Trẻ trải nghiệm cùng những chú gấu
Trải dài trên diện tích 12ha, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam không chỉ hồi sinh sự sống cho các chú gấu, mà còn là môi trường giáo dục bổ ích cho học sinh.
Những tiếng ồ à, câu hỏi ngây ngô hay bức tranh ngộ nghĩnh về gấu của trẻ sau một ngày trải nghiệm tại Trung tâm là động lực để những người làm việc ở đây đưa gấu đến gần cộng đồng hơn nữa.
Gấu được nuôi dưỡng trong môi trường bán tự nhiên.
Ngôi nhà mới cho động vật hoang dã
Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (VBRC) do Tổ chức Động vật châu Á tài trợ và vận hành nằm trong thung lũng Chắt Dậu (thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo). Sau nhiều năm hoạt động, Trung tâm Cứu hộ Gấu đầu tiên tại Việt Nam đang nuôi dưỡng khoảng 200 cá thể gấu. Chúng được phục hồi sức khỏe và sống trong khu bán tự nhiên.
Những cá thể gấu được đưa về Trung tâm sẽ nhận được sự chăm sóc về y tế, bắt đầu bằng việc khám sức khỏe để đánh giá mức độ thương tổn. Một số cá thể gấu sẽ được cắt bỏ túi mật nếu có các vết thương quá nặng, cũng như điều trị các bệnh khác. Gấu mới cứu hộ được cách ly 45 ngày để các cán bộ thú y và chuyên gia theo dõi tình trạng sức khỏe, tránh lây nhiễm bệnh và làm quen dần với môi trường mới. Chúng được cung cấp thức ăn ngon, nước sạch, cành cây, cũng như các đồ ăn được giấu trong các ống tre hoặc cao su giúp làm đa dạng môi trường sống để gấu không bị buồn chán.
Ngoài cứu hộ gấu bị nuôi nhốt, Trung tâm còn tiếp nhận gấu con do lực lượng chức năng tịch thu từ các vụ săn bắt trái phép và buôn lậu. Trong số đó không ít gấu con bị tách khỏi mẹ trước khi được cai sữa hoàn toàn. Bên cạnh đó còn có các cá thể gấu chó, thường bị nhốt riêng làm gấu cảnh ở các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và đôi khi cũng bị lấy mật.
Khi các bác sĩ thú y nhận thấy tình trạng sức khỏe dần ổn định, quá trình hòa nhập, ghép nhóm của gấu được tiến hành. Gấu được đưa vào các buồng chăm sóc và tạo không gian tiếp xúc với các cá thể gấu khác trong những điều kiện hạn chế nhất định. Gấu thân thiện và giữ được bình tĩnh tốt sẽ được ghép nhóm. Cuối cùng, gấu sẽ được chuyển ra sống ở các khu bán tự nhiên rộng gần 3.000 m2 với cỏ xanh, hồ bơi, khung gỗ và thức ăn đa dạng.
Tạo giá trị giáo dục cộng đồng
Video đang HOT
Trong khuôn khổ chương trình giáo dục cộng đồng, Trung tâm đã xây dựng các buổi thuyết trình và hội thảo về bảo tồn và nhu cầu quyền lợi của gấu, cũng như quyền lợi động vật nói chung và vấn đề môi trường cho các bạn trẻ tại các trường học và trường đại học.
ThS Phan Thuỳ Trinh – Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cho biết: “Mỗi năm, có khoảng hơn 50 trường học đến thăm gấu tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam và tour du lịch giáo dục này hoàn toàn miễn phí. Học sinh chủ yếu là các em nhỏ từ tiểu học trở lên”.
