Triển khai tiêm chủng sớm nhất, Mỹ vẫn chưa thoát “vũng lầy” Covid-19
Một năm trước, khi dịch Covid-19 phủ bóng ảm đạm, Mỹ mở đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử với niềm hi vọng lớn. Nhưng một năm sau, nhiều người Mỹ vẫn chưa tiêm và nhiều người vẫn tử vong vì Covid-19.
Nhấn để phóng to ảnh
Những hộp chứa vaccine Pfizer tại nhà máy sản xuất Kalamazoocủa Pfizer ở Portage, Mỹ (Ảnh: AP).
Những chiếc xe tải chở đầy những thùng chứa vaccine để trong tủ lạnh đã chứng tỏ thành công rực rỡ của chiến dịch thử nghiệm và sản xuất vaccine Covid-19 trên khắp thế giới, mang đến hy vọng sẽ giúp nhanh chóng kết thúc đại dịch.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Một năm sau, nhiều người Mỹ vẫn chưa tiêm chủng và nhiều người vẫn tử vong vì Covid-19. Số người chết vì Covid-19 tại Mỹ cho đến nay là khoảng 800.000 người so với con số 1 năm trước là 300.000.
Tất nhiên, hàng chục nghìn người có thể đã được cứu sống nhờ tiêm vaccine, nhưng chiến dịch tiêm chủng của Mỹ đã không thành công như mong đợi.
Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ Francis Collins cho biết, các nhà khoa học và quan chức y tế có thể đã đánh giá thấp việc tin giả tràn lan về vaccine đã cản trở “thành tựu đáng kinh ngạc” của vaccine như thế nào. “Vẫn đầy những ca tử vong vì Covid-19… hầu hết trong số họ đều không tiêm vaccine, hầu hết đều vì suy nghĩ sai lầm và nguy hiểm về vaccine”, ông Collins nói.
Vaccine là câu chuyện thành công lớn…
Nhân viên y tế Sandra Lindsay – người đầu tiên tại Mỹ tiêm vaccine Covid-19 – tham gia một cuộc tuần hành (Ảnh: AP).
Video đang HOT
Được phát triển và tung ra với tốc độ thần tốc, vaccine Covid-19 đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tử vong và nhập viện.
Những người không tiêm có nguy cơ tử vong cao hơn 14 lần so với những người được tiêm đầy đủ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính dựa trên dữ liệu có sẵn từ tháng 9. Hiệu quả của vaccine phần lớn vẫn được duy trì, cho phép các trường học mở cửa trở lại, các nhà hàng chào đón thực khách và các gia đình tụ tập trong các kỳ nghỉ. Theo thống kê mới nhất, 95% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1.
Năm đầu tiên, chiến dịch tiêm vaccine gặp nhiều khó khăn vì những ca nhiễm đột phá, xung đột chính trị và giờ đây là mối lo Omicron có khả năng né vaccine. Bất chấp tất cả những điều đó, Tiến sĩ David Dowdy, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho rằng: “Vaccine là một câu chuyện thành công to lớn”.
Vào đúng ngày mà Mỹ mở chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn nhất trong lịch sử (ngày 14/12/ 2020), số ca tử vong do Covid-19 đã lên tới 300.000 người. Và số ca tử vong đang tăng trung bình hơn 2.500 người mỗi ngày và tăng nhanh, tồi tệ hơn những gì mà nước này từng chứng kiến vào đợt dịch đầu năm 2020, khi thành phố New York là tâm dịch.
Vào cuối tháng 2/2021, số ca tử vong ở Mỹ đã vượt 500.000 người, nhưng số ca tử vong mỗi ngày đang giảm mạnh so với mức cao khủng khiếp của đầu tháng 1/2021. Với hy vọng đó, vào đầu tháng 3, một số bang bắt đầu mở cửa trở lại, dỡ bỏ quy định và giới hạn đối với việc ăn uống trong nhà. Cựu Tổng thống Donald Trump đã đảm bảo với những người ủng hộ ông trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng vaccine an toàn và thúc giục họ tiêm.
