Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chạy nước rút… có kịp?
Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được giảng dạy ở lớp 1. Do đó, từ ngày 1-15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bắt đầu tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của các tổ chức, cá nhân…
Từ năm học 2020-2021, sẽ bắt đầu triển khai vòng SGK mới. (Ảnh minh họa).
Nhiều bộ SGK để có lựa chọn… tốt nhất?
Luật Giáo dục sửa đổi đã được Quốc hội chính thức thông qua vào giữa tháng 6/2019. Theo quy định của luật mới, mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Việc biên soạn sách sẽ được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa mà không dùng tiền ngân sách Nhà nước.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới, đến thời điểm này có khoảng 4-5 đơn vị đã tổ chức biên soạn SGK lớp 1, 2, 6, trong đó bản thảo SGK lớp 1 đã hoàn thiện, sẵn sàng chờ thẩm định. Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới cũng cho biết, các bộ SGK phải được Hội đồng Quốc gia thẩm định, nếu đạt yêu cầu mới đưa ra sử dụng.
Mới đây, trong một buổi làm việc với các chuyên gia, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến việc phải có những bộ SGK chất lượng tốt nhất cho chương trình GDPT mới.
Ông Thái Văn Tài quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – Phó trưởng Ban Tổ chức thẩm định SGK theo chương trình GDPT mới, cho biết Bộ GD-ĐT, đến thời điểm hiện tại, các tác giả, nhà xuất bản đã nhận được thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 1 và bắt đầu chuẩn bị các điều kiện theo quy định để gửi bản thảo SGK về Bộ thẩm định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc chuẩn bị thẩm định SGK lớp 1 là sự khởi đầu của một chuỗi các hoạt động về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, có ý nghĩa chính trị, trách nhiệm xã hội to lớn, do đó cần thực hiện thật tốt. Chất lượng của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK sẽ quyết định đến việc thẩm định và lựa chọn ra những bộ SGK chất lượng, từ đó các địa phương thực hiện lựa chọn theo thẩm quyền quy định.
Do đó, phải đảm bảo thành lập được các hội đồng thật sự chất lượng, uy tín. Các thành viên được lựa chọn tham gia vào đội ngũ này là những người vừa giỏi chuyên môn, vừa có uy tín, vừa có trách nhiệm, đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu ban tổ chức đề ra.
Video đang HOT
Được biết, từ cuối tháng 7 đến khoảng giữa tháng 9/2019, các Hội đồng thực hiện việc thẩm định SGK để trình Bộ trưởng GD-ĐT xem xét việc phê duyệt, cho phép sử dụng sách. Lộ trình áp dụng chương trình mới sẽ bắt đầu từ lớp 1 (năm học 2020-2021); lớp 2 (năm học 2021-2022); lớp 3, 7, 10 (năm học 2022-2023); lớp 4, 8, 11 (năm học 2023-2024); lớp 5, 9, 12 (năm học 2024-2025).
Có lo ngại?
Được biết, trước khi có Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ GD-ĐT đã được giao biên soạn bộ SGK phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 từ 5 năm trước. Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã được ban hành từ tháng 11/2014.
Việc biên soạn và thẩm định bộ SGK phổ thông mới cũng có nguồn kinh phí khá dồi dào, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ khoảng 16 triệu USD. Điều đáng nói, với thế mạnh của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực giáo dục là quy tụ đội ngũ nguồn lực chất lượng cho việc biên soạn bộ SGK mới, có nguồn lực để thu hút những nhân lực chất lượng nhất…
Nhiều người lo ngại, cho dù có thể thành lập một Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK để thẩm định, đánh giá chất lượng bộ SGK phổ thông mới, thế nhưng chất lượng của chính hội đồng thẩm định có đáng tin cậy? Bởi Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK sẽ quyết định đến việc lựa chọn được những bộ SGK chất lượng tốt nhất.
Bên cạnh đó, việc cạnh tranh trong biên soạn bộ SGK phổ thông mới cũng gây lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh? Việc các nhà xuất bản, đơn vị cạnh tranh nhau thu hút các tác giả viết SGK có dẫn tới sự dàn trải chất lượng hay không? Và điều quan trọng, chúng ta có đủ nguồn nhân lực để biên soạn được bộ SGK có chất lượng tốt nhất hay không?
