Trẻ vừa học múa vừa… khóc ngất
“Không vào này! Không vào này! Vào học ngay không?”, sau mỗi tiếng quát, người phụ nữ lại đưa tay nhứ và đánh vào đầu cậu bé tầm 5 – 6 tuổi. Khi có người vào can ngăn, chị ta kéo cậu bé ra phía sau tiếp tục la mắng, ép vào lớp học múa.
Ép con học năng khiếu
Sự việc diễn ra vào một buổi sáng tại Nhà Thiếu nhi Q.1, TPHCM. Cháu bé vừa bị đẩy vào lớp học múa đã bật khóc tức tưởi, phản ứng lại bằng việc lao ra khỏi phòng tập. Người phụ nữ chạy theo, túm đứa bé đẩy vào trong lớp, cháu lại vùng vằng chạy ra phía ngoài cổng. Giữ được cháu bé, người phụ nữ này: “Không vào này! Không vào này! Vào học ngay không?” đi kèm đó là những đánh vào mông, nhứ và đánh vào đầu đứa trẻ.
Người nhiều có mặt ở đó vây lại hỏi han, biết được sự tình cháu bé không chịu học múa, hôm nào đến lớp cũng khóc, hôm nay quyết không chịu vào lớp. Khi có người hỏi thăm, sao không để cháu học thứ khác cháu thích hơn, chị ta đáp: “Trong năm học cháu đã học võ nhưng chỉ để phát triển thể lực. Hè này nhất quyết phải học múa, học nhảy”. Thấy có người can ngăn, người phụ nữ kéo con vào trong, vẫn tiếp tục la mắng ép đứa trẻ vào học múa.
Nhiều trẻ phải học năng khiếu vì sở thích, mong muốn của bố mẹ (Ảnh minh họa)
Có thể không phản ứng dữ dội khi bị ép học đến mức như cậu bé trên nhưng đến các lớp học năng khiếu ở các trung tâm, nhà thiếu nhi, không khó để thấy tình cảnh bố mẹ phải năn nỉ, dỗ ngon dỗ ngọt đến dọa nạt, ép buộc con vào lớp học. Nhất là dịp hè, số lượng trẻ đi học năng khiếu rất đông nhưng không phải em nào cũng được học môn theo đúng sở trường, sở thích của mình.
Thế nên lớp học năng khiếu diễn ra nhiều tình huống như bên cạnh những trẻ thích thú, háo hức thì không ít em vừa học vừa khóc, chẳng để ý gì hay trốn vào một góc để… ngủ. Không phải bé nào cũng có và dám phản ứng việc không thích của mình như cậu bé bị ép học múa kể trên.
Đón con gái 10 tuổi tại lớp học vẽ ở Q.3, chị Trần Thanh Hảo cho biết, con mình đã học được 6 buổi và buổi nào học xong cũng kêu chán. Nhưng vợ chồng chị đều làm trong ngành xây dựng, muốn hướng con vào ngành thiết kế nên đã cho con học vẽ từ nhỏ.
“Càng lớn nó càng tỏ ra không thích vẽ vời mà lại thích đàn nhạc nên ông xã nhà tôi càng ép cháu học phải học. Vợ chồng tôi thấy cháu rất có khả năng về thiết kế nên có thể bây giờ cháu chê vậy chứ sau này sẽ tốt cho nó”, chị Hảo khẳng định. Mặc dù, nghe nhiều người khuyên để con được chọn môn năng khiếu mình thích nhưng vợ chồng chị sợ con học đàn đóm sau sẽ mơ mộng như nghệ sĩ nên cấm triệt để.
Cần lắng nghe ý kiến của con
Video đang HOT
Dịp hè, nhiều trẻ em ở thành phố được bố mẹ cho tham gia học năng khiếu. Đây có thể là sân chơi lành mạnh, đồng thời giúp trẻ phát triển khả năng nếu như không có chuyện phụ huynh dùng mong muốn, ý thích của mình để áp đặt lên con.
Giáo viên dạy âm nhạc tại một Nhà Thiếu nhi ở TPHCM cho biết, nhiều trẻ chấp nhận ngồi trong lớp năng khiếu chỉ vì…sợ bố mẹ. Các em không có khả năng, đam mê về môn học, giáo viên sẽ nhận ra ngay.
Phụ huynh nghe tư vấn chọn môn năng khiếu cho con tại Nhà Thiếu nhi TPHCM.
Tuy nhiên, khi nghe trao đổi, không phải phụ huynh nào cũng chấp nhận vì họ đã đặt mục tiêu, kỳ vọng trong tương lai của trẻ liên quan đến môn năng khiếu đó hoặc đơn giản họ ghét các môn khác, cho rằng chúng không tốt, không hay.
“Con chán học, không tiến bộ, có phụ huynh quay sang đổ lỗi cho người dạy. Có nhiều người ép con học nhạc tôi không nhận vì tội nghiệp đứa bé vô cùng. Mình khuyên bố mẹ cho cháu học môn khác thì họ bỏ về, bảo nơi này không dạy thì đi tìm nơi khác”, giáo viên này kể.
Ông Nguyễn Thành Nhân (giảng viên, cố vấn giáo dục Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á – Thái Bình Dương) cho hay, đối với các môn năng khiếu như đàn, vẽ, hát…nếu đứa bé tự nguyện chọn theo đam mê của mình sẽ rất tốt cho sự phát triển các kỹ năng như tập trung, nghe, nhìn, quan sát.
Trẻ chỉ phát triển được các khả năng, kỹ năng khi được học môn năng khiếu đúng sở thích, sở trường.
Còn phụ huynh ép con theo học môn nghệ thuật mà không lắng nghe ý kiến, sở thích của con có thể dẫn đến những kết quả không hay, ngược với mục đích tốt ban đầu. Trẻ bị ép học thì giáo viên giảng dạy giỏi đến cỡ nào, các em cũng chỉ có thể phát huy được rất ít các khả năng, kỹ năng cần thiết. Không những thế, trẻ dễ chểnh mảng và học không tốt, tâm lý trẻ cũng bị ức chế tạo ra sự sợ hãi có thể dẫn đến giảm ý chí trong học tập và không còn tự tin trong cuộc sống.
“Không gì đáng sợ hơn phải học những thứ mình không thích. Phụ huynh cần lắng nghe sở thích và ý kiến của con. Nếu trẻ không lựa chọn được, cha mẹ nên ngồi lại cùng con, giúp con hình dung ra các môn nghệ thuật để chọn được môn phù hợp và hiệu quả nhất”, ông Nhân nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc nhiều phụ huynh không lường được việc ép con học năng khiếu theo ý mình có thể làm trẻ mất cơ hội phát triển theo khả năng thật sự. Nhất là khi đứa trẻ có đam mê, khả năng khác nhưng điều đó bị “bóp nghẹt” khi phải đầu tư cho môn không yêu thích.
Hoài Nam
Theo dân trí
Cho con học kỹ năng hè theo kiểu... ăn may
Từ những kỹ năng cơ bản đến đủ loại các kỹ năng mang tính "tầm cỡ" ào ạt đổ bộ trong dịp hè làm người học không khỏi "chóng mặt". Nhiều phụ huynh kỳ vọng các khóa học sẽ làm thay đổi con mình dù chọn học theo kiểu... ăn may.
Nở rộ kỹ năng hè
Tại địa bàn TPHCM có thể điểm danh hàng loạt các chương trình hè, kỹ năng sống dành cho học sinh do nhiều đơn vị tổ chức như ở các trường học, nhà thiếu nhi, các đoàn thể cho đến trung tâm, công ty tư nhân...
Từ các kỹ năng cơ bản rèn khả năng tập trung, học ngoại ngữ, chăm sóc bản thân, ứng phó các tình huống trong cuộc sống, khơi gợi đam mê sáng tạo, tình yêu thương cho đến các kỹ năng "tầm cỡ" như trở thành người lãnh đạo, nhà hùng biện, trui rèn bản thân... Tất cả được nhà tổ chức tận dụng, đánh vào "cơn khát" kỹ năng sống cho con hiện nay của phụ huynh (PH) khi mà trẻ đang quá thiếu các kỹ năng. Không chỉ các chương trình dài hạn, nhiều khó học kỹ năng ngắn hạn chỉ trong vài buổi học cũng nở rộ, đáp ứng nhu cầu giúp PH có thể cho con học nhiều khóa cùng lúc mà không lo "bí" thời gian.
HS tham gia khóa "Trui rèn trong lửa đỏ" do Công ty đào tạo Tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương tổ chức.
Các trường quốc tế cũng không đứng ngoài cuộc, không chỉ dành cho HS của trường mà còn mở cửa tiếp nhận HS bên ngoài. Mỗi trường tổ chức một kiểu nhưng về cơn bản "đánh" vào hướng "học mà chơi", vừa giúp các em hình thành các kỹ năng thông qua các hoạt động, đồng thời không quên trau dồi các kiến thức văn hóa để PH bớt được nỗi lo con bỏ bê việc học.
