Trên 45.000 người di cư trái phép qua eo biển Manche vào Anh trong năm 2022
Theo số liệu được Chính phủ Anh công bố ngày 1/1, đã có 45.756 người di cư trái phép từ châu Âu lục địa qua eo biển Manche bằng tàu thuyền cỡ nhỏ để tới đảo quốc này trong năm 2022, tăng mạnh so với con số 28.526 trường hợp ghi nhận trong năm trước đó.
Lực lượng cứu hộ Anh (phía trước) chặn tàu chở người di cư từ Pháp băng qua eo biển Manche. Ảnh tư liêu: AFP/TTXVN
Vấn đề này đã trở thành thách thức to lớn với chính phủ do đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh, khi chính đảng này từng cam kết siết chặt luồng người nhập cư bất hợp pháp và bắt giữ các băng đảng buôn người.
Tháng 12 vừa qua cũng ghi nhận vụ 4 người di cư trái phép thiệt mạng khi thuyền của họ bị lật trong nước biển băng giá, trong khi 43 người khác may mắn được 1 tàu cá cứu thoát.
Năm 2022 cũng ghi nhận ngày có số người di cư trái phép qua eo biển Manche cao nhất trong lịch sử, ngày 22/8 với 1.295 lượt người.
Số lượng người vượt biên trái phép biến động theo từng năm, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và các hoạt động bảo vệ bờ biển của lực lượng chức năng dọc theo bờ biển miền Bắc nước Pháp. Trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng người tìm cách nhập cư bất hợp pháp, Anh đã gửi cho Pháp hàng chục triệu euro mỗi năm để nước này hỗ trợ ngăn chặn, bao gồm cả việc tăng cường tuần tra bãi biển và bổ sung các thiết bị giám sát.
LHQ kêu gọi bảo vệ và tôn trọng người di cư
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Người di cư vào ngày 18/12 hằng năm, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi bảo vệ và tôn trọng người di cư, nhấn mạnh họ là động lực mạnh mẽ của "tăng trưởng kinh tế, sự năng động và sự hiểu biết".
Người di cư tới bờ biển tại Dungeness, Anh, sau khi được giải cứu khi vượt eo biển Manche, ngày 15/3/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo Tổng Thư ký Guterres, hơn 80% những người di cư theo cách an toàn và có trật tự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sự năng động và sự hiểu biết. Tuy nhiên, hoạt động di cư lộn xộn và mất trật tự theo các tuyến đường nguy hiểm mà những kẻ buôn người lợi dụng đang tiếp tục gây ra những hệ lụy lớn. Trong 8 năm qua đã có ít nhất 51.000 người di cư trên toàn cầu thiệt mạng và hàng nghìn người khác mất tích.
Trước thực trạng này, thông điệp của Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh người di cư phải được tôn trọng mà không bị phân biệt đối xử, bất kể họ bị ép buộc di cư, di cư tự nguyện hay được cấp phép chính thức. Ông kêu gọi các nước trên thế giới nỗ lực để bảo vệ tính mạng, cuộc sống của người di cư, xem đây là nghĩa vụ đạo đức và pháp lý.
Người đứng đầu LHQ cũng hối thúc các nước triển khai những nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn, chăm sóc y tế, mở rộng và đa dạng hóa các lộ trình di cư dựa trên quyền lợi, cũng như tăng cường đầu tư quốc tế vào các quốc gia nơi người dân rời đi để đảm bảo di cư "là một sự lựa chọn, không phải là do hoàn cảnh bắt buộc".
Năm 2000, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết chọn ngày 18/12 là Ngày Quốc tế Người di cư, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến sự tôn trọng, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư.
Hình thành môi trường di cư 'có lợi cho tất cả' Tình trạng di cư trái phép, không kiểm soát sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, mà "cái giá đắt nhất" chính là mạng sống. Người di cư vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh, ngày 15/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN Chỉ trong 1 tháng trở lại đây, lực lượng chức năng châu Âu đã triển khai nhiều chiến dịch cứu hộ người...