Trong khi đó, thời gian để phải đưa bộ SGK phổ thông mới vào giảng dạy không còn nhiều. Bởi lẽ với 5 năm, Bộ GD-ĐT có thể huy động được các tác giả viết sách có uy tín để hoàn thành tiến độ và chất lượng, thì với 1 năm có là quá gấp hay không?
Mỗi thầy cô sẽ có mã số định danh
Lần đầu tiên, một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về đội ngũ giáo viên được xây dựng và đưa vào sử dụng, cung cấp thông tin về đội ngũ đầy đủ, chính xác và kịp thời; làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa thiếu, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo.
Là đơn vị trực tiếp khai thác cơ sở dữ liệu đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, mặc dù đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nhưng cơ sở dữ liệu đã phục vụ rất tốt cho một số nhiệm vụ phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với một số bộ, ngành khác trong thời gian qua như thiết kế bảng lương mới cho đội ngũ nhà giáo; thu thập dữ liệu về bình đẳng giới; thống kê số lượng đảng viên trong đội ngũ giáo viên…
Dựa trên cơ sở dữ liệu đội ngũ, hiện nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang giao Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục xây dựng báo cáo thực trạng giáo viên của từng địa phương để gửi Bộ Nội vụ, các địa phương và báo cáo Chính phủ trước năm học mới.
Ở góc độ khai thác nguồn dữ liệu, Bộ trưởng cho rằng, cần khai thác có hiệu quả để không chỉ giải quyết bài toán thừa – thiếu giáo viên ở từng địa phương mà còn phục vụ cho công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ, điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm. “Muốn khai thác tốt thì nguồn dữ liệu được kê khai từ cơ sở giáo dục phải chính xác, tránh sai sót trong quá trình nhập liệu. Tiến tới việc chuẩn hóa dữ liệu, nhập liệu, khai báo” – Bộ trưởng nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc kê khai theo từng trường như hiện nay mới chỉ là bước một của cơ sở dữ liệu đội ngũ, tới đây, mỗi giáo viên phải có mã số định danh riêng để chính giáo viên sẽ là người kê khai, bổ sung các thông tin cần thiết hay thay đổi thông tin nếu có.
Uyên Na
Theo baophapluat
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa: Cần lộ trình
Theo PGS.TS Vũ Dương Thụy- nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục VN, việc Bộ GDĐT biên soạn riêng một bộ sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết 88 của quốc hội không có nghĩa là hoàn toàn đóng cửa xã hội hóa mà vẫn là cơ hội mở cho các tổ chức cá nhân biên soạn SGK. Đó là xã hội hóa từng bước.
Ảnh minh họa.
Chủ động SGK cho chương trình GDPT mới
Vấn đề một bộ SGK hay nhiều SGK trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Là Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, thực ra việc thực hiện một chương trình nhiều SGK ở nước ta không mới. Ở miền Bắc trước năm 1957 và ở miền Nam trước năm 1975, mỗi môn học cũng có một số SGK, chứ không phải chỉ có một bộ SGK. Nghị quyết 88 của Quốc hội chủ trương "thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học", nói dễ hiểu là một chương trình, nhiều SGK trước khi ban hành chủ trương cũng đã lường trước được những khó khăn nên không thể nói điều kiện hiện nay là chưa phù hợp. Theo GS Thuyết, cần có quan điểm về SGK nhẹ nhàng hơn, nên coi đó là 1 tài liệu tham khảo để lựa chọn trong quá trình dạy học thay vì phụ thuộc duy nhất vào SGK.
Đồng tình với quan điểm một chương trình nhiều SGK là xu hướng chung của thế giới hiện nay, PGS.TS Vũ Dương Thụy cho rằng trong xu thế xã hội hóa là tất yếu nhưng cần lộ trình để thực hiện việc này. Trước mắt Bộ GDĐT cần biên soạn riêng một bộ SGK để đề phòng khả năng dù xã hội hóa nhưng các nhóm tác giả chưa thực hiện được tất cả các bộ môn. Để tránh tình trạng có môn không có SGK do các nhóm tác giả chỉ thích làm một số môn thay vì cả một bộ sách, Bộ GDĐT cần chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK. Như vậy mới đảm bảo chắc chắn rằng trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới, môn nào cũng có SGK.
