Triển khai ôn thi tốt nghiệp THPT
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) công bố hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2014 và có văn bản “nhắc nhở” tuyệt đối không được cắt xén chương trình, các Sở GD – ĐT đã triển khai nhiều hình thức ôn tập phù hợp, nhằm chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và tâm lý cho các thí sinh.
Sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 với nhiều điểm mới như: Thí sinh chỉ thi 4 môn thay vì 6 môn như những năm trước. Trong đó, 2 môn bắt buộc là: Toán và ngữ văn; 2 môn còn lại, học sinh được lựa chọn trong số các môn vật lí, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Điều này đã giảm áp lực phần nào cho học sinh trong việc ôn tập. Nhưng công việc tổ chức thi nhiều hơn vì phải bố trí thêm giáo viên, thêm phòng học, lên lịch ôn tập cho 8 môn thi.
Video đang HOT
Chương trình ôn thi tốt nghiệp THPT được các trường chuẩn bị kỹ lưỡng.Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Từ cuối tháng 2/2014, sau khi Bộ GD – ĐT “chốt” 4 môn thi như trên, nhiều trường trên địa bàn Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn học sinh đăng ký hai môn tự chọn và tổ chức ôn tập. Bà Phạm Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, năm nay trường có 662 học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, 410 em chọn môn lý, 336 em chọn ngoại ngữ, 306 em chọn hóa, 183 em chọn địa và 67 chọn môn sinh, riêng môn lịch sử chỉ có 20 em đăng ký. Theo danh sách học sinh đăng ký môn tự chọn, nhà trường đã tổ chức các lớp ôn tập. Với hai môn toán và ngữ văn, trường tổ chức ôn tập theo lớp, còn các môn tự chọn phải tách lớp để ôn tập có hệ thống và hiệu quả hơn.
“Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đối với môn ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, kiểm tra cả hình thức viết và tự luận”. Ông Mai Văn Trinh,Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD – ĐT
Tại trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội) việc ôn tập cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kế hoạch ôn tập của khối 12 theo hướng phân hóa năng lực học sinh. Trường cũng có kế hoạch phụ đạo cho học sinh ở mức trung bình, yếu. Khi biết có hai môn tự chọn, trường đã tư vấn cho học sinh lựa chọn các môn theo năng lực, nguyện vọng, mục đích nghề nghiệp nhằm có kết quả cao nhất”.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT TP Hồ Chí Minh, các trường đã cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập. Vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm cho những học sinh học lực yếu, giúp các em nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Nhằm tránh tình trạng quá tải, áp lực cho học sinh, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ các em để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp”.
Ngăn chặn cắt xén chương trình
Ngoài việc triển khai các hoạt động ôn thi tốt nghiệp theo hướng dẫn của Bộ GD – ĐT, các Sở GD – ĐT cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, ngăn chặn tình trạng dồn tiết, cắt xén chương trình.
Vừa qua, Sở GD – ĐT Hà Nội tổ chức 5 đoàn kiểm tra tại 28 trường THPT và phát hiện các trường này đã cắt xén chương trình, dạy dồn môn phụ để ôn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, một số trường còn cắt bỏ nội dung thực hành trong chương trình của các môn vật lý, hóa học, sinh học (trường THPT Lương Thế Vinh). Còn tại trường THPT Đông Đô học 2 buổi/ngày, 4 tiết/buổi của cả tuần là nặng, gây quá tải cho học sinh. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số trường có tình trạng xếp thời khóa biểu tùy tiện, ghép đôi, ghép ba các môn không đúng quy định.
Lãnh đạo Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết, ngay khi phát hiện sai phạm, đoàn kiểm tra đã yêu cầu các trường phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục ngay những tồn tại này. Cụ thể, với các trường đã cắt xén chương trình môn học và phần thực hành phải tổ chức dạy bù cho học sinh nội dung đã cắt xén. Những đơn vị dạy dồn không đúng theo kế hoạch thời gian năm học phải chấn chỉnh và cam kết không tái phạm.
Ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên cho biết, sau khi nhận được công văn hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD – ĐT, Sở GD – ĐT Phú Yên đã có công văn gửi các trường THPT trên toàn tỉnh. Cụ thể, các trường phải hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch thời gian năm học 2013 – 2014; những trường giảng dạy không kịp với tiến độ chung thì xây dựng kế hoạch dạy bù phù hợp, tuyệt đối không được cắt xén chương trình. Đồng thời, tổ chức ôn tập, phụ đạo cho học sinh trên tinh thần dạy học phân hóa, bám sát đối tượng để vừa nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD – ĐT: “Trong việc tổ chức ôn tập, nhà trường cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học. Nhà trường phải kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra của giáo viên bộ môn. Đồng thời, chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời”.
Theo TNO