Trên tay máy ảnh Fujifilm GFX-50R: Medium Format siêu cao cấp, giá trên 100 triệu đồng
Fujifilm GFX-50R chắc chắn là chiếc máy ảnh cao cấp nhất được ra mắt trong năm nay, kết hợp được chất lượng ảnh đỉnh cao với thiết kế range-finder cổ điển, nhỏ gọn. Mời bạn đọc chiêm ngưỡng loạt ảnh trên tay sản phẩm này tại Việt Nam.
Mùa Photokina năm nay, Fujifilm đã thả một ‘bom tấn’ xuống người chơi ảnh khi ra mắt chiếc máy ảnh GFX-50R. Đây là chiếc máy có cảm biến Medium Format (lớn hơn Full-frame 1.7 lần) thứ 2 của hãng, sau chiếc GFX-50S đã được công bố 2 năm trước. Đây chắc chắn là chiếc máy ảnh cao cấp nhất được công bố trong năm qua, và sẽ là một vật phẩm đắt tiền để tất cả các tay máy mơ ước sở hữu.
Khác với Fujifilm GFX-50S, thì GFX-50R được thiết kế theo kiểu dáng range-finder cổ điển, cũng như cắt bớt những chi tiết thừa để trở nên nhỏ gọn hơn. Nhìn máy rất giống với sản phẩm X-Pro 2, một chiếc máy mang cảm biến APS-C tầm cao cũng của Fujifilm, có mặt trước dán da và báng cầm nhỏ nhắn.
Điểm đặc biệt nhất và cũng là lý do tại sao chiếc máy này có giá bán trên 100 triệu đồng đó chính là cảm biến chụp hình. GFX-50R được trang bị cảm biến Medium Format với độ phân giải lên tới 51.4MP. Cảm biến lớn hơn Full-frame giúp máy có thể thu nhận được nhiều ánh sáng trên từng điểm ảnh, tạo ra các bức ảnh sạch sẽ và có độ chuyển màu tốt hơn. Cảm biến này đã được sử dụng trong máy Fujifilm GFX-50S và Hassblad X1D, là 2 chiếc máy đang đứng đầu trong bảng xếp hạng máy ảnh của DxOmark.
Và tất nhiên, là một sản phẩm của Fujifilm nên máy cũng có phần mềm xử lý X-Processor với các bộ giả lập màu phim nổi tiếng như Classic Chrome, Provia, Velvia…dựa trên những cuốn phim mà hãng đã bán ra trên thị trường. Những bộ giả lập này có lẽ đã làm nên tên tuổi của Fujifilm trên các dòng máy X-mount dạng nhỏ, nên việc chúng được trang bị trên các máy cao cấp là một quyết định đúng đắn.
Với thân hình nhỏ gọn hơn, GFX-50R được hãng hướng tới các đối tượng khách hàng chụp đời thường, chụp chân dung ngoại cảnh. Nhưng trên thực tế thì máy vẫn cao, dài và nặng hơn so với các máy Full-frame không gương lật trên thị trường, nhất là khi đã gắn các ống kính Medium format ‘quá khổ’ lên.
Đỉnh máy ta có hot-shoe để gắn đèn flash, vòng chỉnh tốc độ chụp, bù trừ sáng và nút bấm chụp. So với phiên bản ‘S’ thì ta thiếu đi vòng xoay riêng cho ISO, nhưng thông số này có thể chỉnh bằng vòng phía sau hoặc màn hình cảm ứng.
Tên sản phẩm được ghi trên nắp trên kim loại của máy.
Video đang HOT
Giống như tất cả dòng máy ảnh thuộc phân khúc chuyên nghiệp của Fujifilm thì GFX-50R có 2 khe cắm thẻ nhớ để có thể tăng dung lượng (overflow) hoặc lưu trữ song song để đảm bảo an toàn (back-up).
Các cổng kết nối được đặt hết xuống dưới, trong đó nổi bật có cổng USB Type-C để thực hiện chụp theo kiểu tethered, nhằm chuyển ảnh nhanh sang máy tính để xem theo định dạng chất lượng cao và chỉnh sửa được ngay. Đây là một tính năng được rất nhiều người chụp cao cấp sử dụng, nên chắc chắn chiếc máy ảnh này phải được trang bị.
Mặt sau của máy rất tốt giản, với 1 vòng xoay, nút xóa ảnh, nút chỉnh khả năng lấy nét, loại nút bấm Menu và xem trước.
