Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò lớn trong việc mở rộng không gian học tập, lĩnh hội tri thức của học sinh, sinh viên trong tương lai. AI cũng sẽ tác động không nhỏ đến môi trường học tập và phương pháp giảng dạy của người giáo viên trong tương lai.
Nhưng liệu AI sẽ thay thế được giáo viên hay chỉ đứng vai trò trợ giảng?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen
Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen quanh chủ đề này.
- Những thành tựu nổi bật của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được nhiều trường học áp dụng. PGS có thể cho biết thành tựu nổi bật của công nghệ này?
- Với giáo dục, AI được sử dụng nhiều trong giảng dạy tiếng Anh vì dữ liệu ngôn ngữ tiếng Anh hiện nay rất lớn và nhu cầu đối với các dịch vụ AI hỗ trợ học tiếng Anh cũng rất cao.
Thành tựu nổi bật nhất của công nghệ AI trong giảng dạy ngoại ngữ các năm gần đây là các hệ thống hỗ trợ dịch nói và dịch viết tự động. Công nghệ nhận dạng giọng nói cũng đã có những bước tiến dài và được tích hợp vào khá nhiều các ứng dụng dạy học ngoại ngữ hiện đại.
- Tại hội thảo về ứng dụng AI vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy mới đây, nhiều học giả cho rằng; tương lai “trợ lý ảo” sẽ đóng vai trò lớn trong hỗ trợ giảng viên dạy học. PGS có thể cho biết ưu và nhược điểm của AI?
- Trong giảng dạy ngoại ngữ, các hệ thống AI giúp học viên nhận được nhiều phản hồi có giá trị cho việc học gần như tức thời. Từ đó, sự hứng thú của học viên và thời lượng tiếp nhận ngữ liệu ngoài giờ học truyền thống tăng lên. Tuy nhiên, AI xét cho cùng cũng chỉ là các thuật toán xử lý dữ liệu nên không thể đưa ra đề xuất, đánh giá tốt cho mọi tình huống.
Video đang HOT
- Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới dạy và học, hướng đến việc học của học sinh, sinh viên không còn giới hạn và không gian. Nhưng nó cũng để lại nhiều lo ngại nơi đội ngũ giảng viên. Theo PGS “trợ lý ảo” có thể thay thế được giáo viên trong tương lai không?
- Thực tế, kiến thức và kĩ năng là kết quả của nhiều loại tương tác, như tương tác giữa người học với nhau, tương tác giữa giáo viên và học viên, tương tác giữa học viên với nhân viên, với trường, lớp, sách vở, thư viện… “Trợ lý ảo” hiện nay mới chỉ tăng cường tương tác giữa người học với máy tính và làm nền tảng giúp việc tương tác giữa người thật với nhau được nhanh, hiệu quả hơn. Vì vậy, trong tương lai gần, “trợ lý ảo” chưa thể thay thế giáo viên được.
- Không gian học thuật mở rộng, công nghệ tích hợp nhiều giải pháp giảng dạy mới, người giáo viên chắc chắn phải thay đổi. PGS có thể cho biết, khi áp dụng công nghệ AI sâu và mạnh vào việc đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên cần phải thay đổi gì?
- Như tôi đã nói, AI sẽ không thay thế giáo viên, nhưng giáo viên biết sử dụng các hệ thống AI sẽ thay thế những giáo viên không biết sử dụng chúng. Tôi nghĩ giáo viên cần làm quen với các công cụ AI và tìm cách ứng dụng trong công việc cụ thể của mình.
- Phương pháp giảng dạy thay đổi, môi trường và không gian học tập thay đổi, người học (HS-SV) có cần phải thích ứng và thay đổi theo không, thưa PGS?
- Người học nên theo dõi, cập nhật các tiến bộ của công nghệ để tránh rơi vào tình huống phải cạnh tranh việc làm trực tiếp với AI. Tôi nghĩ khả năng tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, khả năng cảm thụ nghệ thuật, rung động trước cái đẹp, kĩ năng giao tiếp là những yếu tố nhà tuyển dụng nào cũng cần mà AI hiện nay lại gần như không có.
- Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ!
