác tham gia bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ vì sức khỏe của mình của mọi người bằng tất cả trách nhiệm và tấm lòng nhân đức. Tích cực tham gia các chương trình phong trào thể thao, rèn luyện sức khỏe để nâng cao tầm vóc người Việt Nam. Noi theo tấm gương sáng ngời của Bác Hồ về rèn luyện thân thể để bảo vệ tổ quốc và kiến thiết Đất nước. Đó cũng là cách để thể hiện tri ân có ý nghĩa nhất đối với những thầy thuốc, những người đã, đang và sẽ tiếp tục hết lòng vì người bệnh, vì nâng cao sức khỏe của nhân dân, vì giống nòi dân tộc Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực, cống hiến to lớn của ngành y tế và mong mỗi cán bộ y tế hãy luôn là tấm gương sáng về nỗ lực phấn đấu, rèn luyện vươn lên, hoàn thiện chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để không chỉ giúp người dân gìn giữ, nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật mà còn để lại trong lòng những tình cảm ấm áp, những kỉ niệm không quên, những suy nghĩ tốt đẹp về tình người, về đạo lý nhân sinh. Để mọi nơi, mọi lúc khi nghe danh bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, thấy bóng áo blu trắng là thấy hiện thân của tri thức, của danh dự, của nhân cách như tinh thần lời thề Hippocrates như lời của Hải Thượng Lãn Ông, nghề thuốc là thanh cao, như lời bác Hồ kính yêu "Lương Y như từ mẫu".
Phó Thủ tướng kêu gọi toàn thể nhân dân, xã hội ủng hộ, chung tay để ngành y tế hoàn thành sứ mạng hết đỗi vinh quang và cũng hết sức nặng nề.
"Hãy tiếp tục chăm lo, củng cố, nâng cao năng lực mạng lưới y tế các tuyến nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hãy đẩy nhanh thực hiện BHYT toàn dân, hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính để huy động mạnh mẽ nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia phát triển y tế. Hãy thi đua thực hiện tốt quy định về phòng bệnh, về sinh sản, về dân số, Hãy tự giác tham gia bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ vì sức khỏe của mình, của mọi người bằng tất cả trách nhiệm, tấm lòng nhân đức. Hãy tích cực tham gia các chương trình, phong trào thể thao rèn luyện sức khỏe, nâng cao tầm vóc người Việt Nam, noi theo tấm gương của Bác Hồ về rèn luyện thân thể để bảo vệ tổ quốc, rèn luyện thân thể để kiến thiết đất nước, đó cũng là cách thể hiện sự tri ân có ý nghĩa nhất với những người thầy thuốc, những người đang, đã và sẽ tiếp tục hết lòng vì người bệnh, vì sự nghiệp chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, vì giống nòi dân tộc Việt Nam ta".
Và để có được ngành y tế hôm nay, không thể không nhớ tới sự đóng góp của 11 đời Bộ trưởng Y tế. Đó là GS.TS Hoàng Tích Trí (1956-1958), BS Phạm Ngọc Thạch (1959-1968), ông Nguyễn Văn Hưởng (1968-1974), Nguyễn Văn Cẩn (1974-1982), ông Đặng Hồi Xuân (82-88), ông Phạm Song (88-92), ông Nguyễn Trọng Nhân (1992-1995); ông Đỗ Nguyên Phương (1995-2002); bà Trần Thị Chung Chiến (2002-2007); ông Nguyễn Quốc Triệu (2007-2011) và bà Nguyễn Thị Kim Tiến (từ 2011 đến nay).
Những thành tựu của ngành y tế trong 60 năm qua bắt đầu từ nước lọc penixilin của BS Đặng Văn Ngữ đã giúp 80% chiến sĩ hồi phục, trở lại chiến đấu; là phương pháp cắt gan khô của GS.TS Tôn Thất Tùng, vị bác sĩ nổi tiếng trong nước và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan hay những cá nhân tiêu biểu cho thế hệ ngành y trước vận mệnh tổ quốc như Đặng Thuỳ Trâm.... cho đến những thành tựu trong điều trị tế bào gốc, nội soi, ghép tạng... gây được tiếng vang trong và ngoài nước.
Hồng Hải - Nguyễn Dương - Trần Phương
Theo Dantri
Bộ trưởng Y tế: "Không phút giây nào tự cho phép hài lòng" "Mỗi khi có vấn đề xảy ra, chúng tôi hiểu và thông cảm với bức xúc của người bệnh. Từ đó, chúng tôi cũng xác định rõ trách nhiệm của những người làm ngành Y là cần phải cố gắng để hạn chế thấp nhất những rủi ro trong nghề nghiệp. Và chúng tôi cũng không phút giây nào tự cho phép hài...