… nhưng Delta đã càn quét tất cả
Mỹ đã đặt mục tiêu phủ vaccine với tỷ lệ cao trong dịp lễ Quốc khánh (4/7). Nhưng đến tháng 6, khi làn sóng dịch giảm dần, nhu cầu tiêm vaccine cũng giảm và chính quyền các bang cũng như tập đoàn lớn đã chuyển sang các biện pháp khuyến khích kể cả cảnh báo để kêu gọi người dân đi tiêm chủng.
Mặc dù vậy, những nỗ lực đó là quá ít, quá muộn.
Biến chủng Delta xuất hiện đã càn quét tất cả khi chúng tấn công vào những nạn nhân chưa tiêm. Andrew Noymer, giáo sư y tế công cộng tại Đại học California, Irvine, cho biết: “Tất cả chúng ta cần nỗ lực hoàn hảo để đánh bại loại virus này vì chỉ riêng vaccine là chưa đủ”.
Một trong những cơ hội lớn bị bỏ lỡ là nhiều người Mỹ trốn tiêm vaccine. Vào mùa thu năm nay, Rachel McKibbens, 45 tuổi, đã mất cha và anh trai vì Covid-19. Cả hai đều kiên quyết không tiêm vaccine vì họ tin vào thuyết âm mưu sai lầm rằng những mũi tiêm có chứa chất độc. McKibbens nói: “Thật sự là một thảm kịch. Mọi việc có lẽ sẽ không đến nỗi tệ như vậy”.
Hơn 228.500 người Mỹ đã chết vì Covid-19 kể từ ngày 19/4, ngày mà tất cả người trưởng thành đủ điều kiện tiêm vaccine, tăng khoảng 29% kể từ khi ca tử vong đầu tiên được ghi nhận vào tháng 2/2020, theo một phân tích của hãng tin AP.
“Tôi cảm thấy cả nước Mỹ như bị nhốt trong các trại giam. Các loại vaccine trở thành một phép thử cho niềm tin vào chính phủ”, giáo sư Noymer nói.
Thế giới đã ghi nhận tổng cộng trên 267,6 triệu ca COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 8/12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 267.630.694 ca COVID-19, trong đó 5.290.948 ca tử vong.
Trên 241,045 triệu bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh trong khi vẫn còn trên 21,294 triệu bệnh nhân đang được điều trị.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Đông Nam Á, Chính phủ Lào đã ra lệnh tăng cường kiểm soát biên giới với các nước láng giềng sau khi Thái Lan xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 6/12 vừa qua. Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Các bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Lào, Tiến sĩ Sisavath Soutthanilaxay cho biết để ngăn ngừa biến thể Omicron xâm nhập, nước này đã áp dụng các biện pháp mạnh hơn và mọi cá nhân khi nhập cảnh sẽ phải cung cấp mẫu xét nghiệm để kiểm tra biến thể Omicron. Chính phủ Lào đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, trong khi các cơ quan y tế đã tổ chức các cuộc họp để thảo luận về biện pháp ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron tại Lào và cách ứng phó với mối đe dọa mới này.
Bộ Y tế Lào ngày 8/12 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 5 ca tử vong và 1.209 ca mắc COVID-19 mới. Tất cả các ca này đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 687 ca. Tính đến ngày 8/12, Lào có tổng cộng 83.291 ca nhiễm và 219 ca tử vong do COVID-19. Delta vẫn là biến thể gây ra phần lớn trong số các ca bệnh tại nước này.