Nguyễn Tú (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Đổi mới các bước lên lớp: Làm sao để học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức?
Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải thay đổi từ cách tiếp cận kiến thức chuyên môn tới phương pháp giảng dạy.
Việc tổ chức các hoạt động lên lớp của giáo viên sẽ hướng đến chủ thể chính là người học. Đây là khâu rất quan trọng trong tiến trình giáo viên truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Giáo viên phải tạo cho học sinh tính tích cực chủ động lĩnh hội kiến thức. Ảnh: TG
Bắt đầu từ các bước lên lớp
Cô Hồ Thu Giang, Tổ trưởng Tổ Sinh học và Công nghệ Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ chia sẻ: Việc đổi mới phương pháp dạy học được tích cực áp dụng tại nhà trường trong những năm học gần đây. Bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học theo dự án, theo chủ đề, vấn đề đổi mới hoạt động lên lớp theo 5 bước đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới đã mang lại hiệu quả giáo dục cao. "Tiến trình lên lớp đã có những thay đổi với 5 bước bao gồm các hoạt động: Gợi mở, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng các kiến thức và cuối cùng là tìm tòi mở rộng, nâng cao kiến thức cho học sinh", cô Hồ Thu Giang nhấn mạnh.
Cô Hồ Thu Giang cũng đưa ra ví dụ cụ thể đối với bài dạy về Di truyền học quần thể trong chương trình Sinh học THPT. Theo đó, bài này sẽ được tiến hành trong hai tiết học. Dạy theo 5 bước đổi mới hoạt động lên lớp, trước khi bước vào bài học, giáo viên sẽ phân công từng nhóm học sinh tìm hiểu các nội dung của chủ đề bài học. Một nhóm sẽ tìm hiểu khái niệm, đặc điểm về quần thể, di truyền về quần thể. Một nhóm sẽ trình bày về cấu trúc di truyền của quần thể tự phối. Một nhóm sẽ trình bày về cấu trúc di truyền của quần thể ngẫu phối. Nhóm còn lại sẽ thực hiện các bài tập vận dụng về di truyền học.
Khi đưa ra các tiểu chủ đề nhỏ, học sinh sẽ tự phân công trong nhóm để tìm hiểu trên cơ sở nội dung cơ bản đã có trong tài liệu lý thuyết, từ đó có hướng để tìm hiểu về bài học, bám sát kỹ vào từng nội dung. Đến tiết học, trên cơ sở các nội dung đã chuẩn bị, học sinh sẽ lên trình bày theo nhóm. Tuy nhiên, giáo viên sẽ gọi lên trình bày một cách ngẫu nhiên để học sinh luôn có ý thức tự tìm hiểu bài trước khi đến lớp.
Sau khi từng nhóm trình bày, các nhóm khác sẽ đóng góp các ý kiến bổ sung để làm rõ thêm vấn đề trong bài học. Nhóm trình bày sẽ đặt câu hỏi cho các bạn nhóm khác. Ngược lại, nhóm ngồi nghe sẽ đặt câu hỏi cho các bạn nhóm báo cáo. Những câu hỏi hay sẽ được khuyến khích bằng điểm số để kích thích sự tham gia của cả lớp. Thông qua những hoạt động học tập này, các em cũng có sự đánh giá với nhau về mức độ hiểu bài, cũng như ứng dụng vào việc làm bài tập.
Sau khi học sinh trao đổi và đã khẳng định được các nội dung bài học, giáo viên sẽ tổng hợp lại lượng kiến thức để các em nắm chắc trọng tâm bài học. Với cách tổ chức lên lớp theo 5 bước này, học sinh sẽ được hoạt động tối đa, tự hình thành kiến thức trên cơ sở chủ động.
Học sinh được thực hành nhiều hơn trong từng môn học. Ảnh: TG
Nhiều ưu việt
Cô Đỗ Hà Loan, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS An Thới (TP Cần Thơ) chia sẻ: Để học sinh năng động, chịu khó suy nghĩ tìm tòi, việc đổi mới các bước lên lớp cần được các thầy cô ứng dụng linh hoạt, đặc biệt phù hợp với các đối tượng học sinh.
