Triển khai Chương trình GD phổ thông mới: Không để phụ huynh lo lắng
Năm học 2020 – 2021, Hà Nội có hơn 160.000 HS vào lớp 1 (tăng hơn 9.000 em so với năm học trước). Đây sẽ là thế hệ đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với bộ sách giáo khoa (SGK) mới. Điều này khiến nhiều cha mẹ HS không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Trường Tiểu học Giang Biên, quận Long Biên đón học sinh lớp 1.
Còn chút bỡ ngỡ
Đây là tâm lý chung của nhiều cha mẹ HS có con học lớp 1 năm học này. SGK mới với nhiều bộ được các trường lựa chọn khiến phụ huynh băn khoăn không biết HS tiếp cận như thế nào, cha mẹ liệu có thể phối hợp kèm cặp thêm con khi ở nhà…
Anh Trần Văn Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con vào học lớp 1 ở Trường Tiểu học Nguyễn Du bày tỏ: Chương trình mới, sách mới gặp khá nhiều khó khăn khi các con, nhà trường, thầy cô và cả phụ huynh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không có nhiều điều kiện để tiếp cận với môi trường mới, cách học tập, rèn luyện mới.
Cầm trên tay bộ SGK lớp 1 với nhiều đầu sách của các nhà xuất bản khác nhau, chị Thu Hằng (quận Tây Hồ, Hà Nội) có con vào học Trường Tiểu học Chu Văn An băn khoăn: Những năm trước học một bộ sách, năm nay không biết với nhiều bộ sách như thế này, con sẽ tiếp nhận kiến thức và học bài, làm bài ra sao?
Thực tế làm công tác tuyển sinh tại trường, bà Hứa Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Khi đăng ký nhập học cho con, nhiều phụ huynh HS bày tỏ băn khoăn và lo ngại bởi năm học đầu tiên các con học Chương trình SGK mới mà mỗi trường lại lựa chọn một bộ sách khác nhau, thậm chí có trường chọn mỗi bộ sách một vài quyển. Khi HS chuyển trường, có ảnh hưởng gì đến việc học tập của con hay không? Tuy nhiên, tất cả các ý kiến của cho mẹ HS đều được chúng tôi ghi nhận và giải đáp đầy đủ.
Video đang HOT
Yên tâm phối hợp với nhà trường
Cán bộ, giáo viên quận Hoàn Kiếm tham gia lớp tập huấn sách tiếng Anh lớp 1. Ảnh: TG
Bà Hoàng Thị Minh Hương – Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Đón đầu Chương trình GD phổ thông 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý các cấp học, môn học.
Sau đó, sở triển khai tập huấn SGK mới cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp dạy lớp 1, giáo viên dạy các môn chuyên biệt. Nội dung bồi dưỡng tập trung cả về kiến thức và kỹ năng sư phạm, trong đó bồi dưỡng để mỗi giáo viên nắm vững cấu trúc chương trình mới, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cũng như hiểu sâu hơn bộ SGK đã lựa chọn trước khi thực hiện.
Bà Hương nhấn mạnh: Bên cạnh triển khai công tác tập huấn cán bộ giáo viên, ngành GD-ĐT Hà Nội còn yêu cầu các đơn vị rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để bảo đảm điều kiện dạy học tốt nhất cho khối lớp 1 ở các trường tiểu học. Đây là chủ trương từ nhiều năm nay của Hà Nội, ưu tiên những điều kiện tốt nhất (về đội ngũ GV, trang thiết bị dạy học…) cho HS lớp 1.
Với công tác chuẩn bị này, theo bà Hương, phụ huynh HS không nên quá lo lắng khi con em mình theo học Chương trình SGK mới. Toàn ngành Giáo dục và các nhà trường đã sẵn sàng mọi điều kiện để bảo đảm cho các em nội dung và phương pháp học tập, rèn luyện phù hợp nhất.
