Trên 5 triệu người ở Tây và Trung Phi chịu ảnh hưởng do lũ lụt
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 3/10, các nhân viên nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết hơn 5 triệu người ở 16 quốc gia Tây và Trung Phi đã bị ảnh hưởng do lũ lụt trong năm nay.
Người dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Niamey, Niger, ngày 20/8/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), tại những khu vực này, lũ lụt đã lên đến mức thảm khốc, trong đó các nước như CH Chad, Niger và Nigeria nằm trong số những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất, chiếm hơn 80% số người bị ảnh hưởng.
Văn phòng này cho biết thêm hơn 1.000 người đã thiệt mạng và ít nhất 740.000 người đã phải di dời. Ngoài ra, hàng trăm nghìn ngôi nhà, hơn 100 trường học và hàng chục cơ sở y tế đã bị hư hại. Gần 500.000 mẫu đất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng.
OCHA nhấn mạnh nếu không hỗ trợ đầy đủ, lũ lụt sẽ cản trở việc mở cửa trở lại các trường học tại khu vực trên trong bối cảnh năm học mới sẽ bắt đầu trong tháng này và cũng có thể khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực hiện tại trầm trọng hơn, đặc biệt là ở CH Chad và Niger.
Văn phòng trên lưu ý rằng điều kiện sống bấp bênh của những người bị ảnh hưởng do lũ lụt cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua nước sinh hoạt, chẳng hạn như bệnh tả hiện đang lây lan ở nhiều khu vực của Niger và Nigeria. Các đối tác nhân đạo đã được huy động và đang hỗ trợ những khu vực trên ứng phó với lũ lụt, bao gồm hỗ trợ lương thực và y tế, tuy nhiên các nỗ lực này vẫn còn hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính.
Cũng theo OCHA, quyền Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) Joyce Msuya đã phân bổ 35 triệu USD từ Quỹ Ứng phó với tình trạng khẩn cấp trung ương của LHQ để cứu trợ lũ lụt ở CH Chad, Niger, Nigeria, CHDC Congo và CH Congo. Bên cạnh đó, bà Msuya cũng đã phân bổ 5 triệu USD từ quỹ này để mở rộng quy mô ứng phó với lũ lụt ở các bang Borno, Bauchi và Sokoto của Nigeria. Các quỹ mới trên sẽ giúp các đối tác nhân đạo tiếp cận và hỗ trợ thực phẩm, nước sạch, đồ vệ sinh cũng như nơi trú ẩn cho 280.000 người ở những bang trên, đồng thời giúp huy động nhanh chóng các nguồn lực để cải thiện khả năng tiếp cận của những bang này đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó có việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh tả và các bệnh khác lây truyền qua nước sinh hoạt.
IOM: Hơn 20 triệu người phải di dời ở vùng Sừng châu Phi
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 15/8, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết trong 7 tháng đầu năm 2024, khoảng 20,1 triệu người tại các quốc gia thuộc vùng Sừng châu Phi đã phải sơ tán trong nước.
Người dân tại trại tị nạn ở Dolow, Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan di cư của Liên hợp quốc (LHQ) nêu rõ con số này tăng so với mức 19,2 triệu người ghi nhận vào tháng 6 do số người phải sơ tán trong nước tăng tại Burundi, Ethiopia và Sudan.
Nhìn chung, Sudan là quốc gia có số người phải di dời nhiều nhất với 10,7 triệu người, kế tiếp là Somalia (3,5 triệu người), Ethiopia (3,3 triệu người) và Nam Sudan (2 triệu người). IOM lưu ý rằng có 10,2 triệu người mới buộc phải di dời ở Sudan, bao gồm 7,9 triệu người sơ tán trong nước và 2,1 triệu người sơ tán sang các nước láng giềng kể từ khi xung đột nổ ra tại quốc gia này vào tháng 4/2023.
Ngoài xung đột, các nguyên nhân khác gây ra tình trạng di dời là lũ lụt do mưa lớn và mất an ninh lương thực, đặc biệt là ở Ethiopia, Kenya và Somalia. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Cơ quan liên chính phủ về phát triển khu vực Đông Phi (IGAD), trong tháng 7 có khoảng 67 triệu người ở khu vực này thiếu lương thực. Trong số đó, 39 triệu người ở các quốc gia thành viên IGAD, bao gồm Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Tanzania, Sudan và Uganda. Trước đó, ngày 2/8, các cơ quan quốc tế đã ban hành cảnh báo rằng vùng Sừng châu Phi sẽ có lượng mưa dưới mức trung bình trong mùa mưa diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12 sắp tới. Điều này có nghĩa là số người phải di dời do mất an ninh lương thực sẽ còn tiếp tục tăng lên.
IOM cũng lưu ý rằng khu vực Sừng lớn của châu Phi có khoảng 5,4 triệu người tị nạn và người xin tị nạn. Hiện tại, Uganda là nơi tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất với 1,7 triệu người, tiếp theo là Ethiopia với 1 triệu người và Kenya với 906.000 người.
Mưa lũ hoành hành gây nhiều thiệt hại tại Trung Quốc, Niger Mưa lớn kéo dài đã khiến 9 người thiệt mạng tại hai địa phương thuộc tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc ngày 19/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN Theo chính quyền địa phương, tính đến chiều 20/6, mưa lớn đã khiến 5...