"Thực tế tìm hiểu ở Việt Nam thì hiện nay có một số đơn vị làm SGK theo chương trình mới gần như trọn bộ SGK. Chúng ta cũng không nên hiểu rằng Bộ GDĐT làm riêng bộ SGK là hoàn toàn đóng cửa xã hội hóa mà vẫn là cơ hội mở cho các tổ chức cá nhân biên soạn. Xã hội hóa cần làm từng bước một"- PGS.TS Vũ Dương Thụy nói.
Làm sao để tránh lãng phí?
Trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: Việc này cần có lộ trình; trước mắt chỉ thực hiện một bộ SGK do Bộ GDĐT tổ chức biên soạn.
Một số ý kiến đặt câu hỏi với những nhóm tác giả đã đầu tư viết sách thời gian qua, nếu triển khai một chương trình nhiều SGK thì sẽ lãng phí công sức, tiền bạc. Theo PGS.TS Vũ Dương Thụy, xét về mặt thị trường, về mặt chủ trương có thể bị lỗ vốn, thậm chí là lỗ nặng vì để viết được SGK, có thể phải mời đến 200-300 chuyên gia, nhà giáo, tổ chức các hội thảo quốc tế... Nghĩa là họ đầu tư rất nhiều tiền để làm sách. Nhưng nếu sách của họ không đạt yêu cầu, không được duyệt thì tất nhiên công ty đó sẽ bị thua thiệt.
"Có thể họ đã đầu tư những thứ tốt nhất để làm sách nhưng tốt nhất của họ không đạt yêu cầu thì cũng phải chấp nhận. Đó là rủi ro trong kinh doanh"- PGS.TS Thụy nêu ý kiến.
Tuy nhiên, để tránh lãng phí công sức, tiền bạc của các nhóm tác giả này, Bộ GDĐT vẫn nên tổ chức thẩm định thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, để đánh giá những cuốn sách nào đáp ứng được chương trình bên cạnh sách của Bộ để cho giáo viên lựa chọn tham khảo. Điều đó đáp ứng mục tiêu xã hội hóa, là mục tiêu chúng ta theo đuổi lâu dài. Khi nào đủ điều kiện thì không cần sách của Bộ nữa mà Bộ chỉ ra chương trình và đánh giá đó. Để SGK hoàn toàn xã hội hóa là tương lai.
Cụ thể, giai đoạn chín muồi để thực hiện một chương trình nhiều SGK theo PGS.TS Thụy là khi đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ theo chương trình GDPT mới, đời sống giáo viên tốt hơn thì sẽ tập trung nghiên cứu phương pháp đổi mới, đầu tư bài giảng cho học sinh chất lượng tốt nhất.
Một lo ngại khác đặt ra là liệu bộ SGK do Bộ GDĐT biên soạn liệu có kịp khi chỉ còn hơn 1 năm nữa chương trình sẽ được triển khai? Bởi nếu bây giờ Bộ GD ĐT mới bắt đầu bắt tay vào viết sách thì phải bồi dưỡng tác giả, tập trung bồi dưỡng chủ biên, tổng chủ biên, viết kế hoạch dạy cụ thể sau đó biên soạn... Một chuyên gia giáo dục nguyên là thành viên của Ban Phát triển Chương trình GDPT (Bộ GDĐT) cho rằng, nếu Bộ không làm sách thì trong quá trình thẩm định các bộ SGK, Bộ có thể lựa chọn một bộ cũng là một giải pháp. Hiện đã có 5-6 đơn vị thực hiện bộ SGK.
Lâm An
Theo daidoanket
Đã có 2 đơn vị gửi hồ sơ thẩm định SGK lớp 1 cho chương trình mới Trong buổi làm việc mới đây với các chuyên gia, vụ/cục bàn về hướng dẫn đánh giá SGK, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh yêu cầu phải có những bộ sách chất lượng tốt nhất cho chương trình phổ thông mới. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, đến ngày 4/7, đã có 2 đơn vị gửi hồ sơ thẩm định SGK lớp...