GV dạy học chương trình mới sẽ vừa cung cấp kiến thức, vừa phát triển hài hòa cả phẩm chất “chăm học, chăm làm, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật”, các năng lực “hợp tác, tự quản, tự học và giải quyết vấn đề” cho HS.
Để triển khai Chương trình SGK mới hiệu quả, trong thời gian đầu năm học 2020 – 2021, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức các lớp chuyên đề tại cơ sở giáo dục để 100% GV dạy lớp 1 tiếp tục được học tập, bồi dưỡng và triển khai vào thực tiễn dạy học.
Tại Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên), Hiệu trưởng Hứa Thu Huyền nhận định: Chủ trương thực hiện “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” sẽ có nhiều lựa chọn cho người dạy. Dù các trường lựa chọn sử dụng bộ sách nào cũng phải hướng đến chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản và đạt được chuẩn đầu ra. Vì thế, nếu HS vì lý do nào đó phải chuyển trường cũng không bị ảnh hưởng quá lớn đến kết quả học tập khi các con đang học bộ sách này lại chuyển sang bộ sách khác.
Trường Tiểu học Giang Biên đã tổ chức cho GV nghiên cứu 5 bộ SGK lớp 1 mới và thống nhất lựa chọn, sử dụng bộ sách Cánh diều do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn với thông điệp “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”.
Các bài học trong sách với kênh hình, kênh chữ sinh động, đẹp và gần gũi, gắn liền với cuộc sống của HS, giúp các em dễ dàng tiếp thu hơn. Đặc biệt, bộ sách Cánh diều có ưu điểm nổi bật và khác biệt, đó là hệ thống SGK điện tử tương tác hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GD phổ thông 2018, cho phép cá nhân hóa người học.
Cô Huyền cho biết: Ban giám hiệu nhà trường chủ động mua đầy đủ SGK và sách GV cho thư viện nhà trường. Ngoài bộ sách Cánh diều được lựa chọn sử dụng chính thức, nhà trường còn mua thêm 4 bộ SGK của tác giả khác để GV tham khảo.
Ban giám hiệu đã chỉ đạo GV tập huấn, nghiên cứu chương trình, SGK; xây dựng và thực hiện các chuyên đề dạy thử nghiệm các môn học, rút kinh nghiệm; thống nhất áp dụng các phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận, phát triển năng lực, giúp HS hứng thú học tập, chủ động nắm bắt thông tin. Các em được trải nghiệm, sáng tạo, có kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và hợp tác tốt.
Ninh Kiều tích cực chuẩn bị Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Năm học 2020-2021, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ bắt đầu được triển khai thực hiện đối với lớp 1. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực phục vụ công tác này.
Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Nguyễn Du đảm bảo 1 lớp/1 phòng phục vụ học sinh lớp 1.
Chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới, những năm qua Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi đã quán triệt trong toàn thể cán bộ, giáo viên về việc công tác này; tuyên truyền trong các cuộc họp với phụ huynh học sinh. Đồng thời niêm yết 2 bảng lớn thông tin mục tiêu, ý nghĩa Chương trình GDPT cũng như danh mục sách giáo khoa mới lớp 1 sẽ giảng dạy.
Cô Nguyễn Thỵ Xuân Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Chúng tôi phối hợp với các trường mầm non trên địa bàn tuyên truyền trong phụ huynh học sinh và khi trường phát hành hồ sơ lớp 1 đều có kèm tờ giấy màu giới thiệu bộ sách lớp 1 để phụ huynh biết, tìm mua đúng sách".
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Trường đã tạo điều kiện cho tất cả cán bộ, giáo viên tham gia các đợt tập huấn về chương trình do ngành giáo dục tổ chức; chủ động dự kiến biên chế lớp, sắp xếp giáo viên dạy lớp 1 và mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học, sách giáo khoa mới. Hiện 57 phòng học và phòng chức năng của trường đảm bảo yêu cầu dạy và học.
