Trị nhiễm sán lợn ra sao?
Vụ xét nghiệm tìm ấu trùng sán lớn nhất Việt Nam mấy ngày qua có đến 209 mẫu bệnh phẩm của học sinh (Thuận Thành, Bắc Ninh) được phát hiện mắc bệnh sán lợn.
Một học sinh tiểu học ở Bắc Ninh xét nghiệm sán tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư ngày 17-3 – Ảnh: THÚY ANH
Phát hiện bệnh sán lợn bằng cách nào và trị bệnh ra sao, làm sao phòng được căn bệnh này?
Có thể điều trị trong 2 tuần
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Huỳnh Hồng Quang, phó viện trưởng Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn, cho biết hiện nay có 51/63 tỉnh, thành cả nước lưu hành bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn. Bắc Ninh, một điểm nóng trong những ngày qua, không phải là ngoại lệ.
Theo ông Nguyễn Văn Kính – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, các loại thuốc hiện nay có thể diệt sán lợn trưởng thành trong 1 ngày và diệt hết ấu trùng sán trong vòng 2 tuần.
Với các trường hợp đã dương tính với ấu trùng sán, bà Tô Mai Hoa, giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, cho biết sẽ cấp thuốc điều trị cho các cháu theo phác đồ của Bộ Y tế.
“Bệnh sán dây lợn liên quan đến thói quen ăn uống. Do đó cách phòng ngừa tốt nhất là vệ sinh sạch sẽ tay chân miệng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện. Tuyệt đối không sử dụng phân người (tươi) để bón, tưới cho hoa màu, từ đó phát tán trứng sán.
Phải kiểm tra kỹ các nguồn thịt, nếu có các nang sán không nên sử dụng.
Đặc biệt có biện pháp tiếp xúc an toàn với các động vật có vú như heo, trâu, bò, chó, mèo, cừu, dê… Bởi đây đều là những vật chủ trung gian có thể là nguồn lây bệnh” – TS Huỳnh Hồng Quang cho biết.
Lưu ý các triệu chứng nhiễm sán
Theo TS Quang, các nguồn lây bệnh sán dây lợn rất đa dạng, có thể kể đến như nguồn nước bị ô nhiễm, nguồn rau, thịt, nguồn đất…
Thời gian ủ bệnh đối với sán dây (nang sán) là từ 8 – 10 tuần, tương đương hai tháng. Khi xác định ca bệnh, người bệnh phải điều trị trong vài đợt, mỗi đợt sẽ kéo dài từ 10 – 15 ngày.
Hiện nay ngoài kết quả xét nghiệm dương tính, còn có nhiều tiêu chuẩn để đánh giá ca bệnh sán dây từ các triệu chứng của bệnh nhân như rối loạn tiêu hóa, ra đốt sán hoặc có trứng sán trong phân hay không…
Video đang HOT
Trường hợp bệnh nặng chính là ấu trùng sán lợn.
“Trong ấu trùng sán dây thường tiết ra các nang sán giống như hạt đu đủ trương phình. Khi các nang này ký sinh vào trong cơ thể sẽ nở thành các ấu trùng di chuyển các nơi như não, gan, phủ tạng… có thể gây động kinh” – TS Quang nói.
Theo TS Quang, hiện nay các xét nghiệm về máu đối với các bệnh giun sán cũng có những điểm “hở”.
Tức là khi xét nghiệm vẫn có dương tính chéo với các con sán dây khác như giun sán chẳng hạn.
“Do đó khi đánh giá một ca bệnh, chúng tôi thường xem kết quả xét nghiệm chỉ là công cụ hỗ trợ, cộng với biểu hiện lâm sàng để điều trị cho người bệnh” – TS Quang nói.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Thông qua đường ăn uống, ký sinh trùng vào cơ thể người, khu trú ở ruột, tiếp tục chu du vào máu và về lại ở ruột gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho người.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Phong – Trường ĐH Y dược TP.HCM, trong giai đoạn khi sán đi từ máu về lại ruột thì bị mắc kẹt tại một số cơ quan của người như não, mắt, gan, cơ, da… gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người nhiễm sán không có triệu chứng đặc hiệu, tùy thuộc vào nơi ấu trùng sinh sống sẽ phát ra biểu hiện rõ hơn.
Nếu sán làm tổ ở mắt có thể khiến lồi nhãn cầu gây lác mắt, nhìn đôi, làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể bị mù.
Khi sán vào não, người nhiễm sán có thể bị nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ, gây viêm màng não do ký sinh trùng.
Và thực tế có rất nhiều trường hợp nhập viện viêm màng não do ký sinh trùng gây ra. Hoặc khi sán làm ổ trong tim sẽ gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng van tim, dẫn đến suy tim.
Phần lớn sán ký sinh sẽ lấy chất dinh dưỡng trong cơ thể khiến người nhiễm sán bị suy dinh dưỡng, thiếu máu…
Hoặc trường hợp khẩn cấp là đau bụng, khó chịu vùng bụng, cơ thể suy nhược, gầy còm, tiêu chảy…
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trẻ nhỏ luôn là đối tượng dễ bị nhiễm giun sán.