Đặc biệt hơn là một cần xoay (Joystick) nhỏ để chỉnh điểm lấy nét và lựa chọn menu nhanh hơn.
Màn hình của máy có độ phân giải 2.36 triệu điểm ảnh, hỗ trợ cảm ứng đa điểm cũng như có thể lật ra ngoài để chụp ở những góc khó.
Nếu không muốn chụp bằng màn hình, người dùng có thể ngắm qua ống ngắm điện tử (EVF) độ phóng đại 0.77x độ phân giải 3.69 triệu điểm ảnh. Đây chắc chắn là ống ngắm điện tử đẹp nhất trên thị trường, nhất là khi so với các ống ngắm của máy ảnh Full-frame không gương lật vì có độ phóng đại lớn và độ sắc nét đều cao hơn.
Tính tới thời điểm hiện nay thì Fujifilm đã có 7 ống kính dành cho hệ thống máy ảnh Medium Format, với 6 ống kính Prime và 1 ống kính Zoom. Theo thông tin từ buổi trải nghiệm, trong 2019 hãng sẽ công bố thêm 3 ống kính nữa, nâng tổng số lên 10 chiếc. Tất nhiên hệ thống ống kính này có số lượng không thể bằng được dòng X-mount, hay các hệ máy của các hãng khác như Canon, Nikon, Sony… nhưng nó cũng đã đủ các dải tiêu cự thường được sử dụng nhất.
Đây không phải là sản phẩm cho đại đa số, vì có giá bán thân máy cùng các phụ kiện kèm thêm quá cao. Chỉ riêng viên pin cho máy thôi cũng đã có giá lên tới hơn 5 triệu đồng, các ống kính cũng thường có giá hơn 30 triệu đồng. Nhưng tất nhiên, đây là cái giá mà những nhiếp ảnh gia hi-end sẵn sàng trả để có chất lượng ảnh thuộc top đầu Thế giới.
Theo GenK
Trên tay Fujifilm GFX 50R: máy khá to nếu dùng ống kính lớn, giá 120 triệu đồng
Fujifilm GFX 50R là phiên bản 'R'út gọn kích thước từ chiếc GFX 50S mà thương hiệu máy ảnh Nhật Bản lần đầu gia nhập phân khúc máy ảnh cảm biến medium format.
Sở hữu phần cứng với cảm biến 51.4 MP cùng vi xử lý X-Processor Pro, GFX 50R sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc nếu anh em muốn một chiếc máy ảnh với chất lượng cao hơn full-frame, đồng thời muốn thân máy vẫn được gọn và nhẹ hơn những hệ thống medium format khác.
Khi cầm trên tay thực tế GFX 50R, cảm giác đầu tiên là kích thước lớn hơn khá nhiều khi nhìn sơ từ hình ảnh trên mạng. Bởi lẽ ban đầu mình vốn nghĩ rằng kích thước của nó bằng chiếc X-Pro2 hoặc lớn hơn một chút, chứ không nghĩ cầm thực tế lại lớn như vậy. Thực ra nếu ai đã từng nhìn thấy GFX 50S ngoài đời sẽ không cảm thấy bị 'sốc' như những người mới lần đầu thấy. Rõ ràng cảm biến kích thước 43,8 x 32,9 mm của dòng GFX đã khiến chiếc máy phải đủ lớn để đáp ứng những thông số quang học và phần cứng điện tử.
So với GFX 50S, GFX 50R có bề dày nhỏ hơn khá nhiều với chỗ dày nhất là 66,4 mm, nhỏ hơn 27% so với GFX 50R. Với kiểu dáng rangefinder nên không quá ngạc nhiên khi GFX 50R sẽ có báng cầm tay rất khiêm tốn. Vì vậy chiếc máy cần những phụ kiện mở rộng để có thể sử dụng với những ống kính cỡ lớn GF lens. Chiếc ống kính 63mm F2.8 R WR có lẽ là phù hợp với thân máy nhỏ hơn của GFX 50R. Tiếc là trong sự kiện mình không có dịp để gắn thử cho anh em thấy kích thước.