Nhưng rầm rộ nhất trong hè là những chương trình kỹ năng sống do các đoàn thể, trung tâm, công ty tổ chức. Với lực lượng tổ chức hùng hậu, hầu hết mỗi trung tâm đều có đến hàng chục các khóa học theo độ tuổi, chủ đề, cấp độ để PH muốn con học kiểu nào cũng... đáp ứng được ngay. Có thể kể đến nhiều khóa học, rèn luyện kỹ năng như học kỳ quân đội, thực hành xã hội thu hút được đông đảo học viên như Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, Công ty đào tạo Tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương kết hợp cùng Nhà văn hóa Sinh viên, chương trình "Nhịp bước hành quân" của Tổng đội TNXP Trường Sơn...
Học theo kiểu... hên xui
Không thể phủ nhận, các lớp học rèn luyện kỹ năng sống được nhiều nơi tổ chức tạo cơ hội để PH có thêm nhiều lựa chọn cho con, trẻ có thêm nhiều sân chơi bổ ích, thú vị trong ngày hè. Tuy nhiên, sự "nở rộ" đó cũng gây khó khăn cho PH khi chọn các khóa học phù hợp, nhất là khi nhiều ông bố bà mẹ đặng nhiều "kỳ vọng" vào những chương trình này.
Chị Nguyễn Thị Hiên, nhà ở Bình Tân cho hay tại trường quốc tế con mình đang theo học có tổ chức kỹ năng hè, chị bấm bụng cho con theo để gắn liền với hoạt động dạy học của nhà trường. Nhưng chưa yên tâm, chị lại tìm thêm chương trình ngoài cho con học. Khi tìm hiểu, chị thấy quá nhiều chương trình, nội dung, nơi nào cũng giới thiệu là tốt nhất, hay nhất mà chẳng biết thế nào nên đành... chọn tạm một nơi gần nhà cho tiện đưa đón con.
Các kỹ năng trong "học kỳ" của trẻ cần được ôn tập và duy trì sau khi trở về cuộc đời thường. Trong ảnh: Học viên tham gia chương trình Nhịp bước hành quân của Tổng Đội TNXP Trường Sơn.
Chị còn chọn khóa học đắt tiền cho con về nội dung luyện bản thân với hy vọng "tiền nào của nấy" dù chưa biết chất lượng ra sao, có thích hợp với con mình hay không. "Đi học kiểu hên xui vậy thôi chứ nhiều nơi tổ chức thế này, mình sao biết hiệu quả đến đâu. Nhưng hy vọng là con mình gặp may", chị Hiên nói.
Tuy không biết được chất lượng các khóa học, con mình được trang bị gì sau khóa học nhưng trong cơn khát kỹ năng sống như hiện nay, nhiều PH vẫn đặt rất nhiều kỳ vọng con mình có những thay đổi "đột phá" sau các khóa học.
Ở góc độ tâm lý, chuyên gia Võ Thị Minh Huệ cho rằng, việc chú trọng cho con đến các khóa học bổ ích, tăng cường kỹ năng sống là cần thiết. Tuy nhiên, PH đừng quá tham vọng đến những điều quá to tát mà hãy ưu tiên đến các kỹ năng cụ thể, gắn liền, thiết thực với cuộc sống của trẻ, phù hợp theo độ tuổi cũng như khả năng của mỗi em.
Khi chọn khóa học cho con, PH cần nắm rõ mục đích, nội dung khóa học cách truyền đạt như thế nào, người đứng lớp có đúng chuyên môn, nắm vững được đặc điểm tâm lý lứa tuổi hay không. Những giá trị con mình có thể đạt được sau khóa học. Tránh việc chạy theo phong trào, việc học hô hào, thấy mọi người đổ xô đi học, cũng cho con học theo mà không nắm rõ liệu có thích hợp và hữu ích với trẻ hay không.
TS Đinh Phương Duy (Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ TPHCM) đánh giá khi tham gia vào các chương trình kỹ năng sống, tương tự như Học kỳ quân đội, trẻ thường có những thay đổi rất ấn tượng, dễ thương. Nhưng nếu chỉ dừng lại trong thời gian rèn giũa mà không được "ôn tập" hay duy trì trạng thái "sống trong học kỳ" thì thói quen tốt chưa kịp định hình đã bị mai một và bay biến khi các em trở lại nhịp điệu cuộc sống "ngoài học kỳ". Vì thế, sau các khóa học các em cần được duy trì những thay đổi tích cực của mình trong môi trường gia đình và nhà trường, nơi các em gắn bó nhiều nhất để duy trì thói quen đó.
Hoài Nam
Theo dân trí
"Ép" trẻ học ngày hè Mới đầu mùa hè nhưng không ít học sinh lại tiếp tục "cày" bài vở khi bố mẹ dẫn đến đủ các lớp chiêu sinh kiến thức ngày hè. Phụ huynh có muôn vàn lý do "ép" trẻ học hè mà quên mất rằng mình đang lấy đi tuổi thơ của con. Học kỳ... thứ 3 Tính từ ngày tổng kết năm học...