Để phòng ngừa nhiễm sán, người dân vẫn phải dựa trên nguyên tắc “ăn chín uống sôi”, lựa chọn thực phẩm an toàn.
Không ăn các loại thức ăn tái, sống, tiết canh, thực phẩm không rõ nguồn gốc…
Cha mẹ cần chú ý luôn rửa sạch tay cho bé trước và sau khi ăn; không cho bé bò trườn dưới nền nhà; luôn cắt móng tay móng chân sạch sẽ; đảm bảo nguồn thực phẩm mà con ăn uống. Tăng cường vệ sinh môi trường sống.
Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ. Tẩy giun sán định kỳ, đối với trẻ em đến người 60 tuổi một lần trong năm, đối với người già trên 60 tuổi cần tẩy định kỳ 6 tháng một lần.
Theo tuoitre
Tiến trình trứng sán trở thành sán dây trong cơ thể người
Sán trưởng thành có thể dài đến 12 mét, gồm hàng nghìn đốt, mỗi đốt chứa khoảng 50.000 trứng, sống ký sinh trong cơ thể người.
Bệnh sán dây/ấu trùng sán dây (sán lợn) chia làm hai dạng là ấu trùng sán và sán trưởng thành.
Với bệnh ấu trùng sán lợn, người ăn phải trứng sán lợn nhiễm trong thức ăn, nuốt vào dạ dày trứng sán nở ra ấu trùng và di chuyển đến ruột non. Ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và theo máu đến các cơ, mắt hay não rồi hóa nang, ký sinh ở đó. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán, người bệnh có những triệu chứng khác nhau.
Một mẫu sán dây lưu trữ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM.
Nếu nang sán nằm trong cơ, người bệnh xuất hiện những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động, không ngứa, không đau. U nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.
Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.
Trường hợp người bệnh có sán trưởng thành ký sinh trong ruột, khi đốt sán già sẽ rụng và thoát ra ngoài chủ yếu qua đường phân, nhiễm vào môi trường hoặc thức ăn, nước uống. Đốt sán có thể bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, tương tự ăn phải đốt sán mới. Khi ấy số lượng ấu trùng sán trong cơ thể sẽ rất nhiều.
Sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể người sẽ phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ tạo ra hàng nghìn đốt sán mới. Chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét. Mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, màu trắng ngà như xơ mít, đầu phẳng.
Các bệnh giun sán nói chung, khi sán vào cơ thể đều chiếm thức ăn dẫn đến cơ thể kém hấp thu dinh dưỡng, làm chậm phát triển thể lực, gây rối loạn tiêu hóa. Người nhiễm ấu trùng sán lợn phải chụp CT, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương.
Thịt lợn chứa các nang sán (còn gọi là lợn gạo).
Hiện có 2 loại xét nghiệm để xác định nhiễm sán lợn là tìm kháng thể và kháng nguyên. Tuy nhiên, cả hai loại xét nghiệm này không xác định được thời điểm nhiễm sán.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện phác đồ điều trị sán có thể diệt sán trưởng thành sau một ngày uống thuốc. Điều trị ấu trùng sán cần dài ngày hơn, thường hai tuần, cũng có thể kéo dài 4-5 đợt, mỗi đợt 21 ngày.
Phác đồ điều trị sán lợn hiện nay chỉ áp dụng từ bệnh viện tuyến huyện trở lên. Do đó Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không tự ý mua thuốc về dùng, cũng không nên điều trị bằng đông y, thuốc nam hoặc các thuốc dân gian vì dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Mô hình sán dây trong phòng thí nghiệm.
Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo để chủ động phòng bệnh sán dây cũng như ấu trùng sán lợn, người dân không được ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn), không uống nước lã.
Người dân cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành; sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông. Người nhiễm sán trưởng thành phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn.
Từ ngày 15/3, hàng nghìn phụ huynh ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) ồ ạt đưa con lên Hà Nội xét nghiệm sán, sau khi bếp ăn trường mầm non Thanh Khương bị phát hiện dùng thịt bẩn hồi đầu tháng 3. Đến tối 17/3 đã có 209 bé dương tính với sán lợn.
Sở Y tế Bắc Ninh ngày 18/3 tổ chức lấy mẫu cho học sinh 19 trường để gửi đến bệnh viện ở Hà Nội xét nghiệm. Đây là cuộc xét nghiệm tìm sán lợn quy mô lớn nhất ở Việt Nam, tính đến nay. Nguyên nhân nhiễm sán hiện chưa được xác định, đang chờ điều tra dịch tễ.
Cơ quan công an đang điều tra sự việc.
Lê Nga
Theo VNE
Sán lợn bị tiêu diệt khi nấu sôi 100 độ trong vòng 2 phút Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc chẩn đoán có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó. Nhiễm sán lợn thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín....