Trên 30% học sinh THCS không tiếp tục học lên THPT
Kỳ thi tuyển sinh hoặc xét tuyển sinh lớp 10 THPT trên toàn quốc đang diễn ra. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy hàng năm, có khoảng trên 30% học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học lên THPT sau một thời gian dài bị “tắc”. Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT về công tác phân luồng sau THCS hiện nay.
Thi tuyen sinh lớp 10
Thưa ông, thời gian qua, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở giáo dục phổ thông vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?
Những năm qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Đến nay công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đã đạt kết quả bước đầu, số học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học lên THPT hiện chiếm trên 30%. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh sau THCS đi học nghề còn thấp; kết quả công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở giáo dục phổ thông vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên. Nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh còn cảm tính hoặc theo sự áp đặt của gia đình, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật.
Nội dung, phương thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường còn chậm được đổi mới. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới nhưng chưa tạo ra sức hút mạnh đối với học sinh, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và khuyến khích học sinh tham gia học nghề.
Thực tế hàng năm trung bình có nhiều học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không tiếp tục học lên cao hơn hoặc không học nghề mà bước ngay vào thị trường lao động. Ông suy nghĩ gì về việc này?
Đúng là hằng năm có nhiều học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học ở các cơ sở giáo dục mà tham gia ngay vào thị trường lao động.
Video đang HOT
Tuy số học sinh này không đi học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để lấy văn bằng, chứng chỉ, nhưng khi tham gia thị trường lao động nhiều người vẫn có thể học nghề qua nhiều hình thức khác nhau như truyền nghề (đối với các nghề truyền thống, nghề thuộc lĩnh vực lao động giản đơn…), đào tạo tại sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… nên vẫn có đủ năng lực đáp ứng công việc được giao.
Trong bối cảnh nhà nước đang đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc đào tạo nghề bằng các hình thức khác nhau là phù hợp và cần thiết.
Thời gian tới, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh được đỏi mới như thế nào, thưa ông? Đối với ngành GD&ĐT, theo ông giải pháp nào cần được coi là quan trọng nhất?
Ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025 (Đề án).
Các nhiệm vụ và giải pháp đang được triển khai thực hiện như nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông…
Các giải pháp đưa ra đều rất quan trọng, hỗ trợ lẫn nhau trong việc đảm bảo thực hiện mục tiêu tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Với ngành GDĐT, giải pháp quan trọng nhất là đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia để việc giáo dục hướng nghiệp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện khác nhau của mỗi vùng, miền.
Đây cũng là nội dung được đặt ra rốt ráo hơn ở nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT đối với các nhà trường phổ thông trong việc tăng tính tự chủ xây dựng kế hoạch dạy học, thí điểm triển khai các mô hình gắn dạy học với thực tiễn, với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại địa phương, các hoạt động trải nghiệm trên cơ sở tận dụng các nguồn lực hỗ trợ cho giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.
Trong chương trình phổ thông mới, công tác giáo dục hướng nghiệp sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh được đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, cấp tiểu học, giáo dục hướng nghiệp được tích hợp vào nội dung giáo dục của một số môn học, hoạt động giáo dục như Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tiếng Việt, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm. Ở THCS, giáo dục hướng nghiệp tiếp tục được tích hợp vào các môn học, đồng thời được biên soạn thành một số chủ đề ở các môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm.
Ở THPT, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Nội dung giáo dục hướng nghiệp cũng phản ánh xu hướng dịch chuyển ngành nghề trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chương trình giáo dục phổ thông mới gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghềnghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở.
Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Như vậy, học sinh tốt nghiệp THCS không học lên THPT mà đi học nghề hoàn toàn có đủ kiến thức, kĩ năng tham gia vào thị trường lao động.
Xin cảm ơn ông!
NGHIÊM HUÊ
Theo tienphong
Nhiều trường CĐ mở rộng đối tượng xét tuyển là học sinh tốt nghiệp lớp 9
Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa ban hành thông tư nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ. Theo đó, đối tượng tuyển sinh của trình độ CĐ bổ sung thêm là người tốt nghiệp THCS.