GFX 50R được hoàn thiện tốt với bộ khung ma-giê, ốp kim loại ở phần trên của máy chắc chắn. Hệ thống điều khiển của GFX 50R thiên về việc sử dụng tay phải khi toàn bộ các nút điều khiển đều hướng về bên phải máy. Mặt trước của máy còn giản lượt đến mức cần gạt chọn chế độ lấy nét của ống kính (lấy nét đơn / liên tục / chỉnh tay) vốn ở ngay bên cạnh nút nhấn mở ống kính ở đằng trước thì nay được dời về phía sau ngay phía trên màn hình. Phím điều khiển đa chiều tồn tại dưới dạng joystick, thay vì phím bấm 4 chiều giống các dòng máy thấp. GFX 50R không có LCD phụ như GFX 50S nhưng lại có vòng xoay chỉnh mức phơi sáng -/ EV, điều mà mình cảm thấy thiếu khi dùng qua GFX 50S. Trong khi trên phiên bản lớn hơn thì Fujifilm trang bị vòng xoay chỉnh ISO bên trái EVF, nếu là người dùng ISO tự động hơn 70% tình huống chụp hàng ngày thì thực sự nó không cần thiết phải làm riêng.
Có thể thấy, thiết kế của GFX 50R hướng đến đối tượng người dùng đòi hỏi chất lượng hình ảnh cao từ cảm biến medium format, trong khi vẫn muốn sở hữu thân máy ảnh nhỏ gọn. Với việc tích hợp sẵn EVF ở góc trái quen thuộc, GFX 50R đem đến cách ngắm - chụp khá chắc chắn khi bạn có thể áp sát máy vào mặt và ngắm kính điện tử chụp chắc chắn. Mình thấy rằng cách này vẫn ổn định hơn so với thiết kế EVF kéo dài ống ngắm của GFX 50S. Hai dòng máy này hướng đến hai đối tượng người dùng khác nhau, GFX 50S sẽ phù hợp để sử dụng trong studio hoặc chụp nhiều hình hơn với grip pin mở rộng, báng cầm tay lớn hơn.
Fujifilm Việt Nam công bố giá niêm yết cho dòng máy ảnh GFX 50R là 120 triệu đồng, giá ưu đãi tại đại lý vào khoảng 109 triệu đồng. Tuỳ nơi bán mà anh em sẽ nhận được những ưu đãi khác nhau. Hy vọng camera Tinh Tế sẽ đem đến cho anh em những trải nghiệm chi tiết hơn khi có được máy chính thức.
Hình ảnh So sánh GFX 50R với GFX 50S
Một vài khác biệt cơ bản của GFX 50R so với GFX 50S
Kính ngắm trên GFX 50R được tích hợp, GFX 50S có thể tháo rời. Độ phóng đại của GFX 50R có độ phóng đại 0.77X nhỏ hơn so với 0.85X của 50S.
Màn hình cảm ứng 3,2" 2,36 triệu điểm ảnh chỉ có 2 hướng xoay, so với 3 hướng của GFX 50S.
GFX 50R không có màn hình phụ
GFX 50R có Bluetooth để dễ dàng kết nối hơn với smartphone/tablet.
GFX 50R có thể thiết lập ảnh RAW thẻ nhớ 1, JPEG thẻ nhớ 2, có thể xoá được hình khi thiết lập như vậy, nhưng trong tương lai GFX 50S có thể được nâng cấp firmware với tính năng này.
GFX 50R dùng kết nối USB type-C 3.1 (gen1), thực ra giao thức USB 3.0 thì đều có tốc độ truy xuất nhanh.
GFX 50R chỉ có 1 cổng kết nối 2,5mm dành cho micro rời hoặc remote điều khiển bên ngoài.
GFX 50S có phụ kiện mở rộng dành riêng như đầu nối EVF chỉnh được độ nghiêng EVF-TL1, tay cầm dọc chứa pin VG-GFX1.
GFX 50R vẫn có thể dùng các ngàm chuyển, ống nối macro hay những phụ kiện có liên quan khác.
Theo Tinh Te
Máy ảnh Medium format Fujifilm GFX 50R sẽ có kiểu dáng như thế này? Những hình ảnh 'ước lượng' về thiết kế bên ngoài của chiếc máy ảnh Medium format sắp được ra mắt của Fujifilm đã được những Fuji-er truyền tay nhau. Fujifilm được cho là sẽ ra mắt một chiếc máy ảnh sử dụng cảm biến Medium format 'giá rẻ' mang tên GFX 50R, sẽ được giới thiệu chính thức vào ngày 25 tháng 9...