Dự kiến năm học mới, trường có 8 lớp 1 với 285 học sinh; 13 giáo viên được phân công dạy lớp 1, đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Cô Nguyễn Thỵ Xuân Thảo nói: "3 năm gần đây, giáo viên từng bước tiếp cận dạy học theo phương pháp giáo dục mới thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Trường đã tổ chức được cho 100% học sinh học bán trú. Đây là một trong các điều kiện thuận lợi để trường triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới".
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Du, khi phụ huynh, người dân đến trường sẽ thấy hình ảnh pano tuyên truyền về Chương trình GDPT mới. Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh, trường lồng ghép tuyên truyền về triển khai thực hiện Chương trình GDPT. Tháng 4-2020, trường đã hoàn tất việc lựa chọn sách giáo khoa mới lớp 1; đồng thời niêm yết danh mục sách được chọn, gửi đến các trường mầm non trên địa bàn nhằm thông tin với phụ huynh học sinh. Theo thầy Lê Kinh Đô, Hiệu trưởng nhà trường, qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về các bộ sách, các giáo viên đánh giá điểm mạnh của từng cuốn sách theo các tiêu chí, từ đó giúp thầy cô tổ chức các hoạt động dạy học hiệu quả hơn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nhà trường còn tạo điều kiện cho tất cả 42 cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1, tham gia học các lớp tập huấn, bồi dưỡng về Chương trình GDPT mới. Thầy Lê Kinh Đô nói: "Hiện 9 giáo viên dự kiến dạy lớp 1 năm học mới đã sẵn sàng. Dự kiến năm học mới có 194 học sinh lớp 1; trường đảm bảo lớp học đúng chuẩn quy định 1 lớp/1 phòng".
Tương tự 2 đơn vị trên, các trường tiểu học trên địa bàn quận Ninh Kiều đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Tùy mỗi trường có sự chuẩn bị phù hợp. Nổi bật nhất là các trường đã thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm; đa dạng các hoạt động trải nghiệm, từng bước tiếp cận Chương trình GDPT mới. Theo lãnh đạo các trường, phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 không nên quá lo lắng, bởi khi trẻ hoàn tất chương trình mầm non đã làm quen 24 chữ cái, con số. Cuộc họp đầu tiên giữa giáo viên khối lớp 1 và phụ huynh sẽ được tư vấn kỹ chuẩn bị vật dụng cần thiết khi trẻ đến trường. Tuần đầu tiên học sinh vào học, giáo viên giúp trẻ làm quen với môi trường, nề nếp học tập ở bậc tiểu học.
Năm học 2020-2021, quận Ninh Kiều dự kiến có 4.096 học sinh lớp 1, với 116 lớp. Chuẩn bị phục vụ Chương trình GDPT mới, quận có 22 trường tiểu học công lập, với 507 phòng học và 121 giáo viên chủ nhiệm và 116 giáo viên bộ môn được tập huấn chuẩn bị dạy học theo sách giáo khoa mới lớp 1.
* * *
Nhiều năm qua Ninh Kiều đã tích cực chuẩn bị và đến nay cơ bản hoàn tất các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, đội ngũ cán bộ giáo viên phục vụ Chương trình GDPT mới. Cô Lâm Thanh Liễu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều, cho biết: Ngành tiếp tục rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp, nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục, phù hợp với nhu cầu xã hội. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý giáo dục. Các trường tiếp tục đổi mới đồng bộ việc thực hiện Chương trình GDPT hiện hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới chương trình, sách giáo khoa gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GDPT.
Danh sách 25 trường tiểu học ở quận Nam Từ Liêm: Hàng loạt các trường có tiếng tăm, tha hồ cho cha mẹ chọn lựa Quận Nam Từ Liêm ghi nhận có tới 14 trường công lập và 11 trường ngoài công lập. Trong đó có những cái tên được nhắc đến nhiều như Nam Từ Liêm, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie, Lômônôxốp, Vinschool... Quận Nam Từ Liêm được thành lập năm 2013 với 10 phường, bao gồm: Cầu Diễn, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Phú Đô,...