Trị “bệnh” hàn lâm trong môi trường đại học
Với tâm lý sính bằng cấp, người học cũng như người dạy hiện nay vẫn đang quá chú trọng đến kiến thức hàn lâm thay vì ứng dụng. Trong khi đó, mục tiêu của giáo dục đại học là đến năm 2020 ít nhất 70% sinh viên được đào tạo theo định hướng thực hành.
Chi phí cao là cản trở với chương trình đào tạo nghề nghiệp – ứng dụng so với chương trình truyền thống
Doanh nghiệp chê đào tạo
“Nhiều sinh viên tốt nghiệp nộp hồ sơ tuyển dụng ở chỗ chúng tôi với bảng điểm đẹp nhưng điều này không nói lên nhiều về người mà chúng tôi muốn tuyển”- TS. Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm nghiên cứu chính sách và phát triển chia sẻ. “Chúng tôi từng gặp phải những sinh viên tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ nhưng dịch không được, giao tiếp với khách hàng người nước ngoài cũng rất khó khăn. Sinh viên hiện nay lướt web rất nhanh nhưng trình bày văn bản chuẩn trên Word, Excel không làm được. Các kỹ năng làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp với khách hàng, với lãnh đạo, báo cáo… của sinh viên đều có vấn đề”- ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết thêm.
Cử nhân kinh tế, cử nhân Toán cũng bị vị TS này “chê” khi đưa ra những bài kiểm tra về toán thống kê hay phân tích số liệu. “Chỉ có một số sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Đây là những bạn xác định rõ công việc thực sự là gì nên có sự chuẩn bị phù hợp. Còn lại nhiều bạn đến phỏng vấn nhưng không biết nhà tuyển dụng cần vị trí gì, công việc như thế nào. Với việc thiếu định hướng như vậy thì đào tạo đang dẫn tới sự lãng phí lớn”. “Sinh viên ra trường không kiếm được việc làm tốt, lương thấp vì trình độ không đáp ứng thực tế. Nhiều em thay đổi tới 6 công việc trong vòng 2 năm, vậy là bao nhiêu kiến thức đào tạo chính ở trường sẽ rơi rụng hết” – TS. Nguyễn Ngọc Anh khẳng định.
Video đang HOT
Nhà trường “bất đồng” với nhà tuyển dụng
Trước yêu cầu đáp ứng nhu cầu xã hội đối với đào tạo ĐH, nhiều trường đang bắt tay triển khai chương trình đào tạo nghề nghiệp-ứng dụng thay vì nghiên cứu hàn lâm. Tuy nhiên, rất nhiều cản trở đặt ra khiến chương trình này không phát triển mạnh như mong muốn Theo như TS. Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, một trong những lý do đó là: “Tâm lý trọng bằng cấp trong xã hội. Thói quen quan tâm đến bảng điểm hơn là tay nghề và khả năng thực sự của sinh viên ra trường của các nhà tuyển dụng đang ảnh hưởng lớn đến chương trình đào tạo nghề nghiệp-ứng dụng. Nếu theo chương trình này, sinh viên khó có được một bảng điểm đẹp bởi yêu cầu cao với dự án thực hành, bài tập nhóm được đánh giá bằng nhiều nguồn, nhấn mạnh đến kỹ năng thực hành…”.
Đồng quan điểm, ông Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, sinh viên tham gia chương trình nghề nghiệp-ứng dụng được nhấn mạnh đến khả năng thực hành, bài tập nhóm, còn các sinh viên tham gia chương trình truyền thống chủ yếu học lý thuyết, đánh giá qua thi cử nên điểm số sẽ cao hơn hẳn. Cùng với đó GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, học phí những chương trình truyền thống thấp hơn nhiều lần so với học phí của chương trình đào tạo nghề nghiệp-ứng dụng, khiến cho sự lựa chọn của người học với chương trình này không cao.
Sản phẩm đầu ra kém nhạy bén, sáng tạo
Chương trình đào tạo nghề nghiệp-ứng dụng được đánh giá vượt trội về kiến thức thực tế, thực tập và ứng dụng, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy độc lập sáng tạo, nhạy bén và biết nắm cơ hội ngoài kiến thức chuyên môn như các chương trình truyền thống. Sinh viên chương trình này cũng được đánh giá là tích cực, năng động và tự tin hơn. Sau khi tốt nghiệp, khả năng có việc làm của sinh viên cũng cao hơn… Tuy nhiên, bài toán khó giải cản trở sự phát triển của chương trình này, theo GS.TS Phạm Quang Trung là phương thức đào tạo khác xa với cách truyền thống đào tạo của đa số các trường. Thực hiện thành công chương trình này đòi hỏi sự mạo hiểm và tiên phong, chấp nhận thách thức và trách nhiệm để đổi mới. Trong khi đó, TS. Phạm Thị Ly lại chỉ rõ tầm nhìn và chiến lược phát triển của các trường ĐH chưa rõ ràng. “Hiện có 8 trường ĐH thực hiện chương trình này nhưng có tới 6/8 trường coi họ là trường định hướng nghiên cứu. Như vậy, nhà trường sẽ ưu tiên hướng nghiên cứu hàn lâm và sẽ là rào cản khi phát triển theo hướng thực hành nghề nghiệp vì đây là 2 định hướng hoàn toàn khác nhau” – TS. Phạm Thị Ly phân tích.
Theo bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT thì phát triển chương trình một cách hiệu quả và nhân rộng các trường cần rất nhiều thay đổi cả về chính sách, cả về nền nếp… Trước nhiều khó khăn, đặc biệt là về tài chính, học phí thì vấn đề đầu tư cùng nhà nước, đặc biệt vai trò của doanh nghiệp thị trường lao động cần rõ hơn và phải cùng tham gia, mới có thể chuyển đổi được trước yêu cầu của Chính phủ đạt 70-80% sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp-ứng dụng đến năm 2020.