Thái Lan thông báo phát hiện 2 ca bệnh COVID-19 nhiều khả năng nhiễm biến thể Omicron, là hai phụ nữ quốc tịch Thái Lan, trở về từ Nigeria. Hiện chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng nào liên quan đến biến thể Omicron tại Thái Lan và Delta vẫn đang là biến thể chủ đạo tại quốc gia Đông Nam Á này khi chiếm tới 65,97% số ca mắc COVID-19. Ngày 6/12, Thái Lan đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, là một nam du khách Mỹ đến từ Tây Ban Nha. Tính đến ngày 8/12, Thái Lan ghi nhận 3.618 ca mắc mới COVID-19 và 38 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên hơn 2,15 triệu ca, trong đó có 21.035 ca tử vong. Hơn 59% dân số Thái Lan đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 6/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Philippines thông báo nước này sẽ cấm du khách nhập cảnh từ Pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Lệnh cấm trên được áp dụng đối với các du khách từng đến Pháp trong 14 ngày qua. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ ngày 10 - 15/12 tới. Trước đó, Philippines áp dụng lệnh cấm trên đối với Nam Phi và 13 quốc gia khác nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Hiện Philippines chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể mới này.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đánh giá số ca nhiễm COVID-19 mới ở nước này lần đầu tiên đã vượt 7.000 ca, cho thấy tốc độ lây lan chóng mặt của virus. Thủ tướng Kim Boo-kyum cũng nhấn mạnh tình trạng thiếu giường điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng là "rất cấp bách". Theo đó, các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp với ngành y tế để bổ sung giường bệnh tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon), nơi hiện chiếm 80% số ca nhiễm mới trên cả nước.
Thủ tướng Kim Boo-kyum lưu ý thêm rằng vấn đề cấp bách hiện nay là cần nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người cao tuổi và tiêm đủ 2 mũi cho thanh thiếu niên (từ 12-17 tuổi) vì thực tế cho thấy số ca nhiễm mới là người trên 60 tuổi chiếm 35% và 84% bệnh nhân COVID-19 nặng cũng là những người trên 60 tuổi. Các cơ quan y tế Hàn Quốc sẽ củng cố hệ thống điều trị tại nhà bằng cách mở rộng nhân sự hỗ trợ hành chính ở từng thành phố, quận, huyện cũng như mở rộng cơ sở y tế quản lý bệnh nhân điều trị tại nhà từ cấp bệnh viện đến các trung tâm y tế.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, giới chức y tế Hà Lan cảnh báo Omicron có thể trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nước này trong thời gian tới, căn cứ trên những báo cáo về hiện trạng lây lan của biến thể này tại nhiều nước, trong đó có Nam Phi và Anh. Hà Lan đã xác nhận có thêm 18 ca nhiễm Omicron.
Vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh cùng ngày thông báo phát hiện 3 ca nhiễm Omicron đầu tiên. Cả 3 bệnh nhân đều có lịch sử đi lại phức tạp. Vương quốc Anh đến thời điểm hiện tại xác nhận có tổng cộng hơn 560 ca nhiễm Omicron. Trước tình hình trên, các Bộ trưởng Y tế Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp nhằm gia tăng sự phối hợp giữa các nước thành viên trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 8/12, Anh đánh dấu 1 năm kể từ khi người đầu tiên tại nước này và cũng là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech trong chương trình tiêm chủng đại trà, đồng thời kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường ngay khi đủ điều kiện. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nêu bật thành công ban đầu mà nước này đạt được trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhấn mạnh đó là lý do tại sao Anh có thể mở cửa trở lại nền kinh tế vào tháng 7 vừa qua. Ông đồng thời kêu gọi tăng cường các nỗ lực để thúc đẩy chiến dịch tiêm mũi vaccine bổ sung với quy mô tương tự như chiến dịch tiêm chủng ban đầu vì lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron.
Làn sóng dịch bệnh thứ 5, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, đang có nguy cơ tạo thêm gánh nặng cho các bệnh viện ở Pháp. Trong vài ngày qua, số ca mắc mới trung bình đã vượt quá 40.000 ca/ngày và hơn 11.000 người đã phải nhập viện vì mắc COVID-19 - con số thống kê cao chưa từng có kể từ cuối tháng 8 vừa qua.