Theo ThS Phan Thuỳ Trinh, khi tới đây, ngoài việc ngắm nhìn gấu ở những khu bán tự nhiên, các em nhỏ còn được tìm hiểu về cách chăm sóc, thậm chí tự tay chuẩn bị một số đồ ăn cho gấu. “Trung tâm mong muốn, thông qua những chuyến thăm, trẻ em học được cách có trách nhiệm với động vật, với vật nuôi trong nhà một cách trực quan, sinh động và bồi đắp tình yêu với thiên nhiên, với động vật một cách tự nhiên”, ThS Trinh chia sẻ.
Sau khi cùng học sinh tham quan Trung tâm Cứu hộ Gấu, cô Phạm Thị Kim Huế – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn ca chia sẻ: “Mỗi bài học, mỗi trải nghiệm đều cho các con một vốn kiến thức nhất định, một kinh nghiệm sống. Chuyến đi trải nghiệm lần này các con được nhìn thấy những chú gấu thật đáng yêu. Một loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ, chăm sóc, yêu thương từ bữa ăn cho đến giấc ngủ. Mặc dù là động vật hoang dã nhưng các hoạt động sinh hoạt của gấu cũng rất khoa học”.
Do là tour giáo dục miễn phí nên các đoàn có nhu cầu tham quan chỉ cần đăng kí và xác nhận với Trung tâm trước khi đến. Ngoài ra, hiện Tổ chức Động vật châu Á cũng cử cán bộ giáo dục tới các trường học, diễn thuyết và lên những mô hình vừa chơi vừa tìm hiểu loài gấu tới các em học sinh tiểu học. Tổ chức hiện đã kết nối với hơn 20 điểm trường trải dài nhiều tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ, xây dựng 8 vườn thảo dược thay thế mật gấu tại 8 điểm trường tiểu học tại Phụng Thượng (Hà Nội), Nghệ An, và Vĩnh Phúc.
Xuân Phú
Theo GDTĐ
Thanh niên tình nguyện Hè: Hành trình trải nghiệm, cống hiến
Trong thời gian tới, các chiến dịch tình nguyện Hè sẽ được Trung ương Đoàn và các địa phương thực hiện với nhiều đổi mới, đặt lên vai các chiến sỹ tình nguyện những trọng trách lớn.
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)
Chiều 17/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "20 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè - Hành trình trải nghiệm-cống hiến-trưởng thành của tuổi trẻ Việt Nam."
Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong khẳng định sự trưởng thành của đoàn viên, thanh niên trong các chiến dịch Hè là điều nhận thấy rõ nét, trong trải nghiệm có sự học hỏi và trưởng thành.
Trong thời gian tới, các chiến dịch tình nguyện Hè sẽ được Trung ương Đoàn và các địa phương thực hiện với nhiều đổi mới, đặt lên vai các chiến sỹ tình nguyện những trọng trách lớn, nhất là trong việc hỗ trợ người dân ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với sự đổi mới, thu hút sự tham gia của nhiều đoàn viên, thanh niên cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, địa phương, các chiến dịch tình nguyện Hè sẽ đạt hiệu quả cao và bền vững hơn.
Chia sẻ về quá trình phát triển của các chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, cho biết chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè được Trung ương Đoàn phát động từ năm 2000 với tên gọi "Mùa Hè học sinh, sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng."
Qua 20 năm triển khai, chiến dịch đã thu hút gần 70 triệu lượt thanh niên tham gia và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn xã hội, có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Từ chỗ chỉ có sinh viên tham gia, các chiến dịch tình nguyện Hè đã phát triển thành nhiều lực lượng như giáo viên, giảng viên, công nhân, viên chức, du học sinh, sinh viên quốc tế.
Các chiến dịch tình nguyện Hè, công trình thanh niên đã trở thành hình ảnh đẹp và nhận được sự quan tâm của xã hội, sự tham gia thực hiện của đông đảo thanh niên, trở thành động lực trong hoạt động của nhiều đối tượng thanh niên và xã hội.