Ở thông tư 05 (cũ), đối tượng tuyển sinh của trình độ CĐ là học sinh đã tốt nghiệp THPT và tương đương trở lên. Nhưng tại thông tư mới (Thông tư 07) của Bộ LĐ-TB-XH, đã bổ sung thêm đối tượng là người tốt nghiệp THCS, với điều kiện trong quá trình học phải hoàn thiện chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Học sinh THCS ở TP.HCM tìm hiểu thông tin về tuyển sinh và hướng nghiệp (ảnh: Văn Mạnh)
Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định về các hình thức đăng ký dự tuyển dành cho thí sinh muốn học CĐ, trung cấp, gồm đăng ký trực tiếp vào phiếu đăng ký dự tuyển nộp trực tiếp tại trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc Sở LĐ-TB-XH.
Theo đại diện một trường CĐ ở TPHCM, với quy định mới này tạo thuận lợi hơn cho các trường CĐ và trung cấp. "Cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được học để lấy bằng CĐ là một điểm mới giúp cho công tác phân luồng hiệu quả hơn và các trường được mở rộng đối tượng tuyển sinh để tuyển tốt hơn", vị này cho biết.
Ngay sau khi thông tư sửa đổi quy định về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ này ra đời, nhiều trường CĐ ở TPHCM đã lập tức bổ sung đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS trong kế hoạch tuyển sinh năm nay.
Ths Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết "Năm nay trường sẽ dành 160 chỉ tiêu cho đối tượng tuyển sinh này. Các em có thể lựa chọn học 2 chương trình: lấy bằng trung cấp, hoặc lấy bằng CĐ. Nếu lấy bằng CĐ, các em sẽ phải hoàn thành các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT, tốt nghiệp bậc trung cấp, sau đó học thêm 1 năm sẽ được cấp bằng CĐ".
Theo ông Đông, để giúp học sinh đáp ứng điều kiện "phải hoàn thiện chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT" như quy định thì trường đang ký kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Phú để dạy các môn văn hóa ngay tại trường với thời lượng 1.020 tiết.
Nhiều trường CĐ khác cũng đã bổ sung đối tượng tốt nghiệp THCS vào đề án tuyển sinh của mình. Trường CĐ Quốc tế TP.HCM dành 300 chỉ tiêu để tuyển đối tượng này cho 8 ngành nghề. Các trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn (600 chỉ tiêu), CĐ Xây dựng TP.HCM... cũng bắt đầu tuyển sinh trong năm nay.
Trong khi đó, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng đã từng thí điểm từ năm 2017. Học sinh sẽ học liên tục 4 - 5 năm từ sau lớp 9 mà không cần phải học và chờ liên thông như trước. Với thời gian đào tạo chia làm 2 giai đoạn. Sau khi học chương trình 9 3 để được cấp bằng trung cấp, học sinh sẽ học chuyển tiếp 1 năm lên trình độ CĐ.
Mặc dù có thuận lợi để tuyển thêm người học, nhưng nhiều trường cũng có phần lo lắng sẽ khó khăn khi đào tạo học sinh vì ở độ tuổi này còn khá nhỏ. "Bản thân các trường cũng phải có chất lượng đào tạo tốt mới kham nổi đối tượng người học này. Đòi hỏi các trường phải có phương pháp tổ chức tốt để tránh tình trạng học sinh bỏ học nhiều", vị đại diện một trường CĐ đào tạo về kinh tế ở TP.HCM chia sẻ.
Lan Phương
Theo Dân trí
Đắk Lắk: Mái che bể bơi cho học sinh bị đổ sập dù mới được khắc phục Trong trận mưa đầu mùa, một mái che bể bơi dành cho học sinh THCS đã bị đổ sập. Ngay sau đó Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã kiểm tra, gia cố lại toàn bộ các hệ thống này của trường khác nhưng tiếp tục lại xảy ra sự cố. Sáng 11/5, ông Biện Văn Minh - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch,...