Để đối phó với làn sóng dịch mới này, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát tại các khu vực công cộng, các quán cà phê, nhà hàng, hay kêu gọi duy trì việc tuân thủ các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, Chính phủ Pháp đã công bố một số biện pháp hạn chế mới bao gồm tăng cường quy trình kiểm soát y tế tại trường học và công sở, đóng cửa các câu lạc bộ đêm, hoãn các sự kiện lớn trong vòng 4 tuần và tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm chủng liều tăng cường vaccine phòng bệnh. Chính phủ cũng quyết định quy trình y tế sẽ được nâng lên cấp độ 3 tại các trường tiểu học và kể từ ngày 9/12, việc đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc không chỉ trong lớp học mà cả tại các sân chơi. Các môn thể thao đồng đội cũng sẽ bị hạn chế, trong khi việc sử dụng đồ uống trong căngtin được khuyến cáo giới hạn.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Đức ngày 8/12 ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong một ngày kể từ tháng 2 trong bối cảnh nước này đang chật vật ứng phó với làn sóng dịch thứ 4. Viện Robert Koch cho biết có thêm 527 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca không qua khỏi vì đại dịch tại Đức lên 104.047 ca. Ngoài ra, với thêm 69.601 ca mắc COVID-19, nhiều hơn 2.415 ca so với một tuần trước, tổng số ca mắc hiện lên tới 6.270.761 ca. Tuy vậy, tỷ lệ số ca nhiễm trên 100.000 dân trong 7 ngày qua đang tiếp tục giảm, từ mức 432 ca trong ngày 7/12 xuống 427 ca trong ngày 8/12.
Các nước Na Uy, Thụy Điển, Ireland và Ba Lan đều công bố kế hoạch siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Na Uy giới hạn về số lượng người được tham gia các sự kiện tập trung đông người. Thụy Điển mở rộng phạm vi áp dụng "thẻ y tế xanh" đối với các nhà hàng và phòng tập thể dục-thể thao. Các câu lại bộ ban đêm tại Ireland một lần nữa phải đóng cửa trong khi các nhà hàng, quán bar và khách sạn tại Ba Lan chỉ được phép tiếp nhận số khách hàng ở mức 30% sức chứa, song có thể linh hoạt mở rộng hơn đối với những khách hàng thân thiết có chứng nhận đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng ngừa COVID-19. Trong khi đó các vũ trường và câu lạc bộ ban đêm sẽ phải đóng cửa hoàn toàn, trong khi các phương tiện giao thông công cộng chỉ hoạt động ở mức 75% công suất.
Hình ảnh biến thể Omicron, vaccine và bơm tiêm. Ảnh: AFP/TTXVN
Về biến thể Omicron, ông Michael Ryan - giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - đánh giá biến thể này có thể không gây bệnh nặng hơn các biến thể trước và "ít khả năng" né được hoàn toàn phản ứng miễn dịch sau khi tiêm vaccine. Trong báo cáo dịch tễ hàng tuần, WHO cũng cho biết đã ghi nhận biến thể Omicron tại 57 quốc gia, với số ca nhiễm tại miền Nam châu Phi, trong đó có Zimbabwe, đang có xu hướng tăng lên. WHO cho rằng số bệnh nhân cần nhập viện nhiều khả năng cũng sẽ tăng theo khi virus lây lan. Các nhà khoa học và các nhà sản xuất vaccine đang gấp rút tìm hiểu nguy cơ, cũng như hiệu quả của các loại vaccine hiện có đối với biến thể này.
Đức thêm 527 ca tử vong do dịch COVID-19 trong 24 giờ qua Ngày 8/12, Đức đã ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong một ngày kể từ tháng 2 trong bối cảnh nước này đang chật vật ứng phó với làn sóng dịch thứ 4. Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức ngày 28/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Viện Robert Koch cho biết có...