Triển khai chương trình GDPT mới: Thời gian gấp gáp…
300 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý giáo dục của 31 tỉnh, thành phía Bắc vừa được tham gia bồi dưỡng môn Lịch sử để chuẩn bị việc dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) tới đây.
Việc tập huấn giáo viên được coi là nhiệm vụ quan trọng, bởi thời gian thì không còn nhiều, mà yêu cầu đặt ra rất lớn: các thày cô cần phải đổi mới tư duy, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Một câu hỏi đang được đặt ra là giáo viên đã sẵn sàng với chương trình GDPT mới hay chưa?
Còn nhiều việc phải làm trước khi triển khai chương trình GDPT mới. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Các trường ĐH chịu trách nhiệm về chất lượng tập huấn
Tại chương trình tập huấn tại Hà Nội vừa rồi dành cho giáo viên môn Lịch sử, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đặc biệt coi trọng việc tập huấn giáo dục Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông lần này và coi đây là điểm nhấn của năm học 2019-2020. Mục tiêu của đợt tập huấn là nâng cao nhận thức và năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông về giáo dục Lịch sử trong chương trình GDPT hiện hành và chương trình GDPT mới. Do đó yêu cầu đặt ra là các thầy cô giáo cần đổi mới phương pháp dạy học nhằm khơi gợi niềm yêu thích học tập môn Lịch sử trong mỗi học sinh, giúp các em thấy rằng môn học này quan trọng và có hữu ích như thế nào trong cuộc sống thực tế của chính các em để từ đó, học sinh hình thành nhu cầu tự học và góp phần nâng cao chất lượng học tập môn Lịch sử. Các thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục tham dự tập huấn đồng thời sẽ là những hạt nhân lan tỏa tinh thần trên và nhân rộng các phương pháp dạy học tích cực để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử chung cho cả nước.
Video đang HOT
Các báo cáo viên tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục lần này là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục Lịch sử, đồng thời là thành viên ban soạn thảo Chương trình GDPT 2018, chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, như GS.TS Phạm Hồng Tung, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ…
Về vấn đề bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho chương trình GDPT mới nói chung, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay: Việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cần đảm bảo tiến độ về thời gian để đáp ứng lộ trình triển khai của chương trình. Theo đó, năm học 2020-2021 tới sẽ áp dụng chương trình mới cho tất cả học sinh lớp 1. Năm học 2021-2022, chương trình sẽ áp dụng cho lớp 2, lớp 6. Năm học 2022-2023, chương trình áp dụng cho lớp 3,7,10 và cuốn chiếu. Đến năm học 2024-2025, các lớp sẽ triển khai chương trình GDPT mới.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, việc tập huấn giáo viên sẽ được giao nhiệm vụ cho các trường ĐH Sư phạm và Học viện quản lý giáo dục trọng điểm, có hai điểm mới cốt lõi so với phương thức truyền thống, khắc phục những hạn chế trước đây. Thứ nhất, nội dung chương trình bồi dưỡng được xây dựng bám sát yêu cầu đạt chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, hiệu trưởng phổ thông và cán bộ quản lý sở, phòng GDĐT. Thứ hai, nội dung tập huấn tập trung vào đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá. Hiệu trưởng tập trung vào quản trị nhà trường. Cán bộ quản lý sở, phòng tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo, quản lý giáo dục. Bộ GDĐT kỳ vọng, việc kết hợp giữa các trường ĐH Sư phạm với Sở GDĐT 63 tỉnh thành dưới sự chỉ đạo của Bộ GDĐT trong bồi dưỡng giáo viên sẽ tạo ra sự thống nhất, bài bản. Lãnh đạo các trường ĐH sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng GDĐT về chất lượng giáo viên được bồi dưỡng.
Đã thực sự sẵn sàng?
Theo như lộ trình thực hiện nói trên, thời điểm triển khai chương trình GDPT mới đang đến rất gần, và là một thách thức đối với nhiều giáo viên. Không riêng các trường vùng sâu, vùng xa, mà ngay tại trung tâm Hà Nội, nhiều thày cô cũng băn khoăn về chương trình GDPT sẽ được hiện thực hóa trong các nhà trường thế nào. Trong khi thay đổi lớn nhất của chương trình mới là chuyển từ cách dạy truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực. Như vậy, muốn học sinh phát triển bao nhiêu năng lực thì cũng cần phải trang bị ít nhất bằng đó năng lực cho giáo viên ở mức độ cao hơn. Trong bối cảnh cấp tập của năm học bản lề, nhiều người lo ngại rằng: Việc chạy theo đúng những gì đang có của chương trình mới theo kiểu giáo viên vừa xếp hàng vừa chạy sẽ rất khó khăn. Bởi các giáo viên chỉ được tập huấn vỏn vẹn vài ngày, liệu có đáp ứng được với yêu cầu đặt ra hay không?
Phân tích từ các chuyên gia cũng cho thấy, chương trình GDPT mới thực hiện trên đội ngũ giáo viên hiện hành nghĩa là thực hiện nhiệm vụ mới trên số lượng người cũ. Như vậy, làm thế nào để kỳ vọng việc tập huấn thực sự làm đổi thay về tư duy, phương pháp.
