Giật mình cảnh sán dây rơi khi làm thịt lợn thả rông, hàng loạt người nhiễm bệnh
Hàng loạt trường hợp nhiễm bệnh sán dây lợn được phát hiện tại tỉnh Bình Phước. Ổ bệnh phát tán từ lợn (heo) bị nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Báo động: 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn
“Khi những con lợn (heo) thả rông ngoài rẫy được người dân làm thịt, chúng tôi giật mình trước cảnh ấu trùng lợn gạo rơi ra ngoài. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn sử dụng nguồn thịt này trong chế biến thức ăn hàng ngày, đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nhiễm sán dây từ lợn sang người khi thịt chưa được nấu chín hoặc ăn sống (món tiết canh).
Hiện nhiều xã đã ghi nhận có người nhiễm bệnh, mức độ lây lan có thể còn rộng hơn so với số ca bệnh được thống kê”. Thông tin trên được PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện Trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng, TPHCM chia sẻ ngày 6/11.
Người dân tự làm thịt lợn tại nhà ở khu vực Bù Gia Mập, Bình Phước
Theo đó, qua công tác giám sát, từ đầu năm đến nay đơn vị phòng chống và điều trị bệnh ký sinh trùng (giun, sán, nấm, đơn bào) ở khu vực phía Nam đã phát hiện ổ bệnh sán dây lợn (Taenia solium) từ những con lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, Xã Phú Nghĩa, Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước. Sau đó phát hiện nhiều trường hợp người nhiễm bệnh sán dây lợn ở địa phương này và các xã lân cận.
Viện đã tiến hành xét nghiệm những mẫu thịt lợn nghi ngờ bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo). Kết quả xác định các mẫu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao (50 – 70 nang ấu trùng/1kg thịt). Các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng.
Ngay sau đó, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng, TPHCM đã kết hợp với Trung tâm Y học Dự phòng Quân đội phía Nam (Bộ Quốc phòng) và các đơn vị y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ, xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn ở người tại các xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập của Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước. Kết quả cho thấy, có 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn (tỷ lệ 11,95%).
Ấu trùng sán dây được tìm thấy trong cả thịt và não của lợn
Theo PGS Thành Đồng: “Đây là tình trạng nhiễm bệnh rất cao, khả năng lây lan rất lớn cho cộng đồng. Bệnh xuất hiện do tập quán chăn nuôi lợn thả rông, ăn thịt lợn chưa nấu chín.
Video đang HOT
Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng đã thông báo cho y tế địa phương về tình trạng nói trên để phối hợp tổ chức phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, đến nay việc điều trị cho những người nhiễm bệnh chỉ được thực hiện một số rất ít, có thể là do cơ sở y tế địa phương thiếu thuốc điều trị.
Mặt khác, các biện pháp tuyên truyền vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường đến người dân chưa được giải quyết triệt để. Bệnh có thể đã xảy ra ở nhiều địa phương khác nhưng chưa được phát hiện”.
Sán dây lợn nguy hiểm ra sao?
Thông tin chuyên môn từ PGS Lê Thành Đồng cho hay: “Bệnh sán dây hoặc ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền.
Theo số liệu được báo cáo từ những nghiên cứu và các cơ sở điều trị, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây hay ấu trùng sán lợn”.
Những con lợn thả rông được xác định là vật lây truyền sán dây cho người
Khi chẳng may ăn phải trứng sán dây lợn, trứng sau khi vào dạ dày sẽ nở thành ấu trùng chúng tiếp tục di chuyển đến ruột non, ấu trùng có thể xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu. Lúc này, ấu trùng sẽ di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt… Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.
Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 – 2cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc (đậu phộng), di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Trường hợp ấu trùng khi đến dạ dày sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non, phát triển thành con sán dây trưởng thành trong đường ruột, khi đốt sán già rụng đi nó có thể bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột. Nếu tình huống này xảy ra cũng tương tự như người bệnh ăn phải đốt sán mới, số lượng ấu trùng sẽ rất lớn.
Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50,000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành từ 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.
Không ăn thịt sống, rau sống để tránh nhiễm sán và ấu trùng sán
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, chủ yếu gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Nặng hơn, bệnh nhân thường có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
PGS Thành Đồng khuyến cáo: “Người bị nhiễm sán dây lợn cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh nguy hiểm xảy ra. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi điều trị liên tục bằng thuốc”.
Để tránh nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dây lợn, cộng đồng không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống (nguy cơ bệnh ấu trùng sán lợn), không nuôi lợn thả rông. Cần quản lý nguồn phân tươi, sử dụng nhà cầu hợp vệ sinh tại những vùng có người nhiễm bệnh. Cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh tại các các lò giết mổ.
Vân Sơn
(lược ghi)
Theo Dân trí
Phạt tiền triệu nếu không cắt móng tay, không đeo găng tay khi tiếp xúc thực phẩm chín
Tại các căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể, quầy hành kinh doanh thức ăn ăn ngay... nếu người tham gia chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay sẽ bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng.
Nghị định 115/2018 của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018. Theo đó, nghị định quy định chi tiết điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm.
Với quy định này, sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
Tại các căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể, quầy hành kinh doanh thức ăn ăn ngay... nếu người tham gia chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay sẽ bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
Tại nơi kinh doanh ăn uống cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín; Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay; Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy cũng bị phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Với một trong các hành vi như: Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật;Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, các điểm a, b và c khoản 4, khoản 5 sẽ bị phạt từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi kể trên.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo đó, lao động được coi là không đủ điều kiện sức khỏe làm việc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm tại các cơ sở này khi mắc một trong các các chứng bệnh truyền nhiễm như lao tiến triển chưa điều trị; các bệnh tiêu chảy (tả, lỵ, thương hàn), chứng rối loạn cơ vòng bàng quang và hậu môn (són tiểu..), viêm gan virus (A, E); viêm đường hô hấp cấp tính; tổn thương ngoài da nhiễm trùng... Người không có các triệu chứng lâm sàng của bệnh đường ruột nhưng mang vi khuẩn gây bệnh cũng không được tham gia trực tiếp dây chuyền chế biến thực phẩm.
Người lao động trong lĩnh vực này phải được khám sức khỏe trước khi tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ và chịu sự quản lý nhà nước theo quy định của Bộ luật Lao động.
Nghị định cũng quy định rõ hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định.
Đánh giá về các quy định xử phạt chi tiết tại nghị định mới, ông Trần Văn Châu, Trưởng Phòng Công tác thanh tra Cục ATTP - Bộ Y tế cho rằng, nghị định đã có tính răn đe hơn khi quy định rõ mức phạt tiền với các vi phạm an toàn thực phẩm, không chỉ xử phạt cảnh cáo như trước kia.
Đặc biệt với thức ăn đường phối luôn được ưa chuộng, việc có chế tài để xử lý các vi phạm sẽ khiến người kinh doanh phải có ý thức đảm bảo an toàn thực phẩm hơn. Việc có chế tài sẽ khiến người bán hàng thay đổi hành vi, như chú ý tới cắt móng tay, dùng găng tay nilon khi tiếp xúc thực phẩm chín...
Tuy nhiên, ông Châu cũng nhấn mạnh việc tuyên truyền để người tiêu dùng quay lưng lại với thực phẩm không đảm bảo an toàn cũng là yếu tố tác động mạnh khiến những người kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo yếu tố sạch để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Ngoài việc tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm, nghị định mới bổ sung nhiều hành vi bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Lái xe khi say xỉn nguy hiểm như thế nào? Việc lái xe trong lúc say rượu gây ra những tác động nghiêm trọng cho sức khỏe nói chung và sự an toàn thân thể cá nhân và mọi người. Sau đây là một số tác động đáng lưu ý, theo trang tin Alcohol Rehab Guide. Ảnh minh họa: Shutterstock Thời gian phản ứng chậm Khi rượu xâm nhập hệ thống cơ thể,...