Anh Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ khởi nguồn từ chiến dịch xóa mù chữ "Ánh sáng văn hóa hè" ra đời vào năm 1994 của sinh viên, đến nay, chiến dịch tình nguyện Hè đã phát triển với nhiều hình thức như "Mùa Hè xanh"; "Tiếp sức mùa thi" của sinh viên (ra đời vào năm 1997); chiến dịch tình nguyện "Hoa phượng đỏ" của học sinh trung học phổ thông (ra đời vào năm 1999); chiến dịch tình nguyện "Kỳ nghỉ hồng" của thanh niên công nhân (ra đời vào năm 2002) và chiến dịch tình nguyện "Hành quân xanh" của thanh niên lực lượng vũ trang (ra đời vào năm 2007).
Từ những mặt trận đầu tiên là các huyện ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay các chiến dịch tình nguyện Hè đã phát triển rộng khắp 24 quận, huyện của thành phố, các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia và đặc biệt, trong những năm gần đây chiến dịch Hè đang được đẩy mạnh tại các vùng đảo thân yêu của Tổ quốc như Lý Sơn, Phú Quý, Thổ Chu...
Trong khi đó, theo đại diện Thành Đoàn Hà Nội, để chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè phát triển đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, tình nguyện viên tham gia cần xác định đúng đắn động cơ, mục đích của hoạt động tình nguyện Hè, coi đây là học kỳ phụ trong trải nghiệm thực tiễn, ứng dụng kỹ năng, kiến thức chuyên môn bổ ích để tham gia đóng góp công sức vào phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương, địa bàn hoạt động.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)
Đồng thời, các tình nguyện viên cần chủ động chuẩn bị hành trang là sức khỏe, kiến thức chuyên môn, kỹ năng cá nhân, tích cực tham gia các hoạt động gây quỹ, vận động các nguồn lực tài trợ cho hoạt động tình nguyện hè, chú trọng hướng đến các nguồn lực phù hợp với nội dung, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu tình nguyện tại địa bàn hoạt động.
Nhấn mạnh vai trò của tổ chức đoàn thanh niên trong chiến dịch tình nguyện Hè đối với hoạt động an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nêu rõ những năm qua, trong các chiến dịch tình nguyện Hè, các đoàn viên, thanh niên đã tham gia nhiều hoạt động xây dựng cầu, đường nông thôn, lắp đặt biển báo, điều tiết giao thông...
Để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong hoạt động an toàn giao thông tại các chiến dịch tình nguyện Hè, các cấp Đoàn cần hình thành mô hình xã, phường an toàn giao thông ở các địa phương, lôi cuốn sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn giao thông ở địa phương, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh, thành phố.
Bạn Chanthalath Phennapha, sinh viên Lào, đang theo học năm thứ nhất Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và đã từng hỗ trợ đội hình mùa Hè xanh của Việt Nam tham gia các hoạt động thanh niên tình nguyện Hè tại Lào.
Khi học tập tại Việt Nam, bạn đã tham gia dạy học cho trẻ em nghèo trong chiến dịch "Mùa Hè xanh" do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Chanthalath Phennapha cho biết: "Các hoạt động tình nguyện đã giúp tôi tìm hiểu cuộc sống của người dân các địa phương ở Việt Nam, có mối quan hệ thân thiết với nhiều sinh viên Việt, đồng thời các hoạt động này cũng giúp tôi rèn luyện được nhiều kỹ năng trong học tập cũng như cuộc sống"./.
Nguyễn Xuân Dự
Theo TTXVN/Vietnamplus
Những dấu chân tình nguyện Một mùa hè nữa sắp đi qua, năm học đến gần, chiến dịch "Mùa hè tình nguyện" khép lại với biết bao phần việc ý nghĩa, thể hiện khát vọng được cống hiến, góp sức trẻ của chiến sĩ tình nguyện. Tất cả như vẫn còn hiện hữu đâu đó khuôn mặt vui tươi, nụ cười rạng rỡ niềm hạnh phúc và còn...