Thứ trưởng Bộ GD ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Việc bồi dưỡng giáo viên trước đây chủ yếu theo cách truyền thụ kiến thức với một số nội dung có sẵn và giáo viên cũng muốn được mang cái có sẵn đó về giảng dạy cho học sinh. Kiểu cầm tay chỉ việc như thế rất dễ dàng cho giáo viên và người đi bồi dưỡng. Nhưng ở chương trình GDPT mới, nhận thức và cách thức bồi dưỡng đã thay đổi. Do đó, phải biến quá trình được bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng; giáo viên phải chủ động, năng động tìm hiểu, nắm bắt nội dung, yêu cầu, mục tiêu cần đạt… của chương trình GDPT mới, chương trình các môn học. Chương trình mới được thiết kế theo hướng mở để giáo viên được chủ động, sáng tạo trong cách giảng dạy của mình.
Cùng với mối lo về bồi dưỡng giáo viên, thì những quan tâm về SGK cũng được đặt ra. Theo lộ trình, SGK mới sẽ được công bố vào đầu tháng 10. Thế nhưng, hiện việc thẩm định SGK đã sang đến vòng 2, vẫn còn 11 cuốn bị đánh giá “không đạt”. Cùng với đó là những ý kiến trái chiều về bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá “không đạt”, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc triển khai dạy bộ SGK công nghệ này trong chương trình GDPT mới trong nay mai. Cho dù ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD ĐT cho hay: Bộ tôn trọng sự dân chủ trong quy trình thẩm định SGK, tôn trọng ý kiến của Hội đồng thẩm định và tác giả. Trường hợp Hội đồng và nhóm tác giả SGK không có tiếng nói chung thì cả hai bên (Hội đồng và tác giả) đều có quyền đề nghị Bộ GDĐT mời một lực lượng thứ ba làm việc độc lập để có một đánh giá khách quan; các bản thảo SGK không đạt ở đợt này, nếu sửa chữa theo những góp ý của Hội đồng thẩm định thì có thể đăng ký thẩm định lại vào tháng 11/2019…Song dư luận vẫn nghi ngại, việc sửa chữa, bổ sung ấy có làm ảnh hưởng đến quy trình phát hành SGK hoặc ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận SGK của học sinh hay không?
Lý giải cho lo lắng này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện nay, SGK vẫn đang được coi là phương tiện đầu tiên để tiếp cận với chương trình mới. Nhưng cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xuất bản sách thì quan trọng hơn cả vẫn là cách thức triển khai bộ sách này đến với giáo viên, học sinh. Sớm hay muộn cũng sẽ có bộ sách được lựa chọn. Tuy nhiên, trong quỹ thời gian còn lại có hạn thì việc tổ chức thực nghiệm đánh giá SGK dường như là nhiệm vụ bất khả thi.
Cuối cùng, yêu cầu về cơ sở vật chất cũng là điều kiện nòng cốt để thực hiện thành công chương trình GDPT mới. So với yêu cầu của chương trình, nhiều trường học vẫn đang thiếu phòng học, thiết bị dạy và học, đặc biệt là thiếu không gian trải nghiệm để thực hiện cấu phần nội dung mới và chiếm tỷ lệ lớn là hoạt động trải nghiệm.
Bộ GDĐT cho hay, đã chỉ đạo ban hành các quy định về chuẩn, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho các trường mầm non, phổ thông và các văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình GDPT. Trong đó mục tiêu, lộ trình và kinh phí thực hiện đề án được xây dựng đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT mới. Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương đề xuất danh mục và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để giao vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2017 – 2020. Tổ chức rà soát quy định hiện hành về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường phổ thông…
Dẫu thế, trong bối cảnh cấp tập của năm học bản lề 2019- 2020, khi mà những câu chuyện của ngành Giáo dục vẫn tồn tại dai dẳng như nạn lạm thu trường học, dạy thêm học thêm, bệnh thành tích trầm kha, bạo lực học đường nhìn từ mọi phía…thì khó có thể nói rằng mọi thứ sẽ thay đổi ngay để đón chương trình GDPT – trong vòng thời gian còn lại của năm học này. Nhiều kỳ vọng đang được nhen lên, nhưng rõ ràng là cần thực hiện cho chắc chắn, mọi sự đều không thể vội vã.
Minh Quang
Theo daidoanket
Hà Giang: Tập huấn CTGDPT mới cho đội ngũ CBQL, GV
Sở GD&ĐT Hà Giang vừa phối hợp cùng trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức bồi dưỡng, triển khai thực hiện CTGDPT mới cho 100% cán bộ quản lý, chuyên viên Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng...
Ảnh minh họa.
Tập huấn diễn ra những nội dung: Hướng dẫn thực hiện CTGDPT mới; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện CTGDPT mới; Công tác quản lý và chỉ đạo hoạt động dạy và học trong nhà trường phổ thông đáp ứng yêu cầu của CTGDPT mới.
Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai thực hiện CTGDPT mới, các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Hà Giang được quán triệt tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Cùng đó, tăng cường công tác sửa chữa, sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất.
Đồng thời tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của đội ngũ nhà giáo, nhân dân về CTGDPT mới, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đức Trí
Theo GDTĐ
Vĩnh Long: Tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu giáo viên thực hiện chương trình mới Sở GD&ĐT Vĩnh Long xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2019 - 2025; trong đó một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đưa ra là đảm bảo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục và nhân viên triển khai thực hiện chương trình GDPT. Ảnh...