Theo ANTD
Trường kinh doanh quốc tế tháo chạy, học viên "ngậm trái đắng"
Bị cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam xử phạt nhưng trường Kinh doanh Melior vẫn tổ chức nhận học viên, rút ngắn thời gian đào tạo... rồi sau đó bỏ trốn khiến hàng trăm học viên "ngậm trái đắng".
Ngày 12/11, hàng trăm phụ huynh và học viên đã tụ tập trước trụ sở Trường Kinh doanh Melior (Việt Nam Melior Business School - MBS Vietnam), ở địa chỉ số 97 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TPHCM với tâm trạng lo lắng. Phía trước họ là cổng trường thân thuộc ngày nào nay đã đóng kín cửa với dòng thông báo của chủ tòa nhà là trường thiếu nợ tiền thuê nhà nên bị thu hồi trụ sở.
Các học viên đã gửi đơn cầu cứu đến công an địa phương, Sở GD-ĐT, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội của TPHCM... nhờ can thiệp. Các học viên cho biết, từ ngày 10/11 trở về trước, trường này vẫn hoạt động bình thường. Trường vẫn tổ chức thu học phí của học viên khóa mới... Thế nhưng, sáng 12/11, khi đến trường thì học viên "tá hỏa" khi trường đóng cửa, bảng hiệu bị tháo gỡ... Các học viên đã cố gắng liên hệ với nhà trường nhưng đều trong vô vọng. Truy cập vào trang thông tin điện tử chính thức của trường thì trang web cũng đang bị... ngưng hoạt động. Ngay cả giáo viên người nước ngoài đến sáng 12/11 mới biết sự việc cũng chạy đến cổng trường với vẻ mặt đầy ngao ngán.
Chủ nhà thông báo đóng cửa trụ sở vì trường nợ tiền thuê.
Các học viên cho biết, họ đã ký hợp đồng và đóng học phí với số tiền 10.500 USD, chưa tính tiền phí học tiếng Anh là 4.500 USD. Trong khi chưa nhận được bảng điểm gốc để chứng minh quá trình học tập của mình đối với đơn vị họ đang và sẽ làm việc thì nhà trường đã tháo chạy. Hiện có khoảng 155 học viên đang "ngậm bồ hòn" khi dính "quả lừa" của trường này.
Trong khi đó, Công ty Hà Liêm, đơn vị cho thuê tòa nhà số 97 Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận, TPHCM cho biết, ngày 11/11, công ty nhận thông báo bằng thư điện tử của đơn vị chủ quản trường Melior về việc ngưng hoạt động và chấm dứt thuê nhà trước thời hạn. Công ty Hà Liêm đã liên hệ với trường Melior để làm rõ các điều khoản trong hợp đồng nhưng không được. Vì vậy, Công ty Hà Liêm quyết định đóng cửa văn phòng, chấm dứt mọi hoạt động của trường, đồng thời, công ty này cũng gửi thông báo đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
Hàng trăm phụ huynh, học viên lo lắng, bức xúc khi trường đột ngột đóng cửa. (Ảnh: N.D)
Trước đó, tháng 5/2012, Trường Kinh doanh Melior đã bị Bộ GD-ĐT ra quyết định xử phạt gần 70 triệu đồng vì tuyển sinh trái phép. Khi trường bị Bộ GD-ĐT xử phạt, nơi này thay đổi hợp đồng, rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn thu học phí như cũ. Mới đây, Bộ GD-ĐT tiếp tục phạt đơn vị này 10 triệu đồng vì tái phạm. Đồng thời, Bộ GD-ĐT kiến nghị UBND TPHCM thu hồi giấy phép hoạt động tư vấn, tuyển sinh và đào tạo của Melior. Tuy nhiên, khi đang trong thời gian UBND TPHCM xem xét quyết định, lãnh đạo nơi này đã có hành động bất bình thường như trên.
Để giải quyết sự việc này, Sở Lao Động Thương binh Xã hội TPHCM đã có công văn hỏa tốc gửi UBND TPHCM kiến nghị phong tỏa tài khoản ngân hàng của trường này; dừng xuất cảnh đối với nhà đầu tư; thông báo cho Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Singapore thông báo tình hình và đề nghị phối hợp giải quyết... Sở LĐTB-XH TPHCM cũng đề nghị triệu tập người đại diện của Công ty Melior (đơn vị chủ quản trường Melior) lên làm việc, buộc trả lại học phí hoặc có phương án hợp lý để giải quyết quyền lợi cho học viên.
Được biết, trường Kinh doanh Melior Việt Nam là một thành viên thuộc Tập đoàn Giáo dục Melior (Singapore) được thành lập vào tháng 7/2009, chuyên đào tạo và cấp bằng quốc tế về ngành cử nhân quản trị kinh doanh. Ở Singapore, Melior là một trường tư không được nhiều người biết đến. Theo giấy phép đăng ký tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, Công ty TNHH Melior Việt Nam được hoạt động với chức năng chính là giáo dục nghề nghiệp. Người diện pháp luật của công ty này là ông Cheng Sim Kok.
Công Quang
Theo dân trí
GD phổ thông: Điều chủ chốt để mang lại thịnh vượng Cứ 12 em nhỏ ở Đông Á và Thái Bình Dương thì có 1 em không hoàn thành bậc tiểu học và thiếu kỹ năng cho công việc. Trong khi đó, các em cần những kỹ năng được giảng dạy trong trường tiểu học và cấp 2 để có thể kiếm việc làm phù hợp. Hong dường như trông giống một em bé...