Ví dụ, dạy một bài đọc hiểu về một tác phẩm, phần khởi động, giáo viên nên đưa ra những câu hỏi nhẹ nhàng để số đông học sinh thực hiện được, tạo sự hào hứng trong lớp học. Giáo viên cũng có thể gợi ý cho học sinh đọc một bài thơ, hay hát một đoạn ca khúc gần gũi với bài học. Với không khí thoải mái sẽ tạo cho các em tâm thế vui vẻ khi bước vào bài học.
Trong bước hình thành kiến thức cho học sinh, trước đây giáo viên thuyết trình là chính, thì nay sẽ yêu cầu các em thực hiện các nội dung theo phiếu học tập (do giáo viên thiết kế và học sinh chuẩn bị theo từng câu hỏi). Các nhóm trong lớp sẽ phân công nhau trình bày các nội dung đã chuẩn bị. Những câu hỏi theo các mức độ từ việc phát hiện các chi tiết trong tác phẩm cho tới những câu hỏi cần sự cảm nhận, đánh giá ở mức độ cao hơn. Tới hoạt động luyện tập, giáo viên có thể cho học sinh viết những suy nghĩ cảm nhận của mình về tác phẩm, về nhân vật, về một chi tiết đặc sắc...
Khi các em được trực tiếp tìm hiểu về tác phẩm, các em sẽ hiểu bài và nhớ lâu hơn, đồng thời bày tỏ được suy nghĩ của mình về tác phẩm. Trong quá trình dạy, giáo viên sẽ chốt lại vấn đề và nâng lên những tầng bậc ý nghĩa sâu hơn. Đặc biệt với cách dạy này, học sinh được rèn về các kỹ năng từ đọc hiểu cho tới biết cách phân tích, trình bày một vấn đề, khuyến khích tư duy độc lập của học sinh. Trong bước vận dụng, học sinh được tìm hiểu với những liên hệ gần hơn với thực tế. Tiếp theo giáo viên sẽ gợi ý cho học sinh tìm hiểu thêm một số tài liệu có liên quan để có kiến thức rộng hơn.
Thầy Nguyễn Thanh Bình, Tổ trưởng môn Vật lý, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) cũng cho biết: Khi áp dụng việc thay đổi trong cách tổ chức các bước lên lớp, học sinh thực sự hào hứng hơn khi tiếp cận kiến thức. Với môn Vật lý, việc đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng tới bước cho học sinh thực hành làm bài tập nhóm, bài tập gắn với thực tế giúp các em được trải nghiệm nhiều hơn.
Trong quá trình thực hành, học sinh có điều kiện quan sát, đánh giá học hỏi lẫn nhau. Những học sinh có sự chuẩn bị bài tốt sẽ hướng dẫn cho các học sinh trong nhóm mình. Ví dụ, với bài dạy về lực đàn hồi, lực ma sát, GV hướng dẫn học sinh quan sát trên thực tế. Đồng thời, giáo viên đưa ra những câu hỏi, yêu cầu các em lý giải vì sao lại có những hiện tượng đó xảy ra. Sau đó, các em sẽ được tham gia vào các thí nghiệm để thấy rõ hơn các hiện tượng này. Vai trò của giáo viên là tổng kết, khắc sâu kiến thức cho học sinh.
"Thay đổi các bước lên lớp có những ưu điểm: Học sinh có nhiều kỹ năng, hoạt động nhóm, tự học để có kiến thức của bài. Các em còn có kỹ năng thuyết trình, lắng nghe thu nhận thông tin và trình bày. Học sinh có sự chủ động trong việc lĩnh hội kiến thức. Với giáo viên, cách dạy này cần được chuẩn bị khoa học về nội dung bài giảng".
Cô Hồ Thu Giang
Châu Anh
Theo giaoducthoidai
Giáo viên "toát mồ hôi" với đổi mới Những năm gần đây, ngành Giáo dục đã không ngừng đổi mới. Giáo viên (GV) chúng tôi cũng toát mồ hôi vì sự đổi mới liên tục của ngành. Những buổi tập huấn, chúng tôi thường được nhồi nhét bằng những cụm từ nghe mà thuộc lòng như: "Phải phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh", "Học sinh phải tích...